Marketer Tạ Ngọc Thu Trang
Tạ Ngọc Thu Trang

Content Writer Intern @ BrandsVietnam

World Cup 2022: Nhìn lại 10 TVC thú vị qua các mùa World Cup

World Cup 2022: Nhìn lại 10 TVC thú vị qua các mùa World Cup

Sự kiện thể thao toàn cầu 4 năm một lần – World Cup được xem là thời điểm vàng để các thương hiệu “trình làng” với một lượng người theo dõi khổng lồ. Hãy cùng Brands Việt Nam điểm qua 10 TVC xưa nhưng không cũ trong suốt lịch sử hơn 90 năm tổ chức giải vô địch bóng đá thế giới.

Budweiser - Light up the FIFA World Cup (2018)

Hoà cùng bầu không khí sôi động của World Cup 2018, Budweiser – vị bia chính thức của mùa giải bóng đá lớn nhất hành tinh đã có màn chào sân ấn tượng với TVC “Light Up the FIFA World Cup”.

Một TVC hài hước ghi lại hành trình hàng nghìn drone (máy bay không người lái) thực hiện nhiệm vụ “ship” những cốc bia Budweiser từ Nhà máy bia ở St. Louis, Missouri (Mỹ) tới các bữa tiệc chào mừng World Cup 2018 trên toàn cầu (Thượng Hải, Rio de Janeiro ở Brazil và Sân vận động Luzhniki tại Nga). Những ly bia Budweiser đóng vai trò như “chất dẫn truyền” sự hứng khởi, tiếp sức cho đam mê cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá tại đấy. “Light Up the FIFA World Cup” cũng khéo léo lồng chi tiết gây cười khi một chiếc drone “gặp tai nạn” trên đường đi và đành “đi nhờ” chuyến tàu điện ngầm để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Beats by Dre - The Game Before the Game (2014)

Tương tự Nike, vào năm 2014, không chỉ không nằm trong danh sách nhà tài trợ chính thức, sản phẩm của Beats by Dre cũng không được phép xuất hiện trong phạm vi sân vận động trong lúc diễn ra các trận đấu. Lệnh cấm này nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà tài trợ chính thức của mùa giải – Sony.

Nếu không thể xuất hiện trong thời gian thi đấu, Beats by Dre đã tìm cách để chiếm trọn khoảng thời gian trước khi các cầu thủ vào sân. Nhận thấy giây phút trước khi bước ra sân thi đấu cũng hồi hộp và đáng nhớ không kém những khoảnh khắc trên sân, Beats cùng Neymar đã khắc họa những cảm xúc đó trong TVC dài gần 5 phút của mình. Những lời cầu nguyện, động viên, sự lo lắng, sự hào hứng được đẩy thêm 1 bậc nhờ phần nhạc nền với bài hát Jungle. Sản phẩm tai nghe Beats by Dre xuất hiện xuyên suốt những mạch cảm xúc đó, nhấn mạnh được sự đồng hành của thương hiệu với các cầu thủ trước giây phút ra sân. Với nhiệm vụ là người bạn đồng hành, tai nghe Beats by Dre đã hỗ trợ đắc lực giúp các cầu thủ “tách biệt” với sự ồn ào, và âm nhạc giúp họ biến những áp lực thành động lực giành chiến thắng.

Nike – Write the Future (2010)

Trong bối cảnh lỡ mất cơ hội trở thành nhà tài trợ chính thức cho World Cup 2010, bài toán đặt ra cho Nike là làm thế nào để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng khi lợi thế thuộc về đối thủ. Để giải quyết tình huống bất lợi này, thương hiệu đã cho ra mắt TVC bom tấn dài 03 phút “Write the Future".

Trong 3 phút với nhịp diễn biến nhanh đến nghẹt thở, người xem đã được tua nhanh qua 2 ngã rẽ cuộc đời của danh thủ Rooney. Một Rooney bỏ lỡ pha chuyền bóng, chịu sự chỉ trích của cả nước Anh, mắc kẹt tại một đội bóng vô danh. Nhưng khi anh nhìn thấy billboard “Just do it” của Nike, Rooney được “ném” trở lại sân đấu, chơi hết mình và lật ngược tình thế, thăng hạng cuộc sống của mình. Việc “cài cắm” tinh thần thương hiệu đúng thời điểm, đúng chỗ, đưa châm ngôn của Nike trở thành cú hích tinh thần cho Rooney đã góp phần gây ấn tượng mạnh cho người xem. Góp phần tăng sức hấp dẫn cho TVC là sự tham gia của các ngôi sao cầu thủ gồm Drogba, C. Ronaldo, Ronaldinho, Ribery, Cannavaro và Roger Federer.

Mars – Singing for England (2010)

Tiếp nối xu hướng hoài cổ, thương hiệu socola Mars đã khuấy động mùa World Cup 2010 khi tái hiện ca khúc Singing for England – bài hát chủ đề dùng để cổ vũ đội tuyển Anh trong mùa World Cup 1990. TVC có sự tham gia của cầu thủ John Barnes - người từng tham gia góp giọng trong bản gốc của Singing for England. Bên cạnh đó, lời bài hát cũng được “xào nấu” cho phù hợp hơn với thương hiệu.

Giai điệu sôi nổi, đánh vào niềm tự hào của người hâm mộ đội tuyển Anh cùng chút biến tấu khi chèn tên thương hiệu ở cuối bài không gây phản cảm mà còn là một điểm kết nối giữa thương hiệu và người hâm mộ. Bên cạnh phần giai điệu, sự kết nối này cũng được thể hiện ở mặt hình ảnh khi TVC kết thúc với cảnh John Barnes cùng mọi người giơ cao thanh socola Mars với niềm hứng khởi.

Cách tiếp cận dí dỏm pha lẫn hơi hướng hoài cổ đã giúp Mars tăng đáng kể sự liên tưởng về sản phẩm trong đầu người tiêu dùng suốt mùa World Cup.

adidas - Jose + 10 (2006)

Nối tiếp thành công từ mùa World Cup 2002, TVC “Jose+10” của adidas đã thay đổi hướng tiếp cận, khai thác giấc mơ và trí tưởng tượng của người hâm mộ bóng đá thay vì tập trung vào các cầu thủ nổi tiếng.

“Jose+10” đưa người xem trở lại thời tuổi thơ qua trận cầu đường phố dân dã qua trận đấu “giả tưởng” của 2 cậu bé trên một con phố hẻo lánh. TVC khiến người xem ngỡ ngàng khi 2 huấn luyện viên nhí có thể “triệu tập” những huyền thoại bóng đá thế giới như Zidane, Beckham, Beckenbauer, Platini, Cisse, Kaka, Defoe, Kahn, Lampard, Klose... trong vài tích tắc. Một điểm nhấn khác của TVC là slogan “Impossible is Nothing” xuất hiện gần cuối. Câu khẩu hiệu ngầm khẳng định trí tưởng tượng phong phú và giấc mơ sân cỏ của người hôm mộ vẫn tiếp diễn và sẽ không ngừng lớn mạnh.

Ông Andy Fackrell - Creative Director của 180 Amsterdam agency (thuộc TBWA) chia sẻ: “Quảng cáo chào mừng World Cup 2006 của adidas dựa trên ký ức thời thơ ấu của chúng ta… Chúng tôi đã cố gắng biến giấc mơ của mọi đứa trẻ trở thành hiện thực trong ‘Jose+10’ - được chọn đội, đặc biệt là đội có sự góp mặt của những ngôi sao bóng đá lớn trên thế giới.”

adidas - Footballitis (2002)

Bên cạnh màn đối đầu với dàn võ sĩ của Pepsi, TVC “Footballitis” từ nhà adidas cũng đã để lại ấn tượng khó quên trước thềm World Cup 2002 tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Nội dung TVC xoay quanh việc những cầu thủ nổi tiếng như Zinedine Zidane, David Beckham và Fabien Barthez được chẩn đoán mắc một chứng bệnh “lạ” là Footballitis (Tạm dịch: chứng rối loạn bóng đá). Họ liên tục thực hiện kĩ năng xử lý bóng dù đã rời khỏi sân và trận đấu đã kết thúc.

Sự “nhiệt tình” bất kể ngày đêm, địa điểm là một cách truyền tải mới lạ về niềm đam mê của những cầu thủ. Các sản phẩm của thương hiệu xuất hiện xuyên suốt từng “ca bệnh” cũng là một cách “khoe khéo” sự đồng hành “sát sườn” của adidas trong các hoạt động thể thao, dù trên sân hay ngoài sân. Ở thời điểm 2002, ý tưởng “bắt bệnh” đi kèm những "triệu chứng" gây cười này của adidas có thể xem là một hướng tiếp cận mới mẻ và thú vị cho “đấu trường” TVC mùa World Cup.

Pepsi - Sumo (2002)

Vào năm 2002, khi Nhật Bản cùng Hàn Quốc đăng cai tổ chức FIFA World Cup lần thứ 17, Pepsi là một trong những nhà tài trợ chính thức cho giải bóng đá toàn cầu. Với mục tiêu gắn kết thương hiệu với sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, nhãn hàng nước giải khát đã cho ra mắt TVC phim ngắn “Sumo”, lấy cảm hứng từ biểu tượng văn hóa đặc trưng của Nhật Bản.

TVC kể về trận thi đấu giữa đội bóng nghiệp dư – những võ sĩ Sumo và nhóm cầu thủ chuyên nghiệp gồm Beckham, Raul, Roberto Carlos, Juan Sebastian Veron, Emmanuel Petit, Rui Costa và Edgar Davids. Dù là “tay mơ”, những lợi thế về ngoại hình đội bóng đô vật đã chiến thắng và giành phần thưởng là thùng Pepsi lạnh giải khát sau trận đấu. Trớ trêu thay, sau khi thua dưới tay những chiến binh Sumo, dàn siêu sao bóng đá lại nhận lại một từ “amateur” đầy mỉa mai từ những đối thủ đô con.

Sự chiến thắng của các võ sĩ Sumo trong TVC đã giúp Pepsi truyền tải thông điệp “Ask for more” (Tạm dịch: Khát khao hơn) của nhãn hàng. Không chỉ trong môn thể thao vua, người trẻ hiện đại hãy luôn tận dụng ưu thế sẵn có để chinh phục những đỉnh cao trong cuộc sống. Những chi tiết gây cười từ sự chật vật của dàn siêu sao chuyên nghiệp đến thái độ “khiêu khích” của nhóm võ sĩ đã cũng đã góp phần giúp thông điệp nhân văn dễ tiếp thu hơn.

Nike - Airport (1998)

Với những tài năng nổi bật như Ronaldo, Roberto Carlos và Romario, Đội tuyển Brazil là đương kim vô địch thế giới thế giới tại thời điểm đó và được kỳ vọng sẽ tiếp tục giành cúp trong trận đấu tại World Cup 1998. Trước thềm Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 16, thương hiệu Nike đã tận dụng sức ảnh hưởng và độ “hot” từ những người đại diện để quảng bá cho tinh thần “Just do it” của thương hiệu qua TVC Airport.

Đúng với tinh thần “Just do it”, TVC Airport đã “quay lại” một trận đấu ngẫu hứng giữa các cầu thủ trong khi chờ chuyến bay tạm hoãn. “Ngó lơ” sự ngăn cản của đội ngũ bảo vệ, kĩ thuật sử dụng bóng cùng tinh thần “Just do it” đã giúp các cầu thủ có một trận “so tài” đù ngắn nhưng vẫn kịch tích tại thời khắc đợi chờ tẻ nhạt ở sân bay.

McDonald's - What Practice Makes (1994)

Vào năm 1994, McDonald's trở thành nhà tài trợ chính thức của World Cup. Để tận dụng cơ hội vàng thu hút người hâm mộ toàn cầu cũng như quảng bá hình thức giao hàng tận nơi, thương hiệu cho ra mắt TVC What Practice Makes với sự tham gia của diễn viên nhí Scott Parker, người trở thành một trong những ngôi sao của bóng đá Anh sau này.

Trong TVC, cậu bé đóng vai nhân vật Jimmy với tạo hình đặc trưng của thập niên 90 là mái tóc ngố. Trong một tích tắc khi cậu băn khoăn giữa việc bỏ dở buổi luyện tập và lời mời đi ăn hấp dẫn từ mẹ, McDonald's chính là câu trả lời. Thương hiệu xuất hiện đúng lúc, không gượng ép hay phá ngang màn tâng bóng mãn nhãn của ngôi sao nhí là một điểm cộng cho TVC này. Với nội dung đơn giản, trực diện, TVC của McDonald’s đã thành công giới thiệu hình thức giao hàng tận nơi, giúp khách hàng có những giây phút “sống” cùng thể thao một cách trọn vẹn, không ngắt quãng.

Coca-Cola - Drink Coke (1982)

Vào năm 1982, Diego Maradona là một trong những ngôi sao thể thao nổi tiếng toàn cầu. Sự nổi tiếng của danh thủ vào thời điểm này đang đạt đỉnh điểm và World Cup 1982 cũng là Giải vô địch thế giới đầu tiên ông tham dự. Với hy vọng có thể tận dụng sức nóng của Maradona để thu hút sự chú ý từ những người yêu bóng đá, Coca-Cola đã phải “xuất chiêu” nhiệt tình để mời ông xuất hiện trong TVC Dirnk Coke quảng bá cho thương hiệu tại mùa giải.

Nội dung TVC khá đơn giản, không kèm thông điệp đặc biệt mà chỉ xoay quanh việc chú bé fan hâm mộ thuyết phục danh thủ người Argentina uống một ngụm Coca sau một trận đấu căng thẳng. Dù đã từ chối nhưng trước sự thuyết phục của cậu bé, Maradona cuối cùng “đành” đồng ý uống 1 hơi hết sạnh chai Coca và tặng cậu nhóc chiếc áo đấu của mình. Kịch bản đơn giản nhưng làm bật được tính năng giải khát, nạp năng lượng sau khi vận động mạnh đi cùng với một cái tên “hot” toàn cầu đã tạo nên dấu ấn cho TVC Drink Coke.

Còn khoảng 37 ngày trước lễ khai mạc Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 21, hãy cùng Brands Vietnam đón chờ những TVC “chào sân” từ các thương hiệu cho mùa giải nằm nay nhé. Liệu TVC nào sẽ thành công ghi tên vào danh sách những TVC ấn tượng mùa World Cup 2022?

Thu Trang / Brands Vietnam
*Nguồn: Brands Vietnam.