Còn quá sớm để trẻ nhỏ học thuyết trình?

Liệu các bậc phụ huynh có tiếp tục đánh giá sai tầm quan trọng của kỹ năng Giao tiếp - Thuyết trình như đã từng nhìn nhận tương tự với việc học Tiếng Anh?

Những tin tức về các bạn học sinh Việt Nam liên tục đoạt giải lớn tại các kỳ thi tầm cỡ quốc tế hằng năm cứ đến mùa là ùa về. Điểm mạnh của chương trình giáo dục Việt Nam cũng thể hiện qua điều đó, một chương trình được cấu trúc và xây dựng nhằm mục đích đào tạo ra những chuyên gia, những cá nhân có bề dày về tri thức nhất định. Vô hình trung chính điều đó cũng là điểm yếu của bức tranh giáo dục nước nhà. 

Việc quá tập trung vào kiến thức đã làm hạn chế thời gian phát triển các kỹ năng mềm, mặt khác phát sinh các hệ quả tiêu cực như học vẹt, trọc phú, mọt sách… Không phải ngẫu nhiên khi làn sóng “sính ngoại” cứ xuất hiện, và gia đình nào có điều kiện đa phần đều muốn gửi con cái đi học tại nước ngoài. Trong vô thức, các bậc phụ huynh cũng đang nhận thấy rằng việc để trẻ em được đào tạo với chương trình có độ nặng “khủng” như vậy vô tình khiến con em trở thành những con người cứng nhắc, lý thuyết và thiếu trải nghiệm. Trong khi đáng lý ra ở độ tuổi đó, một đứa trẻ phải tràn trề năng lượng sáng tạo, cởi mở và trải nghiệm.

Còn quá sớm để trẻ nhỏ học thuyết trình?

Theo Báo cáo của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc năm 2021 về “Đánh giá về tình trạng thiếu hụt kỹ năng nghề nghiệp và thực hành tốt của doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho thanh thiếu niên yếu thế và dễ bị tổn thương”, các kỹ năng mềm của nhóm lao động trẻ (15-24 tuổi) được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá kém hoặc dưới trung bình, trong đó bao gồm 3 kỹ năng quan trọng lấy làm quy chuẩn là kỹ năng hướng dẫn, giảng dạy, kỹ năng bán hàng và kỹ năng thuyết trình. Vậy nhưng cũng trong chính khảo sát này, các doanh nghiệp lại đánh giá cao và khá hài lòng về các kỹ năng cứng của nhóm lao động trẻ.

Bức tranh trên cho thấy điều gì?

Đồng ý rằng bất cứ một nền giáo dục tại một quốc gia nào cũng khó có thể đáp ứng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Nhìn nhận về Việt Nam, thứ mà chúng ta đang thiếu thốn bức thiết đó là một môi trường chuẩn chỉnh, nơi các em được đào tạo các kỹ năng mềm, biến những tri thức hàn lâm học được tại trường thành những nhận biết thực tế và ứng dụng. Nhà trường hiện tại chưa thể gánh được trách nhiệm này, và việc khoán trắng trách nhiệm nuôi dạy con trẻ cho nhà trường vì vậy trở thành một suy nghĩ và quyết định có thể mang đến hậu quả lớn mai sau.

Cũng theo báo cáo trên của Liên Hợp Quốc, kỹ năng thuyết trình là một trong 3 kỹ năng mềm bắt buộc. Không quá khó hiểu khi thuyết trình được xem là kỹ năng quan trọng, bởi mọi thứ diễn ra trong cuộc sống đều liên quan đến việc trao đổi thông tin và thuyết phục. Mặt khác, kỹ năng thuyết trình đồng thời là kỹ năng phù hợp nhất để phát triển từ sớm và song song với chương trình chính khóa cho trẻ em. Trong khi bán hàng vốn dĩ khó có thể đào tạo cho lứa tuổi này, và kỹ năng hướng dẫn, đào tạo con người cũng trông chờ vào đối tượng là những cá nhân có một nhận thức cao hơn. 

Học thuyết trình giúp nâng cao năng lực bản thân

Việc nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh của cá nhân ở đây phải lấy quy chuẩn chung cao và rộng hơn, vượt ra ngoài Việt Nam. Vì với những vấn đề trong giáo dục như hiện tại, đồng thời xu hướng toàn cầu hóa đẩy nhanh tốc độ san phẳng và hòa nhập trên sàn chơi quốc tế, thì việc đặt bản thân trong đối sánh của sự phát triển thế hệ đồng trang toàn cầu là cách nhìn nhận đánh giá chính xác. 

Như đã đề cập, chúng ta thường tự hào rằng chương trình phổ thông của Việt Nam tiếp nhận tri thức cao hơn đa số chương trình đào tạo tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc hay Phần Lan… Ngược lại học sinh ở các quốc gia đấy lại phát triển toàn diện và dường như có xu hướng “chín” sớm, dạn dĩ và tự tin hơn so với mặt bằng chung tại nước Việt. Đây là lỗ hổng hiển nhiên phải nhận khi tập trung lệch về  kỹ năng cứng và bỏ quên kỹ năng mềm. 

Vì vậy việc cải thiện khả năng thuyết trình nói riêng và kỹ năng mềm nói chung là việc tối quan trọng để xây dựng thế hệ mới có trình độ cạnh tranh với toàn cầu.

Thuyết trình là kỹ năng cơ bản bắt buộc để đáp ứng chương trình mới

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo Dục, đặc biệt tại môn Ngữ Văn, đã thay đổi cấu trúc - đưa 4 kỹ năng nghe nói đọc viết lên làm tiêu chuẩn phát triển. Điều này cho thấy chính các nhà đào tạo cũng là những người đầu tiên nhận ra vấn đề tồn tại trong chương trình học tại Việt Nam và đang dần có những thay đổi để bắt kịp chuẩn toàn cầu. Việc cho trẻ học và cải thiện kỹ năng thuyết trình sẽ giúp đáp ứng chuẩn yêu cầu của chương trình học mới, khi mà các tiết dành cho kỹ năng nói đã chiếm gần ¼ dung lượng môn học. 

Mặt khác, thuần thục kỹ năng thuyết trình không chỉ giúp một người thuyết trình tốt mà kéo theo đó là cải thiện khả năng giao tiếp, truyền đạt và thuyết phục. Trong học tập và mối quan hệ bạn bè, các kỹ năng mềm trên ít nhiều hỗ trợ con trẻ nâng cao chất lượng trao đổi và tiếp thu kiến thức. Không chỉ vậy, việc có nền tảng giao tiếp thuyết trình tốt sẽ là nền móng quan trọng để học sinh có thể vươn mình ra những cơ hội lớn ngoài phạm vi nhà trường.

Còn quá sớm để trẻ nhỏ học thuyết trình?

Tựu chung lại, rèn luyện kỹ năng thuyết trình trong tình thế hiện tại không nên còn là một vấn đề nghi vấn. 10 năm trước khi mà phụ huynh, học sinh lẫn cả giáo viên đều ngờ vực về chương trình học tiếng Anh và cho rằng đó là môn học quá tương lai, thì sự bắt buộc hiện tại của ngôn ngữ này đã cho thấy việc chần chừ đó là một sai lầm. Kỹ năng thuyết trình nói riêng và kỹ năng mềm nói chung dần đang bước vào quỹ đạo ấy một lần nữa. Như ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Founder & CEO của Học viện VTALK từng chia sẻ: “Thuyết trình phải là công cụ thường trực trong cuộc sống hàng ngày”. Tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình cần được các bậc phụ huynh nhìn nhận lại và bắt đầu quan tâm đến việc tạo điều kiện cho con trẻ rèn luyện ngay hôm nay.