Marketer Tạ Ngọc Thu Trang
Tạ Ngọc Thu Trang

Content Writer Intern @ BrandsVietnam

Du học Marketing #3: Summer Doan @ Sheffield Hallam University – “Sốc văn hóa - thích nghi chứ đừng kỳ vọng”

Du học Marketing #3: Summer Doan @ Sheffield Hallam University – “Sốc văn hóa - thích nghi chứ đừng kỳ vọng”

Ở số thứ ba của series, chị Summer sẽ chia sẻ về hành trình du học Film & Media Production tại Sheffield Hallam University ở Anh. Vốn có quan điểm không đặt kỳ vọng trong cuộc sống, vậy chị Summer có phải đối mặt với những khó khăn, shock văn hóa – câu chuyện muôn thuở của các du học sinh?

Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng và cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.

* Đâu là những bước chân đầu tiên của chị Summer với hành trình du học ngành Film and Media Production?

Du học Marketing #3: Summer Doan @ Sheffield Hallam University – “Sốc văn hóa - thích nghi chứ đừng kỳ vọng”

Chị Summer Doan – du học sinh ngành Film & Media Production tại Sheffield Hallam University (Anh).

Từ những năm 18-19 tuổi, tôi đã nghĩ đến việc thực hiện ước mơ du học của mình. Thi đại học, tôi lựa chọn ngành Báo chí & Truyền thông tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Lí do là vì tôi thích viết, thích làm phim, phóng sự… Mãi đến năm 4, tôi mới tự đặt câu hỏi cho bản thân: Liệu mình có nên đi làm ngay sau khi tốt nghiệp? Bởi khao khát khám phá thế giới vẫn là ước muốn tôi luôn ấp ủ.

Vậy nên tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội đi du học ngành làm phim. Chỉ khi bắt tay vào tìm hiểu tôi mới nhận ra việc đi du học lúc ấy không thực sự quá khó. Tôi đã liên hệ với một trung tâm tư vấn để hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ. May mắn cũng mỉm cười khi quá trình chuẩn bị của tôi khá suôn sẻ, chỉ vỏn vẹn trong 4-5 tháng.

Tôi nhớ mình bắt đầu nộp hồ sơ khoảng tháng 4 để “apply” học bổng từ trường, đến tháng 5 tôi nhận được kết quả đậu và tháng 9 là có mặt tại Anh. Giai đoạn ấy tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các thầy cô ở trường đại học để hoàn thành bảng điểm tốt nghiệp trước thời hạn. Bởi vì lúc đó trường chỉ vừa mới tổ chức thi những môn cuối cùng cho sinh viên năm tư. Thậm chí, tôi vẫn nghĩ rằng có thể tham gia lễ tốt nghiệp đại học tại Việt Nam vào tháng 11, nhưng cuối cùng cũng đành bỏ lỡ.

* Đâu là những yếu tố chị Summer đặt lên bàn cân khi quyết định chọn trường cho hành trình du học của mình?

Tôi nghĩ không phải chỉ riêng mình mà đối với hầu hết các bạn trẻ mong muốn đi du học thì chọn trường luôn là quyết định khó khăn. Khi đó, tôi sẽ cân nhắc dựa trên 3 yếu tố: chi phí, đặc thù ngành học và chương trình hỗ trợ sinh viên.

Đầu tiên tôi tìm hiểu thông tin học phí cùng với chính sách học bổng của trường để cân nhắc khả năng tài chính của bản thân. Ngoài ra, tôi cũng đặt lên bàn cân những khoản chi phí sinh hoạt. Ví dụ nếu lựa chọn trường tại các thành phố lớn, du học sinh có thể tăng khả năng tiếp cận những cơ hội về việc làm, học tập. Trong khi đó, cuộc sống tại các ngôi trường ở tỉnh sẽ giúp học viên tiết kiệm chi phí hơn nhưng lại tương đối khó khăn khi mua sắm, tìm việc.

Hai là đánh giá ngành học và nội dung chương trình học sẽ nghiêng về lý thuyết hay thực hành. Bởi vì mong muốn theo học ngành phim nên tôi ưu tiên những trường có yếu tố thực hành hơn. Trong giai đoạn này tôi cũng tìm hiểu thêm về ranking của trường, của ngành học trên các bảng xếp hạng uy tín.

Ba là các chương trình hỗ trợ sinh viên. Tôi đặc biệt quan tâm đến chính sách International Student Support của các trường đại học.

Như vậy, bởi vì ngân sách không nhiều nên tôi ưu tiên chọn những trường có học bổng và International Student Support đa dạng. Và Sheffield Hallam University là ngôi trường đáp ứng đầy đủ những tiêu chí cùng đội ngũ giảng viên thiên về yếu tố thực hành. Trong suốt quá trình học, nhờ vị trí địa lý thuận lợi (chỉ 2 tiếng đi tàu đến London) mà tôi còn có thể đi làm thêm và tự trang trải cuộc sống.

Du học Marketing #3: Summer Doan @ Sheffield Hallam University – “Sốc văn hóa - thích nghi chứ đừng kỳ vọng”

Toàn cảnh khuôn viên trường Sheffield Hallam University.
Nguồn: Sheffield Hallam University

* Tại sao chị Summer lại chọn Anh Quốc là điểm chắp cánh cho ước mơ làm phim của mình? Và đâu là những mục tiêu chị đặt ra cho hành trình du học này?

Tôi lựa chọn Anh Quốc bởi theo tôi, đây là chiếc nôi của ngành làm phim và là nơi xuất thân của rất nhiều đạo diễn nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên rất ít sinh viên Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng chọn Anh để du học ngành này. Nguyên nhân chủ yếu vì nhiều bạn nghĩ là chi phí cao và nguồn thông tin hạn chế từ các “đàn anh, đàn chị” trong nghề.

Thực ra tôi không đặt kỳ vọng cho hành trình du học này. Điều này bắt nguồn từ cách suy nghĩ của bản thân là không đặt kỳ vọng trong cuộc sống. Tất nhiên tôi vẫn đặt mục tiêu để thực hiện nhưng không kỳ vọng mọi chuyện sẽ xảy ra. Tôi nghĩ mình vừa phải tự nỗ lực, vừa phải có sự cân bằng giữa kỳ vọng và thực tế của bản thân. Và sau tất cả, tôi quyết định du học ngành phim tại Anh với niềm yêu thích công việc này.

* Chị có thể chia sẻ tổng quan và điểm khác biệt của chương trình Flim Media Production so với những khóa học làm phim khác?

Điểm khác biệt của chương trình học về Film & Media Production tại Sheffield Hallam University là thiên về thực tiễn nhiều hơn. Cụ thể, trong hai năm học, học viên không chỉ được học về những thể loại phim khác nhau mà còn được trau dồi kiến thức về cách ứng dụng những kiến thức liên quan đến phim vào đời sống và công việc. Sau đó, khóa học tiếp tục đào sâu về 4 kỹ năng chính là dựng phim, thiết kế âm thanh, biên kịch và đạo diễn. Tôi chọn 2 kỹ năng là dựng phim và làm âm thanh để tập trung phát triển trong tổng số 4 kỹ năng kể trên.

Tôi nghĩ mình vừa phải tự nỗ lực, vừa phải có sự cân bằng giữa kỳ vọng và thực tế của bản thân.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất phim tại Anh và Việt Nam cũng có đôi chút khác biệt. Chương trình học tại Việt Nam thường tập trung yếu tố kỹ thuật. Trong khi đó, tại Anh, bên cạnh học hỏi về những công cụ, học viên còn có những buổi học chia sẻ về các bộ phim yêu thích, phân tích cảm xúc nhân vật... Từ đó phát triển và mài dũa khả năng phân tích và critical thinking.

Ví dụ như đối với kỹ năng xây dựng âm thanh, giảng viên sẽ tập trung kích thích tư duy sáng tạo của học viên. Chúng tôi sẽ được giao một bộ phim “câm” với yêu cầu hoàn thiện tất cả âm thanh của phim này bao gồm: âm thanh nền, tiếng người nói, động vật… Tất cả những âm thanh tư liệu đó đều phải do sinh viên tự chuẩn bị.

Hay với kỹ năng viết kịch bản, sau khi “thành thạo” công việc viết kịch bản từ sườn sẵn có, sinh viên sẽ cần tự viết kịch bản một phim ngắn khoảng 10 phút và trình bày tại buổi proofreading. Tôi vẫn nhớ buổi thảo luận vô cùng sôi nổi, chúng tôi nhận xét và cùng nhau hoàn thiện tác phẩm. Và cuối cùng là đảm nhận vai trò đạo diễn cho chính bộ phim đó.

Hơn hết, tôi nghĩ rằng khi học sản xuất phim, học viên đừng nên cố định mình trong một vai trò cụ thể như đạo diễn, biên kịch… Thay vào đó, các bạn hãy tận dụng mọi cơ hội để thử các vai trò khác nhau, trau dồi nhiều kinh nghiệm và học hỏi nhiều kỹ năng nhất có thể.

Du học Marketing #3: Summer Doan @ Sheffield Hallam University – “Sốc văn hóa - thích nghi chứ đừng kỳ vọng”

Chương trình học về Film & Media Production tại Sheffield Hallam University thiên về thực tiễn và đào sâu vào các kỹ năng làm phim.

* Trong lần đầu tiên xuất ngoại dài hơi này, đâu là những trải nghiệm thú vị của chị tại Anh?

Tôi nhớ khoảnh khắc vừa đặt chân đến sân bay Anh trời mưa rất to, tuy nhiên lại rất “ấm”, mọi người đều nồng nhiệt chào đón tôi “Welcome to the UK”. Trước khi lên máy bay, tôi đã chuẩn bị bằng việc tham gia các Group trên Facebook để hỏi kinh nghiệm khi đến Anh như cách thanh toán tiền nhà, phương thức liên lạc với nhà trường... Vậy nên khởi đầu của tôi ở miền đất mới cũng khá suôn sẻ.

Du học Marketing #3: Summer Doan @ Sheffield Hallam University – “Sốc văn hóa - thích nghi chứ đừng kỳ vọng”

Khoảng thời gian học tại Sheffield Hallam University giúp chị Summer Doan trau dồi sự tự tin và hiểu hơn về năng lực của bản thân.

Bởi vì không đặt quá nhiều kỳ vọng ngay từ khi bắt đầu nên tôi chưa từng gặp tình huống nào “sốc văn hóa” hay thất vọng về xứ sở sương mù trong hai năm du học. Những ngày đầu tuy khá lạ lẫm nhưng tôi đã chủ động tham gia những chương trình orientation day dành cho sinh viên quốc tế tại trường hoặc các hội nhóm người Việt trên mạng xã hội để tìm kiếm bạn bè. May mắn là các bạn đều rất nhiệt tình và hẹn khám phá thành phố, đi club cùng nhau.

Một điểm thú vị là club tại Anh sẽ rất sôi động, mỗi ngày/ tuần sẽ thay đổi chủ đề khác nhau. Ví dụ như chủ đề “Back to school” thì khách hàng sẽ mặc áo sơ mi, đeo cà vạt; hay chủ đề  “Silent disco” thì mỗi người sẽ trang bị một chiếc tai nghe và mỗi người có thể chọn channel nhạc mình yêu thích tại club. Tôi nhận thấy sự đặc trưng của sinh viên Anh là luôn học và vui chơi hết mình. Ví dụ như họ có thể vui chơi tại nhà từ 7-8 giờ tối, kết thúc “cuộc vui” lúc 03 giờ sáng tại McDonald's sau khi quẩy tưng bừng tại bar.

Bên cạnh những trải nghiệm vui, tôi cũng có những trải nghiệm cần tự mình vượt qua khi ở nơi xứ người một mình. Công việc làm thêm đầu tiên của tôi tại Anh là nhân viên nhà hàng. Đây thật sự là một trải nghiệm hơi “khó tin” đối với một cô gái “cành vàng lá ngọc” của bố mẹ như tôi.

Tôi nhớ lúc đó vào tháng 1 – mùa đông của nước Anh, trong khi dọn dẹp tôi đã bất cẩn làm đổ nước sôi và bị bỏng. Ban đầu tôi vẫn khá bình tĩnh và nghĩ rằng đây chỉ là “việc nhỏ”. Tuy nhiên, sau khi về nhà, một mình cùng với vết thương đau nhức do nhiễm trùng, tôi đã không kiềm được và gọi về khóc với mẹ. Đây thực sự là một trong những lần ít ỏi tôi gọi về chia sẻ cùng gia đình khi ở Anh. Lúc ấy mẹ tôi cũng rất xót và bảo tôi về Việt Nam. Ban đầu, tôi cố gắng tự băng bó tại nhà nhưng khi không còn chịu đựng được nữa, tôi mới chịu đi bệnh viện để gặp bác sĩ. 

Vậy là, tôi trải qua một mùa đông thật đáng nhớ ở Anh với một chân mang giày, một chân mang dép để đi bộ đến trường. Với tôi, mỗi trải nghiệm đều là một bài học để mình trưởng thành và quan trọng, cần nhất là sự lạc quan!

Du học Marketing #3: Summer Doan @ Sheffield Hallam University – “Sốc văn hóa - thích nghi chứ đừng kỳ vọng”

“Với tôi, mỗi trải nghiệm đều là một bài học để mình trưởng thành và quan trọng, cần nhất là sự lạc quan!”.

* Trong quá trình học tại Sheffield Hallam University, chị có gặp phải khó khăn nào không?

Khó khăn đáng nhớ nhất có lẽ là lần tôi thực hiện bài tập tốt nghiệp của mình. Bài tập nhóm yêu cầu chúng tôi tự sản xuất một bộ phim, đồng thời viết một bài luận về những kiến thức chuyên ngành được áp dụng trong bộ phim đó. Lúc ấy, tôi đã viết kịch bản về câu chuyện một anh chàng người Mỹ du học tại Anh và yêu một cô gái xinh đẹp. Câu chuyện tình yêu của hai người đã bị ngăn trở khi nữ chính là con gái của một ông trùm mafia.

Sau này nhìn lại tôi mới nhận ra mình đã quá “tham” khi nhồi nhét rất nhiều thể loại trong một tác phẩm như: hài hước, võ thuật, drama. Đồng thời, bởi sự khác biệt về văn hóa, tôi cũng gặp vấn đề khi không thể truyền đạt hết ý tưởng tới các thành viên trong. Việc “gánh team” trong một hoạt động dài hạn cùng với những áp lực từ công việc, cuộc sống khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Tuy nhiên, tôi luôn tin rằng khó khăn nào cũng sẽ giải quyết được nhờ sự kiên nhẫn giao tiếp và cởi mở.

Tựu chung lại, sau tất cả những khó khăn đó, bản thân tôi đã thay đổi rất nhiều, thậm chí nhanh đến mức tôi không kịp nhận ra. Ví dụ như trước đây khi ở Việt Nam, tuy tôi vốn năng động nhưng vẫn còn một chút rụt rè. Khoảng thời gian học tại Sheffield Hallam University đã giúp tôi trau dồi sự tự tin và hiểu hơn về năng lực của bản thân.

* Chị có thể kể một chút về công việc đầu tiên tại Việt Nam sau khi du học về?

Du học Marketing #3: Summer Doan @ Sheffield Hallam University – “Sốc văn hóa - thích nghi chứ đừng kỳ vọng”

“Sau tất cả những khó khăn đó, bản thân tôi đã thay đổi rất nhiều, thậm chí nhanh đến mức tôi không kịp nhận ra”.

Lúc du học tại Anh, tôi nghĩ rằng: Mình đã hiểu rõ về làm phim và tất cả kỹ năng đều nắm trong lòng bàn tay. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, nhiệm vụ đầu tiên tôi nhận được lại là một vai trò tôi chỉ biết sơ bộ mà chưa từng học qua, đó là Producer của RICE.

Tôi nhớ công việc cụ thể là quay TVC cho ba thương hiệu của Unilever, bao gồm Omo, Sunlight, Comfort. Chúng tôi quay hai camera khác nhau, hai bối cảnh khác nhau trong cùng một ngôi nhà. Những người cộng sự đầu tiên của tôi là đạo diễn người nước ngoài hơn 50 tuổi, khoảng 5-6 em bé và 50-80 người trong ekip cùng rất nhiều thiết bị để phục vụ cho cảnh quay. Với một du học sinh 23 tuổi vừa về nước, sếp tôi đã trao cho tôi cơ hội đầu tiên lớn như vậy.

Trong set quay, rất nhiều sự cố xảy ra ngoài ý muốn nên sau khi hoàn thành dự án tôi gần như cảm thấy khá mệt. Song, sản phẩm đầu tay với sự giúp đỡ của ekip gần trăm người đã giúp tôi thấy được giá trị của quãng thời gian du học cùng với những nỗ lực tìm hiểu công việc này. Ngoài ra, tôi còn rút ra được bài học rằng mỗi phút mỗi giờ làm phim đều vô cùng đáng giá.

Vậy nên, nhiệm vụ của người Producer không phải chỉ hoàn thành sản phẩm hay nhất có thể mà còn phải đảm bảo sức khỏe, tinh thần của đội ngũ sản xuất nữa.

* Đâu sẽ là từ chị dùng để miêu tả quá trình du học của mình?

Tôi nghĩ từ tốt nhất để nói về hai năm vừa học làm phim vừa trải nghiệm tại Anh là “cơ hội”. Thực tế có rất nhiều bạn giỏi nhưng chưa may mắn, không có cơ hội để phát triển. Do đó, việc tôi đi du học, được trải nghiệm, được gặp gỡ nhiều bạn bè và thầy cô – những người luôn ủng hộ mình chính là cơ hội tôi được trao để thể hiện khả năng của bản thân. Đây cũng là cơ hội để tôi tìm lại chính mình, tìm hiểu về mong muốn, năng lực và những gì tôi có thể làm trong tương lai.

* Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang mong muốn du học ngành làm phim, cụ thể là Film & Media Production?

Tôi nghĩ lời khuyên thiết thực nhất là đừng sợ hãi và hãy cho mình cơ hội để trải nghiệm nhiều thứ khi còn trẻ. Thực tế, không ai có thể ngăn cấm bạn theo đuổi ước mơ du học. Và bạn sẽ không thể biết trong tương lai điều gì đang chờ đón mình.

Nếu băn khoăn về chi phí du học, bạn có thể cân nhắc chương trình học bổng tại trường. Nếu bạn chưa đủ điều kiện nhận học bổng, bạn có thể tham khảo các khóa học ngắn hạn về ngành. Vậy nên, giây phút bạn sợ hãi, chần chừ, bạn có thể đã vụt mất cơ hội được trao kiến thức để gặt hái thành công hoặc góp phần thay đổi nền điện ảnh nước nhà.

* Cảm ơn những chia sẻ từ chị.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Thu Trang / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam