7 chiến lược cạnh tranh hiệu quả trong Google Ads
Bạn có biết, quảng cáo Google Ads mang lại ROI trung bình là 2 USD cho mỗi USD chi tiêu? Chưa kể đến 90% hành trình mua hàng của người tiêu dùng bắt đầu bằng tìm kiếm trên Google, 65% số click đến từ quảng cáo từ khóa có trả tiền của Google (theo brafton.com).
Nhưng có điều, đó không phải là một miếng bánh mà bạn muốn lấy bao nhiêu cũng được, bởi nó có tính cạnh tranh rất cao.
Theo thống kê, hơn 90% doanh nghiệp đang chi tiền trên quảng cáo tìm kiếm tính phí, biến nó trở thành một kênh được ưu tiên hàng đầu.
Trong một thống kê của Hanapin Marketing, với câu hỏi “Kênh nào mà thương hiệu/ doanh nghiệp bạn ưu tiên ngân sách?”, kết quả khảo sát cho thấy:
- Có 93% chọn Search Engine
- 83% chọn Social Media
- 82% chọn Remarketing
- 79% chọn Display
- 33% chọn Shopping
- 28% chọn Native
- 27% chọn Progrmtc
- Chỉ có 4% chọn Podcasts
Đa phần các nhà quảng cáo nghĩ tới việc tăng giá thầu để đạt được vị trí cao khi quảng cáo của họ có tỉ lệ CTR thấp, nhưng điều đó thật sự không cần thiết ở mọi trường hợp. Trên thực tế, đặt giá thầu cao hơn không hề đảm bảo được vị trí xếp hạng quảng cáo lẫn tỉ lệ nhấp, nghĩa là tỉ lệ chuyển đổi cao hơn cũng không được đảm bảo.
Để vượt lên đối thủ cạnh tranh trên Google Ads mà không cần tăng giá thầu, bạn phải có một chiến lược tổng thể bao gồm nhiều yếu tố. Đầu tiên bạn cần hiểu “Google Ads là gì?” và cách Google Ads hoạt động vì đó là những kiến thức nền tảng, sau đó sử dụng các chiến thuật để vượt lên đối thủ.
Bây giờ hãy cùng tìm hiểu 7 cách có thể giúp chiến thuật của bạn hiệu quả:
1. Tìm hiểu về sức mạnh của điểm chất lượng
Như bạn biết, với cách hoạt động của một phiên đấu giá trong Google Ads, những quảng cáo có điểm chất lượng cao sẽ có được vị trí cao hơn trong bảng kết quả tìm kiếm, và đặc biệt là chi phí thấp hơn.
Đó là vì Google cần phục vụ khách hàng của họ – những người đang tìm kiếm. Nếu Google cung cấp một trải nghiệm tệ sau khi họ click vào quảng cáo, có thể sau đó họ sẽ không quan tâm đến quảng cáo nữa, và từ đó Google mất đi doanh thu.
Google làm thế nào? Câu trả lời là bằng cách tính điểm chất lượng quảng cáo của bạn vào trong thuật toán tìm kiếm. Xếp hạng quảng cáo của bạn sẽ được tính bằng điểm chất lượng nhân với giá thầu tối đa. Xếp hạng cao hơn nghĩa là vị trí trên trang tìm kiếm cao hơn.
Như ví dụ ở trên, người tên Sam đã chiến thắng trong cuộc đấu giá và dành được vị trí Top 1 trong bảng kết quả tìm kiếm nhưng lại đặt giá thầu thấp nhất.
Bạn không thể chỉ tăng giá thầu nếu muốn cạnh tranh trong Google Ads, bạn cần tăng điểm chất lượng của quảng cáo.
2. Tăng CTR (tỉ lệ nhấp chuột)
Khi có được tỉ lệ nhấp cao, bạn sẽ cải thiện được tỉ lệ nhấp dự kiến, điều đó mang lại điểm chất lượng cao hơn, giúp quảng cáo của bạn chiến thắng đối thủ và giảm bớt khoản chi tiêu. Đây là một vài cách để tăng tỉ lệ nhấp:
- Phân loại quảng cáo: Nếu bạn có ưu đãi, bạn cần làm nổi bật nó so với những quảng cáo khác. Sử dụng các yếu tố khác biệt để làm cho ưu đãi của bạn hấp dẫn với khách hàng tiềm năng.
- Sử dụng những con số: Đừng viết “Giảm giá lớn” mà hãy viết “Giảm giá 33% trên toàn cửa hàng”, bởi những con số sẽ thu hút sự chú ý. Hãy đi quanh một vòng trung tâm thương mại gần nhà, đôi khi bạn sẽ học được nhiều điều từ các gian hàng.
- Sử dụng lời kêu gọi hành động mạnh mẽ: Hãy truyền tải tính cấp thiết và củng cố lợi ích hoặc tính năng sản phẩm/ dịch vụ, ví dụ như “Tiết kiệm 33% ngay bây giờ”, “Đặt hàng ngay hôm nay”...
- Sử dụng tiện ích mở rộng: Tiện ích mở rộng quảng cáo là một món quà tốt mà Google Ads đem lại cho nhà quảng cáo, giúp bạn có nhiều không gian để hiển thị nhiều nội dung hơn tới khách hàng tiềm năng, hỗ trợ cải thiện tỉ lệ CTR đáng kể.
3. Kiểm tra và cải thiện mức độ liên quan đến quảng cáo
Với sự hiện diện của quảng cáo ở mọi nơi như hiện nay, khách hàng tiềm năng mong muốn khi tìm kiếm, họ sẽ nhìn thấy một mẫu quảng cáo có liên quan nhất tới cụm từ đó, để tiết kiệm thời gian.
Đây là cách để bạn làm tăng mức độ liên quan đến quảng cáo:
- Bao gồm từ khóa trong dòng tiêu đề và mô tả của mẫu quảng cáo: Khi hiển thị kết quả tìm kiếm, Google sẽ làm nổi bật truy vấn tìm kiếm, điều này thu hút hơn và tăng tỉ lệ nhấp hơn. Dưới đây là ví dụ:
Các từ khóa người dùng tìm kiếm được bôi đậm trong kết quả tìm kiếm.
- Thêm tùy chọn nhắm mục tiêu: Sử dụng nhắm mục tiêu theo địa lý để thu hẹp phạm vi hiển thị quảng cáo của bạn đến những đối tượng chưa phù hợp. Ví dụ khi bạn đang ở TP.HCM, bạn sẽ không muốn nhấp vào những quảng cáo của các cửa hàng tại Hà Nội.
- Sử dụng nhắm mục tiêu theo đối tượng: Nhắm mục tiêu theo đối tượng trên Google có vẻ như ít được nói tới, vì hầu hết mọi người đều nghĩ rằng quảng cáo Google là quảng cáo từ khóa. Nhưng không hẳn, lựa chọn thêm nhắm mục tiêu theo sở thích, độ tuổi,... là một sự lựa chọn có ích.
- Điều chỉnh theo sự kiện, ngày lễ: Ngay cả khi bạn không có các sản phẩm dịch vụ theo thời vụ như các sản phẩm cho các ngày lễ... bạn vẫn có thể điều chỉnh quảng cáo và trang đích của mình để nâng cao trải nghiệm khách hàng (UX).
- Tạo nhóm quảng cáo có chủ đề thật chặt chẽ: Tỉ lệ nhấp ổn định và mức độ liên quan tới quảng cáo được cải thiện với các nhóm quảng cáo có chủ đề chặt chẽ. Điều đó có nghĩa là bạn cần có một cấu trúc tài khoản quảng cáo phù hợp, với không quá 20 từ khóa cho mỗi nhóm quảng cáo. Tốt nhất từ 10-15 từ khóa. Có thể bạn sẽ phải làm nhiều việc hơn, nhưng nó đáng giá.
4. Trải nghiệm trang đích là một điều quan trọng
Chắc hẳn bạn đã nghe nhiều về UX – trải nghiệm người dùng nhúng phần quan trọng để tăng điểm chất lượng của bạn chính là trải nghiệm trang đích. Dưới đây là cách cải thiện trải nghiệm trang đích:
- Nếu có chương trình khuyến mại, bạn nên sử dụng mỗi landing page cho mỗi chương trình. Điều đó giúp khách hàng có một trải nghiệm đầy đủ và không sao nhãng về nội dung mà bạn cung cấp.
- Hãy để landing page thật sạch sẽ, chú ý tới văn bản, hình ảnh... đừng để nó quá dài dòng hay có bố cục lộn xộn. Hãy đưa các lợi ích lên đầu và sử dụng các nút kêu gọi hành động cụ thể – CTA – một cách phù hợp.
- Hình ảnh, thông điệp và nội dung của landing page phải nhất quán với nội dung quảng cáo mà khách hàng tiềm năng đã nhìn thấy. Đừng để họ nhìn thấy một nội dung quảng cáo nhưng khi click vào thì lại ra một trang nội dung khác
- Tốc độ tải trang nhanh, hoạt động tốt trên mọi thiết bị và nếu có biểu mẫu đăng ký nào đó thì đừng yêu cầu quá nhiều thông tin.
5. Tối ưu hóa từ khóa
Điều quan trọng nhất trong một chiến dịch quảng cáo Google là từ khóa phải phù hợp. Nhưng sẽ không đủ nếu bạn chỉ thực hiện nghiên cứu các từ khóa, nhập vào danh sách các từ và cho nó chạy. Bạn cần thường xuyên theo dõi danh sách từ khóa để bổ sung những từ khóa mới, hay loại bỏ những từ chưa phù hợp. Dưới đây là một số mẹo để tối ưu từ khóa:
- Sử dụng báo cáo cụm từ tìm kiếm: Sử dụng báo cáo các cụm từ tìm kiếm để tìm các từ khóa rẻ hơn, phù hợp hơn, giúp chuyển đổi cao hơn và có ít cạnh tranh hơn. Bạn cũng sẽ tìm thấy các từ khóa cần loại bỏ tại báo cáo này.
- Chạy các từ khóa của đối thủ cạnh tranh: Đây là một sự lựa chọn khá hữu ích, đôi khi để khách hàng phía đối thủ nhìn thấy quảng cáo của bạn là một cách tiếp cận đúng khách hàng tiềm năng nhanh nhất.
- Loại bỏ các từ khóa có điểm chất lượng thấp: Có thể bạn sẽ có vài từ khóa có điểm chất lượng thấp trong nhóm quảng cáo của mình, mặc dù đã làm đủ cách nhưng nó không tăng. Thay vì để chúng kéo điểm chất lượng của cả nhóm quảng cáo đi xuống, hãy tạm dừng sử dụng các từ khóa này.
6. Lựa chọn chiến lược giá thầu phù hợp
Hướng dẫn này nói về việc giúp quảng cáo của bạn tốt hơn mà không cần tăng giá thầu, nhưng không có nghĩa bạn không cần một chiến lược đặt giá thầu.
- Chọn chiến lược đặt giá thầu phù hợp: Khi bạn chọn chiến lược đặt giá thầu, tức là bạn đang cho Google biết cách mà bạn sẵn sàng chi tiêu ngân sách quảng cáo. Có thể bạn muốn nhiều lượt nhấp, nhiều chuyển đổi hoặc một khách hàng tiềm năng... hãy lựa chọn chiến lược phù hợp.
- Đặt giá thầu riêng cho từng loại đối sánh: Việc bạn đặt giá thầu riêng cho từng loại đối sánh giúp bạn cùng lúc có thể so sánh hiệu quả từng loại.
- Thử thay đổi chiến lược giá thầu: Không có một chiến lược nào là phù hợp ngay từ đầu hoặc phù hợp mãi mãi, bất cứ khi nào bạn thấy cần phải cải thiện thì hãy thử thay đổi chiến lược mới.
7. Quan sát đối thủ cạnh tranh
Điều này thường bị bỏ qua bởi các nhà quảng cáo bị cuốn vào các chỉ số và các yếu tố kỹ thuật quá nhiều, dẫn đến việc họ không biết đối thủ cạnh tranh của mình đang làm gì.
Hãy nhìn vào quảng cáo của đối thủ, xem họ đã chạy như thế nào, dùng ưu đãi gì, trang đích của họ tốt không... Và tự hỏi bản thân xem quảng cáo của bạn đã đủ tốt để vượt lên chưa? Trang đích của bạn đã đủ tốt để người dùng xem và đánh giá là cuốn hút hơn đối thủ chưa? Nếu có bất cứ điều gì không tốt hơn đối thủ, hãy thay đổi ngay!
* Nguồn: Soga