Chiến lược thương hiệu Spotify: Kẻ thách thức thị trường âm nhạc thế giới
Chiến lược thương hiệu Spotify là hành trình khởi nghiệp thú vị của những chàng trai đến từ Thuỵ Điển. Bắt đầu từ một văn phòng nhỏ chỉ với vài nhân viên, Spotify đã từng bước trở thành kẻ thách thức thị trường âm nhạc thế giới.
“Ông ấy gọi điện cho tôi và thở mạnh vào điện thoại”, Daniel Ek, Nhà sáng lập và CEO của Spotify, nói với các đồng nghiệp tại văn phòng.
“Ai cơ?”, họ hỏi. “Steve Jobs”, Daniel trả lời.
Những người có mặt lúc đó tự hỏi liệu sếp mình có đang nghiêm túc không. “Ý anh là sao? Jobs không nói gì à? Vậy làm sao anh biết đó là ông ấy? ”
Daniel nói: “Tôi biết chắc đó là Steve Jobs.”
(Trích từ quyển sách “The Spotify Play: How CEO and Founder Daniel Ek Beat Apple, Google, and Amazon in the Race for Audio Dominance” của tác giả Sven Carlsson).
Đó là một ngày cuối năm 2010, khi Spotify đã đạt được thành công tương đối với thị trường Châu Âu. Sau hơn 4 năm thành lập, lượng người dùng Spotify tại lục địa già đã xấp xỉ con số 5 triệu.
Nền tảng này giúp Daniel Ek có thêm tự tin để chuyển sự tập trung sang Mỹ, thị trường chủ lực của nền âm nhạc thế giới. Nhưng chiến lược thương hiệu Spotify đã gặp phải những rào cản khó hiểu khi làm việc với các hãng thu âm, khiến tiến độ kéo dài hơn so với dự kiến.
Chẳng hạn, Spotify chuẩn bị ký thoả thuận hợp tác với Universal Music, hãng thu âm nổi tiếng là thân thiết với Apple, thế rồi đột nhiên các giám đốc của Universal lại chần chừ không chịu đặt bút. Sau cuộc gọi ngắn ngủi trên, Daniel bắt đầu hiểu được lý do tại sao.
Sự dè chừng của Apple với Spotify là rất rõ ràng, mặc dù iTunes thời điểm đó là nền tảng phân phối nhạc lớn nhất thế giới với giá trung bình 0,99 xu cho mỗi bài hát. Họ sở hữu hệ sinh thái iPhone – iPod – iTunes. Đặc biệt là iPhone, sản phẩm đang ở đỉnh cao sau khi ra mắt năm 2007. Nhưng Apple không thể ngồi yên khi iPhone đang bị “bao vây” bởi các dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, đối thủ truyền kiếp của iOS.
Đối với Steve Jobs, âm nhạc là thứ vũ khí quan trọng trong cuộc “thánh chiến” chống lại “gã khổng lồ” tìm kiếm. Hệ điều hành Android không thuộc hệ sinh thái của Apple và do đó nó không thể sử dụng iTunes. Jobs hiển nhiên phải khó chịu khi lợi thế của ông bị đe doạ bởi một kẻ mới nổi đến từ Thuỵ Điển, đã vậy kẻ đó còn dám tự tin phát nhạc miễn phí.
Spotify đã được chú ý và gây được tiếng vang ở Mỹ với dịch vụ miễn phí lẫn trả phí. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chiến lược thương hiệu Spotify thành công và Google hay Microsoft mua lại thương hiệu này? Liệu Apple có còn giữ được vị trí số một trong lĩnh vực phân phối âm nhạc hay không?
Nỗi lo lắng của Jobs đã thành hiện thực, nhưng chỉ một nửa trong đó. Với vốn hoá xấp xỉ 17 tỷ USD, Spotify hiện là nền tảng âm nhạc trực tuyến có giá trị nhất thế giới. Hãng sở hữu thị phần lớn nhất, vượt xa những tên tuổi như Amazon, Apple, Pandora.
Tuy nhiên, Spotify không “bán mình” cho bất cứ ai mà âm thầm phát triển và từng bước thống trị dịch vụ nghe nhạc. Bằng tầm nhìn cùng những bước đi phù hợp, chiến lược thương hiệu Spotify đã đạt được thành tựu đáng nể trong một lĩnh vực vốn nổi tiếng là “rất khó kiếm tiền”.
Vậy điều gì đã thực sự xảy ra trong cuộc hành trình ngoạn mục của chiến lược thương hiệu Spotify? Đó là chủ đề chính mà đội ngũ Vũ Digital muốn chia sẻ đến bạn đọc trong bài viết lần này.
Khởi đầu của chiến lược thương hiệu Spotify
Trở lại những năm 2000, khán giả có 3 lựa chọn phổ biến nếu muốn nghe nhạc: mua bản cứng (đĩa than, CD…), mua các album hoặc bài hát kỹ thuật số trên iTunes, nghe miễn phí trên các nền tảng bất hợp pháp. Mọi người dĩ nhiên lựa chọn phương án thứ ba, vì đơn giản là nó miễn phí.
Các trang web này phổ biến đến mức người mua dần mặc định chuyện tải nhạc không cần trả tiền là điều hiển nhiên. Chỉ cần vài thao tác, họ đã có thể download bài hát mình yêu thích, chẳng mất xu nào và tha hồ tận hưởng.
Hơn 12 tỷ USD là thiệt hại mà các hãng thu âm phải chịu vì tình trạng tải “vô phép” được báo cáo vào năm 2007, tính riêng tại Mỹ. Doanh thu âm nhạc trên toàn cầu cũng sụt giảm nghiêm trọng so với thời điểm trước khi trào lưu “web lậu” nở rộ.
Điểm khiến các nhà lãnh đạo đau đầu là họ chưa tìm ra giải pháp nào đủ hiệu quả để khuyến khích người dùng nghe nhạc có bản quyền. Đĩa CD trở thành món đồ lỗi thời trước làn sóng Internet. Apple với iTunes là một thành công lớn, nhưng trở ngại của nó là người nghe bắt buộc phải sử dụng iPod hoặc iPhone thì mới truy cập được.
Cách thật sự để ngăn chặn cơn bão nhạc không bản quyền này là tạo ra một giải pháp thay thế tốt hơn. Một dịch vụ cao cấp cho phép người dùng nghe nhạc miễn phí, thông qua các phương tiện hợp pháp và dễ dàng truy cập. Nhưng bằng cách nào?
David Ek, một chàng trai đến từ Thuỵ Điển, đã hình dung về giải pháp để cứu thị trường âm nhạc. Với kinh nghiệm có được sau những lần khởi nghiệp trước đây, Daniel hiểu được tương lai của thế giới là công nghệ và Internet. Đó là khoảnh khắc Eureka khi anh nhận ra phát trực tuyến nhạc, thay vì chỉ cho phép người dùng tải về, sẽ là câu trả lời cho bài toán trên.
Daniel muốn biến âm nhạc trở thành một sản phẩm dễ tiếp cận hơn với thế giới. Năm 2008, anh cùng với người đồng sáng lập Martin Lorentzon, đã thành lập một công ty khởi nghiệp nhỏ ở Stockholm, Thuỵ Điển. Họ gọi nó là Spotify.
Spotify cung cấp cho người dùng dịch vụ miễn phí lẫn trả phí. Vì vậy, ngay cả khi mọi người không có tiền hoặc không muốn bỏ tiền, họ vẫn có thể nghe những bản nhạc một cách hợp pháp.
Ý tưởng cho phép người dùng nghe nhạc miễn phí của Spotify dĩ nhiên vấp phải sự phản đối, đặc biệt là từ các hãng thu âm. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, giám đốc của hãng Warner Bros là Tom Whalley đã tuyên bố Spotify sẽ chẳng bao giờ “cứu rỗi’ được thị trường âm nhạc. Việc thuyết phục nhà đầu tư bỏ tiền vào Spotify cũng là một thử thách. Họ không tin tưởng người dùng sẽ bỏ tiền đăng ký gói thành viên, cũng như không nghĩ doanh thu quảng cáo có thể bù vào chi phí vận hành.
Chiến lược thương hiệu Spotify và bài toán “nhạc lậu”
Dù miễn phí, các trang web âm nhạc bất hợp pháp cũng gây ra những khó chịu nhất định cho người dùng. Chất lượng âm thanh tồi tệ, tốn nhiều thời gian, bài hát độc quyền của nghệ sĩ họ yêu thích không xuất hiện… Trải nghiệm như thế không thể gọi là tốt được. Thậm chí có người lựa chọn nhạc bất hợp pháp chỉ đơn giản là vì họ không sử dụng iPhone.
Daniel Ek nhìn thấy cơ hội ở đó. Ông tin rằng mọi người sẽ sử dụng Spotify nếu được đáp ứng được ba tiêu chí sau: nhạc bản quyền chất lượng cao, miễn phí hoặc trả phí với giá phải chăng, trải nghiệm với mọi thiết bị.
Chiến lược thương hiệu Spotify đã thành công trong việc thuyết phục các hãng thu âm tin tưởng vào tầm nhìn của hãng và đồng ý với những quyền lợi mà Spotify đề xuất. Daniel cho rằng số lượng người dùng thường xuyên Spotify sẽ đạt mức 20 triệu người sau ba năm, trong đó 15% sẽ đăng ký gói thành viên trả phí. Vì vậy, Spotify sẽ khai thác song song hai nguồn doanh thu: quảng cáo và gói thành viên. Chiến lược này sau được gọi là “freemium”, kết hợp từ hai từ “free” và “premium”.
Daniel đã đúng. Khách hàng tỏ ra rất thích thú với Spotify. Nền tảng này sở hữu số lượng bài hát lớn và đa dạng đủ để thu hút nhiều nhóm người nghe khác nhau. Việc nghe nhạc cũng trở nên dễ dàng hơn. Thay vì tìm đủ cách để lách luật, người dùng giờ đây chỉ cần có kết nối Internet là đủ. Chất lượng âm thanh trên Spotify cũng ăn đứt các nền tảng bất hợp pháp.
Những yếu tố này giúp Spotify dần khẳng định vị thế của mình và giảm được cơn đau đầu lâu năm của các nhà lãnh đạo nền công nghiệp âm nhạc. Spotify sau đó lần lượt ra mắt ở nhiều quốc gia châu Âu khác và cuối cùng là có mặt khắp thế giới.
Tuy nhiên, thành công của Spotify cũng chứng tỏ thị trường âm thanh trực tuyến (audio streaming) là một “mỏ vàng” đầy tiềm năng. Vậy chiến lược thương hiệu Spotify đã làm gì để đối mặt với áp lực từ đối thủ?
Chiến lược thương hiệu Spotify và cách sử dụng dữ liệu
Những bài hát bản quyền, chất lượng cao và miễn phí được phát trên Spotify là thứ thu hút người dùng sử dụng dịch vụ của thương hiệu. Thế nhưng, đây không phải lợi thế của chiến lược thương hiệu Spotify khi đối đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ Amazon, Google hay Apple.
Những nền tảng trên đều dễ dàng ký hợp đồng với nhiều công ty giữ bản quyền âm nhạc, người luôn muốn thu lợi nhiều nhất từ nghệ sĩ của họ. Các nghệ sĩ cũng không thích thú lắm với ý tưởng chỉ tung tác phẩm trên một nền tảng duy nhất, vì làm thế chẳng khác nào tự thu hẹp lượng người nghe tiềm năng. Có thời điểm những tên tuổi như Adele, Taylor Swift quyết định không phát hành album trên Spotify vì vấn đề liên quan đến chi phí bản quyền.
Vấn đề buộc chiến lược thương hiệu Spotify phải tìm cách để thu hút số lượng người đăng ký mới và giữ chân những người dùng hiện tại. Điều này không chỉ giúp Spotify đảm bảo lượng khách hàng mà còn giúp thương hiệu giữ được cán cân trong mối quan hệ với nghệ sĩ lẫn các hãng thu âm.
Daniel Ek từng chia sẻ hai niềm đam mê lớn nhất cuộc đời ông là âm nhạc và công nghệ. Việc làm quen và gắn bó với âm nhạc từ sớm giúp Daniel thấu hiểu cách những nốt nhạc tác động đến tâm trạng người nghe lẫn niềm vui khi mọi người tìm được một bài hát “hợp mood” rồi hoà mình theo giai điệu. Đó là trải nghiệm tuyệt vời mà chỉ có âm nhạc mang lại.
Vậy chiến lược thương hiệu Spotify có thể làm gì để gia tăng trải nghiệm trên, từ đó khiến khách hàng yêu thích và gắn bó với Spotify hơn? Câu trả lời chính là dữ liệu.
Cuộc đua về dữ liệu đã bắt đầu từ sớm và một thương hiệu nhiều tham vọng như Spotify cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Trong một buổi họp mặt các nhà đầu tư vào năm 2015, Daniel Ek đã chia sẻ như sau: “Nếu chúng tôi nhận được thông tin bạn đang lái xe đi làm nhanh hơn so với mọi ngày, Spotify sẽ điều chỉnh các bài hát để phù hợp với tâm trạng đó”.
Ý tưởng rất rõ ràng. Spotify không chỉ cung cấp âm nhạc ở “mọi khoảnh khắc”, mà còn là phù hợp với “mọi tâm trạng”. Bài học từ Netflix giúp Daniel Ek hiểu tầm quan trọng của việc biết về khách hàng càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, dữ liệu là một vấn đề nhạy cảm. Nếu Facebook phải ra hầu toà thì chiến lược thương hiệu Spotify đã phát triển lợi thế cạnh tranh của mình thông qua việc sử dụng dữ liệu người dùng một cách thông minh hơn.
Kết hợp với các thuật toán và công nghệ AI tân tiến, Spotify dần thành công trong việc tạo ra trải nghiệm mang tính cá nhân hoá cho khách hàng, bất kể miễn phí hoặc trả phí. Cá nhân hoá là như thế nào? Spotify sẽ đảm bảo nội dung chúng ta nhận được sẽ được tuỳ chỉnh dựa trên âm thanh yêu thích của mỗi người. Ứng dụng sẽ gợi ý những playlist phù hợp với sở thích cá nhân, tạo ra một bảng tổng kết thường niên mang tên “Spotify Wrapped” và thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông dựa vào dữ liệu thu thập được.
Tháng 5/2015, Spotify ra mắt tính năng Discover Weekly (Khám phá hàng tuần), tập hợp những bài hát hãng nghĩ khán giả sẽ thích. Playlist ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ người dùng ở Thuỵ Điển và Mỹ. Chỉ trong vòng mười tuần, có tổng cộng một tỷ lượt phát được ghi nhận từ playlist này.
Chiến lược thương hiệu Spotify sau đó lần lượt ra mắt những tuyển tập theo thể loại (Rock, Blues, Pop…), tâm trạng (vui vẻ, chill, buồn bã…) hoặc khoảnh khắc (bữa ăn tối, tập gym, tiệc tùng…) dựa theo sở thích của từng người. Điều này tạo nên sự đa dạng mà chỉ Spotify sở hữu.
Nếu trước đây cách duy nhất để tạo ra một list nhạc ưng ý là đi nhặt nhạnh từng bài rồi gom vào một thư mục chung, thì bây giờ Spotify sẽ làm việc đó thay cho chúng ta. Người dùng không còn phải tự tìm kiếm những bài hát hay nhất. Những bài hát hay nhất sẽ tìm đến họ.
Vì sao dữ liệu lại là lợi thế của chiến lược thương hiệu Spotify?
Những gì chúng ta nghe, thời lượng chúng ta nghe, playlist chúng ta tạo ra, thứ chúng ta tìm kiếm… Tất cả đều được Spotify lưu trữ lại trong hệ thống dữ liệu. Mọi người sử dụng Spotify càng lâu, thương hiệu này càng nhận được nhiều thông tin và thuật toán sẽ được tối ưu hơn trong việc mang đến trải nghiệm cho khán giả.
Dưới đây là bảng tóm tắt cách mà Spotify gợi ý những bài hát được trang Data Science Central tổng hợp:
Từ bảng trên ta thấy được những gợi ý của Spotify được dựa trên những thông tin từ chính người sử dụng. Chẳng hạn, nếu bạn nghe một bản nhạc trong hơn 30 giây, Spotify sẽ hiểu bạn thích bài hát đó. Hoặc khi bạn nghe những bài hát cùng thể loại, Spotify cũng tự suy ra được dòng nhạc nào là gout của bạn. Hành vi của chúng ta là nguồn thông tin dồi dào để thuật toán của Spotify được hoàn thiện.
Câu hỏi đặt ra là tại sao sử dụng dữ liệu lại là lợi thế của chiến lược thương hiệu Spotify, thứ mà các đối thủ chưa thể bắt kịp?
Số lượng người dùng
Yếu tố đầu tiên nằm ở số lượng người dùng. Theo thống kê của Musically, tính đến tháng 3 năm 2022, Spotify có tổng lượt người đăng ký khoảng 422 triệu. Con số này vượt trội hơn hẳn những đối thủ khác trên thị trường. Khách hàng của Spotify cũng trải dài ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, từ châu Mỹ, châu Âu lẫn châu Á.
Lượng dữ liệu khổng lồ này mang đến cho Spotify những lợi thế quan trọng trong việc phân tích, so sánh và phán đoán sở thích âm nhạc của từng người nghe. Nếu hai người bất kỳ cùng yêu thích những bài hát giống nhau, thì người A có khả năng sẽ thích những bản nhạc khác mà người B nghe, dù họ có biết đến nó hay chưa.
Ngoài ra, công nghệ của Spotify cũng giúp những nhà sáng tạo nội dung tiếp cận được với sở thích của khán giả. Spotify cung cấp những bảng thống kê, cho phép nghệ sĩ hiểu được mức độ tương tác, lượt nghe và chi tiết nhân khẩu học của người nghe. Nhà sáng tạo từ đó sẽ biết cách kiểm soát sản phẩm của mình tốt hơn.
Công nghệ
Những tính năng đột phá của Spotify không thể thành hiện thực nếu thiếu đi tiến bộ về mặt công nghệ.
Trên thực tế, quá trình cá nhân hoá bắt đầu ngay sau khi người dùng vừa tải xuống và đăng nhập vào ứng dụng. Người dùng mới được nhắc chọn một vài nghệ sĩ yêu thích của họ. Kể từ thời điểm đó, Spotify sẽ giới thiệu những nghệ sĩ mới mà người nghe có thể yêu thích dựa trên những gì mà họ đã quen thuộc.
Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong cách Spotify cá nhân hoá trải nghiệm của người nghe. Các nhà nghiên cứu tại Spotify đã chia sẻ rằng, thuật toán của Spotify tập trung vào hai lĩnh vực chính: mô hình hoá hành vi của người dùng và phân tích âm thanh.
Spotify cố gắng mô hình hoá hành vi của khán trên ứng dụng thành các đặc điểm và cảm xúc của con người, đồng thời kết nối trải nghiệm âm nhạc của họ với tâm trạng hoặc thời gian cụ thể.
Ví dụ, dựa trên việc bạn lựa chọn những bài nhạc nhẹ nhàng để nghe vào buổi tối, Spotify sẽ hiểu buổi tối là thời điểm bạn cần thư giãn và nghỉ ngơi. Từ đó ứng dụng sẽ gợi ý các bài hát, playlist nhẹ nhàng và không quá sôi động. Ứng dụng cũng chèn các bài hát có “mood” tương tự vào danh sách khám phá của bạn. Mọi thứ diễn ra vì bạn đã cho Spotify những “gợi ý” rất rõ ràng.
Ngoài ra, hãng còn sở hữu công nghệ giúp phân tích cấu trúc âm thanh của một bài hát và đánh giá mức độ liên quan của nó với các tác phẩm khác bằng cách quét qua hàng tỷ danh sách do người dùng tạo ra.
“Hãy tưởng tượng bạn và một người bạn cùng yêu thích bốn nghệ sĩ giống nhau, nhưng đến nghệ sĩ thứ năm thì lại khác. Chúng tôi sẽ xem xét hai kết quả đó và nghĩ, ‘Hmm, có thể mỗi người sẽ thích nghệ sĩ thứ năm của người kia’ và đề xuất nó.” Oskar Stål, Phó chủ tịch mảng Cá nhân hoá của Spotify giải thích trong một bài viết.
Nếu Spotify muốn bạn ở lại thêm ba phút nữa, họ sẽ phát bài hát yêu thích của bạn. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi họ phát một lượt 20 bài hát bạn yêu thích, xen giữa là những bản nhạc mới hoàn toàn? Hãy cứ hình dung quá trình đó diễn ra trên quy mô lớn hơn – không chỉ là một, mà là hàng triệu, hàng tỷ hành vi và sở thích được xem xét trong tích tắc, chúng ta sẽ hiểu được cách Spotify thu hút và giữ chân khách hàng.
Nhu cầu từ chính người dùng
Như đã nói, khi người dùng sử dụng Spotify càng nhiều, lợi thế cạnh tranh của ứng dụng sẽ càng được phát triển. Spotify có thể sử dụng nguồn dữ liệu đó để tạo ra những trải nghiệm mang tính cá nhân hoá hơn nữa và giúp khách hàng gắn bó chặt chẽ hơn với thương hiệu.
Khách hàng cũng yêu thích trải nghiệm mà chiến lược thương hiệu Spotify mang lại. Những người yêu âm nhạc sẽ có cảm giác háo hức, mong đợi các ngày thứ Hai và thứ Sáu, thời điểm họ được khám phá những nghệ sĩ mới. Hoặc những chiến dịch như Spotify Wrapped, tức một bảng tổng kết thói quen nghe nhạc trong năm, cũng mang đến cho khán giả cảm giác thích thú đặc biệt.
Âm nhạc giờ đây không chỉ là sở thích cá nhân. Thông qua Spotify Wrapped, âm nhạc đã trở thành công cụ thể hiện cái tôi của một người, và họ có quyền chia sẻ nó đến thế giới. Và Spotify Wrapped chỉ là một trong nhiều ví dụ thể hiện sự khác biệt mà Spotify mang lại.
Với sự phổ biến của Internet và mạng xã hội, nhiều thương hiệu sẵn sàng mua bất cứ góc quảng cáo nào nếu chi phí bỏ ra thấp nhất nhưng vẫn thu hút được sự chú ý nhiều nhất từ khán giả. Cách nghĩ này kéo theo rất nhiều thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực quảng cáo. Chỉ cần đạt chỉ tiêu về lượt xem, yêu thích và chia sẻ là đủ, chiến dịch thế là thành công tốt đẹp.
Khi mọi người bị ngập lụt trong khối lượng thông tin, họ sẽ dần hình thành thái độ miễn nhiễm trước những dạng giao tiếp truyền thống. Khi đó, họ sẽ chuyển sự tập trung chú ý của mình sang những thương hiệu mang đến cho họ những trải nghiệm được tuỳ chỉnh riêng, những thứ không quá đặc biệt nhưng vẫn khiến họ cảm thấy mình là một cá thể riêng biệt.
Dĩ nhiên, Spotify sở hữu những lợi thế riêng biệt trong lĩnh vực, sản phẩm và mô hình kinh doanh của họ mà không phải thương hiệu nào cũng có. Yếu tố mà Vũ muốn nhấn mạnh là cách Spotify thấu hiểu nhu cầu người dùng của mình như thế nào.
Spotify ban đầu được tạo ra để hoạt động giống như một thư viện, nơi người dùng chủ động truy cập và phát các bài hát mà họ yêu thích. Nhưng theo thời gian, thương hiệu nhận ra rằng “khán giả sẽ thích Spotify hơn nếu được khám phá nhiều hơn, nhưng hầu hết mọi người lại không có thời gian để tự khám phá”.
Lúc này Spotify xuất hiện như một “trợ lý âm thanh”, mang đến cho người nghe những bản nhạc, podcasts tuyệt vời nhất, ghi lại phản ứng của họ, điều chỉnh gợi ý và lặp lại quy trình này hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Và đó chính là điểm khác biệt trong chiến lược thương hiệu Spotify.
Lời kết
Chiến lược thương hiệu Spotify là hành trình khởi nghiệp đầy thú vị của những chàng trai đến từ Thuỵ Điển. Bằng sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật, Spotify đã từng bước vượt qua những cái tên sừng sỏ khác để dẫn đầu thị trường âm nhạc thế giới.
Mặt khác khi nhắc đến chiến lược thương hiệu Spotify, mọi người sẽ nghĩ ngay đến cách sử dụng dữ liệu. Nhưng sử dụng như thế nào mới là điều đáng nói. Spotify hướng đến việc mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất với những gì họ nghe. Điều này giúp thương hiệu luôn tìm kiếm các phương thức mới nhằm gợi ý những bản nhạc phù hợp nhất với sở thích của từng người.
Qua bài viết này, đội ngũ Vũ Digital hy vọng bạn đọc đã có được những kiến thức hữu ích về chiến lược thương hiệu Spotify, từ đó áp dụng vào mô hình kinh doanh của mình và mang đến nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng.
* Nguồn: Vũ Digital