16,5 gạch đầu dòng cho tân Manager

16,5 gạch đầu dòng cho tân Manager

Mình vẫn nghĩ lên được Manager là 1 bước ngoặc lớn của cuộc đời nghề nghiệp. Và chính vì lẽ đó nó có rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên và lớn nhất có lẽ là quản trị. Nên là đừng cô đơn, tuyệt đối đừng biến mình thành 1 lãnh đạo cô đơn...

1. Tại sao mình được lên chức? Nắm được điều này khá quan trọng, vì mình có thể nắm lấy nó làm điểm chính để đi tiếp. Vì mình sales giỏi? Vì mình siêng năng chăm chỉ vượt bậc? Vì mình đáng tin cậy liêm chính? Hay vì mình giao tiếp xuất sắc? Thường sếp sẽ bảo điều này. Nên nhớ lý do mình được đề bạt vị trí Manager, vịn vào nó mà đi trong thời gian đầu để lỡ đi lạc đường, vậy thôi.

2. Mình là lãnh đạo kiểu gì? Cho những ai đã học Leadership, có rất nhiều kiểu lãnh đạo và việc chọn cho mình 1 phong cách là điều nên làm. Mình phù hợp với kiểu Micro hay Macro Task Management? Mình là kiểu làm bạn với nhân viên? “Chăm bẵm cày bừa” và đòi nhân viên mình cũng thế hay ưu tiên work-life balance? Đương nhiên không có gì là tuyệt đối, nhưng chọn cho mình 1 kiểu quản trị để bám theo cái sườn thuyết quản trị đó sẽ đỡ lung lay hơn.

3. ‘Tui lên chức này không phải để cướp chức của các bạn.’ Có nhiều bạn nghĩ rất lạ, rằng việc Promotion của ai đó nghĩa là con đường tiến thân của mình bị chặn lại. Điều này có thể đúng với vài doanh nghiệp hoặc thời trước, nhưng nó bớt đúng với các công ty đa quốc gia và công ty có hệ thống quản trị bài bản. Vậy thì, nếu có ai hiểu như thế, hãy bằng cách này cách khác cho họ biết không phải vậy đâu. Và lúc này, sự tinh tế nên được vận dụng tối đa.

Nguồn: edutopia

4. Kiểm soát tốt cảm xúc và lời nói của mình. Là 1 nhân viên bé nhỏ, nói sao cũng được, nghĩ sao cũng được nhưng đã là Manager rồi thì cái miệng “tém tém” lại và nói những gì cần nói. Điều này đơn giản thôi nhưng phải tập, không ai đánh giá cao 1 Manager cái mồm cứ "xoen xoét" được.

5. Tìm cho mình 1 đồng minh. Càng lên cao thì càng dễ có đồng minh và không phải đồng minh, và mình phải chấp nhận sự thật này. Đồng minh không phải để kè kè bảo vệ mình mà là để nhìn sự việc rộng hơn thoáng hơn cho mình biết vậy là đúng hay sai từ góc nhìn thứ ba. Ai cũng có cái lý của họ, và nếu cứ “khư khư” với cái lí của mình thì hẳn nhiên chưa phải là Manager “xịn”.

6. 1 mentor “xịn”, rất rất cần. Hồi đó, tôi chưa có khái niệm Mentor nhưng bất cứ khi nào có cái gì cấn cấn tôi đều hỏi ý kiến 1 ông anh đồng hương lớn tuổi hơn, làm công ty lớn hơn, chức lớn hơn và đẹp trai hơn. Cái gì cũng phải hơn vậy thì lời khuyên mới “make sense” được. “Make sense”, chứ đúng thì không hẳn.

7. Thường xuyên catch-up với sếp. Đừng mắc cỡ vì mình cảm thấy không ổn, cứ nói thiệt cảm giác của mình với sếp theo một logic và mức độ nào đó mà cả 2 thấy ổn. Đừng lắt nhắt sếp ơi sếp ơi, sếp quay qua tán cho phù mỏ, ‘biết vậy tao đã không promote mày’.

8. Nên tự hào về mình, và thành quả của mình. Có nhiều người rất ngộ, sau bao vất vả khó khăn và thành tựu mà vẫn không cảm thấy tin vào bản thân mình, yêu mình hơn và đặc biệt là tự hào về mình. Cảm giác đó quan trọng lắm, hãy nuôi dưỡng.

Nguồn: Twitter

9. Nếu công ty có chương trình review / lấy feedback của đồng nghiệp hay đối tác về mình thì hãy sử dụng nó thật tốt, còn không thì cố gắng xem phản hồi của mọi người thế nào về mình. Hồi tôi làm Manager, feedback của khách hàng là “bận đồ xấu”. Vậy mà, giờ bận đồ vẫn xấu.

10. Quản trị quan hệ với nhân viên. Đừng thiên vị, hay ít nhất là đừng làm cho nhân viên có cảm giác đó. Mỗi người 1 nết có các cách quản trị khác nhau là đương nhiên. Tuy nhiên, đừng ưu ái ai quá mức và “đì” ai quá mức, rất nhạy cảm, và rất dễ mắc phải.

11. Học, học nữa, học mãi. Manager không có nghĩa là ngừng học. Và đừng tỏ ra hợm hĩnh tui là Manager. Đừng đừng đừng.

12. Học cách giao việc cho người khác, và tin tưởng họ. Có người cần training mới làm được, có người không. Có người làm nhanh, có người làm chậm. Hãy luôn tạo cho họ cảm giác bận rộn trong văn phòng và có cái gì đó để học từ mình. Họ sẽ thấy mình trong vai trò là Manager nếu mình giao task cho họ, giao quyền cho họ, và học hỏi từ những việc đó, từ mình.

13. Chấp nhận có ai đó không ưng mình, và một cách chuyên nghiệp nhất, đừng để chuyện đó vào tâm. Hãy là một Manager của cái công ty này, chứ không phải một người anh, người chị được thương hay bị ghét bởi một đứa em.

14. Nhân viên hỏi, có Manager trả lời. Không trả lời được thì khất, khất xong đi tìm câu trả lời nhanh nhất có thể.

Nguồn: serbian

15. Tìm cái gì đó dễ "win" trong ngắn hạn để làm, và chiến thắng vang dội với “cái gì đó” để thứ nhất là củng cố tinh thần, thứ 2 là tạo đà tiến lên, thứ 3 là "win trust", thứ 4 là "winning" lúc nào cũng tốt cả, cứ "win" đi.

16. Growth Mindset. Bạn sẽ khó được tiến thân trong 1 công ty không phát triển / không có ý chí tiến lên. Bạn cũng vậy thôi. Không đến nỗi phải tiến lên bằng mọi giá, nhưng bạn phải học cách tìm cơ hội giúp tổ chức đi lên. Làm được điều này, có thể nhân viên sẽ hơi không thích bạn (vì họ mệt) nhưng những bạn có chí tiến thủ và đặc biệt sếp trên sẽ rất ưng bụng.

Trời ơi dài quá thấy lo cho em quá Tân Manager ơi. Mà càng viết càng thấy tự hào về mình kiểu ấy ấy ngày xưa mình đã qua hết mấy món này sao.

16.5 Cho anh nói nốt anh dừng, hãy luôn tích cực dù trong hoàn cảnh nào. Cực quá thì thưởng mình bữa ăn ngon. Buồn quá thì kiếm ai mà khóc. Stress quá thì kiếm cái đứa mà mình có thể chửi, kêu nó ra để “thăng sao chấm than” các loại để sướng cái mồm về stress tiếp, nhưng đỡ hơn. Vậy đó, đừng cô đơn, tuyệt đối đừng biến mình thành 1 lãnh đạo cô đơn.

Vẫn rất thương em, Tân Manager.

Nguồn: Trần Hùng Thiện