Marketer Tường Vi
Tường Vi

Content Writer Intern @ Brands Vietnam

Bookaholic #20: Search Inside Yourself – Bí quyết hạnh phúc của các kỹ sư Google

Bookaholic #20: Search Inside Yourself – Bí quyết hạnh phúc của các kỹ sư Google

Tựa sách “Search Inside Yourself” hướng dẫn cách khai thác sức mạnh của trí tuệ cảm xúc (EQ) và chánh niệm để phát triển khía cạnh cá nhân cùng sự nghiệp.

Tác giả Chade-Meng Tan đã đúc kết những nội dung trên từ khoá học kỹ năng mềm dành cho nhân viên tại Google. Bạn có thể thu lượm những kiến thức bổ ích để cải thiện khả năng sáng tạo, năng suất làm việc, cũng như chất lượng cuộc sống của bản thân. 

Nhìn chung, nguyên tắc rèn luyện EQ dựa trên cách tiếp cận ba bước: Thứ nhất, rèn luyện khả năng chú tâm. Thứ hai, rèn luyện khả năng chú tâm để nâng cao khả năng nhận biết dòng suy nghĩ của bản thân, với sự khách quan như từ góc nhìn của một người thứ ba. Khi làm được như vậy, bạn mới có cơ hội khám phá và hiểu rõ bản thân từ nhiều khía cạnh khác nhau. Cuối cùng, từ đó bạn có thể thiết lập những thói quen tinh thần có ích.

Nguồn: BNABooks

Trí thông minh cảm xúc là một trong nhiều loại trí thông minh

Theo bạn thông minh là gì? Có phải là chỉ số IQ cao? Khả năng ngôn ngữ vượt trội? Khả năng âm nhạc tuyệt vời? Tiến sĩ Howard Gardner – nhà tâm lý học nổi tiếng tại Đại học Harvard là người đặt nền móng cho thuyết đa trí tuệ. Ông cho rằng một đứa trẻ có thể không giỏi toán học, nhưng có năng khiếu về ngôn ngữ hoặc nghệ thuật, vẫn nên được xem là thông minh.

Để minh hoạ cho lập luận của mình, Gardner đã đưa ra một danh sách các loại trí thông minh khác nhau, bao gồm cả trí thông minh nội tâm (intrapersonal intelligence) và trí thông minh tương tác giao tiếp (interpersonal Intelligence). Trí thông minh nội tâm đề cập đến khả năng nhận thức được cảm xúc, giá trị và mục tiêu bên trong của chính bản thân mình. Còn trí thông minh giao tiếp liên quan đến khả năng nhận thức về cảm xúc và động lực của người khác.

Sự kết hợp giữa trí thông minh nội tâm và giao tiếp chính là trí thông minh cảm xúc. “Đó là khả năng theo dõi cảm xúc và cảm giác của bản thân cũng như của người khác, phân biệt chúng và sử dụng thông tin này để tư duy, điều chỉnh hành động của mình”.

Ông Daniel Goleman – tác giả của cuốn sách “Emotional Intelligence: Why it can matter more than IQ” cho rằng trí thông minh cảm xúc là tập hợp các kỹ năng cảm xúc. Và như mọi kỹ năng khác, các kỹ năng cảm xúc có thể rèn luyện được. Tác giả Goleman đã phân chia trí thông minh cảm xúc thành 5 loại như sau:

  • Self-awareness – Khả năng hiểu thấu bản thân: Khả năng hiểu biết về các trạng thái của bản thân, sở thích, và trực giác của chính mình
  • Self-regulation – Khả năng kiểm soát bản thân: Khả năng quản lý các xung đột, và cảm xúc của chính mình
  • Motivation – Động lực: Khả năng điều hướng chất “xúc tác” cảm xúc để “đẩy” bản thân đến gần với mục tiêu hơn
  • Empathy – Đồng cảm: Khả năng am hiểu cảm xúc, nhu cầu và mối quan tâm của người khác
  • Social skills – Kỹ năng xã hội: Khả năng tạo tác động, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh

Nguồn: readingraphics

Rèn luyện trí tuệ cảm xúc giúp cải thiện hiệu suất công việc? 

Một lợi thế khi bạn sở hữu trí thông minh cảm xúc đó là cải thiện hiệu suất làm việc một cách rõ rệt. Năm 1980, nhà tâm lý học Martin Seligman đã thực hiện một nghiên cứu với nhóm nhân viên bán bảo hiểm trong vòng hai năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong năm đầu tiên, các nhân viên bán bảo hiểm có tinh thần làm việc tích cực bán được nhiều hơn 8% so với những đồng nghiệp khác. Đến năm thứ hai, con số này đạt mức 31%. Kết luận của nghiên cứu cho rằng năng lực cảm xúc nói chung có thể ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu suất của nhân viên.

Sở hữu trí thông minh cảm xúc cũng có thể giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo “xịn” hơn. Giám đốc Điều hành của Delta Airlines – ông Gerald Grinstein đã phải đối mặt với tình huống khó khăn là cắt giảm chi phí của doanh nghiệp. Là người cứng rắn, nhưng nhờ kỹ năng giao tiếp tốt, ông đã động viên và giúp nhân viên duy trì lòng nhiệt huyết cũng như sự trung thành trong giai đoạn khó khăn. Ông hiểu tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực, từ đó quyết tâm thay đổi cách giao tiếp và xây dựng sự tin tưởng trong nội bộ công ty.

Sự tự nhận thức giúp bạn mở mang thế giới cảm xúc

Nhà sư Mingyur Pinpoche từng nói: “Khi có thể nhìn thấy một dòng sông đang hung hãn, thì bạn đã vượt qua nó rồi”. Tương tự, khoảnh khắc bạn có thể tự nhìn thấu cảm xúc của mình, thì bạn đã không còn bị nó nhấn chìm nữa rồi.

Tác giả Chade-Meng Tan

Trong một nghiên cứu, hai nhà tâm lý học Cary Cherniss và Robert Caplan cho biết rằng việc dạy self-awareness cho các chuyên viên tư vấn tài chính tại American Express đã giúp họ làm việc hiệu quả hơn. Các chuyên viên tư vấn tài chính đã học được cách xác định cảm xúc trong nhiều tình huống “khó đỡ”, ví dụ như những suy nghĩ tiêu cực, nghi ngờ bản thân... Từ đây, họ nhận thức rõ hơn về những câu chuyện tiêu cực có thể huỷ hoại bản thân ra sao. Việc điều hướng tâm trí tới những khía cạch tích cực giúp giảm bớt việc nghi ngờ bản thân. Nhờ đó, những nhân viên này không chỉ sống tích cực hơn mà còn làm việc hiệu quả hơn và đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho khách hàng của họ.

Hơn nữa, sau khi nhận thức được cách họ phản ứng với các tình huống “tréo ngoe” trong cuộc sống, họ hiểu ra tầm quan trọng của các kỹ thuật chống căng thẳng như thiền định. Khi bớt căng thẳng, các nhân viên có thể tập trung làm việc hơn. Ví dụ, khi sếp khiển trách bạn về điều gì đó, có thể bạn cảm thấy muốn “gào lên” với anh ta. Thế nhưng, nếu bản thân chú tâm vào cảm xúc và bạn sẽ cảm thấy mình nên cân nhắc những phản hồi đó một cách bình tĩnh hơn, từ đó cải thiện hiệu suất công việc.

Từ nhận thức có thể cải thiện sự tự tin của bạn. Một ví dụ sáng giá chính là tác giả của cuốn sách này – Chade-Meng Tan. Ông đã được thông báo chuẩn bị để phát biểu tại Hội nghị Hoà bình Thế giới tại Berlin, Đức. Khi đến đó, ông cảm thấy vô cùng lo lắng và hồi hộp. Để bình tĩnh hơn, ông đã ngồi lại và tự xem xét những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Ông tự gợi nhớ về những cách xử sự khôn ngoan trong môi trường làm việc và cả khả năng tạo ra bầu không khí thoải mái cho người khác. Ông ấy cũng tự nhận thức được những thiếu sót của mình – cụ thể là bị vấp từ khi nói tiếng Anh – và nhắc nhở bản thân rằng bản thân có thể khắc phục điều này bằng cách tập trung vào việc hít thở sâu, mỉm cười và thực hành chánh niệm. Nhờ đó, Tan đã có thể cảm thấy thoải mái và tự tin hơn với bài phát biểu tại Hội nghị.

Động lực còn đến từ những phần thưởng vô hình

Nhiều nhà lãnh đạo tin rằng những phần thưởng vật chất, bề ngoài như tiền bạc hoặc đặc quyền chính là động lực lớn nhất của nhân viên. Nhưng theo Chade-Meng Tan, những động lực vô hình lại có thể tạo ra động lực lớn hơn.

Ông Tony Hsieh, CEO của nhà bán lẻ giày trực tuyến Zappos, đã biến Zappos thành một công ty tỉ USD. Và bí quyết thành công của Hsieh là “phân phát” hạnh phúc. Dựa trên “kim chỉ nam” đó, ông Hsieh xây dựng văn hoá doanh nghiệp mang lại hạnh phúc cho nhân viên, từ đó nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng và giúp khách hàng của họ hạnh phúc hơn. 

Ông Hsieh tin rằng hạnh phúc nơi công sở đến từ:

  • Những niềm vui nhất thời: Ví dụ, một khoản tiền thưởng lớn, một lời cảm ơn từ đồng nghiệp, một lời khen từ sếp... Mặt hạn chế là loại hạnh phúc này là không kéo dài lâu.
  • Niềm đam mê: Khi bạn đam mê công việc của mình, bạn sẽ bước vào trạng thái “dòng chảy” (flow). Đó là lúc bạn toàn tâm toàn ý khi làm việc. Hơn nữa, đam mê thì luôn bền vững hơn niềm vui ngắn hạn. 
  • Mục đích cao cả: Đó là việc trở thành một phần của cái gì đó cao cả hơn bản thân mỗi người. Và đây là loại hạnh phúc bền vững nhất. 

Nguồn: dclibrary

Khi mục đích công việc song hành cùng giá trị của bạn, nó sẽ không còn là gánh nặng nữa. Như cách thiền sư Norman Fischer yêu công việc của mình đến mức không coi những việc mình làm là công việc nữa. Dù vị thiền sư này luôn bận rộn nhưng đối với Fischer, ông chưa từng làm việc dù chỉ một ngày trong đời.

Dù khai thác về chủ đề không quá mới nhưng “Search Inside Yourself” phần nào giúp mỗi người có những góc nhìn mới mẻ về trí thông minh cảm xúc. Ngoài ra, cuốn sách cũng có đề cập đến một số cách thực hành thiền từ những bước căn bản nhất. Tác giả Chade-Meng Tan đã rất tâm huyết khi đưa vào những ví dụ thực tế, luận cứ cụ thể về trí thông minh cảm xúc và thiền giúp bạn dễ hình dung và nắm bắt hơn. Nếu bạn vẫn còn đang loay hoay trên hành trình thấu hiểu và làm chủ bản thân, cuốn sách này sẽ một trong những điểm khởi đầu phù hợp.

Bạn đọc có thể mua sách tại đây.

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcast cùng chuyên mục tại đây.

Tường Vi / Brands Vietnam
Nguồn: Brands Vietnam