Lạm phát bào mòn lợi nhuận, Unilever mạnh tay tăng giá sản phẩm

Lạm phát bào mòn lợi nhuận, Unilever mạnh tay tăng giá sản phẩm

Chi phí nguyên vật liệu tăng cao buộc Unilever tiếp tục mạnh tay trong việc tăng giá bán sản phẩm. Điều này tạo áp lực lên khối lượng hàng bán và lợi nhuận của tập đoàn.

Ngày 27/10, CNBC đưa tin về tình hình không mấy lạc quan của thị trường tiêu dùng Châu Âu và Trung Quốc – 2 trong số những thị trường chủ chốt của tập đoàn đa quốc gia Unilever. Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm tăng cao có thể thúc đẩy doanh số cả năm của Unilever.

Zingnews nhận định, giống như những công ty khác trong ngành hàng tiêu dùng, lợi nhuận của Unilever đã bị “bào mòn” kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh hưởng của xung đột đã đẩy chi phí năng lượng và các nguyên vật liệu lên cao. Trước tình hình này, Unilever buộc phải mạnh tay tăng giá bán để bù đắp khoản chi phí nguyên vật liệu.

Người tiêu dùng trên khắp thế giới đã phải trả thêm 12,5% cho các sản phẩm của Unilever trong quý 3/2022. Kết quả là trong giai đoạn này, khối lượng hàng bán ra sụt giảm 1,6%, nhưng doanh số vẫn tăng cao hơn dự kiến.

Theo VietNamPlus, trong quý 3, tập đoàn đã ghi nhận doanh thu ròng tăng 10,6%, cao hơn mức dự báo 8% của giới phân tích đưa ra trước đó. Hiện Unilever dự kiến doanh thu ròng cả năm 2022 sẽ đạt trên 8%.

Unilever là tập đoàn đa quốc gia sở hữu hơn 400 nhãn hàng nổi tiếng và quen thuộc với người tiêu dùng.
Nguồn: Unilever

Được biết, đây không phải là lần đầu Unilever tăng giá để đối mặt với lạm phát. Trước đó, vào cuối tháng 4/2022, tập đoàn công bố doanh số bán hàng quý 1 được bù đắp bởi giá tăng.

Cụ thể, theo MarketingWeek, sản phẩm thuộc mảng dịch vụ chăm sóc gia đình nói riêng chứng kiến ​​doanh số bán hàng giảm 2,9% nhưng được bù đắp bởi giá tăng 12,5%, thúc đẩy tăng trưởng doanh số cơ bản là 9,2%. Chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân có mức tăng trưởng doanh số cơ bản là 7,1%, khi giá tăng 7,4% bù lại mức giảm 0,3%. Tương tự, doanh số bán thực phẩm và giải khát tăng 6,5%, với giá tăng 7,1% và lượng giảm 0,6%.

“Chiến lược của chúng tôi là tăng giá để bảo vệ kết quả kinh doanh”, Giám đốc Điều hành Alan Jope phát biểu trong cuộc gọi với các nhà đầu tư sau khi công bố kết quả tài chính quý 1/2022, “điều đó giúp chúng tôi có thể đầu tư lâu dài cho các thương hiệu thuộc tập đoàn”.

Và gần đây, khi trả lời phỏng vấn CNBC, ông Jope cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về doanh số bán hàng quý 3 vừa qua nhưng mặt khác, vẫn tự tin tuyên bố rằng: “Đó là minh chứng cho sức mạnh thương hiệu và hiệu quả hoạt động của chúng tôi”.

Ông cho rằng lạm phát đã đẩy nhiều quốc gia vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Người tiêu dùng có xu hướng tìm tới những sản phẩm thay thế rẻ hơn. “Người tiêu dùng đang chi nhiều tiền hơn cho những nhu cầu cơ bản, chẳng hạn tiền điện, chi phí xăng xe và đồ ăn. Họ có xu hướng cắt giảm chi tiêu đối với những mặt hàng không thiết yếu”, ông nói thêm.

Người tiêu dùng trên khắp thế giới đã phải trả thêm 12,5% cho các sản phẩm của Unilever.
Nguồn: Zingnews

Theo Zingnews, ông Matt Britzman – chuyên gia phân tích tại Hargreaves Lansdown – đã bình luận về việc Unilever tăng giá: “Như những gì chúng ta đã chứng kiến với những tên tuổi khác trong ngành, việc tăng giá và giữ khối lượng hàng bán ở mức cao đang trở thành thách thức không nhỏ”.

Vị chuyên gia cũng cảnh báo thêm: “Mức sụt giảm 1,6% trong khối lượng hàng bán của Unilever chưa phải là tất cả. Mọi thứ có thể còn tồi tệ hơn nữa”.

* Nguồn: Tổng hợp