Phía sau lời tuyên bố sắp hòa vốn, có lãi của Shopee, Lazada, Be và Grab

Phía sau lời tuyên bố sắp hòa vốn, có lãi của Shopee, Lazada, Be và Grab

Các công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử lần lượt bước vào giai đoạn tăng thu, giảm chi mạnh mẽ. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một phương án giải quyết bài toán thua lỗ hàng năm.

Shopee và thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”

Shopee là nền tảng TMĐT thuộc sở hữu của Sea Ltd. TMĐT là mảng đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu doanh thu của công ty mẹ Sea, nhưng đồng thời cũng là lĩnh vực lỗ đậm nhất. Tính theo hệ số EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao), khoản lỗ của Shopee tăng từ 1,3 tỷ USD vào năm 2020 lên 2,5 tỷ USD năm 2021.

Bối cảnh kinh tế u tối khiến các công ty công nghệ phụ thuộc nhiều vào dòng tiền huy động từ nhà đầu tư như Shopee gặp nhiều khó khăn. Việc giới đầu tư dần mất kiên nhẫn và bắt đầu cắt giảm cổ phần là một trong những tín hiệu cho thấy doanh nghiệp phải bước vào thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”.

Phía sau lời tuyên bố sắp hòa vốn, có lãi của Shopee, Lazada, Be và Grab

Shopee dùng các biện pháp cắt giảm để cải thiện doanh thu.
Nguồn: Sanjay Rawat

SCMP đưa tin, Shopee liên tục đưa ra các biện pháp cắt giảm nhân sự. Cụ thể, đã có một đợt sa thải nhân viên tại Trung Quốc, cắt giảm 3% nhân viên tại Indonesia, một nửa đội ngũ làm việc trong mảng thanh toán cùng với giao đồ ăn của Shopee Thái Lan đã bị điều chỉnh. Tại thị trường Việt Nam, Shopee cũng thay đổi nhân sự, đồng thời cắt một số đãi ngộ cho nhân viên như bữa sáng, teambuilding.

Trong các chuyến công tác, tập đoàn sẽ giới hạn vé máy bay ở hạng phổ thông, chi phí ăn uống và đi lại ở mức 30 USD/ngày, chi phí khách sạn còn 150 USD/đêm. Các hóa đơn ăn uống, giải trí tại những chuyến công tác này cũng không được tập đoàn thanh toán.

Ngoài ra, Shopee cũng bắt đầu tăng chiết khấu đối với nhà bán hàng. Theo Zingnews, một số chủ gian hàng trên Shopee tại Việt Nam đã nhận được thông báo của sàn về việc nâng mức phí cố định từ 1,5% lên 2,5% kể từ ngày 2/10/2022. Những gian hàng không tham gia vào các gói khuyến mại như freeship, hoàn xu thì phải trả tới 5% phí dịch vụ cho mỗi đơn hàng (bao gồm 2,5% phí thanh toán và 2,5% phí cố định) thay vì là 4% như trước.

Đây không phải lần đầu Shopee tăng phí bán hàng trên nền tảng. Trong một đợt Shopee tăng phí vào quý 3/2020, nhà phân tích Sachin Mittal từ DBS Group Holdings nhận định rằng thu nhập từ phí hoa hồng chiếm phần lớn doanh thu của Shopee và việc nâng hoa hồng có thể cải thiện doanh thu của nền tảng này.

Phía sau lời tuyên bố sắp hòa vốn, có lãi của Shopee, Lazada, Be và Grab

Mục tiêu của Sea trong 12-18 tháng tới là tạo ra dòng tiền dương càng sớm càng tốt.
Nguồn: Reuters

Và chưa dừng lại ở đó, Shopee còn thu hẹp hoạt động tại một loạt thị trường khu vực Châu Âu và Mỹ Latinh sau khi ghi nhận mức doanh thu không như mong đợi. 

CEO Forrest Li thừa nhận cơn bão sẽ không qua nhanh, những thách thức thậm chí còn kéo dài nếu nhìn về trung hạn. Ông Li cho rằng cách duy nhất để ngừng phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài là tự lực về tài chính, kiếm đủ tiền mặt cho mọi nhu cầu và dự án. Do đó, trong 12-18 tháng tới, mục tiêu của Sea là tạo ra dòng tiền dương càng sớm càng tốt.

Lazada tự tin vì vẫn được tiếp vốn

Khác với đối thủ của mình, Lazada – mảng TMĐT tại Đông Nam Á của Alibaba, vẫn được công ty mẹ tiếp vốn. Theo Zingnews, tính từ đầu năm, tổng ngân sách đầu tư của Alibaba dành cho Lazada đã nâng lên gần 1,3 tỷ USD với đợt bổ sung gần nhất lên tới 912,5 triệu USD.

Dù vậy, hoạt động của Lazada vẫn chưa có nhiều khởi sắc. CafeF đưa tin doanh thu bán lẻ quốc tế của Alibaba – bao gồm hoạt động kinh doanh của Lazada và các hoạt động khác ở nước ngoài – đã chậm lại đáng kể trong năm nay.

Sau khi ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong mỗi quý của năm 2021, doanh thu bán lẻ quốc tế của Alibaba đã giảm xuống còn 1,56 tỉ USD trong quý 1/2022. Chỉ tiêu này từ tháng 4 đến tháng 6/2022 chỉ đạt 1,57 tỉ USD, gần như không đổi so với quý trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, nhờ nguồn lực từ công ty mẹ, Lazada vẫn đang có lợi thế tài chính tốt.

Phía sau lời tuyên bố sắp hòa vốn, có lãi của Shopee, Lazada, Be và Grab

Lazada được Alibaba rót thêm 1,3 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay.
Nguồn: Reuters

Chia sẻ với truyền thông, ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada cho biết giai đoạn này thay vì đốt tiền, doanh nghiệp sẽ tập trung vào cải thiện trải nghiệm người dùng.

“Chiến lược bây giờ là tập trung cải thiện người dùng. Kinh nghiệm từ nhiều thị trường đã dạy cho chúng tôi bài học rằng khi tập trung đầu tư cho các nền tảng như cơ sở hạ tầng, công nghệ thì doanh nghiệp sẽ có đủ nội lực vượt qua khó khăn”, Tổng Giám đốc Lazada chia sẻ.

Be nhận khoản vay 100 triệu USD

Vietnambiz đưa tin CTCP Be Group (chủ sở hữu ứng dụng Be) và Ngân Hàng Deutsche Bank đã tổ chức buổi lễ ký kết và tiếp nhận khoản vay vốn trị giá lên đến 100 triệu USD vào tháng 9 vừa qua. Be Group sẽ sử dụng nguồn vốn này để mở rộng và nâng cao ba dịch vụ chính, gồm: Gọi xe trực tuyến (xe 4 bánh và 2 bánh), giao đồ ăn và ngân hàng số Cake by VPBank cũng như mở rộng các thị trường mới.

Phía sau lời tuyên bố sắp hòa vốn, có lãi của Shopee, Lazada, Be và Grab

Buổi ký kết và tiếp nhận khoản vay lên tới 100 triệu USD giữa ngân hàng Deutsche Bank và Be Group.
Nguồn: Be

Nhà phát triển công bố Be đã có mặt tại 28 tỉnh thành trên toàn quốc, đạt hơn 20 triệu lượt tải ứng dụng. Bên cạnh đó, nửa đầu năm 2022, doanh thu của Be tại thị trường trọng điểm là TP.HCM đã tăng gấp hai lần. Riêng quý 1, toàn thị trường vượt hơn 1,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng phát sinh giao dịch trên nền tảng. Theo CafeF, với doanh thu tăng gấp đôi trong nửa đầu năm nay, Be Group bắt đầu có lãi góp dương từ quý 3/2022.

Với khoản vay mới nhất có giá trị lên tới 100 triệu USD, Be Group hứa hẹn sẽ tạo đà kích thích cho cuộc đua với hai ông lớn cùng ngành là Grab và Gojek, nhất là trong giai đoạn cuộc sống của người tiêu dùng bắt đầu quay trở lại trạng thái bình thường sau nhiều năm ảnh hưởng bởi đại dịch.

Grab cắt giảm khuyến mãi, ưu tiên doanh thu

Mới đây, một ông lớn khác trong lĩnh vực gọi xe công nghệ là Grab cũng tuyên bố dự kiến hòa vốn trên hệ số EBITDA đã điều chỉnh vào nửa cuối năm 2024 (theo Reuters). Giám đốc Tài chính Peter Oey cũng nhấn mạnh việc sử dụng nguồn vốn hợp lý trong thời gian tới.

Phía sau lời tuyên bố sắp hòa vốn, có lãi của Shopee, Lazada, Be và Grab

Grab Holding dự kiến hòa vốn trên EBITDA đã điều chỉnh vào nửa cuối năm 2024.
Nguồn: Zingnews

Ứng dụng dự kiến khoản lỗ EBITDA đã điều chỉnh vào nửa cuối năm nay đạt 380 triệu USD, cải thiện 27% so với nửa đầu năm. Dự kiến doanh thu vào năm 2023 tăng 45-55% so với cùng kỳ năm liền trước trên cơ sở tỷ giá không đổi. Các hoạt động của ngân hàng số cũng được dự báo đạt điểm hòa vốn vào năm 2026.

Trong báo cáo tài chính quý 2 vừa qua, doanh thu của Grab đạt 321 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất từ trước đến nay. Mặt khác, lỗ EBITDA đạt 233 triệu USD, chỉ tăng nhẹ 9%. Lỗ ròng cũng cải thiện còn 572 triệu USD so với con số trên 800 triệu USD vào năm ngoái.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Grab cho biết để đối phó với tình hình kinh tế hiện tại, họ sẽ tuyển dụng có chọn lọc hơn, đồng thời, vẫn giữ tham vọng trong mảng dịch vụ tài chính của mình.

Phía sau lời tuyên bố sắp hòa vốn, có lãi của Shopee, Lazada, Be và Grab

Nguồn: Zingnews

Những năm trước, giống như các nền tảng dịch vụ công nghệ khác, Grab cũng đốt một số tiền không nhỏ cho các khuyến mại tặng người dùng lẫn đối tác. Năm 2021, Grab chi hơn 1 tỷ USD cho hoạt động ưu đãi, khuyến mãi tới khách hàng và 717 triệu USD cho đối tác tài xế. Tuy nhiên, vào quý 2 năm nay, ứng dụng bỏ ra 523 triệu USD cho khoản chi phí này, giảm 6,7% so với quý trước và chỉ tăng 26% so với cùng kỳ.

Xu hướng này vốn được dự đoán từ trước sau khi CEO Anthony Tan tuyên bố cắt giảm các ưu đãi cho tài xế đối tác trong nửa cuối năm nếu lực lượng này duy trì được sự ổn định. Thời gian tới, công ty sẽ tập trung đáp ứng các mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng bền vững.

Nguồn: Tổng hợp