Cô Nguyễn Minh Thảo: Hiệu quả của việc học Kỹ năng Thuyết trình thúc đẩy Tư duy Phản biện
Ranh giới giữa “Phản biện” và “Tranh cãi” rất mong manh. Dưới đây là bí quyết giúp nâng cao và áp dụng hiệu quả Kỹ năng Phản biện cho học sinh.
Hệ thống giáo dục tiến bộ đang ngày càng hướng chúng ta đến một môi trường học tập lý tưởng hơn, nơi mà mọi nguồn ý kiến đều được đóng góp, tranh luận, đúc kết và trở thành quan điểm được chấp nhận. Chính vì vậy mà không ít phương pháp giáo dục hiện nay khuyến khích tư duy phản biện cho học sinh. Mặc dù được ủng hộ rộng rãi, song, quá trình thực hiện lại vô cùng khó khăn vì yếu tố kỹ năng của các em chưa được phổ cập đầy đủ.
Nhằm có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, cô Nguyễn Minh Thảo - Diễn giả, giáo viên kỹ năng tại Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ: “Phản biện là dùng lập luận của mình để phân tích, bàn luận hoặc phản bác lại một vấn đề theo logic nhằm chứng minh tính đúng đắn của vấn đề đó. Trên thực tế, phản biện giúp ích rất nhiều cho quá trình tư duy, củng cố khả năng phân tích và đánh giá vấn đề của học sinh, sinh viên”.
“Xét về bản chất, tư duy phản biện đòi hỏi chúng ta phải kích hoạt khả năng quan sát, tìm tòi, phân tích, và đánh giá. Chính vì thế, những người có tư duy phản biện sẽ xác định, phân tích và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống thay vì bằng trực giác hay bản năng của mình. Nhờ vậy, các giải pháp được đưa ra cũng mang tính thực tế và hiệu quả cao hơn”, cô Minh Thảo nhận định.
Kỹ năng Phản biện giúp nâng cao chất lượng học tập
Theo cô Minh Thảo: “Phản biện mang lại rất nhiều lợi ích cho quá trình học tập của học sinh, vừa củng cố kiến thức vừa nâng cao kết quả một cách rõ rệt”.
“Với những bài giảng có tổ chức các hoạt động phản biện, tranh luận, các bạn học sinh có tâm lý tiếp nhận cởi mở và năng động hơn, tích cực tham gia trao đổi cũng như chủ động tìm tòi các thông tin nhằm đưa ra quan điểm một cách thuyết phục nhất. Đặc biệt, khi sử dụng phương pháp phản biện, các bạn còn có xu hướng dễ dàng chống lại những áp lực của bạn bè, hình thành ý kiến của riêng mình và tin tưởng vào suy nghĩ của bản thân khi được yêu cầu làm những việc mà các bạn không muốn làm. Đây là một cách rất hay để hạn chế tâm lý a dua, chạy theo đám đông ở các bạn trẻ”, cô Thảo chia sẻ.
Bên cạnh đó, quá trình phản biện cũng cung cấp cho học sinh những hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới, bao gồm cả cách các bạn nhìn nhận bản thân mình trong thế giới đó. Dựa trên những quan sát thực tế, cô Thảo nhận thấy, những em học sinh càng có thói quen tư duy phản biện thì càng ít mắc phải những sai lầm phi logic mà chúng ta thường thấy nếu chỉ nhìn mọi thứ xung quanh qua cảm xúc, định kiến và những suy nghĩ phi lý trí của mình.
“Giáo viên cũng là những người trực tiếp được đón nhận lợi ích từ cách học này. Thông qua quá trình tổ chức các hoạt động phản biện trong lớp, giáo viên có thể nắm được trình độ nhận thức và phạm vi hiểu biết của học sinh, đồng thời có thể giúp các bạn tiếp cận sâu hơn, tốt hơn với nhiều nguồn thông tin mới thông qua quá trình phản biện. Thay vì chỉ say mê ngợi ca về khát khao sống mãnh liệt của Xuân Diệu trong bài thơ “Vội vàng”, với hoạt động phản biện, giáo viên có thể dẫn dắt các bạn tìm hiểu về nguồn cội của phong trào Thơ Mới, lý giải được nỗi đau đời đằng sau khát khao cháy bỏng của nhà thơ và định hình được những phong cách riêng của các tác giả”, cô Thảo khẳng định.
Kỹ năng Phản biện của học sinh Việt hiện nay
Lợi ích từ quá trình phản biện là không thể chối cãi. Tuy nhiên, các phương pháp áp dụng vào thực tế của hệ thống giáo dục hiện tại lại khiến cô Thảo dấy lên nhiều trăn trở. Cô cho biết, “Ranh giới giữa phản biện và tranh cãi ở Việt Nam là quá mong manh. Chúng ta khuyến khích phản biện nhưng lại không chỉ cho các em kỹ năng thực hiện khiến hiệu quả đạt được là vô cùng thấp. Phản biện còn dễ bị người lớn đánh giá là “cãi”, “láo”, “nói lời khó nghe”... Đó là lý do mà dù nhà trường rất ủng hộ việc đưa phản biện vào thực tế lớp học nhưng quá trình thực thi lại gây ra nhiều khó khăn cho cả giáo viên và học sinh”.
Cô Thảo cho rằng "Chúng ta cần rạch ròi giữa Phản biện và Tranh cãi. Phản biện là nhằm mục tiêu hướng tới kiến thức chuẩn xác nhất trên quy tắc tôn trọng, trong khi Tranh cãi chỉ quan tâm đến chiến thắng để thỏa cái tôi của người nói. Do đó, rất nhiều trường hợp phản biện bị đánh đồng với tranh cãi là vì các bạn học sinh không thể kiểm soát tốt cảm xúc, tông giọng cũng như là phương pháp truyền tải. Điều này gây ức chế cho người nghe và khiến họ cảm thấy bị xúc phạm”.
Chính vì thế, trước khi đòi hỏi một khả năng phản biện hoàn hảo từ các em, chúng ta cần cho các em một phương pháp học tập và rèn luyện kỹ năng phản biện một cách bài bản, khoa học nhất. “Phản biện tốt phải bắt đầu từ việc các em có được các kỹ năng nói hiệu quả như kiểm soát tốt cảm xúc cá nhân, thể hiện ngôn ngữ cơ thể đúng mực, giữ vững tông giọng tranh luận và truyền tải quan điểm một cách cầu thị, tôn trọng đối phương. Tức là, để có thể phản biện giỏi, ngoài việc hấp thu kiến thức và lựa chọn phương pháp phù hợp, cần phải bồi dưỡng cho học sinh hệ thống kỹ năng, đặc biệt kỹ năng Giao tiếp - Thuyết trình”, cô Thảo nhấn mạnh.
Một khi đã đủ tự tin để bày tỏ quan điểm và thuyết phục người khác, kỹ năng phản biện sẽ không còn là thách thức đối với các bạn học sinh.
Bí mật để hoàn thiện Kỹ năng Phản biện
Ở độ tuổi càng nhỏ, quá trình học tập và tiếp thu kỹ năng phản biện của học sinh càng tốt nhờ tinh thần ham học hỏi và trí tò mò rất cao về thế giới. Chính vì thế, cô Minh Thảo cho rằng, “Chúng ta cần phải có sự cân bằng từ 2 phía: "Một mặt, giáo viên hay kể cả phụ huynh phải có sự cởi mở hơn trong tư duy, thay vì quá khắt khe với việc lắng nghe sự phản biện từ các con, chúng ta nên tích cực hợp tác để giải quyết các vấn đề tốt hơn. Mặt khác, các em cũng cần được đầu tư hơn cho các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, chia sẻ, đóng góp... để có cho mình một khả năng phản biện văn minh và cầu thị".
Kỹ năng là một quá trình đầu tư lâu dài mà ở đó, nếu muốn thành công, chúng ta phải hiểu và “đặt cược” đúng vào điểm mấu chốt của vấn đề. Với kỹ năng phản biện, cốt lõi của nó nằm ở khả năng giao tiếp, thuyết trình hay kiểm soát cảm xúc. Do đó, học sinh nên được học và thực hành từ sớm các kỹ năng quan trọng này. Các kỹ thuật như ngôn ngữ cơ thể, nét mặt, tông giọng, sắp xếp nội dung logic,... là những kỹ năng bắt buộc của thuyết trình. Nếu không làm tốt nó, học sinh rất dễ bị hiểu lầm có thái độ ương ngạnh, cứng đầu, bảo thủ. Tức là do kỹ năng sắp xếp logic vấn đề còn rất kém. “Các em rất khó để phản biện thành công nếu chưa giải quyết được những vấn đề cốt lõi này”.
Cô Thảo tâm huyết chia sẻ, “Chúng ta có thể hình dung Phản biện là một bài thuyết trình thu nhỏ, tức thời, không được chuẩn bị trước. Vì vậy để phản biện thuyết phục, ngoài việc có nền tảng kiến thức đủ tốt, đủ chắc, thì việc thuần thục kỹ năng thuyết trình sẽ giúp học sinh sắp xếp và diễn đạt thông tin một cách hấp dẫn trong thời gian rất ngắn”.
Ranh giới giữa phản biện và tranh cãi đôi khi rất mong manh. Tuy nhiên, cô Minh Thảo tin tưởng rằng, với phương pháp giáo dục mới, lấy việc phát triển kỹ năng nói - thuyết trình của học sinh làm nền tảng thì kỳ vọng thúc đẩy tư duy và khả năng phản biện sẽ mang lại những kết quả tích cực hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một môi trường học tập lý tưởng trong tương lai gần.
Nguồn bài viết gốc tại đây