Brand Identity là gì? 2 yếu tố làm nên danh tính thương hiệu
Brand Identity là danh tính của thương hiệu – yếu tố thể hiện sự tồn tại, khác biệt, độc nhất của thương hiệu. Brand Identity đến từ những yếu tố vô hình lẫn hữu hình.
Khi tìm kiếm “Brand Identity là gì” trên Google, chúng ta sẽ nhận lại hàng nghìn kết quả khác nhau. Nhưng một điểm chung của những kết quả trên là thường tóm tắt khái niệm “Brand Identity là gì” bằng luận điểm: Identity bao gồm các yếu tố như logo, màu sắc, hình ảnh, icon, typography,…
Cách hiểu trên tương đối phổ biến và được nhiều người đồng thuận. Nhưng nó chỉ đúng khi chúng ta bàn đến “Identity” trong lĩnh vực thiết kế.
Còn khi mở rộng sang câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu nói chung, liệu logo có còn là thứ đại diện cho cả một thương hiệu hay không? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đối thủ sao chép hoàn toàn bộ nhận diện của bạn? Hoặc nếu lấy một biểu tượng có sẵn trên Internet thì có được tính là “Identity” không?
Chúng ta sẽ rất khó trả lời những câu hỏi trên nếu khăng khăng giữ quan điểm rằng xây dựng thương hiệu là tạo ra một biểu tượng, một câu tagline, một bộ nhận diện thương hiệu.
Thương hiệu không tự nhiên xuất hiện. Quá trình tạo dựng một thương hiệu cần sự đầu tư, nghiên cứu tỉ mỉ đến từng chi tiết. Các yếu tố đồ họa chỉ là một cột mốc trên hành trình đó.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu đúng và đầy đủ hơn về Brand Identity, trong bài viết này đội ngũ Vũ Digital sẽ chia sẻ về khái niệm Brand Identity là gì và những yếu tố làm nên Brand Identity, hay còn gọi là danh tính thương hiệu.
Brand Identity là gì – Là danh tính của thương hiệu
Để định nghĩa chính xác Brand Identity là gì, sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta tách nó thành hai thành tố chính: “Brand” và “Identity”, hay tạm dịch trong tiếng Việt là “thương hiệu” và “danh tính”.
Thương hiệu, như Vũ đã chia sẻ trong nhiều bài viết, là nhận thức khách hàng dành cho doanh nghiệp, tổ chức,… sau một quá trình nhận biết, tìm hiểu và trải nghiệm đủ lâu. Nhận thức này là thứ quyết định việc khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của công ty hay sẽ lựa chọn giải pháp từ những đối thủ khác.
Thương hiệu không tồn tại dưới dạng hữu hình hay vật chất. Thương hiệu càng không phải là sản phẩm, bộ đồng phục hay văn phòng công ty. Thương hiệu hình thành và không ngừng được củng cố dựa trên niềm tin của khách hàng về nó.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà các thương hiệu luôn lo ngại mỗi khi xảy ra khủng hoảng truyền thông hoặc các sự cố về sản phẩm, dịch vụ. Chúng ta đều hiểu rõ rằng, nếu khách hàng có cái nhìn tiêu cực về thương hiệu, sẽ mất rất nhiều thời gian và nguồn lực để khôi phục lại niềm tin của họ.
Tóm lại, thương hiệu là nhận thức.
Thế nhưng, trước khi tạo dựng nhận thức trong tâm trí khách hàng, thương hiệu phải biết được mình là ai, mình đại diện cho điều gì và đâu là những yếu tố sẽ giúp khách hàng phân biệt thương hiệu với những người khác. Thương hiệu phải hiểu mình sẽ được khách hàng cảm nhận như thế nào.
Để dễ hình dung, chúng ta hãy nghĩ về thương hiệu như một con người cụ thể.
Chúng ta biết đến Apple không chỉ qua cái tên, mà đó còn là một tập hợp các yếu tố như: tầm nhìn, giá trí, sứ mệnh, sản phẩm, dịch vụ, logo, tagline,… Cũng giống như ta nhận ra một người không chỉ từ họ tên, mà còn đến từ: vẻ ngoài, tính cách, nghề nghiệp, thói quen, giới tính,… của người đó.
Đây chính là “danh tính”, từ gốc tiếng Anh là Identity. Identity có nguồn gốc từ tiếng Latin, và là sự kết hợp của hai từ “essentials”, nghĩa là “tồn tại” và “identidem” nghĩa là “lặp lại”.
Từ đó, ta có thể hiểu “Brand Identity” là danh tính của thương hiệu, thứ được lặp đi lặp lại nhằm tạo nên hình ảnh về thương hiệu trong nhận thức của khách hàng. Và quan trọng hơn, danh tính là thứ độc nhất chỉ có thương hiệu sở hữu.
Chúng ta không thể tìm được hai người giống hệt nhau mọi đặc điểm. Trong kinh doanh cũng thế, thương hiệu sẽ không muốn mình bị nhầm lẫn với một ai khác, vì nó ảnh hưởng đến chiến lược cạnh tranh và cả tính nhận diện của thương hiệu.
Brand Identity là yếu tố giúp một doanh nghiệp, tổ chức khẳng định sự tồn tại và chắc chắn rằng nó là một khối liên kết thống nhất, có lịch sử riêng, câu chuyện riêng và đặc điểm khác biệt so với những thương hiệu khác.
Không dừng lại ở đó, Brand Identity còn là “kim chỉ nam” giúp định hướng mọi hoạt động khác của thương hiệu.
Sở hữu một danh tính sẽ giúp nhà lãnh đạo dễ dàng hơn trong việc trả lời những câu hỏi “ngày nào cũng gặp” như: thương hiệu nên viết nội dung theo những chủ đề nào? Thương hiệu có nên tài trợ cho sự kiện A hay không? Chiến dịch quảng cáo B có phù hợp với thương hiệu hay không? Làm sao để thay đổi chiến lược truyền thông mà vẫn giữ được trọn vẹn tinh thần chung?…
Tất cả câu hỏi như trên đều dẫn đến một vấn đề duy nhất: thương hiệu và những gì thương hiệu đại diện.
Brand Identity là gì – Không chỉ là “bộ nhận diện”
Khi bàn đến định nghĩa “Brand Identity”, nhiều người sẽ cho rằng Brand Identity bao gồm những thứ hữu hình như logo, tagline, typography,… Cách hiểu này cho rằng những gì nhìn thấy được, nghe được, hay chạm vào được thì mới là “Identity”.
Từ đó, mọi người dần hình thành quan điểm rằng xây dựng thương hiệu, hay cụ thể hơn là xây dựng “Brand Identity” gói gọn trong việc thiết kế một biểu tượng, lựa chọn hệ màu hay một câu khẩu hiệu nghe hợp tai.
Quan điểm này đúng nhưng chưa đủ. Nó giới hạn danh tính thương hiệu ở mức độ của những yếu tố đồ họa hoặc những tấm danh thiếp. Dù thiết kế bộ nhận diện thương hiệu là một công đoạn cực kỳ quan trọng, nhưng tạo dựng danh tính thương hiệu thường không – và không nên – bắt đầu từ đó.
Bạn hãy thử nghĩ xem. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một dịp vô tình nào đó bạn bắt gặp một thương hiệu có logo giống hệt mình? Vậy lúc đó “danh tính” của thương hiệu sẽ bị mất hay sao? Trường hợp này hoàn toàn có thể xảy ra, ngay cả với những tập đoàn tầm cỡ thế giới.
Chẳng hạn, logo của Azuma Drive-In – một thương hiệu đến từ Nhật Bản – và logo của AirBnB giống nhau gần như hoàn toàn (logo của Azuma có trước 30 năm). Có thể đội ngũ AirBnB không hề biết là có một biểu tượng như vậy đã tồn tại từ trước, nên tình huống trùng hợp trên đã xảy ra.
Câu hỏi ở đây là: khách hàng có phân biệt được hai thương hiệu này không? Hoàn toàn có thể. Vì cả hai hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau, có tên khác nhau, có tệp khách hàng khác nhau, có những giải pháp khác nhau cho những vấn đề khác nhau.
Do đó, nếu ta định nghĩa “Identity” – danh tính, chỉ bao gồm những yếu tố nhận diện thì sẽ là thiếu sót.
Thứ thật sự quan trọng là thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải đến khách hàng thông qua những yếu tố nhận diện trên.
Trước khi thiết kế được một logo, chúng ta phải thật sự rõ ràng về thương hiệu và những gì thương hiệu đại diện. Nếu không, ta sẽ chẳng thể nào chọn được biểu tượng ưng ý dù trước mắt có được bày ra hàng trăm ý tưởng.
Vậy thông điệp này đến từ đâu? Nó đến từ các yếu tố thuộc về bản sắc thương hiệu như tầm nhìn, sứ mệnh, đặc điểm, giải pháp thương hiệu mang đến cho khách hàng, lĩnh vực cạnh tranh,… Mọi thứ đều hướng đến việc tạo ra một danh tính cho thương hiệu, thứ mang đến sự khác biệt và là chiếc “la bàn” định hướng mọi hoạt động trong tương lai.
Nhiều thương hiệu vô tình giới hạn mình với việc thiết kế những ấn phẩm đồ họa đẹp mắt mà bỏ qua phần “gốc” của Brand Identity.
Điều này dẫn đến một hệ quả: nhân viên trong quá trình làm việc sẽ không biết thương hiệu thật sự “là ai”, cái nào phù hợp, cái nào không phù hợp với thương hiệu. Họ sẽ lựa chọn những chất liệu thiết kế, truyền thông dựa theo quan điểm chủ quan của mình mà không thật sự có một khung đánh giá khách quan (ví dụ như hình ảnh, nội dung,…).
Vì sao Brand Identity quan trọng?
Chúng ta đã hiểu Brand Identity là gì. Nhưng có một câu hỏi khác sẽ xuất hiện: vì sao nó lại quan trọng? Chẳng phải ngày xưa doanh nghiệp chỉ cần có một sản phẩm chất lượng, bán cho đúng người cần là đủ rồi sao?
Theo Jean-Noel Kapferer, tác giả của quyển sách “The New Strategic Brand Management”, có những lý do sau khiến Brand Identity ngày càng trở thành một yếu tố không thể thiếu đối với quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
a. Từ khách hàng
Nếu để ý xung quanh, chúng ta sẽ thấy một số doanh nghiệp đang áp dụng các phương pháp tiếp thị khá tương đồng, đặc biệt là những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu.
Họ có những mục tiêu giống nhau: tăng like Fanpage, tăng khách hàng tiềm năng, tăng doanh thu, tăng vị trí SEO,… Những chiến thuật giống nhau: chạy quảng cáo, reup (đăng lại) những bài viết của người khác, giảm giá, khuyến mãi, viết những nội dung chỉ nhằm câu like,…
Cách làm đó có thể sẽ mang lại kết quả tức thì. Tuy nhiên, doanh nghiệp đến cuối cùng sẽ không thể tạo ra được sự khác biệt (thứ khác nhất có lẽ là cái tên và logo), bởi vì họ thiếu mất một danh tính cụ thể – thứ khiến thương hiệu thật sự là chính mình.
Khách hàng ngày càng khó tính hơn. Yêu cầu của họ không chỉ nằm ở tính năng của sản phẩm, mã khuyến mãi, hay những bài quảng cáo xuất hiện liên tục. Khách hàng sẽ muốn biết thương hiệu đại diện cho điều gì, giá trị đó có phù hợp với thế giới quan của họ hay không, giải pháp nào thương hiệu có thể mang đến cho họ.
Mặt khác, với sự xuất hiện của công nghệ và mạng xã hội, cách thức giao tiếp giữa khách hàng và thương hiệu cũng được nâng lên một “tầm” mới.
Ngày trước, chúng ta chỉ bắt gặp đến các thương hiệu thông qua những quảng cáo trên TV, những tấm bảng treo ngoài đường,… Lúc đó, giữa người dùng và thương hiệu luôn có một khoảng cách nhất định. Và thường thì chỉ có những doanh nghiệp sở hữu nguồn lực mạnh mới có thể đầu tư cho quảng cáo, kênh phân phối,…
Câu chuyện hiện tại đã thay đổi. Khách hàng, với một tài khoản Facebook, có thể kết nối với thương hiệu mọi lúc, mọi nơi. Điều này buộc thương hiệu phải từ bỏ hình ảnh “cứng ngắc” truyền thống và phải chuyển mình theo một hướng gần gũi hơn, thống nhất hơn và “con người” hơn.
Người dùng sẽ hứng thú hơn với những thương hiệu thể hiện được sự khác biệt, cá tính của mình và thống nhất. Sự khác biệt sẽ xuất phát từ những giá trị nội tại của thương hiệu và được truyền đạt đến khách hàng thông qua các công cụ truyền thông. Còn tính thống nhất sẽ đến từ những nguyên tắc nhằm thể hiện danh tính của thương hiệu.
Khi đáp ứng những tiêu chí này, khách hàng sẽ càng củng cố niềm tin dành cho thương hiệu. Khi đã có đủ niềm tin và sự yêu thích, khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu mà không cần quan tâm đến những giải pháp khác.
Do đó, việc tạo dựng cho mình một danh tính thương hiệu bền vững sẽ cực kỳ hữu ích trong việc kết nối với khách hàng, từ đó tạo ra được những lợi thế cạnh tranh riêng và mang đến lợi nhuận cho doanh nghiệp.
b. Từ áp lực cạnh tranh
Một nguyên nhân khác khiến Brand Identity trở nên quan trọng là áp lực cạnh tranh từ đối thủ.
Khi thương hiệu tạo ra một sản phẩm tiên phong, họ đồng thời cũng tạo ra một tiêu chuẩn mới cho ngành. Những doanh nghiệp khác sẽ nhanh chóng làm theo nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trên đường đua.
Đây là nguyên tắc rất cơ bản trong kinh doanh. Nhưng nó dẫn đến một vấn đề là khi ấy, mọi sản phẩm đều sẽ giống nhau, từ tính năng, tiện ích, giá, kênh phân phối,…
Vậy điều gì sẽ làm nên sự khác biệt?
Chúng ta không nên – và cũng rất khó – cạnh tranh dựa trên giá bán. Sẽ luôn tồn tại một đối thủ có khả năng sao chép y hệt sản phẩm, dịch vụ của ta và bán với giá thấp hơn. Chúng ta cũng không nên phụ thuộc quá nhiều vào truyền thông. Vì như Vũ đã chia sẻ, truyền thông, tiếp tị mà không có định hướng cũng sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì của thương hiệu.
Một trong những giải pháp tối ưu nhất chính là xây dựng một thương hiệu với danh tính rõ ràng. Danh tính thương hiệu sẽ là bàn đạp mà từ đó, khách hàng sẽ định hình được hình ảnh thương hiệu. Doanh nghiệp có thể bị sao chép mọi thứ, trừ thương hiệu của mình.
Có rất nhiều mẫu giày thể thao tương tự nhau, nhưng chỉ có một Nike, một Adidas, một Puma.
Có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh quần áo, trang sức, phụ kiện cao cấp, nhưng chỉ có một Gucci, một Zara, một Louis Vuitton.
Những thương hiệu trên tạo dựng được thành công dựa trên nền tảng là một thương hiệu bền vững, mang lại giá trị tích cực cho khách hàng. Qua đó, họ ngày càng khẳng định, củng cố hình ảnh của thương hiệu.
Nhưng như thế không có nghĩa là mảnh đất không còn cơ hội cho những doanh nghiệp mới, đang khao khát khẳng định mình. Thị trường luôn mở cửa chào đón những ý tưởng đột phá, có tiềm năng giải quyết vấn đề của khách hàng. Do đó, ta luôn có cơ hội để tham gia cuộc chơi.
Mặt khác, Brand Identity chỉ là một trong số những nhiệm vụ mà nhà lãnh đạo cần thực hiện để phát triển thương hiệu. Chúng ta cũng cần phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chăm sóc khách hàng, định giá, phân phối,…
Kinh doanh vốn phức tạp, nhưng cũng từ đó, những thương hiệu sở hữu nền tảng vững chắc đều sẽ có cơ sở để bứt phá trên đường đua.
Những yếu tố nào tạo nên danh tính thương hiệu?
Một người được phân biệt, nhận ra không chỉ dựa vào tính cách hoặc ngoại hình, mà từ cả hai yếu tố đó. Như Vũ đã chia sẻ, chúng ta gần như không thể tìm ra được hai người giống hệt nhau về mặt tâm hồn lẫn vẻ bề ngoài. Ngay cả những cặp song sinh vẫn sẽ có những đặc điểm khác nhau giúp phân biệt cả hai.
Thế giới thương hiệu cũng hoạt động theo cách tương tự. Nếu bạn làm đúng, thương hiệu của bạn sẽ là độc nhất và không thể nhầm lẫn. Nhưng nếu làm sai, bạn sẽ lọt thỏm giữa hàng trăm cái tên khác. Vì vậy, chúng ta cần hiểu được những thành phần làm nên một danh tính thương hiệu: bản sắc và bộ nhận diện.
a. Bản sắc thương hiệu
Thứ đầu tiên làm nên một con người, không phải ngoại hình, mà là tính cách, thế giới quan, mục đích sống của người đó.
Đối với thương hiệu, mọi thứ bắt đầu từ bản sắc. Bản sắc thương hiệu là tập hợp các yếu tố giúp định hướng hoạt động của thương hiệu. Những yếu tố này sẽ góp phần tạo nên nhận thức của khách hàng về thương hiệu.
Những yếu tố cơ bản trong bản sắc thương hiệu bao gồm:
- Triết lý vận hành
- Tầm nhìn, sứ mệnh
- Lời hứa thương hiệu
- Giá trị thương hiệu
- Lời hứa thương hiệu
- Đặc tính thương hiệu
- Câu chuyện thương hiệu
Bản sắc thương hiệu, tuy vô hình, nhưng tác động rất lớn đến việc tạo ra Brand Identity. Bản sắc thương hiệu đi vào nội dung chi tiết nhằm giải thích rằng thương hiệu đang đóng góp những gì cho cuộc sống, giải quyết tốt vấn đề nội tại của khách hàng ra sao.
Cùng kinh doanh xe hơi, nhưng nếu Volvo hướng đến sự an toàn thì BMW lại nhấn mạnh vào sự sang trọng. Điều này thể hiện rất rõ qua tuyên bố sứ mệnh (Mission Statement) của cả hai.
BMW: “BMW là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các sản phẩm cao cấp và dịch vụ cao cấp dành cho việc di chuyển của từng cá nhân.”
Volvo: “Volvo thực hiện sứ mệnh của mình là làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, tốt hơn và an toàn hơn cho mọi người.”
Từ đó, mọi hoạt động truyền thông, quảng bá cho BMW và Volvo đều dựa trên các mục tiêu cụ thể trên.
Tuy quan trọng là thế, nhưng bản sắc thương hiệu dường như đã và đang được đánh giá không đúng với những giá trị mà nó mang lại. Trong quá trình tư vấn, Vũ nhận thấy một số doanh nghiệp cho rằng thương hiệu chỉ là “làm logo” và… hết.
Họ chưa hiểu được mức độ ảnh hưởng của bản sắc đến thương hiệu. Từ chỗ “chưa hiểu”, họ sẽ bỏ qua hoặc xây dựng bản sắc thương hiệu theo những cách vô cùng hời hợt. Những gì họ làm là sao chép tầm nhìn, sứ mệnh, câu chuyện,… của các tập đoàn lớn. Lấy chỗ này một chút, lấy chỗ kia một chút, vậy là tôi đã có bản sắc riêng của tôi.
Chúng ta thường mang góc nhìn phán xét với những người dành cả đời đi theo người khác mà không có lấy một giá trị, mục tiêu riêng cho bản thân. Nhưng khi nhắc đến thương hiệu, ta lại không mảy may quan tâm đến mục đích tồn tại của mình.
Đành rằng mọi doanh nghiệp khi cạnh tranh đều hướng đến lợi nhuận. Nhưng nếu chỉ cố gắng tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, doanh nghiệp dễ mắc phải những cái bẫy có thể khiến họ thất bại.
Thay vì tìm cách giảm giá, kì kèo với nhà phân phối, chạy những chiến dịch quảng cáo ảo để thu về số tiền trước mắt, tại sao doanh nghiệp không đặt ra cho mình một mục tiêu cao hơn là mang đến giá trị thật cho khách hàng, cho cộng đồng, cho mọi người xung quanh?
Nhìn ra thế giới, bạn sẽ hiếm thấy có doanh nghiệp lớn nào lại đặt tầm nhìn, sứ mệnh của mình là kiếm tiền hay trở thành số 1 thị trường. Thay vào đó, họ tập trung vào việc truyền đạt những giá trị mà thương hiệu hướng đến. Và những thương hiệu này thừa hiểu rằng, bản sắc là thứ góp phần làm nên nhận thức của khách hàng, từ đó mang lại giá trị kinh tế ngược lại cho thương hiệu.
Do đó, khi xây dựng Brand Identity, hãy bắt đầu bằng bản sắc trước tiên.
b. Bộ nhận diện thương hiệu
Nếu bạn đã tự tin với những giá trị nội tại, vậy hãy cùng bàn đến “vẻ ngoài” của thương hiệu – thứ góp phần làm nên định nghĩa “Brand Identity là gì”.
Khi gặp một người chưa hề quen biết, ta gần như sẽ bị thu hút bởi vẻ ngoài của họ. Không cần phải đẹp đến mức xuất sắc, chỉ cần người đối diện chỉn chu, tươm tất là đủ để ta có cảm nhận tốt về họ.
Bộ nhận diện thương hiệu cũng đóng vai trò tương tự. Một bộ nhận diện hiệu quả sẽ mang đến một cảm xúc tích cực từ khách hàng, giúp củng cố hình ảnh của thương hiệu. Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm các yếu tố hữu hình và có khả năng kích thích các giác quan của người khác:
- Tên thương hiệu
- Logo thương hiệu
- Tagline/Slogan thương hiệu
- Màu sắc, kiểu chữ thương hiệu
- Bộ nhận diện thương hiệu ứng dụng văn phòng: brochure, sổ tay, chữ ký email,…
- Bộ nhận diện thương hiệu online: Website, mạng xã hội,…
- Bộ nhận diện thương hiệu ngoài trời: billboard, banner,…
- Các ấn phẩm quảng cáo khác
Không chỉ tác động đến nhận thức của khách hàng, bộ nhận diện còn tạo dựng niềm tin và duy trì sức sống cho thương hiệu. Nhưng dễ thấy nhất, bộ nhận diện sẽ giúp khách hàng nhận biết và phân biệt được bạn và những doanh nghiệp khác trên thị trường.
Có những thương hiệu chỉ cần màu sắc cũng đã khiến ta nhớ đến họ (CocaCola, Grab, McDonald’s). Có những thương hiệu mà cái tên của họ cũng đủ để đại diện cho cả một ngành công nghiệp (Google, Adobe, Intel). Cũng có những thương hiệu gợi lên cho ta những cảm xúc nhất định khi nhớ đến (Disney, Apple, Nitendo)
Nhưng cũng như mọi yếu tố khác trong kinh doanh, bộ nhận diện chỉ phát huy tiềm năng tối đa nếu được đầu tư một cách bài bản, nghiêm túc. Hơn hết, nhà lãnh đạo phải hiểu thương hiệu của mình.
Bạn không thể tạo ra được một biểu tượng phù hợp nếu không hiểu thương hiệu mình cần gì, đại diện cho điều gì. Liệu một công ty hôm nay lựa chọn concept A, ngày mai lại chọn concept B có thể thống nhất được trong việc xây dựng thương hiệu lâu dài hay không?
Do đó, việc Vũ khẳng định danh tính thương hiệu cần xuất phát từ bản sắc không phải là điều quá khó hiểu. Bản sắc sẽ mang đến cho nhà lãnh đạo một định hướng rõ ràng, cụ thể để dựa vào đó đưa ra những quyết định chiến lược cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, điều quan trọng vẫn là việc thương hiệu tạo nên bộ nhận diện, và những yếu tố khác dựa trên giá trị đích thực mà nó hướng đến, chứ không phải là một loạt sản phẩm copy, sao chép từ những doanh nghiệp khác trên thị trường.
Lời kết
Brand Identity là gì? Vũ hy vọng bạn đã có được câu trả lời cho mình qua bài chia sẻ lần này.
Định nghĩa được Brand Identity là gì sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đưa ra những quyết định mang tính chiến lược trong kinh doanh. Mặt khác, nó cũng giúp chúng ta xây dựng được hình ảnh về thương hiệu trong tâm trí khách hàng, từ đó tạo ra sự khác biệt của riêng thương hiệu.
Nhưng tạo nên danh tính thương hiệu không phải là chuyện một sớm một chiều. Đây là một quá trình cần đến thời gian và sự đầu tư từ đội ngũ lãnh đạo thương hiệu.
Nếu làm đúng, Brand Identity sẽ đóng vai trò như một chiếc “la bàn” dẫn dắt thương hiệu theo thời gian. Ngược lại, nếu hời hợt trong việc xây dựng Brand Identity, thứ ta nhận lại sẽ chỉ là một mớ hỗn độn mà đến một lúc nào đó, ta sẽ lại phải cất công đi dọn dẹp.
Vậy tại sao lại không làm bài bản ngay từ đầu? Suy cho cùng, điều này vẫn nằm ở quyết định, khả năng và tầm nhìn dài hạn của nhà lãnh đạo dành cho đứa con tinh thần của mình.
Đội ngũ Vũ Digital tin rằng bằng cách chia sẻ những kiến thức về thương hiệu, hay cụ thể trong bài viết này là “Brand Identity là gì”, chúng tôi sẽ mang đến nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng, qua đó góp phần tạo nên những doanh nghiệp bền vững và đóng góp cho xã hội.
Xin chân thành cảm ơn,
*Nguồn: Vũ Digital