Dùng Emoji sao cho chuẩn trong truyền thông thương hiệu và thiết kế đồ họa?
Emoji không chỉ xuất hiện trong những đoạn hội thoại thường ngày mà bắt đầu "nhảy" ra khỏi màn hình tin nhắn để có mặt trên khắp các poster quảng cáo, logo thương hiệu, bao bì sản phẩm... và các chiến lược truyền thông marketing của thương hiệu. Vậy dùng Emoji sao cho chuẩn trong truyền thông thương hiệu và thiết kế đồ họa?
Những con số biết nói về emoji
-
Tính đến năm 2021, có khoảng 5 tỷ lượt emoji được sử dụng mỗi ngày chỉ trên Facebook và Messenger
-
Theo Unicode, có tới 92% người dùng internet trên thế giới sử dụng emoji.
-
25.4% các Tweet nhận được nhiều tương tác hơn khi sử dụng emoji
-
Emoji giúp tăng 48% tỉ lệ tương tác cho bài đăng trên Instagram
-
Bài đăng trên Facebook có số lượt bình luận và lượt chia sẻ tăng khoảng 33% khi có biểu tượng cảm xúc.
-
Biểu tượng cảm xúc trong tiêu đề email làm tăng tỷ lệ mở lên 29% và tỷ lệ click lên 28%.
-
51% người dùng internet cho biết họ có khả năng tương tác với các bài đăng của thương hiệu nếu nó bao gồm biểu tượng cảm xúc
Lợi ích của Emoji trong truyền thông thương hiệu và thiết kế đồ họa?
Tăng mức độ tương tác
Lợi ích dễ nhận thấy nhất của việc sử dụng emoji trong hoạt động marketing là nó giúp tăng mức độ tương tác, tỉ lệ click nhiều hơn cho bài viết. Emoji có thể được sử dụng trong tất cả các loại hình digital marketing như email marketing, social media marketing…
Truyền tải thông điệp nhanh chóng
Trong thế giới đang dần phẳng hóa như hiện tại, các thương hiệu ngày càng được phủ sóng liên tục và mạnh mẽ trên mọi phương tiện truyền thông. Theo đó, cuộc chiến tranh giành ánh nhìn của khách hàng cũng trở nên gay gắt hơn.
Vậy làm thế nào để có được sự chú ý của khách hàng? Trong bất kỳ chiến dịch truyền thông nào, yếu tố thị giác là vũ khí không thể thiếu của các thương hiệu. Những hình ảnh bắt mắt, độc đáo, sáng tạo có thể nhanh chóng giúp khách hàng “yêu” thương hiệu từ cái nhìn đầu tiên. Và emoji cũng được xem là một loại hình ảnh, do đó có thể dễ dàng chạm đến cảm xúc này của người dùng.
Ngoài ra, emoji có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ khi nó được người dùng trên toàn thế giới công nhận và sử dụng, vì vậy thương hiệu có thể nhanh chóng giao tiếp và tiếp cận thị trường nước ngoài mà không cần người phiên dịch. Bên cạnh đó, emoji còn có khả năng lột tả cảm xúc, truyền tải thông tin một cách nhanh chóng mà không cần từ ngữ.
Giúp tổng thể thiết kế gần gũi, thân thiện hơn
Thiết kế logo của LG và Amazon là hai mẫu thiết kế điển hình cho thấy hiệu quả của việc ứng dụng emoji trong thiết kế nhận diện thương hiệu. Thông qua emoji, những lĩnh vực công nghệ khô khan trở nên gần gũi, dễ chịu và thân thiện hơn, từ đó kết nối với khách hàng hiệu quả hơn.
Ngoài logo, emoji còn được sử dụng nhiều trong thiết kế bao bì sản phẩm. Pepsi từng gây bất ngờ khi tung ra chiến dịch "Say it with Pepsi" với vỏ lon chỉ in hình biểu tượng cảm xúc. Thông qua đó, thông điệp của thương hiệu được truyền tải một cách gần gũi, thân thuộc, mang đến sự tương tác và gắn kết cao giữa thương hiệu và khách hàng.
Dùng emoji trong các chiến lược marketing sao cho chuẩn?
Nhiều lợi ích là thế nhưng không ít ý kiến cho rằng sử dụng emoji trong hoạt động marketing có thể mang lại cảm giác thiếu chuyên nghiệp cho thương hiệu, tệ hơn còn tạo cảm giác spam cho người dùng. Vậy dùng emoji trong các chiến lược marketing sao cho chuẩn?
Emoji chỉ thực sự mang lại hiệu quả nếu được sử dụng "đúng người - đúng thời điểm".
Đúng người
-
Tìm hiểu kỹ đối tượng mục tiêu mà bạn muốn hướng đến để từ đó điều chỉnh nội dung và sử dụng emoji phù hợp
-
Emoji cần phù hợp với brand voice của thương hiệu. Bạn không thể sử dụng biểu tượng "🤡" cho một bài đăng của công ty luật được.
-
Sử dụng emoji đúng theo brand guideline của thương hiệu: nên sử dụng emoji lúc nào, ở đâu...
Đúng thời điểm
Không phải mọi thông điệp của thương hiệu đều cần sử dụng emoji, việc sử dụng vô tội vạ sẽ tạo cảm giác thiếu nghiêm túc, không chuyên nghiệp cho thương hiệu. Emoji cần được sử dụng trong tình huống phù hợp.
Hiểu rõ ý nghĩa của từng emoji
Không phải tất cả emoji đều mang ý nghĩa như những gì nó thể hiện. Chẳng hạn, emoji quả đào “🍑” mang ý nghĩa là trái cây, nhưng thường được sử dụng như một từ lóng chỉ bộ phận cơ thể người (mông). Để không tạo nên hiểu lầm không cần thiết, thương hiệu cần tìm hiểu và nắm rõ được ý nghĩa của emoji mà mình đang sử dụng.
Kết
Những lợi ích mà emoji mang lại trong thiết kế đồ họa và truyền thông thương hiệu là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức emoji có thể tạo nên những vấn đề không đáng có. Hãy nhớ, emoji không thể thay thế hoàn toàn từ ngữ, chúng chỉ hoạt động tốt nhất khi xuất hiện đúng bối cảnh và thường được sử dụng cho mục đích "tiếp sức" cho một thông điệp cụ thể.
Rubyk Agency