Mải mê với vũ trụ ảo, Meta có thể đi vào “vết xe đổ” của Yahoo
Mark Zuckerberg đang đặt cược lớn vào metaverse và hành động giống như cách cựu CEO Yahoo – Marissa Mayer từng làm trước khi từ chức. Nếu vụ đặt cược này thất bại, Meta có thể sẽ đi vào “vết xe đổ” của Yahoo.
Vụ đánh cược đầy rủi ro của Mark Zuckerberg
Cuối năm 2021, Facebook đã đổi tên thành Meta, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành “một công ty metaverse”. Mark Zuckerberg đánh cược rằng mọi người sẽ sống, làm việc và tương tác với nhau bằng các nhân vật đại diện trong vũ trụ ảo của công ty.
Tầm nhìn và cách đặt cược vào metaverse của Zuckerberg không phải là điều bất thường trong giới công nghệ, nhưng điều này chỉ thường diễn ra ở giới đầu tư mạo hiểm. Với tuổi đời 18 năm, Meta hiện đã là một gã khổng lồ và công ty không nhất thiết phải hành động theo cách xa xỉ đó. Bởi lẽ, Meta có thể tạo ra kính thực tế ảo, sở hữu nhiều nền tảng truyền thông xã hội và thu được nhiều tiền quảng cáo từ chúng.
Thế nhưng Meta lại chọn cách tiêu tốn nhiều thời gian, tài nguyên và nguồn lực vào metaverse. Theo Business Insider, Meta đã tiêu tốn 15 tỷ USD cho dự án mang hoài bão của Zuckerberg. Nhà phân tích công nghệ Dan Ives của Wedbush Securities chia sẻ với Insider: “Đây tiếp tục là một vụ đánh cược mạo hiểm của Zuckerberg vì hiện tại, Meta đang đặt cược tiền vào tương lai trong khi công ty tiếp tục gặp phải những khó khăn lớn trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình”.
Cụ thể, Meta chuyển đổi để trở thành “một công ty metaverse” trong bối cảnh doanh thu quảng cáo giảm và tăng trưởng người dùng chậm lại. Theo GenK, báo cáo doanh thu của Facebook trong quý 2/2022 đã sụt giảm 1%, mức giảm đầu tiên kể từ khi trở thành công ty đại chúng. Các nhà quảng cáo hiện đang tìm cách cắt giảm chi tiêu trên nền tảng của công ty, đồng thời kiểm soát việc tuyển dụng và tăng trưởng.
Trong khi Mark Zuckerberg gọi metaverse là “sự kế thừa của Mobile Internet” thì Tim Cook – CEO của Apple – lại cho rằng: Tôi thực sự không dám chắc là người bình thường có thể định nghĩa được metaverse” .
Zuckerberg nhận thức rõ ràng rằng metaverse là một cuộc đua dài hạn. Song, vị CEO vẫn quyết tâm phải trở thành người chiến thắng trong cuộc đua này.
Tầm nhìn đầy tham vọng nhưng không thành hiện thực của Marissa Mayer
Trong quá khứ, Yahoo cũng từng là một gã khổng lồ về quảng cáo. Năm 2004, công ty đạt doanh thu 3,5 tỷ USD và có giá trị vốn hóa thị trường lên đến 128 tỷ USD. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động quảng cáo đã nhanh chóng sụt giảm khi sự cạnh tranh từ các đối thủ như eBay, Google và kể cả Facebook ngày càng lớn.
Đến năm 2012, giá trị của Yahoo đã giảm xuống còn khoảng 20 tỷ USD. Lúc này, Marissa Mayer tham gia Yahoo với vai trò CEO, cùng nhiệm vụ đưa công ty trở lại thời kỳ hoàng kim để có thể sánh ngang với Google, Facebook, Apple và Amazon.
Hàng loạt các vụ “đặt cược” của Mayer đã được thực hiện: Biến Yahoo thành một siêu ứng dụng, bỏ ra số tiền khổng lồ để thuê các nhân vật truyền thông nổi tiếng, tạo các chương trình theo kịch bản như Netflix, mua nền tảng blog Tumblr với giá 1,1 tỷ USD. Nhưng sau 2 năm, sự thay đổi của Yahoo vẫn chưa thành hiện thực và doanh thu của công ty vẫn trong tình trạng trì trệ.
Kết quả, năm 2016, Verizon đã mua lại Yahoo với giá 5 tỷ USD và sáp nhập công ty với AOL. Mayer sau đó cũng từ chức Giám đốc Điều hành.
Zuckerberg – Mayer và những điểm tương đồng
Trong nội bộ Meta, các nhân viên đang bắt đầu so sánh Zuckerberg với Mayer của Yahoo.
Chia sẻ với The New York Times, một số nhân viên của Meta đã phàn nàn về việc thay đổi chiến lược thường xuyên và chúng có vẻ bắt nguồn từ mong muốn cá nhân của Zuckerberg hơn là dựa trên các dữ liệu cụ thể hay kế hoạch dài hạn. Thậm chí, nhiều nhân viên còn gọi các dự án metaverse là M.M.H, một từ viết tắt của “Make Mark Happy” (tạm dịch: Làm cho Mark vui vẻ).
Điều này khá giống với cách mà Marissa Mayer điều hành Yahoo trước đây – ra quyết định dựa trên cảm tính cá nhân. Chẳng hạn như trả tới 10 triệu USD mỗi năm để thuê những người dẫn chương trình nổi tiếng, hoặc thuê ngôi sao truyền hình Katie Couric về làm “người quản lý toàn cầu của trang web” dù các video trước đó của cô đã thất bại.
Một điểm tương đồng khác nữa là văn hóa công ty. Trong nhiệm kỳ của mình, Mayer từng gây tranh cãi khi triển khai một hệ thống xếp hạng hiệu suất làm việc nhằm truyền cảm hứng làm việc chăm chỉ và đào thải những nhân viên hiệu suất kém. Tuy nhiên, hệ thống này đã phản tác dụng, dẫn đến một lượng lớn nhân viên thất vọng và xuống tinh thần.
Zuckerberg giờ đây cũng đang loại bỏ những nhân viên có hiệu suất thấp và những nhân viên không phù hợp với tầm nhìn xa của mình. Tại một cuộc họp chung vào tháng 6, ông nói với nhân viên rằng Meta sẽ “tăng nhiệt” khi nói về các mục tiêu KPI. Các báo cáo gần đây cũng cho thấy Meta dường như đang thay đổi kỳ vọng về hiệu suất làm việc và thúc giục các nhà quản lý sa thải nhân viên nhiều hơn.
VTV cũng đưa tin, Meta đã hạ mục tiêu tuyển dụng kỹ sư năm 2022 xuống khoảng 6.000-7.000 người, giảm khoảng 30% so với kế hoạch trước đó là tuyển dụng 10.000 kỹ sư. Ngoài việc giảm tuyển dụng, công ty cũng cắt giảm một số vị trí để giảm tiêu hao nhân lực và cải thiện hiệu quả làm việc.
Một số nhà phân tích vẫn lạc quan tin vào tầm nhìn của Zuckerberg và tiềm năng của metaverse. Bởi lẽ, Zuckerberg từng tái thiết Facebook một lần khi nhìn thấy trước sự chuyển dịch từ máy tính để bàn sang thiết bị di động, một chiến lược mà ngay cả cựu COO Sheryl Sandberg cũng nghĩ là mạo hiểm vào thời điểm đó. Hay khi Facebook mua Instagram, mọi người đều cười Zuckerberg và nói rằng đây là sự thu mua điên rồ. Nhưng kết quả, Instagram trở thành một trong những thương vụ mua lại tốt nhất trong lịch sử, không chỉ cho riêng Facebook mà còn cho cả nền công nghiệp này.
Tuy nhiên, nếu vụ đánh cược đầy rủi ro vào metaverse thất bại, thì nhiều khả năng Meta sẽ đi theo “vết xe đổ” nhiều năm trước của Yahoo.
Nguồn: Tổng hợp