Chuyện trò cùng marketers: Tìm nơi đâu để thấy mentor dẫn lối?

Chuyện trò cùng marketers: Tìm nơi đâu để thấy mentor dẫn lối?

Đời người có 3 điều được xem là may mắn nhất, đó chính là: Đi học gặp được thầy tốt, đi làm gặp được tiền bối tốt và lập gia đình gặp được người bạn đời tốt (khuyết danh).

“May mắn lớn nhất của cuộc đời không phải là nhặt được tiền, cũng không phải trúng số, mà là có người có thể dẫn bạn đi đến một nền tảng mới” (sưu tầm). Bởi lẽ, tiền bạc có rồi sẽ vơi, chỉ có kiến thức hay tư duy mới có thể làm thay đổi đời người. 

Điều này có thể xảy đến khi bạn gặp gỡ một ai đó, nghe một câu nói nào đó, nhận được bài học nào đó, đối diện với một sự kiện nào đó mang tính bước ngoặt, đánh thức, khai phá mọi tiềm năng mà bạn có. 

Mentor là người cố vấn, hướng dẫn và giúp đỡ người khác phát triển, tiến bộ trong một lĩnh vực nào đó. Đó có thể là thầy bạn, sếp bạn, một người đi trước, một ai đó có tầm ảnh hưởng mà bạn chưa hề gặp mặt. Gặp được người mentor tốt, bạn có thể rút ngắn chặng đường chông gai để đi nhanh hơn về đích.

Người này có tác động tích cực đến lối suy nghĩ và hành động của bạn, đôi khi là sự động viên, khích lệ hoặc là tấm gương sáng để bạn noi theo, trao cho bạn cơ hội và dẫn dắt bạn đến nấc thang cao hơn.

Bạn có thể gặp họ ở đâu?

  • Đó có thể là thầy/ cô ở trường đại học, các trung tâm đào tạo, workshop…
  • Sếp ở công ty, leader hay đồng nghiệp lâu năm 
  • Các anh chị đi trước mà bạn quen biết, các tiền bối trong các cộng đồng chuyên môn
  • Các anh chị mentor trong các cuộc thi về Marketing
  • Các anh chị tham gia các chương trình Mentoring (của UAN hoặc mentori.vn...)

Với mỗi giai đoạn của sự nghiệp, bạn sẽ gặp những người có vai trò khác nhau. Có khi là trực tiếp hướng dẫn, có khi là gợi mở động viên, hoặc họ chỉ cho bạn vài lời khuyên khi thực sự cần thiết. Người này không nhất thiết phải sát sao kèm cặp bạn hay phải gặp mặt thường xuyên mà có thể đứng từ xa quan sát và hỗ trợ khi cần.

Với mỗi giai đoạn của sự nghiệp, bạn sẽ gặp những mentor có vai trò khác nhau.
Nguồn: Unsplash

Trong các workshop/ offline giao lưu cùng các Marketers, tôi thường kể mình có 3 người thầy (hoặc cô) trong lĩnh vực Marketing tương ứng với 3 chặng đường:

  1. Một người cho tôi nền tảng kiến thức về nghề Truyền thông – Marketing, khi tôi là một Newbie đúng nghĩa, không có kinh nghiệm cũng chẳng sáng tạo hay sắc bén như các bạn khác, nói chung là không có gì nổi bật ngoài sự nỗ lực và kiên trì.
  2. Một người cho tôi môi trường và hàng loạt nhiệm vụ khó để vượt qua, để hiểu thế nào là làm Marketing chuyên nghiệp. Ở giai đoạn này, tôi cũng trải qua nhiều cảm xúc, từ ấm ức cho đến thỏa mãn vì đã chứng minh được năng lực, và đổi lại rất nhiều bài học lớn. Với nền tảng kiến thức ở giai đoạn 1, cộng với môi trường thách thức, tôi có cơ hội phát triển nhiều hơn về chuyên môn.
  3. Một người cho tôi cơ hội để tỏa sáng khi tôi đã có sẵn tố chất và kinh nghiệm tích lũy trước đó. Họ cho nhân viên đất diễn, thử và tự do phát triển. Người này không cần cầm tay chỉ việc mà như một huấn luyện viên, chỉ gợi ý và quan sát cách bạn làm, thỉnh thoảng đưa ra vài định hướng mới.

Ngoài ra sẽ còn rất nhiều người khác, họ chẳng biết tôi là ai, tôi cũng chưa từng gặp họ nhưng ngày ngày vẫn đọc các bài viết của họ trên Facebook để có thêm hiểu biết và thái độ đúng, tư duy đúng. Họ có thể là chuyên gia, CEO, lãnh đạo cấp cao nào đó…

Gặp được người mentor tốt, bạn có thể rút ngắn chặng đường chông gai để đi nhanh hơn về đích.

Vậy làm thế nào để họ chịu làm mentor cho bạn?

Khi đã đạt một số thành tựu nhất định với độ chín trong nghề, chắc chắn họ sẽ rất bận rộn. Vì vậy không ai có trách nhiệm hay nghĩa vụ làm mentor cho một ai đó, trừ khi họ cảm thấy nên làm vì bạn xứng đáng. 

Họ không thể gặp ai cũng chỉ đường, cũng hướng dẫn. Điều này sẽ tùy duyên và tùy vào sự thể hiện của bạn. Hãy cho họ thấy rằng bạn tự xứng đáng và họ sẽ chủ động giúp đỡ/ hỗ trợ mà không cần đề nghị. 

Thông thường mỗi người chỉ có thể giúp đỡ cho vài người xung quanh. Và tất nhiên, chẳng ai đồng ý làm mentor cho một người hoàn toàn lạ mặt. Khi đó, bạn hãy cho họ một số lý do.

Với tôi, giữa hàng nghìn bạn trẻ mà tôi đã tiếp xúc, tôi phải cân nhắc và chọn lọc rất nhiều để xem người đó có thực sự cần hỗ trợ hay xứng đáng được mentoring hay không.

  • Tôi sẽ bắt đầu với những bạn xung quanh mình, là nhân viên của mình trước. Là những người theo dõi sát sao nhất, tôi hiểu họ nên có thể huấn luyện từ chuyên môn cho tới thái độ, để đáp ứng tốt cho công việc, giúp họ đi đúng hướng với lộ trình nghề nghiệp rõ ràng, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu.
  • Sau đó sẽ đến những bạn học viên. Trong quá trình giảng dạy, tôi sẽ quan sát kỹ bạn nào có tinh thần thái độ cầu thị, thực sự mong muốn vươn lên, chú tâm và chân thành, khát khao kiến thức và có hành động cụ thể cho việc đó. Các hỗ trợ sẽ bao gồm kiến thức, cơ hội nghề nghiệp và định hướng tư vấn thêm.
  • Tiếp nữa sẽ đến các đàn em, bạn trẻ tích cực, những bạn follower, member của group. Tôi có thể giúp bạn bằng các bài viết trên trang cá nhân và cộng đồng của mình (vì số đông) chứ không thể chỉ tập trung vào một ai đó cụ thể. Và đương nhiên, tôi vẫn quan sát để hỗ trợ thêm trong một số trường hợp khác.

Đừng trông mong ai đó sẽ dắt bạn lên núi trong khi bản thân chẳng chịu trèo và không có động lực từ bên trong.
Nguồn: Shutterstock

Tìm kiếm sự hỗ trợ của mentor như thế nào?

Quỹ thời gian của mỗi người là có hạn. Vậy nên, bạn phải là người chịu trách nhiệm cho công việc và cuộc đời của chính mình. Đừng trông mong ai đó sẽ dắt bạn lên núi trong khi bản thân chẳng chịu trèo và không có động lực từ bên trong. Hãy chủ động tìm hiểu, tự đưa ra phương án của mình và tham khảo ý kiến khi cần thiết. 

Cuối cùng, quan điểm của tôi là: Người mentor quan trọng nhất chính là bản thân bạn. Vì chỉ có bạn mới hiểu bản thân mình cần gì, điểm mạnh – điểm yếu ra sao và có thể chịu trách nhiệm 100% với cuộc đời và sự nghiệp của mình. Thành công đến từ 80% nỗ lực bên trong và 20% tác động bên ngoài. Hãy nhớ rằng không ai có thể giúp bạn nếu bạn không bước tới.

Chúc bạn trên hành trình phía trước sẽ may mắn gặp được mentor tốt. Nhưng nếu không cũng không sao cả (vì chỉ có một số ít người được mentor hỗ trợ). Nếu có gặp họ, hãy giữ lòng biết ơn chân thành, cảm kích vì những điều họ đã làm. Cách đơn giản nhất (như tôi đang làm) là chia sẻ lại cho những bậc đàn em của mình.