We Are Social & Hootsuite: Thống kê tình hình Digital toàn cầu (phần 2)
Viện Nghiên cứu Báo chí của Reuters (RISJ) đã xuất bản ấn phẩm năm 2022 của “Digital News Report”. Báo cáo này cũng đưa vào một số dữ kiện và tóm tắt phân tích của We Are Social về những phát hiện thú vị ở phần trước.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số phát hiện trong phần này có thể khác với các điểm dữ liệu tương tự ở các nguồn thông tin khác, do sự khác biệt về nguồn dữ liệu, cũng như thời gian thu thập dữ liệu tương ứng.
Xu hướng tin tức kỹ thuật số
Nguồn tin tức
Một trong những phát hiện thú vị trong báo cáo năm nay là hơn 4/5 người trưởng thành đọc tin tức qua các kênh digital, trong khi chỉ 3/5 người xem tin tức trên truyền hình. Phát hiện khác nổi bật hơn là mọi người hiện nay có khả năng chuyển sang social media để tìm tin tức, cao gấp 2 lần so với chuyển sang báo và tạp chí.
Phụ nữ đặc biệt có xu hướng sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tìm tin tức, với gần 6/10 phụ nữ được hỏi nói rằng họ sử dụng social media và Messenger để truy cập và đón xem các tin tức mới. Ngược lại, phụ nữ ngày càng không có xu hướng đọc báo in, với chỉ 1/5 phụ nữ được hỏi nói rằng họ có thói quen đọc báo và tạp chí.
Ở cấp độ quốc gia, người dân ở các nền kinh tế đang phát triển có xu hướng sử dụng kênh trực tuyến để xem tin tức nhiều nhất. Những người trả lời khảo sát ở các quốc gia châu Phi chiếm tỷ lệ đặc biệt cao trong bảng xếp hạng năm nay.
Nhìn chung, 95% người trưởng thành Nigeria và 92% người trưởng thành Kenya nói rằng họ chuyển sang các kênh digital để xem nội dung tin tức, so với mức trung bình toàn cầu là 82%.
Những người được khảo sát ở Nhật Bản ít khả năng sử dụng các kênh digital để xem tin tức (65%), trong khi những người trưởng thành ở Hoa Kỳ đứng thứ hai, với 2/3 số người được hỏi nói rằng họ xem tin tức trực tuyến.
Các thiết bị được sử dụng cho tin tức kỹ thuật số
Khi nói đến các thiết bị mà mọi người sử dụng để truy cập tin tức kỹ thuật số, smartphone rõ ràng là lựa chọn hàng đầu, với hơn 7/10 người được hỏi nói rằng họ sử dụng smartphone để đọc tin tức.
Nam giới có xu hướng sử dụng máy tính để truy cập tin tức cao hơn so với nữ giới, với gần một nửa số nam giới được khảo sát nói rằng họ sử dụng laptop hoặc máy tính để bàn để đọc tin tức.
Tuy nhiên, mức độ phổ biến của việc sử dụng máy tính để truy cập tin tức khác nhau theo từng quốc gia. Chỉ 17% người được hỏi ở Mexico nói rằng họ sử dụng máy tính để xem tin tức, nhưng với Czechia, tỷ lệ này lại lên đến 66%.
Social media như một nguồn tin tức
Tương tự, việc sử dụng các kênh social media để truy cập nội dung tin tức cũng khác nhau theo vùng địa lý. Ở cấp độ toàn cầu, báo cáo của RISJ chỉ ra rằng 57% người trưởng thành trên toàn cầu sử dụng social media để khám phá và xem nội dung tin tức. Tuy nhiên, tỷ lệ này tăng lên 82% ở Kenya và giảm xuống còn 28% ở Nhật Bản.
Thoạt nhìn, những phát hiện này có vẻ khá khác biệt so với làn sóng nghiên cứu mới nhất từ GWI. Chỉ 34,8% người dùng Internet trong độ tuổi lao động được GWI khảo sát trong quý 1/2022 cho biết đọc tin tức là một trong những “lý do chính” khiến họ sử dụng social media.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng cuộc khảo sát của GWI hỏi người trả lời “Liệu đọc tin tức có phải là một trong những lý do chính khiến họ sử dụng mạng xã hội hay không?”, trong khi câu hỏi khảo sát của RISJ rộng hơn nhiều và chỉ đơn giản hỏi người trả lời “Liệu họ có sử dụng social media như một nguồn tin tức trong tuần qua không?”.
Điều này bổ sung bối cảnh có giá trị cho cả hai điểm dữ liệu, giúp xác định sự khác biệt giữa việc tiêu thụ nội dung tin tức thông thường hoặc ngẫu nhiên thông qua social media (nghiên cứu của RISJ) và sự tương tác có chủ ý với nội dung tin tức trên các kênh social media (nghiên cứu của GWI).
Tác động của tuổi tác đến việc sử dụng social media để tìm tin tức
Đúng như dự đoán, Digital News Report năm 2022 tiết lộ rằng những người trẻ tuổi có xu hướng sử dụng social media để tìm kiếm tin tức nhiều hơn so với thế hệ cha mẹ của họ. Gần 2/3 số người được hỏi từ 18 đến 24 tuổi nói rằng họ sử dụng social media như một nguồn tin tức, trong khi thói quen này chỉ chiếm chưa đến 50% đối với nhóm người từ 55 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, một lần nữa, những con số này lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác với những phát hiện trong cuộc khảo sát của GWI. Dữ liệu của GWI cho thấy chỉ 31,2% người được hỏi từ 16 đến 24 tuổi nói rằng đọc tin tức là một trong những “lý do chính” khiến họ sử dụng mạng xã hội, trong khi người thuộc nhóm từ 55 đến 64 tuổi là 35,8%.
Những khác biệt này có thể ám chỉ tầm quan trọng của tin tức trong cuộc sống của mọi người, đặc biệt là khi so sánh với các loại nội dung và hoạt động khác.
Ví dụ, trong khi RISJ báo cáo rằng những người trẻ tuổi có xu hướng xem nội dung tin tức qua social media nhiều hơn so với các nhóm tuổi lớn hơn, thì dữ liệu của GWI cho thấy mức độ tiêu thụ tin tức xã hội của những người trẻ tuổi có thể mang tính ngẫu nhiên hơn. Nói cách khác, đọc tin tức không phải là lý do chính khiến những người trẻ tuổi sử dụng social media, nhưng họ vẫn xem và tương tác với nội dung tin tức trên các nền tảng này.
Ngược lại, dữ liệu của RISJ chỉ ra rằng các nhóm lớn tuổi ít có xu hướng sử dụng social media để tìm tin tức hơn so với những người trẻ tuổi. Điều này cho thấy tin tức thực sự là động lực lớn cho hoạt động social media ở người lớn tuổi.
Social platform được sử dụng cho tin tức
Khi nói đến các kênh social media mà mọi người sử dụng để xem tin tức, RISJ báo cáo rằng Facebook vẫn chiếm ưu thế, với gần một nửa số người trả lời khảo sát cho rằng nền tảng lớn nhất của Meta là một nguồn tin tức.
YouTube đứng thứ hai trong bảng xếp hạng năm nay, với 3/10 người trả lời nói rằng họ sử dụng nội dung tin tức trên nền tảng video chính của Alphabet. Tuy nhiên, điều đáng nhấn mạnh là nam giới có nhiều khả năng sử dụng YouTube để xem tin tức hơn nữ giới.
WhatsApp đứng thứ ba trong báo cáo năm nay, với 22% số người được hỏi nói rằng họ sử dụng nền tảng nhắn tin phổ biến của Meta làm nguồn nội dung tin tức. Trong khi đó, số người sử dụng TikTok để tìm tin tức đã tăng gần gấp đôi kể từ năm ngoái, từ 4% trong Digital News Report năm 2021 lên 7% trong nghiên cứu năm nay.
Niềm tin vào tin tức
Niềm tin vào tin tức tiếp tục giảm xuống trong năm qua, với chỉ 4/10 người nói rằng họ cảm thấy có thể tin tưởng vào các tin tức trong những thời điểm khác nhau.
Những người được hỏi ở Phần Lan có cái nhìn tích cực nhất, với hơn 2/3 số người ở nước này bày tỏ niềm tin vào tin tức. Trong khi đó, người Mỹ ngày càng tỏ ra hoài nghi. Chỉ khoảng 1/4 (26%) người Mỹ được hỏi trong cuộc khảo sát năm nay nói rằng họ cảm thấy có thể tin tưởng vào tin tức trên mạng xã hội, giảm so với tỷ lệ trong nghiên cứu năm ngoái (29%).
Thương hiệu tin tức trên social media
Digital News Report năm nay xem xét một số thương hiệu tin tức phổ biến nhất trên Facebook và Twitter.
Do những thách thức ngôn ngữ liên quan đến việc xác định tất cả các thương hiệu tin tức hàng đầu trên khắp thế giới, có khả năng là việc lựa chọn các trang và tài khoản trong nghiên cứu này bỏ sót một số thương hiệu tin tức quan trọng. Tuy nhiên, các thương hiệu trong báo cáo vẫn kể một câu chuyện hấp dẫn về nơi mà người dùng social media trên thế giới lựa chọn để đọc tin tức.
Thương hiệu tin tức trên Facebook
Một điều đáng lưu ý là mặc cho chính phủ Trung Quốc vẫn chặn Facebook ở Trung Quốc đại lục, 5 kênh tin tức hàng đầu trên Facebook đều là các hãng truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát.
CGTN (Mạng lưới truyền hình toàn cầu của Trung Quốc) đứng đầu danh sách các thương hiệu với con số khổng lồ là 118 triệu người theo dõi vào tháng 7/2022, tăng 1 triệu người kể từ đầu năm nay.
Trong khi đó, trang Facebook của China Daily cũng đã thu hút hơn 100 triệu người theo dõi, với con số hiện tại là 105 triệu, cao hơn gần nửa triệu so với con số đã báo cáo vào đầu năm 2022.
Tân Hoa Xã – Xinhua News (93,4 triệu người theo dõi), Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc – People's Daily China (85 triệu người theo dõi) và Global Times (69 triệu người theo dõi) chiếm 3/5 vị trí còn lại trong top thương hiệu tin tức hàng đầu trên Facebook.
Hơn nữa, 4 trang đầu tiên trong số các trang này cũng nằm trong danh sách 30 trang Facebook hàng đầu trên toàn thế giới trong bất kỳ danh mục nào, không chỉ riêng tin tức.
CGTN hiện đứng thứ 6 trong số tất cả các trang trên Facebook về số lượng người theo dõi, trong khi China Daily đứng ở vị trí thứ 15. Tân Hoa Xã đứng ở vị trí thứ 19, trong khi People’s Daily đứng thứ 23.
Để tham khảo, 4 trang này là những thương hiệu tin tức duy nhất lọt vào danh sách 30 trang hàng đầu trên Facebook (bất kể thể loại nào) vào tháng 7/2022 và không có tổ chức tin tức phương Tây nào lọt vào danh sách hàng đầu đó.
Global Times cũng không lọt vào danh sách top 30, nhưng với 69 triệu người theo dõi, trang này không cách quá xa so với trang của diễn viên Jason Statham, người sở hữu 75 triệu followers đang xếp ở vị trí thứ 30.
Các con số trên cho thấy rằng Trung Quốc hiện có một “phần ảnh hưởng” đáng kể khi nói đến việc cung cấp tin tức và quan điểm trên toàn thế giới.
Trang BBC News đã thu hút lượng người theo dõi lớn nhất so với bất kỳ thương hiệu tin tức phương Tây nào trên Facebook, với con số 58 triệu người theo dõi.
Con số đó tuy chưa bằng một nửa số người theo dõi trang Facebook của CGTN, nhưng điều đáng chú ý là BBC cũng xuất bản nội dung tin tức trên nhiều trang Facebook riêng biệt, bằng ngôn ngữ địa phương. Nhiều trang trong số đó cũng có lượng follower lớn:
- BBC Miến Điện có 23,3 triệu lượt theo dõi
- BBC News tiếng Ả Rập có 15,3 triệu lượt theo dõi
- BBC News tiếng Bengali có 14 triệu lượt theo dõi
- BBC News tiếng Swahili có 3,5 triệu lượt theo dõi
- BBC tiếng Thái có 3,3 triệu lượt theo dõi
Phương pháp tiếp cận nhiều trang, đa ngôn ngữ này đặc biệt thú vị, cho thấy sự cân bằng về ngôn ngữ và vẫn còn nhiều ngôn ngữ khác chưa được chú trọng.
Aaj Tak dường như có lượng người theo dõi trên Facebook lớn nhất trong số các trang xuất bản nội dung theo định hướng tin tức bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Trang kênh tin tức tiếng Hindi của Aaj Tak có gần 33 triệu lượt theo dõi tính đến tháng 7/2022.
Về ngữ cảnh, trong số 30 trang tin tức lớn trong phân tích này, chưa đến một nửa (14 trang) đăng nội dung chủ yếu bằng tiếng Anh, trong khi ba trang khác đăng nội dung bằng tiếng Anh và một ngôn ngữ khác.
Ngôn ngữ được sử dụng trên các trang khác trong danh sách này như sau (lưu ý rằng một số trang này cũng đăng nội dung bằng tiếng Anh):
- Tiếng Ả Rập: 4 trang
- Tiếng Hindi: 3 trang
- Tiếng Miến Điện: 3 trang
- Tiếng Urdu: 2 trang
- Tiếng Philippines: 2 trang
- Tiếng Việt: 1 trang
Nhìn xa hơn ngôn ngữ, UNILAD và LADBible – cả hai trang tin tức “social-first” – đã thu hút một lượng lớn lượt theo dõi trên Facebook hơn so với các trang tin tức truyền thống như CNN và Al Jazeera.
Trong bối cảnh đó, BuzzFeed – mà một số người có thể coi là trang tin tức “social-first” nguyên bản – hiện có 13,8 triệu người theo dõi trên Facebook.
AppROI Marketing là Growth Marketing Agency, có thế mạnh về Digital Performance Marketing với năng lực triển khai và tối ưu hiệu quả marketing trên nền tảng công nghệ mang lại khách hàng thực sự, giúp khách hàng đo lường giá trị lâu dài sau khi mua sản phẩm hoặc dịch vụ. Hiện tại, AppROI đang đồng hành cùng các đối tác lớn như Google, TikTok, Facebook, Cốc Cốc, AppsFlyer, Adjust, CleverTap, Insider... cùng nhiều đối tác khác.
- Website: approi.co
- E-mail: [email protected]
- Hotline: 0789.99.66.88
Nguồn We Are Social