Mastercard: 95% người tiêu dùng Việt Nam biết đến hình thức “mua trước, trả sau” hoặc trả góp

Mastercard: 95% người tiêu dùng Việt Nam biết đến hình thức “mua trước, trả sau” hoặc trả góp

Việc khuyến khích từ các ngân hàng và mạng lưới thanh toán giúp xây dựng niềm tin và tạo sự thoải mái cho người tiêu dùng khi thực hiện các hình thức thanh toán này.

Theo báo cáo Mastercard New Payments Index 2022”, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam (95%) đã biết đến hình thức thanh toán “Mua trước, trả sau” (MTTS) hoặc trả góp là một trong những lựa chọn thanh toán, mặc dù chỉ có một số ít sử dụng hình thức này trong năm ngoái.

Đồng thời, đa số người tiêu dùng cho rằng việc hỗ trợ từ các tổ chức tài chính lớn như ngân hàng là yếu tố thúc đẩy sự tin tưởng và thoải mái của người tiêu dùng khi thực hiện thanh toán trả góp.

Số liệu mới nhất về thói quen thanh toán, thái độ thanh toán và hình thức thanh toán ưa chuộng đã được công bố trong báo cáo, khảo sát người tiêu dùng toàn cầu trên 40 thị trường thuộc 5 khu vực, trong đó có 7 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương gồm: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam.

Mastercard: 95% người tiêu dùng Việt Nam biết đến hình thức “mua trước, trả sau” hoặc trả góp

Khảo sát cho thấy hình thức thanh toán MTTS hoặc trả góp còn nhiều dư địa để phát triển ở Việt Nam, với chỉ 32% những người tham gia khảo sát đã sử dụng phương thức thanh toán kỹ thuật số trong năm ngoái. Hơn một nửa số người được hỏi (57%) cho biết nhiều khả năng họ sẽ sử dụng hình thức MTTS hoặc trả góp cho một khoản mua sắm lớn hoặc khẩn cấp, trong khi 78% quan tâm đến việc thanh toán hóa đơn bằng hình thức này.

Mặc dù chỉ có 62% số người được hỏi cảm thấy thoải mái với thanh toán MTTS hoặc trả góp, khảo sát cho thấy việc hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với các khoản thanh toán trả góp sẽ khuyến khích người tiêu dùng tiếp cận với các dịch vụ thanh toán này.

Cụ thể 77% người tiêu dùng được hỏi đồng ý rằng họ cảm thấy an toàn hơn khi sử dụng giải pháp MTTS hoặc trả góp nếu được hỗ trợ bởi một mạng lưới thanh toán lớn hơn là các nhà cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, 78% số người được hỏi sẽ quan tâm hơn đến các gói trả góp do ngân hàng hiện tại của họ cung cấp.

“Người tiêu dùng Việt Nam rất hào hứng sử dụng các hình thức thanh toán kỹ thuật số mới nổi(*). Khảo sát của Mastercard cho thấy MTTS hoặc trả góp có tiềm năng trở thành một lựa chọn thanh toán được chấp nhận rộng rãi hơn với các điều kiện phù hợp.

Chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của phương thức thanh toán này trong thời gian gần đây, song do còn mới, nhiều người vẫn cần xây dựng một mức độ quen thuộc nhất định đối với các nhà cung cấp dịch vụ MTTS hoặc trả góp này. Việc hỗ trợ có hệ thống sẽ giúp hình thức thanh toán này được tiếp cận rộng rãi hơn nữa, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng cường sức mua của người tiêu dùng Việt Nam”, Winnie Wong – Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào – cho biết.

Những lý do hàng đầu của việc sử dụng dịch vụ MTTS hoặc trả góp trong năm ngoái tại Việt Nam bao gồm: lãi suất thấp hoặc lãi suất 0% (57%), tiết kiệm tiền để mua hàng mà không cần chờ đợi (55%), và thoải mái mua hàng vào những thời điểm nhất định trong năm (55%).

(*) Các phương thức thanh toán kỹ thuật số mới nổi: Chủ yếu là các phương thức thanh toán sử dụng kỹ thuật số/ công nghệ và có mức độ áp dụng khác nhau trên thế giới. Danh sách bao gồm: thanh toán trực tiếp từ tài khoản ngân hàng, ví kỹ thuật số, thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ kỹ thuật số, ứng dụng chuyển tiền kỹ thuật số, mã QR, ví điện tử trên điện thoại thông minh, dịch vụ thanh toán tức thì, mua trước trả sau, thanh toán di động bằng tin nhắn SMS, tiền điện tử, sinh trắc học và thiết bị đeo có hỗ trợ công nghệ thanh toán.

Về nghiên cứu

“Mastercard New Payments Index” phân tích các thay đổi trong thái độ, sở thích và hành vi của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán mới nổi, cũng như nghiên cứu chi tiết về mục đích và cân nhắc của họ khi áp dụng thanh toán kỹ thuật số.

Nghiên cứu “Mastercard New Payments Index 2022” được thực hiện bởi The Harris Poll và Mastercard từ ngày 21/3 đến ngày 19/4/2022, khảo sát 35.040 người tiêu dùng ở 40 thị trường, bao gồm 7.004 người trả lời tại 7 thị trường ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.