Playable Ads – Định dạng quảng cáo tốt nhất để thu hút mobile gamer?

Playable Ads – Định dạng quảng cáo tốt nhất để thu hút mobile gamer?

Mặc dù không được sử dụng nhiều như Video Ads, nhưng Playable Ads lại được xem là loại quảng cáo có khả năng tăng chuyển đổi (Conversion) đáng kể do tính “thú vị” của chúng. Đây là lý do tại sao bạn cần biến Playable Ads trở thành một phần trong chiến lược chuyển đổi người dùng của mình. 

Playable Ads là gì?

Playable Ads là một định dạng quảng cáo tương tác cho phép người dùng “chơi thử” trước khi tải xuống. Nói cách khác, đây là một “game nhỏ” nhằm giới thiệu các chức năng chính của game, có xu hướng kéo dài từ 15 giây đến tối đa 1 phút.

Khả năng cho phép người dùng thử trải nghiệm trước khi quyết định cài đặt game đã giúp cho Playable Ads hấp dẫn hơn so với Video Interstitial Ads (quảng cáo xen kẽ). Vì lý do đó, Playable Ads đã được các chuyên gia trong ngành công nhận là một trong những định dạng quảng cáo hiệu quả nhất.

IDC ước tính rằng có hơn 50% nhà phát triển game ở Hoa Kỳ đã mua các chiến dịch Playable Ads (37% người mua thường xuyên và 17% người thỉnh thoảng mua).

Tất tần tật về các loại Playable Ads

Playable Ads thường xuất hiện dưới dạng quảng cáo toàn màn hình và có thể được coi là Interstitial Ads “tương tác”. Bạn sẽ tìm thấy những loại quảng cáo này trên các nền tảng Social Media hoặc bên trong các ứng dụng khác. Từ quan điểm kỹ thuật, chúng là quảng cáo HTML hoặc video tương tác (Interactive videos):

  • HTML Playable Ads tái hiện lại một phần của game bằng cách sử dụng mã HTML và nội dung của game. Chúng cung cấp một bức tranh toàn cảnh chính xác nhất của game.
  • Video tương tác (Interactive videos) sử dụng game footage với các phần tử HTML để tạo ra Playable Ads. Mặc dù đây là dạng quảng cáo dễ sản xuất nhất, nhưng sức hấp dẫn của chúng không quá cao.

Ưu điểm của Playable Ads

Có thể bạn đang tự hỏi: “Tại sao nên sử dụng Playable Ads để quảng cáo mobile game của tôi?”. Để trả lời câu hỏi này, hãy xem qua một số lợi ích của định dạng quảng cáo này ở phần dưới.

1. Khả năng thu hút người chơi mạnh mẽ

Playable Ads cho phép người dùng “trải nghiệm trước khi mua”. Điều này giúp cho chúng trở thành một định dạng quảng cáo cao cấp có sức mạnh chuyển đổi nhiều người dùng hơn so với Video Ads.

Khi người chơi tham gia vào các minigame vui nhộn này, họ sẽ được thúc đẩy quan tâm đến game hơn, từ đó tăng khả năng nhấp vào nút cài đặt.

Nhiều hãng game đã đạt được kết quả đáng kinh ngạc với Playable Ads. Cụ thể, theo Consumer Acquisition, Bagelcode đã tối ưu được mức lợi tức chi tiêu quảng cáo (ROAS – Return On Ad Spend) trên Android tăng gấp 3,2 lần và iOS tăng lên 1,4 lần nhờ Playable Ads. Mặt khác, theo thông báo từ Rovio, chi phí cho mỗi người dùng trả tiền (CPPU – Cost Per Paying Users) đã thấp hơn 40% và ROAS tăng 70% trong ngày thứ 7.

Hơn nữa, Playable Ads không giống như quảng cáo thông thường, đó là một trong những lý do chính giải thích hiệu quả của chúng.

Ngoài ra, Playable Ads cũng là một định dạng Opt-in Ad – định dạng quảng cáo cho phép người dùng tự nguyện/ chủ động xem và lựa chọn tương tác với chúng, khác với non-skippable ads (dạng quảng cáo không thể bỏ qua). Đây cũng là một lý do giải thích cho việc Playable Ads có xu hướng chuyển đổi nhiều người dùng hơn các định dạng khác.

2. Playable Ads tạo ra tỷ lệ giữ chân (Retention Rate) và LTV (Lifetime value) cao hơn

Khi người dùng cài đặt game sau khi xem Playable Ads, họ dường như đã biết rõ về nội dung của game này. Nói cách khác, họ đã quen thuộc với cơ chế game cơ bản và có thể bắt đầu chơi ngay lập tức. Điều này sẽ tạo ra tỷ lệ giữ chân người dùng và LTV cao hơn.

Theo ironSource, tỷ lệ giữ chân người dùng có thể tăng từ 30-40% với các Playable Ads. Điều đó đồng nghĩa với việc CPI (Giá mỗi lượt cài đặt) của Playable Ads cao hơn so với Video Ads hoặc quảng cáo biểu ngữ (Banner Ads). Tuy nhiên, mức ROI cuối cùng bạn nhận được cũng sẽ vượt trội hơn.

Hơn nữa, người dùng đã được phép chơi thử game trước khi cài đặt, do đó, bạn đã có thể loại trừ một lượng người dùng không hứng thú với game. Điều đó cho phép các nhà phát triển game tập trung vào những người dùng tương tác và quan tâm, cũng như tiết kiệm tiền về lâu dài.

3. Truy cập vào In-Ad Data để phân tích hiệu suất

Một lợi ích to lớn khác của tính năng Playable chính là khả năng truy cập dữ liệu trong quảng cáo. Bạn có thể theo dõi mọi tương tác với quảng cáo, từ đó phân tích hiệu suất và tối ưu hóa quảng cáo dễ dàng hơn.

Ví dụ: Nếu nhận thấy rằng có quá nhiều người dùng đang gặp khó khăn trong game, dẫn đến việc họ không tải game, bạn có thể cân nhắc đến việc giảm độ khó của game để nhận được nhiều chuyển đổi hơn.

Nhược điểm của Playable Ads

Mặc dù Playable Ads được đánh giá là một định dạng quảng cáo hiệu quả cao, nhưng chẳng có con đường nào trải dài hoa hồng cả! Dưới đây là một số khía cạnh thách thức của định dạng quảng cáo này mà bạn nên ghi nhớ.

1. Playable Ads không dễ sản xuất như các định dạng khác

So với Video Ads, Playable Ads cần nhiều thời gian và công sức trong công đoạn sản xuất. Hơn nữa, chi phí sản xuất cũng cao hơn. Đây là một lý do chính khiến định dạng quảng cáo này không được sử dụng phổ biến, mặc dù nó có thể mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ phù hợp hoặc thuê ngoài có thể cắt giảm đáng kể thời gian và công sức sản xuất Playable Ads.

2. Thách thức trong công đoạn “lặp lại” và kiểm tra

Playable Ads không chỉ mất thời gian để sản xuất mà còn cần phải tạo ra nhiều biến thể và thử nghiệm (khi thực hiện thủ công). Đây là một lý do khác khiến định dạng quảng cáo này không trở nên phổ biến như Video Ads. Việc tạo ra nhiều biến thể của một Video Ads và kiểm tra các yếu tố của nó tương đối nhanh chóng và dễ dàng. Do đó, Video Ads là mục tiêu của nhiều nhà phát triển game.

Tuy nhiên, việc đầu tư thêm thời gian và tài nguyên vào Playable Ads vẫn đáng giá vì chúng có thể tạo ra kết quả ấn tượng. Để công đoạn “lặp lại” và thử nghiệm dễ dàng hơn, hãy cân nhắc sử dụng các nền tảng tự động hóa, điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng xác định những yếu tố tạo ra hiệu quả và ngược lại.

Ngoài ra, đang ngày càng có nhiều công cụ giúp quá trình lặp lại đơn giản và nhanh chóng hơn. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng định dạng quảng cáo này sẽ được sử dụng rộng rãi hơn vào những năm tới.

3. Playable Ads phù hợp hơn với (Hyper) Casual và Mid-Core Games

Thông thường, Playable Ads được coi như một định dạng quảng cáo chỉ phù hợp với casual game và hyper-casual game. Lý do là vì các loại game này đều nổi tiếng nhờ vào cách chơi đơn giản, và việc sản xuất Playable Ads cũng khả thi hơn.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tựa game tầm trung và thậm chí là “hạng nặng” cũng được quảng cáo bằng định dạng Playable. Điều này cho thấy rằng, Playable Ads vẫn có thể áp dụng với những dòng game phức tạp.

Song, để thực hiện đúng, bạn cần đơn giản hóa cách chơi. Hơn nữa, bạn chỉ nên chọn một khía cạnh của game để thể hiện trong một quảng cáo.

Hiện nay, có một số game mid-core cũng tận dụng quảng cáo Playable Ads để thể hiện tính năng giải đố nhỏ, mặc dù cơ chế giải đố không phải phần chủ yếu của game. Phương pháp này mang lại 2 ưu điểm: Đơn giản hóa game cho Playable Ads và tiếp cận nhiều đối tượng người chơi hơn.

Các yếu tố chính của Playable Ads

Về cơ bản, Playable Ads bao gồm 3 yếu tố chính: Short tutorial, Gameplay và Call-to-action.

1. Tutorial

Tutorial là hướng dẫn giới thiệu nhanh về cơ chế game chính và cách game hoạt động. Lưu ý rằng tutorial phải ngắn gọn và đơn giản.

Ví dụ, bản tutorial trong Playable Ads dành cho match-3 puzzle game cần giải thích được cách hoạt động của cơ chế match-3. Nói cách khác, bản hướng dẫn phải cho người chơi thấy rằng mục tiêu là ghép 3 viên gạch để làm cho chúng biến mất khỏi màn hình.

Ngoài ra, phần hướng dẫn của Playable Ads phải hoạt động như một “điểm níu chân người dùng”. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bản tutorial có đủ yếu tố gây ấn tượng với người xem và khiến họ quan tâm.

2. Gameplay

Ở yếu tố gameplay, các tính năng và chức năng chính của game nên được thể hiện trong quá trình chơi. Tuy nhiên, không giống như trong tutorial, người chơi có thể tương tác với game mà không cần hướng dẫn nhiều.

Ở phần này, hãy thêm vào một số game asset, animation, âm nhạc và hiệu ứng âm thanh khác nhau để tạo ra trải nghiệm phong phú hơn.

3. Call-to-action

Cuối cùng, hầu hết định dạng Playables đều bao gồm Call-to-action, được thể hiện xuyên suốt quảng cáo hoặc xuất hiện ở những giây cuối cùng. Mục tiêu là mời người dùng tải game, hy vọng sẽ dẫn đến chuyển đổi. Nếu đó là quảng cáo cài đặt ứng dụng, người dùng sẽ được chuyển hướng đến cửa hàng ứng dụng ngay khi họ chọn nhấp vào nút tải xuống.

Mẹo tạo Playable Ads cho mobile game

Dưới đây là một số mẹo thực tế để tạo Playable Ads trên thiết bị di động.

1. Đảm bảo tính đơn giản

Playable Ads không cần phải thể hiện trải nghiệm game quá đầy đủ. Nói cách khác, bạn không cần tạo lại toàn bộ game của trong định dạng quảng cáo này. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc thể hiện trải nghiệm chơi game với các tính năng và cơ chế cơ bản của game.

Mục đích là tạo ra bản Playable Ads thật đơn giản, để người dùng có thể hiểu được nội dung của game trong vài giây. Đây là lý do tại sao các hyper-casual game lại là lựa chọn hoàn hảo cho Playable Ads. Các thể loại game phức tạp hơn có thể sẽ mất nhiều thời gian để đơn giản hóa.

2. Gây ấn tượng với Gameplay

Mặc dù Gameplay trong Playable Ads cần được đơn giản hóa, nhưng vẫn phải đủ ấn tượng để thu hút người dùng quan tâm đến game. Để đạt được điều này, bạn cần phải suy nghĩ về cách thể hiện game của mình sao cho hiệu quả nhất. Ví dụ:

  • Tính năng nào giải trí nhất?
  • Nhân vật nào hấp dẫn nhất?
  • Có cốt truyện hấp dẫn nào có thể khiến người dùng kết nối với game không?

Ngoài ra, hãy xem xét tất cả các selling point trong game và đưa chúng vào quảng cáo.

3. Chia nhỏ Gameplay đối với các game phức tạp

Như đã đề cập ở trên, việc tạo ra Playable Ads cho game mid-core hoặc hard-core sẽ khó hơn một chút so với (hyper) casual game. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo những lời khuyên này để quá trình tạo quảng cáo trở nên dễ dàng hơn: Phân chia Gameplay cốt lõi thành nhiều yếu tố.

Nói cách khác, bạn có thể hiển thị các selling point khác nhau với mỗi yếu tố Playable Ads khác nhau. Ví dụ: tập trung vào các bước di chuyển chiến lược, cảnh chiến đấu, lựa chọn nhân vật, vũ khí và cốt truyện. Mỗi yếu tố trong Playable Ads đều phải thể hiện một trong số những điểm độc đáo này.

4. Xem xét động cơ của người chơi

Như với bất kỳ định dạng quảng cáo nào, việc xác định đối tượng mục tiêu và mục đích họ chơi mobile game sẽ giúp bạn phát triển chiến dịch tốt hơn.

Giả sử, nếu có một game dạng match-3 puzzle với thiết kế meta-layers, tương tự như game Project Makeover. Bạn nên:

  • Tạo Playable Ads có Gameplay cốt lõi là match-3 puzzle game. Cách này sẽ thu hút những người chơi yêu thích việc giải đố và thử thách bản thân.
  • Tuy nhiên, bạn cũng có thể tạo các phiên bản Playable Ads khác bao gồm một đoạn mã có chứa các yếu tố meta. Ví dụ như một quảng cáo có thể cho phép người dùng trang điểm đơn giản cho một nhân vật.

Cả 2 phương án này đều sẽ thu hút thêm một nhóm người chơi khác so với Playable Ads chỉ chú trọng vào match-3 puzzle. Cụ thể, chúng sẽ thu hút những người chơi yêu thích việc tùy chỉnh và thể hiện bản thân trong game (vì khi trang điểm cho các nhân vật, người dùng sẽ thể hiện tính cách, phong cách của bản thân mình trong game).

5. Đừng quên bổ sung Call-to-action

Sau khi người dùng đã tương tác với Playable Ads, sẽ có CTA yêu cầu họ cài đặt game. Những mẫu CTA phổ biến nhất bao gồm: “Install now”, “Download free” và “Play now”.

Mặc dù có thể thêm CTA sau khi người xem chơi xong, nhưng tốt hơn hết là bạn nên hiển thị nút tải xuống trong suốt quá trình chạy quảng cáo. Bằng cách đó, người dùng có thể chọn cài đặt game tại bất kỳ thời điểm nào.

6. Kích thích tính tò mò của người dùng

Như đã đề cập nhiều lần, Playable Ads cần giữ được sự đơn giản. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bổ sung thêm một vài trải nghiệm phong phú hơn chỉ bằng một cú nhấp chuột, bằng cách “bật mí” thêm một số khía cạnh khác của game. Ví dụ hãy kết thúc một cốt truyện với một nhân vật đang có hành động “phá đám” để khiến mọi người muốn tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

7. Kiểm tra và “lặp lại”

Để tiếp cận đối tượng người dùng rộng và thử nghiệm Playable Ads, bạn cần tạo ra hàng chục biến thể. Tiếp đến là theo dõi và phân tích hiệu suất của quảng cáo.

Mỗi phần tử của Playable Ads (Tutorial, Gameplay và CTA) đều có thể theo dõi được. Do đó, bạn có thể phân tích khi nào người dùng thực hiện các hành động như chạm, nhấp hoặc vuốt.

Điều này sẽ tiết lộ cách người dùng tương tác với quảng cáo, từ đó xem xét yếu tố nào mang lại hiệu quả và yếu tố nào không mang lại hiệu quả. Ví dụ như bạn có thể nhận thấy Tutorial đang quá phức tạp hoặc CTA không nhận được bất kỳ nhấp chuột nào. Dựa vào đó, bạn có thể tinh chỉnh phiên bản Playable Ads của mình.

Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là thực hiện A/B Testing. Bằng cách thử nghiệm từng biến một, chẳng hạn như CTA, bạn có thể xác định biến nào mang lại nhiều chuyển đổi nhất.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn có thể hiểu thêm về xu hướng sử dụng Playable Ads và lý do tại sao định dạng quảng cáo này lại thú vị và hiệu quả đến như vậy. Nhưng mặc dù chúng có hiệu quả cao, các nhà sản xuất cũng không nên chỉ dựa vào các phiên bản Playable Ads mà hãy coi chúng như một “điểm nhấn” cho chiến lược quảng cáo toàn diện.

Về AppROI.co

AppROI Marketing là Growth Marketing Agency, có thế mạnh về Digital Performance Marketing với năng lực triển khai và tối ưu hiệu quả marketing trên nền tảng công nghệ mang lại khách hàng thực sự, giúp khách hàng đo lường giá trị lâu dài sau khi mua sản phẩm hoặc dịch vụ. Hiện tại, AppROI đang đồng hành cùng các đối tác lớn như Google, TikTok, Facebook, Cốc Cốc, AppsFlyer, Adjust, CleverTap, Insider... cùng nhiều đối tác khác.

* Nguồn: Udonis