Sinh viên Việt Nam vô địch cuộc thi Khám phá Khoa học số ASEAN

Tập đoàn SAP và Quỹ ASEAN vui mừng công bố kết quả vòng chung kết khu vực cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN 2022 (ASEAN Data Science Explorers – ASEAN DSE) được diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia.  Kết thúc cuộc thi, 3 giải cao nhất đã thuộc về các đội sinh viên đến từ Đại học RMIT Việt Nam, Đại học Brunei Darussalam, Đại học Taylor’s và  Đại học Sunway.  Kết quả chung cuộc, đội Green Letter (Lá thư Xanh) với hai thành viên Ma Thị Ngọc Bích và Ngô Quốc Anh Thư đến từ Đại học RMIT Việt Nam (Việt Nam) đã giành ngôi vô địch với dự án về quản lý rác thải điện tử.  Đội Brunei Adventurer với hai thành viên Aida Aimanudin và Dk Amirah Najibah Pg Aliuddin đến từ  Đại học Brunei Darussalam (Brunei) giành giải nhì chung cuộc. Bài thuyết trình của đội tập trung vào chủ đề ảnh hưởng của thời trang đến môi trường.  Giải ba thuộc về đội 002, với hai thành viên Cham Swee Han từ đại học Taylor’s và Tan Yong Ze từ đại học Sunway (Malaysia) cho dự án về phát triển nông nghiệp bền vững ở quy mô hộ gia đình.

Bạn Ma Thị Ngọc Bích, thành viên đội Green Letter (Việt Nam) cho biết: “Chúng tôi rất vui khi giành được thứ hạng cao nhất trong Vòng chung kết khu vực ASEAN DSE lần thứ 6. Là hai sinh viên kinh tế và tài chính, phân tích dữ liệu là một lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với chúng tôi. Chiến thắng cuộc thi này đã mang đến cho chúng tôi cơ hội vô giá để khám phá và trau dồi kỹ năng quan trọng để phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, đặc biệt đối với giới trẻ”.

“Tham dự vòng chung kết khu vực ASEAN DSE 2022 là một trải nghiệm rất đặc biệt đối với chúng tôi. Đó thực sự là một hành trình đầy thử thách nhưng vô cùng bổ ích, giúp chúng tôi trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”, bạn Ngô Quốc Anh Thư, thành viên đội Green letter cho biết.

Ba đội đạt thứ hạng cao nhất được hội đồng giám khảo lựa chọn dựa trên khả năng phân tích dữ liệu và sức mạnh giải pháp, đồng thời đáp ứng sáu Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (UN SDGs) bao gồm SDG 6 - Nước sạch và Vệ sinh, SDG 7 - Năng lượng Sạch với Giá phải chăng, SDG 8 – Công việc tốt và Tăng trưởng kinh tế, SDG 11 - Các thành phố và Cộng đồng bền vững, SDG 12 - Tiêu thụ và Sản xuất có trách nhiệm, và SDG 13 - Hành động về Khí hậu.

Ông Frank Jattke, Trưởng nhóm GIZ ASEAN tại Campuchia, thành viên ban giám khảo cuộc thi, cho biết: “Tôi đã có cơ hội lắng nghe rất nhiều bài thuyết trình đầy cảm hứng từ 20 bạn trẻ đến từ tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Tôi rất mừng vì các em đã chọn những chủ đề cấp bách và cần được giải quyết ngay để đảm bảo tương lai của khu vực này. Đề xuất của các em có chiều sâu, đa dạng về mặt ý tưởng và mức độ ứng dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các em đã hiểu vấn đề và tìm ra giải pháp tốt nhất trong khả năng của chính mình”.

Trong suốt ba ngày diễn ra sự kiện, Quỹ ASEAN và SAP đã tổ chức hàng loạt các hoạt động hấp dẫn dành cho các thí sinh nhằm xây dựng mối quan hệ, củng cố các kỹ năng cần thiết cho tương lai và nâng cao lòng tự hào của họ với tư cách là công dân của ASEAN. Những hoạt động tiêu biểu bao gồm chuyến tham quan BookMeBus và UNDP Campuchia vào ngày thứ hai. Vòng chung kết khu vực với phần thuyết trình dự án của các đội được diễn ra vào ngày cuối cùng, do đích thân Tiến sĩ Chea Vandeth, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia chủ trì.

“Cuộc thi Khám phá Khoa học số ASEAN thể hiện cam kết của ASEAN trong việc chuẩn bị cho giới trẻ những kỹ năng cần thiết cho tương lai. Sáng kiến ​​này đóng vai trò quan trọng nhằm khơi gợi khả năng sáng tạo của các em, từ đó giải quyết các vấn đề chung bằng các giải pháp sáng tạo và bền vững. Cuộc thi  khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong khu vực và cung cấp nền tảng cần thiết để thúc đẩy việc phân tích dữ liệu – điều này rất phù hợp với Kế hoạch tổng thể phát triển ASEAN số 2025. Campuchia, với tư cách là chủ tịch ASEAN năm nay, vinh dự đăng cai chương trình này”, Tiến sĩ Chea Vandeth cho biết.

“Tôi tin rằng chương trình hợp tác này sẽ xây dựng các kỹ năng thế hệ mới như làm việc theo nhóm, khả năng tương tác, giao tiếp cũng như làm việc trong môi trường đầy thử thách,” Tiến sĩ Chea Vandeth cho biết thêm.

Vòng chung kết khu vực ASEAN DSE 2022 có sự tham dự của hơn 120 đại biểu đến từ các khu vực công, chính phủ và tư nhân. Để đảm bảo ai cũng có thể xem và ủng hộ các đội thi đấu, sự kiện đã được phát trực tiếp trên kênh Facebook của Quỹ ASEAN và đã thu hút sự theo dõi của hơn 2.300 người. Để theo dõi video livestream vòng chung kết, vui lòng truy cập: https://www.facebook.com/ASEANFoundation/videos/1214656659079491

Quỹ ASEAN và SAP cùng chung mục tiêu tiếp tục triển khai ASEAN DSE 2022 để khuyến khích giới trẻ trở thanh nhân tố mang đến sự thay đổi bền vững cho các cộng đồng trong khu vực, đồng thời ủng hộ chủ đề “ASEAN hành động: Cùng nhau giải quyết thách thức” trong năm chủ tịch ASEAN Campuchia 2022.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, ASEAN DSE sẽ nỗ lực trang bị cho giới trẻ ASEAN những kỹ năng số thiết yếu thông qua các hoạt động chính, như các chương trình đào tạo và cuộc thi phân tích dữ liệu được tổ chức dưới hình thức hybrid – kết hợp tổ chức online và trực tiếp khi điều kiện cho phép. Bước sang năm thứ sáu, chương trình tập trung vào hai chủ đề khí hậu và phát triển bền vững trong khuôn khổ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.

Chương trình cũng hợp tác với các trường đại học và cao đẳng, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các cựu sinh viên ASEAN DSE tại 10 quốc gia thành viên ASEAN để cung cấp các buổi đào tạo cho giới trẻ ASEAN, bao gồm những đối tượng có khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế và thanh thiếu niên khuyết tật.

Sự hợp tác với các trường đại học & cao đẳng, các tổ chức phi chính phủ và các cựu sinh viên của chương trình đã giúp chương trình cung cấp khóa đào tạo về SAP Analytics Cloud cho 10.457 sinh viên, bao gồm những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn và 404 giảng viên vào năm 2022, trong đó, 59% là các bạn sinh viên nữ.  Ngoài ra, năm 2022 đã chứng kiến ​​680 học sinh đến từ mười quốc gia ASEAN tranh tài tại Vòng chung kết Quốc gia.

Bà Verena Siow, Chủ tịch & Tổng giám đốc SAP Đông Nam Á cho biết: “Trong tương lai, công việc sẽ ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu.  CMCN 4.0 sẽ đòi hỏi các kỹ năng số - nền tảng quan trọng cho nhiều công việc trong tương lai. Thông qua ASEAN DSE, SAP và Quỹ ASEAN mong muốn sẽ tiếp sức cho giới trẻ ASEAN phát huy hết tiềm năng của họ, cũng như khai thác sức mạnh tổng hợp trong hệ sinh thái để cùng giải quyết các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường”.

Bà Verena Siow chia sẻ thêm: “Công nghệ là công cụ giúp thúc đẩy sự bình đẳng, và với các cơ hội đào tạo, công cụ và kiến ​​thức số phù hợp, chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách về kỹ năng và giúp xây dựng một ASEAN bền vững và thông minh hơn trong tương lai”.

Tiến sĩ Yang Mee Eng, Giám đốc Điều hành Quỹ ASEAN cho biết: “Vòng chung kết khu vực ASEAN DSE lần thứ 6 đã kết thúc một hành trình kéo dài cả năm nhằm trang bị cho giới trẻ ASEAN những kỹ năng số thiết yếu. Như những năm trước, chúng tôi luôn nỗ lực để mới chương trình, bằng cách hợp tác với các đối tác địa phương ở sáu quốc gia, cụ thể là Pemimpin.id và Quỹ Fatihunnur ở Indonesia, Technovator-Xiang Miang ở CHDCND Lào, Thate Pan Hub ở Myanmar, Quỹ Hòa bình Toàn cầu (Global Peace Foundation) tại Philippines, và Trung tâm Will to Live tại Việt Nam”.

ASEAN DSE là một chương trình khu vực do Quỹ ASEAN và SAP phối hợp thực hiện với mục đích xúc tiến các hoạt động xã hội và tư duy phản biện của sinh viên đại học ASEAN. Kể từ khi thành lập vào năm 2017, chương trình đã hỗ trợ đào tạo các kỹ năng phân tích dữ liệu bằng phần mềm SAP's Analytics Cloud  cho hơn 43,800 sinh viên và 2,600 nhà giáo dục tại 817 trường đại học và cao đẳng trong khu vực. Để biết thêm thông tin về ASEAN DSSE, vui lòng truy câp www.aseandse.org hoặc Facebook Group.