Brand Updates W44/2022: Tình hình kinh doanh quý III của Vingroup, FPT, Masan
Nhìn chung, đa số “ông lớn” tại Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm tích cực, hoàn thành hơn 70% kế hoạch năm.
Vingroup: Doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 60,4 nghìn tỷ đồng
Tập đoàn Vingroup công bố tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng doanh thu thuần 60,4 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.739 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 1.571 tỷ đồng. Xét về cơ cấu doanh thu, kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất (40%), đóng góp 25.700 tỷ đồng doanh thu cho toàn tập đoàn. Vingroup cũng cho biết lĩnh vực bất động sản dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhờ bàn giao lượng lớn sản phẩm trong các quý tới và trong năm 2023.
Mảng sản xuất và kinh doanh xe máy, ô tô VinFast đạt 9.900 tỷ đồng doanh thu, tương ứng tỷ trọng 15%. Con số này đưa mảng sản xuất, kinh doanh xe đứng top 2 trong các ngành mang doanh thu về cho Vingroup. Số lượng xe bàn giao trong quý IV cũng được dự kiến tăng do đã bố trí được nhiều linh kiện hơn.
Bên cạnh đó, các mảng hoạt động khác như cho thuê bất động sản đầu tư (chủ yếu là kinh doanh trung tâm thương mại), dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí, y tế và giáo dục kỳ vọng tiếp tục phục hồi.
FPT: Hoàn thành 73% mục tiêu doanh thu năm 2022
Kết thúc 3 quý năm 2022, tập đoàn FPT ghi nhận doanh thu 30.975 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.665 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,1% và 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tập đoàn hoàn thành 73% mục tiêu doanh thu và 74,4% lợi nhuận năm.
Khối công nghệ (bao gồm dịch vụ CNTT trong nước và nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 57% doanh thu và 47% lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn. Trong đó, doanh thu dịch vụ CNTT tại nước ngoài đạt 13.479 tỷ đồng, tăng 29,4%. Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Mỹ (tăng 42,4%) và châu Á – Thái Bình Dương (tăng 56,4%). Còn mảng dịch vụ CNTT tại thị trường trong nước đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 4.263 tỷ đồng và 425 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 10% và 16,5%.
Kết thúc quý III, Thế Giới Di Động mới thực hiện được 55% kế hoạch cả năm
Thế Giới Di Động công bố tổng quan kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, với doanh thu 102.816 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng di động (TGDĐ và TopZone) đóng góp 27.000 tỷ doanh thu, mảng điện máy (Điện Máy Xanh) đóng góp 54.000 tỷ đồng. Hai mảng chủ lực chiếm 79% doanh số tập đoàn, tăng 27% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Riêng quý III, đây là quý thứ 3 liên tiếp TGDĐ giảm tốc mạnh. Như vậy, TGDĐ mới thực hiện được 55% kế hoạch cả năm (là 6.350 tỷ đồng) sau 9 tháng.
Tính đến thời điểm 30/9/2022, chuỗi TGDĐ đạt 1.116 cửa hàng (bao gồm 71 cửa hàng TopZone), Điện Máy Xanh đạt 2.246 cửa hàng, nhà thuốc An Khang là 259, Bách Hoá Xanh là 1.727 cửa hàng, cùng với 71 cửa hàng cho chuỗi mới (AVA Kids và AVA Sport).
Vinamilk: Lợi nhuận sau thuế quý III cao nhất trong 4 quý trở lại đây
Theo báo cáo tài chính quý III/2022 Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ghi nhận tổng doanh thu đạt 16.094 tỷ đồng - tương đương với con số kỷ lục hồi quý ba năm ngoái. Và lợi nhuận sau thuế của Vinamilk đạt 2.363 tỷ đồng - mức cao nhất trong bốn quý gần đây và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 9 tháng, Vinamilk hoàn thành 70% kế hoạch năm với tổng doanh thu đạt 44.994 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 6.748 tỷ đồng, tương đương 69,1% kế hoạch cả năm. Đại diện Vinamilk cho biết kết quả kinh doanh này được củng cố nhờ mức tiêu dùng ngành sữa ổn định trở lại. Đồng thời, doanh nghiệp triển khai nhiều dự án tái định vị, tái cấu trúc nhằm củng cố vị thế trên thị trường không chỉ về thương hiệu, quy mô công ty mà sức mạnh tài chính trong bối cảnh môi trường cạnh tranh tăng cao.
Masan: Lãi sau thuế quý III giảm mạnh 47%
Trong quý III, Masan ghi nhận tổng doanh thu hơn 19.520 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 840 tỷ đồng, tương đương giảm gần 17% và 47% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn cho biết kết quả kinh doanh suy giảm do lợi nhuận sau thuế của Masan MEATLife (kinh doanh thịt heo - gà) và Masan High-Tech Materials (cung cấp vật liệu Vonfram dùng trong ngành điện tử, hóa chất, ô tô...) bị giảm.
Tính chung 9 tháng đầu năm, Masan mang về gần 55.550 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp vẫn còn lại lãi ròng hơn 3.950 tỷ đồng, tăng hơn 32% (lưu ý năm nay tập đoàn không còn hợp nhất kết quả từ mảng thức ăn chăn nuôi như năm ngoái).
Dựa vào kết quả hoạt động và đà tăng trưởng hiện tại, Masan dự kiến doanh thu cả năm 2022 đạt 75.000 - 80.000 tỷ đồng, và lãi sau thuế từ 4.800 - 5.500 tỷ đồng. Con số này thấp hơn so với mục tiêu lãi từ 6.900 - 8.500 tỷ đồng đã đề ra vào đầu năm nay.
Viettel Global: lãi trước thuế quý III tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm trước
Theo báo cáo tài chính vừa được Viettel Global công bố, doanh thu hợp nhất quý III đạt hơn 6.300 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi chi phí bán hàng và quản lý, công ty đạt lợi nhuận trước thuế gần 2.400 tỷ, gấp hơn 5 lần kết quả 464,5 tỷ đồng của cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Viettel Global tăng gần 18% lên 17.600 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng gần gấp rưỡi lên 8.876 tỷ đồng. Về các thị trường mà Viettel Global đầu tư và hợp nhất doanh thu, Châu Phi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt nhất khi đóng góp hơn 7.600 tỷ (tăng 21%). Còn thị trường Đông Nam Á đạt 7.800 tỷ (tăng 10%), còn lại là Mỹ La-tinh đạt 2.100 tỷ (tăng 14,2%).
Theo Thảo Nguyên/ Brands Vietnam
*Nguồn: Tổng hợp