Mastercard và Grab ra mắt chương trình “Doanh nghiệp nhỏ, Ước mơ lớn”
Mastercard và Grab, siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á, hôm nay công bố chương trình “Doanh nghiệp nhỏ, Ước mơ lớn” nhằm nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cho các lao động cá nhân trong nền kinh tế số và doanh nghiệp nhỏ tại Indonesia, Philippines và Việt Nam. Chương trình này nằm trong khuôn khổ sáng kiến thiện nguyện toàn cầu Strive Community do Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard và Caribou Digital phát triển. Sáng kiến Strive Community hướng tới mục tiêu hỗ trợ khả năng thích ứng, phục hồi và tăng trưởng cho 5 triệu doanh nghiệp nhỏ trên toàn thế giới.
Chương trình “Doanh nghiệp nhỏ, Ước mơ lớn” gồm hai khóa học kinh doanh trực tuyến dành cho đối tác tài xế, đối tác giao hàng của Grab có mong muốn khởi nghiệp, cũng như dành cho các chủ doanh nghiệp nhỏ mong muốn phát triển trong nền kinh tế kỹ thuật số đầy cạnh tranh. Chương trình nhằm trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ phát huy tối đa tiềm năng của mình thông qua hỗ trợ chuyển đổi số hoạt động kinh doanh, khai mở cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính và tham gia hiệu quả hơn vào nền kinh tế số.
Bà Cheryl Goh, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận Tiếp thị & Phát triển bền vững, Grab cho biết: “Nhiều người dân Đông Nam Á làm việc trong khu vực phi chính thức mong muốn đạt được nhiều hơn, nhưng thực tế, nhiều người trong số họ không có phương tiện hoặc cơ hội để tiếp cận các chương trình đào tạo có chất lượng. Thông qua quan hệ đối tác với Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp thêm cho người lao động trong nền kinh tế số và các doanh nghiệp nhỏ động lực để bắt đầu. Chương trình “Doanh nghiệp nhỏ, Ước mơ lớn” của chúng tôi sẽ trang bị cho họ kiến thức kinh doanh và kỹ năng thực tế thông qua một lộ trình học tập có cấu trúc phù hợp với nhu cầu và lĩnh vực mà họ quan tâm”.
Bà Payal Dalal, Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Tác động Xã hội, Thị trường Quốc tế, Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard, nhận định: “Nền kinh tế kỹ thuật số cung cấp vô vàn các khả năng và cơ hội hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô thích ứng và phát triển bền vững hơn. Mastercard rất vui mừng được hợp tác cùng Grab xây dựng sáng kiến này nhằm thúc đẩy năng lực kỹ thuật số và khả năng hội nhập cho các cá nhân có nguyện vọng khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ hậu đại dịch. Mastercard cam kết hỗ trợ 1 tỷ người và 50 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên toàn cầu tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2025. Chương trình mà chúng tôi công bố hôm nay tiếp nối thành công của Học viện Mastercard 2.0 ở Indonesia, Business Cell ở Philippines, Dự án Lương kỹ thuật số HER của BSR ở Campuchia và Sáng kiến Thắp lửa hợp tác với CARE ở Việt Nam, trao cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ quyền tiếp cận công nghệ, chương trình đào tạo, cố vấn và dịch vụ tài chính”.
Các doanh nghiệp nhỏ đóng một vai trò quan trọng tại Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP của cả nước. Mặc dù 80-90% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á chịu tác động đến doanh thu do các đợt giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đã vượt qua khó khăn nhờ chuyển đổi kỹ thuật số, và phục hồi lợi nhuận nhờ các hoạt động kinh doanh trực tuyến. Khả năng thích ứng và phục hồi là nội dung chính mà khóa đào tạo ngắn hạn này muốn mang lại cho vô số doanh nghiệp nhỏ và các nhà khởi nghiệp trong khu vực.
Các khóa học được thiết kế riêng để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tại Đông Nam Á
Hai khóa học trực tuyến mới, bao gồm Bộ công cụ khởi nghiệp dành cho Tài xế và Bộ công cụ dành cho Doanh nghiệp nhỏ, được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát hơn 500 đối tác tài xế và 100 doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp nhỏ được khảo sát đều đã sử dụng điện thoại thông minh để quản lý công việc kinh doanh của mình, song 57% doanh nghiệp vẫn chỉ quản lý thủ công trên giấy tờ.
Một nhân viên trong ngành dịch vụ lưu trú tại Việt Nam chia sẻ: “Tiếp cận tài chính là một trong những thách thức lớn nhất mà tôi gặp phải khi muốn mở rộng hoạt động kinh doanh”.
Một đối tác nhà hàng trên GrabFood tại Việt Nam cho biết: “Tôi đã được giới thiệu một số công cụ tài chính như máy POS nhưng vẫn chưa sử dụng vì tôi không chắc nó phù hợp với nhà hàng của mình hay không. Tôi quản lý sổ sách tài chính theo cách thủ công”.
Ba chủ đề đào tạo mà các đối tác tài xế tại Việt Nam quan tâm nhất gồm: 1) cách phát triển kinh doanh và tăng lợi nhuận (64%); 2) cách khởi nghiệp (44%); và 3) cách tiếp thị kinh doanh trực tuyến (19%).
Để đáp ứng những nguyện vọng này, Mastercard và Grab đã làm việc với các chuyên gia hàng đầu về doanh nghiệp quy mô nhỏ như Tumbu, WISE và Học viện Bayan (Bayan Academy) để cùng phát triển các khóa học trực tuyến. Các khóa học, bao gồm 20 bài học dưới dạng video ngắn, sẽ cung cấp một số bước thực tiễn để giải quyết những thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ và người mới bắt đầu kinh doanh gặp phải. Khóa đào tạo còn tích hợp các nội dung trao đổi kinh nghiệm thiết thực và hiệu quả của các chuyên gia trong ngành và chủ doanh nghiệp trong nước - một hình thức học tập được các đối tác tài xế và chủ doanh nghiệp nhỏ tham gia khảo sát ưa chuộng.
Bà Từ Thu Hiền, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành, Sáng kiến Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) cho biết: “Chương trình giúp giải quyết những lỗ hổng về năng lực tài chính và kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng việc nâng cao kỹ năng quản lý kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng sử dụng các công cụ kỹ thuật số phục vụ mục đích tiếp thị, tài chính và phát triển kinh doanh. Chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ này, các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam sẽ được trang bị các kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết để tham gia và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.”
Các video đào tạo được cung cấp miễn phí cho tất cả Đối tác của Grab trên GrabAcademy, thông qua siêu ứng dụng Grab Driver và GrabMerchant. Đối tác tài xế và các doanh nghiệp nhỏ sẽ nhận được chứng chỉ sau khi hoàn thành mỗi học phần (mô-đun).