Insight Ngẫu Hứng #3.2: “Chạm đáy, vượt qua và tìm được bình yên từ bên trong. Tôi nghĩ sự linh hoạt là thế mạnh của phái nữ.”
Liệu những suy đoán về khủng hoảng tuổi trung niên ở phụ nữ của các đáp viên nam có chính xác? Hãy cùng Brands Vietnam tìm hiểu qua phần trao đổi của nhóm đáp viên nữ với những quan điểm, suy nghĩ và trải nghiệm khá đặc biệt, hứa hẹn mang đến những góc nhìn mới về phụ nữ tuổi trung niên.
Insight ngẫu hứng là series khám phá những insight ngẫu nhiên đúc kết từ các buổi focus group với nhiều chủ đề khác nhau. Moderator của các buổi focus group này là chị Hồ Minh Huyền – chuyên gia về nghiên cứu định tính với hơn 13 năm trong nghề. Chị hiện đang là Co-Founder tại Phoenix Research Consultancy và là giảng viên khoá học Nghiên cứu thị trường tại Brand Camp.
Nếu bạn thích nghiên cứu định tính, podcast Insight Ngẫu Hứng sẽ cho bạn thấy cách một moderator kinh nghiệm dẫn dắt focus group. Nếu bạn là người làm Marketing, bạn có thể cùng chúng tôi đúc kết những insight có được từ một buổi thảo luận nhóm. Nếu bạn vô tình biết đến series này với sự tò mò, bạn cũng có thể khám phá những góc nhìn, quan điểm xoay quanh các chủ đề thường ngày, gần gũi.
Ở số thứ 3, Brands Vietnam và chị Hồ Minh Huyền đã tổ chức một buổi focus group về chủ đề “Khủng hoảng tuổi trung niên (Midlife Crisis)”. Với chủ đề này, tiêu chí chúng tôi áp dụng để lựa chọn đáp viên vô cùng tối giản: họ thuộc nhóm 35++ và đến từ đa dạng ngành nghề.
Trước khi kết thúc phiên thảo luận với các đáp viên nam, chị Huyền đã cùng ngồi với các đáp viên và đoán những khủng hoảng có thể có với nữ giới khi bước qua tuổi trung niên. Cả 4 đáp viên đều thể hiện sự đồng cảm với phụ nữ thời nay, đặc biệt ở độ tuổi trung niên, bởi họ sẽ chịu nhiều áp lực từ định kiến và kì vọng xã hội. Họ cần phải đảm việc nước nhưng cũng không được lơ là việc nhà. Bên cạnh chăm lo cho con cái, họ cũng phải bảo dưỡng nhan sắc và sức khoẻ để đủ sức làm việc.
Tuy nhiên, số Insight Ngẫu Hứng thứ 3 đã mời được một nhóm đáp viên nữ là sự tổng hợp của những người phụ nữ thành công, độc lập với những quan điểm, thái độ vô cùng cởi mở về tuổi tứ tuần và những khủng hoảng. Tuy họ không đại diện cho số đông phụ nữ ở tuổi này nhưng những suy nghĩ, cách họ đối mặt với vấn đề có thể đem lại những góc nhìn mới về khủng hoảng tuổi trung niên ở phụ nữ.
“Khủng hoảng nào rồi cũng sẽ qua. Mình cần chấp nhận sự bất định của cuộc đời để sống nhẹ nhàng hơn.”
Khi được hỏi giai đoạn trung niên sẽ nằm trong khoảng tuổi nào, 4 đáp viên đều đồng ý khung tuổi đối với nữ giới nên là khoảng 40 trở lên hoặc khi họ bắt đầu về hưu. Thay vì dùng từ nỗi sợ, nhóm đáp viên đặc biệt này cho rằng những quan ngại, lo lắng sẽ là từ họ hay dùng hơn.
Họ cũng trải qua những lo lắng khi đã hoàn thành hết các mục tiêu tuổi trẻ như nhóm đáp viên nam đã chia sẻ. Bên cạnh đó là những trăn trở, sự hối thúc bản thân phải học hỏi nhiều hơn để có thể theo kịp sự thay đổi trong công nghệ, và bắt kịp giới trẻ. Đứng trước sự thay đổi liên tục, các đáp viên nữ đã gặp áp lực trong việc phải luôn tạo ra những cái mới để bản thân không rơi vào “mê cung” “làm gì tiếp theo” thường gặp ở tuổi trung niên.
Các chị ở độ tuổi này cũng cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt về mặt sức khoẻ, đặc biệt về mặt sức bền. Do đó, thay vì cháy hết mình, họ tự điều chỉnh lại những hoạt động giải trí, vận động sao cho phù hợp với tình trạng sức khoẻ hiện tại.
Khi bàn về sự bất định trong cuộc sống, ở độ tuổi 60, độ tuổi thường được gắn với những tính từ như “ổn định”, “tịnh dưỡng”, cô A vẫn bình thản đón nhận những biến cố trong gia đình nhỏ của mình. Sự bình thản được thể hiện rõ qua lời chia sẻ “mình thích chơi trên cái sự bất ổn”. Sau khi cùng người con thứ 2 vượt qua căn bệnh ung thư máu và giải quyết được chứng nghiện game của người con út, cô cảm thấy mỗi bất ổn, biến cố đều có những điểm thú vị. Thú vị ở điểm từ những thử thách, những sự bất định sẽ giúp bản thân nhận ra mình là ai và trở nên mạnh mẽ đến mức độ không gì có thể đánh gục.
Quan điểm trên của cô A cũng nhận được sự đồng tình của các đáp viên cùng tham gia buổi chia sẻ. Mỗi cá nhân đều đã trải qua những khoảng thời gian hoang mang, những biến cố bất ngờ trong cuộc sống đã “rèn” cho họ thái độ chấp nhận sự bất định và bình tĩnh trước những sự thay đổi. Đó chính là chìa khoá để các chị có thể vượt qua những giai đoạn được xem là “tăm tối” nhất trong đời mình.
“Chạm đáy, vượt qua và tìm được bình yên từ bên trong. Tôi nghĩ sự linh hoạt là thế mạnh của phái nữ.”
Thay vì có những nỗi sợ FOMO như lứa tuổi 20, những người phụ nữ đã trải qua biến cố của cuộc đời dần tập trung vào bản thân nhiều hơn, chăm sóc cho sức khoẻ tinh thần, thể chất và tìm thấy sự bình yên đến từ bên trong.
Một điểm khá thú vị là khi nhắc đến chủ đề khủng hoảng, các đáp viên đều chia sẻ với thái độ bình thản và vui vẻ. Bởi lẽ, mỗi người đều đã trải qua những thời điểm “chạm đáy” đầy biến động ngay tại độ tuổi ngỡ là chỉ còn lại sự ổn định, viên mãn. Các chị chia sẻ rằng chính sự linh hoạt, cách suy nghĩ cởi mở đã giúp họ vượt qua những “khủng hoảng” đó. Họ có thể buồn, tuyệt vọng nhưng khi đã điều chỉnh được cảm xúc, những người phụ nữ này đều đã vượt qua và nhìn nhận những thử thách một cách nhẹ nhàng hơn.
Cô A cũng chia sẻ rằng khi “ông trời” vẫn còn thử thách mình, tức mình vẫn có khả năng bước qua nó. Rằng tạo hoá không tạo ra những “cái hố” mà con người không thể nhảy qua. Do đó, hãy nhìn vấn đề theo hướng tích cực, lạc quan và tìm sự thú vị trong những thử thách để khi bước qua rồi sẽ là những bình yên và sự thấu hiểu bản thân rõ ràng hơn. Quan điểm này đã trở thành tiền đề cho slogan “tao chấp” để nói về thái độ của nhóm đáp viên với những khủng hoảng được kể trong buổi chia sẻ.
Câu chuyện ngoại tình được đề cập ở phiên chia sẻ đầu tiên cũng trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trong buổi trò chuyện. Các chị đều hiểu rõ lý do đằng sau quyết định ngoại tình của nam giới độ tuổi trung niên. Với đặc trưng văn hoá Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, đàn ông vẫn phải đóng vai trò chủ động trong chuyện tình cảm nên dễ tạo nên áp lực khi sức khoẻ sinh lý họ có những thay đổi nhất định ở giai đoạn trung niên. Ngoại tình được xem như một biện pháp để nam giới “trấn an” và khẳng định sức hút của họ. Trong khi đó, phụ nữ ở cùng khoảng tuổi vẫn có thể tự giải quyết cảm xúc và các vấn đề về mặt sinh lý khá ổn nên việc ngoại tình sẽ không phải là giải pháp đầu tiên khi tình cảm, quan hệ vợ chồng có dấu hiệu không hoà hợp.
Dù ít được đề cập nhưng những nỗi sợ “điển hình” như lo lắng cho con cái, vun vén gia đình hai bên hoặc bảo dưỡng nhan sắc vẫn là một trong những điểm quan tâm của nhóm đáp viên. Thay vì quá tập trung, chú ý đến bề ngoài như khi ở độ tuổi đôi mươi, phụ nữ 40+ chú trọng đến những phương pháp, những giá trị giúp nuôi dưỡng tâm hồn. Sự chăm sóc đến từ bên trong như luyện tập thể dục thể thao, giữ cho ngoại hình ở mức chỉn chu và thực tập những biện pháp yoga, thiền sẽ là những lựa chọn được ưu tiên. Họ tin vào quan điểm “tâm sinh tướng”, khi tâm an thì nhan sắc, thể chất cũng sẽ toát lên vẻ đẹp phúc hậu.
“Phụ nữ ở độ tuổi này không dễ bị dụ bởi những chiêu trò marketing.”
Chính bởi đã trải qua những biến cố không hề nhỏ nên nhóm đáp viên không dễ bị ảnh hưởng bởi những “chiêu trò” Marketing. Họ thường chú ý đến 1 khía cạnh hoặc 1 đặc tính của sản phẩm thay vì “mê mệt” hình ảnh, thông điệp truyền thông do thương hiệu vẽ nên. Để luyện được sự bình tĩnh này, chị B đã thử nhiều thương hiệu từ bình dân đến xa xỉ và nhận ra rằng cái tên, cái logo không quan trọng bằng chất lượng và đặc tính sản phẩm phù hợp với nhu cầu của bản thân. Do đó, chị thường sẽ ưu tiên các thương hiệu mạnh về khả năng tuỳ chỉnh tính năng theo nhu cầu của khách hàng.
Hãy nhìn vấn đề theo hướng tích cực, lạc quan và tìm sự thú vị trong những thử thách để khi bước qua rồi sẽ là những bình yên và sự thấu hiểu bản thân rõ ràng hơn.
Các đáp viên cùng tham gia cũng đồng tình rằng chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định trong quá trình lựa chọn và mua sản phẩm. Nhưng khi chưa trải nghiệm chất lượng sản phẩm, yếu tố nào sẽ “kích thích”, gây chú ý và chiếm được thiện cảm của nhóm phụ nữ 40+? Chị C cho rằng mỗi người sẽ có một hệ giá trị khác nhau và thương hiệu nào chia sẻ cùng hệ giá trị sẽ dễ thu hút sự chú ý, tạo kết nối tốt hơn. Với một người quan tâm đến việc sống bền vững như chị C sẽ ưu tiên lựa chọn và ủng hộ các thương hiệu thực hiện các hoạt động bền vững từ khâu sản xuất, bao bì, nguyên liệu… Hoặc chị D sẽ quan tâm đến tính chuyên môn của sản phẩm nhằm tìm được sản phẩm phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu của bản thân.
Nhìn chung, phụ nữ tuổi trung niên sẽ chi tiền có mục đích hơn và ưu tiên chi cho những sản phẩm tốt, phục vụ mục đích cụ thể, phù hợp với hệ giá trị của họ. Bởi khi đã trải nghiệm đủ loại sản phẩm từ Tây sang Á, từ bình dân đến xa xỉ, họ sẽ khó bị thu hút bởi những thông điệp truyền thông bề nổi hoặc những hình ảnh hào nhoáng.
Kết
Những đáp viên tham gia ngày hôm ấy đã từng có những khủng hoảng chạm đáy, họ “cháy” hết mình với những cảm xúc tiêu cực đó và linh hoạt điều chỉnh cảm xúc để tiếp tục đứng dậy. Sau những cơn “địa chấn” cuộc đời, các đáp viên đều học được nhiều điều về bản thân mình, họ hiểu bản thân, biết mình cần gì và muốn gì. Chính những khủng hoảng đó cũng giúp họ biết cách chấp nhận sự bất định trong cuộc sống và dùng sự ổn định từ bên trong để vượt qua.
Hy vọng phần tóm lược những đúc kết từ 2 phiên chia sẻ sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về suy nghĩ, quan điểm và trải nghiệm về tuổi trung niên từ những anh, chị vốn được xem là “ổn định, vững vàng” dưới góc nhìn của xã hội. Để nghe chi tiết buổi focus group và những đúc kết từ chị Hồ Minh Huyền, vui lòng nghe trọn bộ 2 tập podcast trên kênh podcast Brand Talks của Brands Vietnam.
Ngoài ra, nếu bạn có những trải nghiệm, suy nghĩ về tuổi trung niên, hoặc những chủ đề bản thân muốn tìm hiểu sâu hơn, đừng ngại bình luận ở bên dưới nhé.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Thu Nga / Brands Vietnam
Nguồn: Brands Vietnam