Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Criteo: Giảm giá ngày đôi vẫn là dịp thu hút người tiêu dùng trong nước

Criteo: Giảm giá ngày đôi vẫn là dịp thu hút người tiêu dùng trong nước

Criteo tiết lộ rằng doanh số bán lẻ đã tăng trong những dịp lễ vừa qua, nhưng người mua sắm vẫn đang tìm kiếm trải nghiệm mua sắm tốt nhất với giá cả hợp lý nhất trong thời điểm lạm phát gia tăng và hậu COVID-19.

Ngày 2/11 vừa qua, công ty truyền thông thương mại Criteo S.A. công bố dữ liệu mua sắm theo mùa của khu vực Đông Nam Á.

Criteo là công ty truyền thông thương mại toàn cầu. Nền tảng phương tiện thương mại Commerce Media Platform của công ty đã kết nối 22.000 nhà tiếp thị và hàng nghìn chủ sở hữu phương tiện truyền thông để mang lại trải nghiệm phong phú hơn cho người tiêu dùng, từ việc khám phá sản phẩm đến mua hàng.

Theo Criteo, tại Việt Nam, doanh số bán lẻ trong những ngày đôi (Double dates sales) được ghi nhận là tăng mạnh trong nửa cuối năm, trong đó, doanh số bán lẻ của ngày 12/12 tăng lên đến 143%. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ trực tuyến cũng tăng lên 223% vì có nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến. 

Doanh số bán lẻ trực tuyến ở Đông Nam Á đã có một mức tăng tương đối, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Một số quốc gia trong khu vực có mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, ví dụ như Việt Nam (tăng hơn 35%) và Singapore (tăng hơn 22%) khi so sánh doanh số mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Ngày Độc thân 2021 (ngày 11/11) với doanh số trung bình trong tuần cuối của tháng 10/2021. Trong đó, danh mục bán hàng lifestyle dẫn đầu khu vực, làm tăng 19% doanh số trong Ngày Độc thân năm 2021. 

Khi lệnh cấm đi lại được nới lỏng, doanh số du lịch tăng trưởng đáng kể, tăng 97% so với năm 2020. Các danh mục như “Đồ bơi cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi” (141%), “Đồ lót” (87%), và “Đồ liền và Đồ bộ” (77%) vẫn là những danh mục dẫn đầu xu hướng mua sắm của mùa hè năm nay, so với mùa hè năm ngoái. Điều này phản ánh sự phục hồi nói chung của đời sống xã hội đối với nhiều người tiêu dùng trong khu vực.

Ông Mark Gubbels, Giám đốc Thương mại khu vực Đông Nam Á tại Criteo, cho biết: “Hàng năm, Ngày Độc thân tại Việt Nam chứng kiến sự gia tăng doanh số bán lẻ trực tuyến, một xu hướng lan rộng khắp Đông Nam Á. Do đó, các thương hiệu và nhà bán lẻ phải hiểu rõ bối cảnh người tiêu dùng để tối đa hóa tác động của sự kiện này”.

Doanh số bán hàng tăng như thế nào trong năm 2021?

Trên toàn Đông Nam Á, những ngày đôi vẫn là dịp mua sắm quan trọng ở nhiều quốc gia, trong đó có Indonesia và Việt Nam. Mặt khác, tại Singapore và Malaysia, Ngày Độc thân là sự kiện mua sắm có quy mô lớn nhất, thu về doanh số hơn gấp đôi so với những ngày đôi khác.

Đông Nam Á

  • 10/10: Doanh số bán lẻ trực tuyến tăng lên đến 288%
  • Ngày Độc thân: Doanh số bán lẻ trực tuyến tăng lên đến 399%
  • 12/12: Doanh số bán lẻ trực tuyến tăng lên đến 453%

Việt Nam: 12/12 là lễ hội mua sắm được hưởng ứng nhiều nhất, theo sau là Ngày Độc Thân. 

  • 10/10: Doanh số bán lẻ trực tuyến tăng lên đến 104%
  • Ngày Độc thân: Doanh số bán lẻ trực tuyến tăng lên đến 128%
  • 12/12: Doanh số bán lẻ trực tuyến tăng lên đến 143%
  • Black Friday: Doanh số bán lẻ trực tuyến tăng lên đến 92%

Hướng tới Ngày Độc thân 2022

Năm nay, phân tích chỉ số bán hàng của Criteo cho sự kiện 10/10 gần đây chỉ ra rằng khu vực Đông Nam Á ghi nhận doanh số bán hàng trực tuyến tăng lên đến 97% so với tuần trung bình của 1 tháng trước đó (ngày 10-16/9/2022) thấp hơn nhiều so với 1 năm trước, khi doanh số bán hàng tăng lên đến 136%. Ngoài ra, doanh số bán hàng theo năm giảm 12% vào ngày 10/10 so với cùng kì năm ngoái.

Việt Nam cũng có xu hướng tương tự, theo đó, doanh số bán hàng tăng lên đến 48% so với doanh số trung bình theo tuần của 1 tháng trước đó. Tuy nhiên, mức tăng doanh số bán hàng năm ngoái cao hơn, ở mức 125%, cho thấy doanh số bán hàng theo năm giảm còn 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo khảo sát APAC Shopper Story của Criteo, trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các cửa hàng thực của các nhà bán lẻ/ thương hiệu tiếp tục là nguồn đáp ứng ngay lập tức các nhu cầu cấp thiết, thử sản phẩm và thúc đẩy lượt ghé thăm của người mua sắm.

Trong khu vực APAC, cửa hàng thực tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết, thử sản phẩm và thúc đẩy lượt ghé thăm của người mua sắm.

Năm 2022, người tiêu dùng mua sắm kết hợp trực tuyến – tại chỗ và luôn muốn có những sự lựa chọn tốt nhất. Khi quay lại mua sắm tại cửa hàng, họ vẫn sử dụng các trang web của nhà bán lẻ và ứng dụng di động để tham khảo và bổ trợ cho trải nghiệm mua sắm, với 4/5 người tiêu dùng nhận xét có sự cải thiện đáng kể hoặc một số cải thiện trong việc tìm kiếm sản phẩm mà họ dự định sẽ mua, qua đó thấy rằng người tiêu dùng đánh giá cao quảng cáo có liên quan và được cá nhân hóa, giúp tiếp cận được nhiều hơn người tiêu dùng mới và sẵn có.

4/5 người tiêu dùng nhận xét có sự cải thiện đáng kể hoặc một số cải thiện trong việc tìm kiếm sản phẩm mà họ dự định sẽ mua.

Đa số người mua sắm ở Châu Á – Thái Bình Dương thuộc tất cả các nhóm tuổi xác nhận rằng quảng cáo trực tuyến mà họ nhìn thấy là các sản phẩm mà họ muốn mua.

Ông Sukesh Singh, Trưởng bộ phận Nhóm khách hàng lớn thuộc khu vực Đông Nam Á tại Criteo, chia sẻ thêm: “Phân tích ngày đôi 10/10 gần đây của chúng tôi phản ánh xu hướng này, khi bán lẻ trực tuyến trong khu vực Đông Nam Á giảm. Theo dự đoán, điều này sẽ tiếp tục khi các sở thích về lối sống của người tiêu dùng thay đổi trong giai đoạn đời sống xã hội trở lại bình thường và nhiều người tiêu dùng ghé đến cửa tiệm nhiều hơn. Các nhà bán lẻ cần cố gắng đồng bộ hóa các quảng cáo trực tuyến bổ trợ cho hoạt động mua sắm kết hợp trực tuyến – tại chỗ để tận dụng Ngày Độc thân một cách tối đa”.

Một số gợi ý cho các thương hiệu

Để chuẩn bị cho Ngày Độc thân năm nay, các thương hiệu nên ghi nhớ những chỉ dẫn này để thu hút nhiều người tiêu dùng nhất có thể:

1. Trải nghiệm mua sắm kết hợp trực tuyến – tại chỗ không gián đoạn

Theo thống kế, vào năm 2021, có đến 77% người trả lời khảo sát cho biết họ đã sử dụng hình thức mua sắm ROPO – Research online, purchase offline (tìm kiếm trực tuyến, mua tại của hàng) và 68% sử dụng hình thức BOPIS – Buy online, pickup in-store (mua trực tuyến, nhận tại cửa hàng).

Do đó, các thương hiệu có thể cung cấp cho người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm thuận lợi, tạo nên sự trung thành và tin tưởng bằng cách tích hợp các dịch vụ khách hàng đổi mới và thiết thực. Bên cạnh hình thức ROPO và BOPIS nói trên, các thương hiệu còn có thể áp dụng hình thức BORIS – Buy online, return in-store (mua trực tuyến, trả lại tại cửa hàng).

Chính sách nhận hàng, hoàn trả hàng tiện lợi này là lý do hàng đầu khiến người tiêu dùng quyết định mua một sản phẩm khi mua sắm trực tuyến.

Người tiêu dùng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng có xu hướng kết hợp trải nghiệm mua sắm trực tuyến và mua sắm tại của hàng.

2. Sử dụng quảng cáo phù hợp với đối tượng mục tiêu

Các thương hiệu có thể đảm bảo tiếp cận nhiều người tiêu dùng mới và sẵn có bằng cách tối ưu hóa dữ liệu và các phân tích từ các trang web và ứng dụng của họ, mang tới quảng cáo nhắm đối tượng tại điểm mua hàng, từ đó tác động đến sự hội tụ bán hàng trực tuyến.