Davipharm, Adamed công bố hotline hỗ trợ trầm cảm sau sinh

Davipharm, Adamed công bố hotline hỗ trợ trầm cảm sau sinh

“Khi có dấu hiệu trầm cảm sau sinh (TCSS), hãy gọi ngay tổng đài chăm sóc sức khỏe miễn phí 0909 65 80 35” là thông điệp của hoạt động phi lợi nhuận chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Việt Nam thuộc chương trình Chăm Sóc Sức Khỏe Việt, do Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế (BYT) và Davipharm, Adamed hợp tác triển khai dài hạn.

Theo thống kê, có đến 15% phụ nữ bị TCSS trong 3 tháng đầu, tỉ lệ này tăng hơn 25% trong vòng 1 năm đầu sau sinh. Có thể thấy, TCSS rất phổ biến và thực tế đã có nhiều sự việc đau lòng vì TCSS. Giúp chủ động phòng ngừa, hỗ trợ, đồng hành cùng mẹ sau sinh vượt qua trầm cảm là mục tiêu của dự án “Nói không với trầm cảm sau sinh”.

Davipharm, Adamed công bố hotline hỗ trợ trầm cảm sau sinh

Chăm Sóc Sức Khỏe Việt – chương trình hợp tác phòng chống bệnh không lây nhiễm của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế và Davipharm, Adamed. 

Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến TCSS

1. Do thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể đột ngột

Trong quá trình mang thai, cả hai hormone estrogen và progesterone trong cơ thể mẹ bầu đều ở mức cao nhưng sau khi sinh, nồng độ sẽ giảm mạnh đột ngột. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, cũng tương tự như sự căng thẳng và thay đổi tâm trạng do chu kỳ kinh nguyệt nhưng nghiêm trọng và kéo dài hơn.

2. Do yếu tố cảm xúc tiêu cực

Sinh con là niềm hạnh phúc lớn lao nhưng có quá nhiều yếu tố dẫn đến tâm lý tiêu cực sau sinh như: sinh con ngoài ý muốn, sự thay đổi của cơ thể, sự mất tự tin về vẻ ngoài, sức khỏe giảm, vất vả chăm sóc con, sự thiếu quan tâm của chồng và gia đình... Nhất là những mẹ sau sinh hồi phục sức khỏe kém, bé gặp phải vấn đề sức khỏe, thì mẹ rất dễ trải qua những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, chán nản, tức giận, cảm thấy có lỗi...

3. Do mệt mỏi

Mệt mỏi sau sinh là tình trạng thường gặp, đây là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp như: thay đổi hormone, áp lực chăm sóc con, đau đớn và thay đổi cơ thể sau sinh... là nguyên nhân dễ dẫn đến TCSS. Người phụ nữ sẽ phải mất nhiều tháng để hồi phục sức khỏe.

4. Do tiền sử trầm cảm

Những người mắc chứng trầm cảm trước hoặc  trong khi mang thai ở lần sinh trước có nguy cơ tái phát bệnh cao hơn so với người bình thường.

5. Do yếu tố gia đình, cuộc sống

Sự thiếu giúp đỡ đúng và đủ từ người chồng, gia đình, bạn bè... khiến phụ nữ sau sinh không được chăm sóc về tinh thần, thể chất... Hoặc sự vô tâm, thiếu hiểu biết về TCSS từ chồng và người thân khiến mẹ dễ TCSS và khiến diễn biến của cơn trầm cảm trở nên trầm trọng hơn.

Nếu mẹ bầu phải trải qua những sự kiện căng thẳng như thay đổi nơi ở, người thân mắc bệnh hay qua đời... nguy cơ TCSS cũng sẽ cao hơn.

Mỗi mẹ sau sinh đều có nguy cơ bị trầm cảm. Lúc này, sự hỗ trợ của bác sĩ, chồng và gia đình thực sự quan trọng.

Nhận biết những dấu hiệu của TCSS

Đây là những dấu hiệu phỏ biến của TCSS:

  • Khóc thường xuyên, khóc nhiều hơn bình thường với tâm trạng xấu, đôi khi không biết lý do vì sao lại khóc
  • Tâm trạng buồn bã, vô vọng, trống rỗng không rõ nguyên nhân, cảm thấy chán nản cả về việc chăm sóc con
  • Buồn phiền, bồn chồn, cáu kỉnh, sợ hãi...
  • Rơi vào tình trạng mất ngủ, không thể ngủ sâu giấc hoặc ngủ quá nhiều
  • Giận dữ, mất kiểm soát
  • Khó tập trung khi đưa ra quyết định
  • Ăn quá ít, không cảm thấy ngon miệng hoặc ngược lại ăn rất nhiều
  • Ngại tiếp xúc với người khác, dễ xa lánh bạn bè, người thân, thậm chí ngại gần gũi với cả con
  • Có ý nghĩ làm hại bản thân và con
  • Không tin tưởng vào khả năng của bản thân về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ con

Không chỉ bản thân người mẹ mà gia đình cũng cần chú ý khi mẹ có các dấu hiệu bất thường như trên.

Làm gì để vượt qua TCSS?

TCSS hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện và can thiệp sớm. TCSS rất phổ biến, có hơn 25% phụ nữ mắc TCSS, trong đó hàng triệu triệu bà mẹ đang TCSS. Vậy nên đừng e ngại, đừng chần chừ. Khi có dấu hiệu trầm cảm, hãy lập tức gọi về đường dây nóng 0909 65 80 35 miễn phí hoặc liên hệ qua Fanpage Chăm Sóc Sức Khỏe Việt để được các bác sĩ, chuyên gia đồng hành cùng bạn cho đến khi vượt qua giai đoạn này.

Davipharm, Adamed công bố hotline hỗ trợ trầm cảm sau sinh

Một số phương pháp điều trị thường được áp dụng gồm

  • Tham vấn tâm lý: Chuyên gia sức khỏe tâm lý sẽ sử dụng các liệu pháp hành vi, giúp mẹ nhận ra những vấn đề bản thân đang gặp phải, từ đó khắc phục dần những suy nghĩ, hành vi tiêu cực của mình. Cùng với đó là liệu pháp tương tác giúp mọi người xung quanh hiểu được và hỗ trợ điều trị cho người mẹ.
  • Điều trị bằng thuốc: Trường hợp TCSS nặng có thể phải dùng thuốc điều trị như: thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm... Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây tác dụng phụ không tốt nếu lạm dụng hay dùng không đúng, cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
  • Hỗ trợ từ chồng và gia đình: Bên cạnh điều trị, sự hỗ trợ, động viên từ những người thân, bạn bè… đặc biệt là người chồng rất quan trọng trong quá trình phục hồi, họ cần phải hiểu biết đúng về sự nguy hiểm của TCSS, hợp tác cùng chuyên gia, bác sĩ để chăm sóc tốt nhất cho người mẹ sau sinh, giúp cho quá trình hồi phục dễ dàng và hiệu quả hơn. Bản thân người mẹ sau sinh cũng nên tin tưởng, kiên nhẫn để dần cải thiện triệu chứng bệnh của mình.

Davipharm, Adamed công bố hotline hỗ trợ trầm cảm sau sinh

Theo thông tin của Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có 77 người là do các bệnh không lây nhiễm, đây còn là yếu tố tăng nặng và dễ dẫn đến tử vong khi mắc các bệnh truyền nhiễm như COVID-19. Mặc dù nguy hiểm, nhưng các bệnh không lây nhiễm có thể được phòng chống hiệu quả thông qua kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.

Hoạt động tuyên truyền kiến thức và tạo đường dây nóng 0909 65 80 35 tư vấn về sức khỏe tâm thần miễn phí cho cộng đồng thuộc chương trình Chăm Sóc Sức Khỏe Việt – một dự án phi lợi nhuận do Davipharm, thành viên của Tập đoàn Adamed – là nhà sản xuất thuốc trong nước đồng hành dài hạn cùng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế triển khai, nhằm chung tay giảm gánh nặng các bệnh không lây nhiễm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.

Chương trình hợp tác dài hạn Chăm Sóc Sức Khỏe Việt, bắt đầu từ năm 2021 và tiếp tục thành công vào năm 2022, nhận được sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức, chuyên gia trên khắp Việt Nam.

* Nguồn: Chăm Sóc Sức Khỏe Việt