Sự tự tin đã “phá hỏng” bài thuyết trình thế nào?
Đôi khi để thuyết trình tốt lại cần sự tự ti và nỗi lo âu.
Chưa ở thế hệ người Việt nào thấy một lớp thanh thiếu niên tự tin và cởi mở như hiện nay. Sự “san phẳng” toàn cầu và hội nhập giữa các nền văn hóa đã mang đến một sân chơi rộng mở, là cơ hội cũng như bắt buộc các cá nhân phải bắt kịp những quy chuẩn chung. Cách thức giáo dục con trẻ của các bậc phụ huynh từ đó cũng có nhiều thay đổi, bắt đầu chuyển sang thế chủ động và cởi mở. Chính việc này đã tạo điều kiện cho các bạn trẻ có nhiều trải nghiệm, tự tin hơn vào bản thân, dẫn đến câu chuyện những kỹ năng mềm, tiêu biểu như kỹ năng Giao tiếp - Thuyết trình đối với các bạn trẻ hiện tại không còn là nỗi sợ quá lớn. Việc tự tin thể hiện quan điểm và không ngại nói trước đám đông của thế hệ này mặt bằng chung vượt trội hơn hẳn lớp cha ông.
Có nền tảng tự tin là một điều đáng mừng. Tuy nhiên Thuyết trình không phải chỉ đơn giản là tâm thế hay thái độ. Có khả năng thuyết trình không đồng nghĩa với việc có thể thuyết trình xuất sắc. Điểm yếu của thế hệ hiện tại đôi khi lại chính là quá tin vào bản thân mình.
Chia sẻ kiến thức cá nhân khi thuyết trình - tưởng hay mà hậu quả không tưởng
Một bài thuyết trình hoàn hảo, dù cần nhiều yếu tố góp thành đến đâu thì tựu chung lại vẫn nằm ở hai vấn đề: kỹ thuật (phương thức truyền tải) và nội dung (thông tin truyền tải).
Kỹ thuật là cách thức đưa thông tin đến người nghe, là phần thường được chú trọng nhất khi đào tạo thuyết trình. Một số kỹ thuật tiêu biểu thường được ứng dụng vào thuyết trình như như điều chỉnh giọng nói, phát âm, ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt… Không thể phủ nhận tầm quan trọng của kỹ thuật trong thuyết trình, vì bản chất của thuyết trình là vấn đề nói và tiếp nhận, nói làm sao để thuyết phục là câu chuyện của kỹ thuật truyền đạt.
Trong khi đó, nội dung là các thông tin, kiến thức và cách sắp xếp chúng để tạo thành một bài thuyết trình hoàn chỉnh, mạch lạc. Thực tế nội dung mới là yếu tố đầu tiên khiến mọi người quan tâm đến phần thuyết trình, tuy nhiên điểm yếu trong các chương trình đào tạo thuyết trình hiện tại chính là phân bổ không hợp lý. Có sự chênh lệch rõ ràng giữa thời lượng dạy một đứa trẻ xây dựng nội dung với việc học luyện các kỹ năng truyền tải. Điều này dễ dẫn đến việc bị chênh phô khi một đứa trẻ xây dựng bài thuyết trình của riêng mình: dù khả năng nói rất tốt tuy nhiên nội dung, thông tin lại chẳng được bao nhiêu. Nói hay không đồng nghĩa với một bài thuyết trình hoàn hảo.
Xây dựng nội dung bài thuyết trình là nền tảng tối quan trọng quyết định chất lượng buổi nói. Vì vậy không thể cẩu thả trong khâu nền móng này. Nội dung thuyết trình thường được các diễn giả tự soạn và như vậy, hình thành nên từ những tri thức chủ quan của một người. Những trải nghiệm cá nhân này thường là yếu tố thu hút người nghe nhưng ngược lại cũng là “gót chân Asin” của phần thuyết trình, vì trải nghiệm cá nhân thì luôn chỉ mới được kiểm chứng bởi một hoặc số ít người. Việc thông tin đó có phù hợp với đa dạng người nghe hay không lại là một câu chuyện khác.
Vì vậy, một người chia sẻ phải có trách nhiệm với niềm tin mà người nghe đặt vào họ. Những thông tin được tải đi phải là thông tin được chọn lọc và cân nhắc kỹ, dù cho đó có là những dữ kiện thực tế xảy ra với đời mình và bản thân vốn rất tâm đắc. Mặt khác, khi quá tự tin vào bản thân, con người có xu hướng duy ý chí và biến mọi lập luận tập trung vào phục vụ chứng minh quan điểm của mình. Cực đoan là tinh thần thiết yếu để phát triển, nhưng đó chỉ là thái độ cần thiết khi làm khoa học và chuyên môn. Trong hoạt động chia sẻ có tính lan tỏa như thuyết trình, việc thiếu suy xét đến toàn diện, dù vô tình sẽ dễ dẫn đến hiểu nhầm cho người nghe khiến họ có những nhìn nhận sai lệch.
Hãy xây dựng nội dung bài nói trong tâm thế luôn nghi ngờ và đặt câu hỏi cho chính mình, vì đôi khi những điều đúng với bản thân trong một tình huống khác lại trở thành sai trái. Cầu toàn trong việc xây dựng nội dung bài nói là thái độ cần thiết cho thấy tinh thần trách nhiệm của người thuyết trình. Kẻ thông thái nhất luôn ý thức rằng thật ra mình chẳng biết gì.
Thuyết trình hoàn hảo là thuyết trình có người nghe
Thế nào là “người nghe” (thính giả) đúng nghĩa?
Chữ “nghe” ở đây cần được hiểu theo nghĩa nghe hiểu, nghe có tiếp nhận và nghe phản hồi nhằm đánh giá chất lượng và tiếp nhận được bài thuyết trình. Dù phần trình bày có chất lượng đến đâu mà những đối tượng hướng đến không thể nào “thấm” và nhớ được thông tin nào thì đó vẫn là sự thất bại. Mục đích của thuyết trình là truyền tải và thuyết phục, không đạt được mục đích trên thì bài thuyết trình liệu còn lại gì?
Theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Founder & CEO của Học viện Kỹ năng VTALK, cơ sở đào tạo thuyết trình chuyên sâu từng chia sẻ: “Thuyết trình không phải là đứng trên sân khấu thao thao bất tuyệt”. Nói “quên trời quên đất” thường là bệnh của những “thợ nói” quá tự tin và thiếu trân trọng khán giả. Để biến một người trở thành thính giả của bản thân thì trước hết phải khơi gợi được sự chú ý và hứng thú của họ.
Cách hiệu quả nhất để tạo hứng thú lắng nghe đó là khiến câu chuyện trở nên sinh động, phải để những người trước mặt biết, hiểu và cảm nhận được những gì diễn giả đang trình bày, phải là vấn đề nhức nhối tồn đọng chưa giải quyết được của họ hoặc khơi gợi được những nỗi đau còn ẩn giấu như tảng băng chìm trong tâm thức.
Vì vậy, khi chuẩn bị cho bài thuyết trình cần đặt cái tôi sang để thực hiện thấu cảm với các đối tượng. Sự “vô tâm” thường dễ giết chết bài nói dù nội dung hay đến đâu. “Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”, thái độ chủ quan trong bất cứ khía cạnh của cuộc sống đều tiềm ẩn nguy cơ làm hỏng kết quả mong đợi, đặc biệt tại hoạt động thuyết trình cần sự tương tác số đông.