Mascot là gì? 3 phong cách Mascot được ưa chuộng trên thế giới

Mascot là gì? 3 phong cách Mascot được ưa chuộng trên thế giới

Mascot là gì? Nguồn gốc của Mascot là gì? Thương hiệu nào phù hợp để sử dụng Mascot? Hãy cùng Vũ tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.

Thương hiệu được hình thành từ nhận thức tích cực của khách hàng. Đây là luận điểm được Vũ nhấn mạnh ở nhiều bài viết về chủ đề thương hiệu. Không chỉ dừng lại ở bản thân sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu có thể là bất cứ thứ gì. Chỉ cần nó đủ sức tác động đến hiểu biết, tâm lý hay nhận thức của người dùng thì đó là thương hiệu.

Mọi điểm chạm trên hành trình trải nghiệm của khách hàng đều góp phần tạo ra cảm nhận của họ về thương hiệu. Những điểm chạm này có thể là dịch vụ chăm sóc khách hàng, website, cách thương hiệu truyền thông trên mạng xã hội… Một nhà lãnh đạo nhiều kinh nghiệm sẽ hiểu rằng khách hàng mua sắm dựa trên niềm tin mà họ có về thương hiệu.

Hàng triệu người sử dụng sản phẩm của Nike vì chúng mang đến cho họ cảm giác tự tin và động lực để hoàn thành những mục tiêu trong cuộc sống. Nike truyền đạt niềm tin đó thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu đồng nhất trên khắp thế giới, tạo nên một phong cách sống riêng cho những tín đồ của Nike.

Vì vậy, dù doanh nghiệp của bạn vừa mới thành lập hay đã hoạt động vài năm thì điều quan trọng vẫn là làm cách nào để thương hiệu tạo ra được sự kết nối với khách hàng bằng nhận thức tích cực, từ đó khuyến khích họ sử dụng sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn. Giữa mức độ cạnh tranh như hiện tại, Mascot là một trong những phương pháp hiệu quả để giúp thương hiệu trở nên nổi bật.

Mascot là một trong những hình thức xây dựng thương hiệu hiệu quả.
Nguồn: Pexels

Mascot không phải là khái niệm quá xa lạ. Nếu để ý, bạn sẽ thấy có rất nhiều thương hiệu ngoài kia sử dụng linh vật làm hình ảnh đại diện, gần đây nhất là Sao La – mascot “làm mưa làm gió” suốt kỳ Seagame 31 vừa rồi. Thiết kế Mascot cũng không quá phức tạp, có rất nhiều Designers và agency sẵn sàng vẽ cho bạn một linh vật hoàn chỉnh. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng ai cũng sử dụng hiệu quả Mascot.

Nhiều thương hiệu sở hữu những Mascot tồn tại trong thời gian dài, góp phần làm nên hình ảnh của họ như Mario (Nintendo), chuột Mickey (Disney), chú chim Duo (Duolingo)… Nhưng ngược lại, có nhiều thương hiệu chi rất nhiều tiền để thiết kế linh vật để rồi chẳng dẫn đến kết quả gì mà còn tác động xấu đến doanh nghiệp, như sai lầm của Burger King với linh vật The King.

Vậy Mascot là gì, phân loại Mascot là gì và những điều cần lưu ý khi thiết kế Mascot là gì? Đội ngũ Vũ Digital sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu chi tiết những nội dung này ngay bên dưới.

Mascot là gì?

Mascot là một nhân vật, đồ vật hoặc con vật… được nhân bản hóa nhằm đại diện và giúp cụ thể hóa tính cách của một tổ chức, cộng đồng hoặc thương hiệu. Mascot bắt nguồn từ cụm từ “Mascotte”, nghĩa là “bùa may mắn” trong tiếng Pháp. Đó cũng là ý nghĩa và mục đích ban đầu của Mascot.

Từ lâu, Mascot đã gắn liền với các sự kiện thể thao. Chúng được sử dụng nhằm mang đến tính giải trí và phấn khích cho khán giả cũng như vận động viên. Các câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, những sự kiện lớn như Olympic, World Cup, Sea Games, và cả các trường đại học… đều sở hữu một linh vật riêng. Mascot xuất hiện tại những dịp quan trọng và đồng hành xuyên suốt sự kiện như một nhân vật đại diện cho tinh thần thể thao chung.

Linh vật là yếu tố quen thuộc tại các sự kiện thể thao.
Nguồn: Unsplash

Theo thời gian, mọi người ngày càng ứng dụng Mascot trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nổi bật là xây dựng và thiết kế thương hiệu.

Gương mặt phúc hậu của Đại tá Sanders in trên mỗi hộp đồ ăn của KFC, nụ cười tươi tắn của phô mai Con Bò Cười, robot Android… Những nhân vật này đều nổi tiếng và khó quên như chính thương hiệu mà chúng đại diện.

Không giống như logo, khách hàng sẽ hình thành cảm xúc với Mascot ngay trong một những lần tiếp xúc đầu tiên. Mascot cũng không cần đến ngôn từ để diễn đạt ý nghĩa, câu chuyện như tagline hay thông điệp truyền thông. Một Mascot hiệu quả sẽ mang đến cho thương hiệu nhiều tác động tích cực, cả về mặt truyền thông lẫn kinh tế. Nó giúp thương hiệu gia tăng mức độ nhận diện, khả năng kết nối với khách hàng và định hình tính cách thương hiệu.

Thông thường, thương hiệu sẽ sử dụng Mascot theo một trong hai cách như sau:

  • Mascot tách biệt với logo: Mascot được sử dụng như một linh vật đại diện, xuất hiện chung với các yếu tố khác thuộc bộ nhận diện. Chúng thường được dùng tại các sự kiện, làm phim, website… Ví dụ: mascot của MoMo, chuột Mickey của Disney, Mario của Nintendo…
  • Mascot logo: Mascot được sử dụng làm yếu tố chính của logo, sau đó sẽ được phát triển sang các yếu tố nhận diện khác. Ví dụ: KFC, Nàng Tiên Cá Starbucks, khoai tây Pringles…

Đôi khi chúng ta chỉ cần Mascot để nhận ra một thương hiệu.
Nguồn: Tong Su

Đôi khi chúng ta chẳng cần đến logo để nhận ra một thương hiệu, như mèo Kitty của Hello Kitty chẳng hạn. Nhưng kết quả này chỉ đạt được nếu Mascot được thiết kế hiệu quả, phù hợp với thương hiệu và khách hàng.

Có nhiều thương hiệu chi nhiều tiền để xây dựng linh vật nhưng lại không biết cách ứng dụng, dẫn đến việc lãng phí và tự làm mất đi cơ hội. Ngược lại, có người vì tiết kiệm mà sử dụng những Mascot có sẵn, thiếu tính thẩm mỹ, sai lệch các nguyên lý thị giác… Kết quả chung của những trường hợp này thường là con số không tròn trĩnh, vì đơn giản, chúng không có khả năng kết nối với khách hàng.

Làm sao khách hàng sử dụng sản phẩm của thương hiệu khi họ đã không có thiện cảm khi nhìn vào Mascot đại diện cho thương hiệu? Điều đó chứng tỏ việc thiết kế và ứng dụng Mascot vào hoạt động truyền thông, xây dựng thương hiệu là không hề đơn giản. Vũ sẽ phân tích chi tiết vấn đề này trong phần sau của bài viết, khởi đầu bằng việc lựa chọn phong cách Mascot.

Làm thế nào để chọn đúng Mascot?

Để bạn đọc dễ dàng hơn trong việc hệ thống kiến thức, Vũ muốn giới thiệu 03 loại Mascot phổ biến: con người, động vật và đồ vật.

1. Con người

Mascot con người là hình thức được sử dụng tương đối phổ biến. Một phân tích được thực hiện từ hơn 1.000 mẫu Mascot cho thấy rằng, 21% trong số đó là những nhân vật được thiết kế từ những hình mẫu người thật. Chúng ta có thể chia chúng thành hai mục như sau:

Mascot người thật: Đây là lựa chọn phù hợp khi mục tiêu của thương hiệu là quảng bá bằng hình ảnh một người có thật như nhà sáng lập, nhân vật lịch sử… Ví dụ, KFC sử dụng gương mặt Đại tá Sanders làm yếu tố đại diện ngay từ lúc hãng được thành lập, hay như hãng rượu Captain Morgan cũng mượn hình ảnh Henry Morgan – một cướp biển vùng Caribe chính hiệu – để làm logo.

Phong cách Mascot được thiết kế theo hình mẫu con người.
Nguồn: Smartbrands

Mascot siêu anh hùng hoặc nhân vật giả tưởng: Đây là lựa chọn tốt nếu bạn muốn làm nổi bật lên tính năng của sản phẩm hoặc đặc tính của thương hiệu. Ví dụ, thương hiệu chất tẩy rửa Mr. Clean (P&G) đã sáng tạo nên nhân vật cùng tên với năng lực lau sàn nhanh chóng. Chú hề Ronald McDonald cũng nổi tiếng vì thể hiện được sự vui vẻ, thân thiện của thương hiệu thức ăn nhanh (cho đến khi bị loại bỏ dần vào những năm 2010 do trào lưu hù dọa bằng chú hề).

2. Động vật

Loại Mascot phổ biến tiếp theo là những Mascot lấy cảm hứng từ động vật. Có nhiều lý do cho sự lựa chọn này.

Thương hiệu có xu hướng quy những đặc điểm của con người cho động vật để mô tả chúng theo cách sống động hơn. Mặt khác, một vài nền văn hóa còn tôn thờ động vật khiến chúng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa hiện nay. Vậy có những loại Mascot động vật nào?

Những Mascot lấy cảm hứng từ động vật phổ biến.
Nguồn: Embacy

Mascot động vật đại diện cho giá trị thương hiệu: Sử dụng nguyên mẫu của một con vật để thể hiện đặc tính của thương hiệu hoặc tính năng của sản phẩm. Một ví dụ nổi tiếng là thương hiệu xe hơi Jaguar. Những liên tưởng nào đến với tâm trí khách hàng khi nhắc đến Jaguar? Sự mạnh mẽ, tốc độ, duyên dáng hay vẻ đẹp tinh tế? Đây chính xác là những gì Jaguar muốn bạn cảm nhận những chiếc xe của họ, nhưng thay vì nói điều đó, họ sử dụng một con báo đốm làm linh vật và để mọi người tự tạo liên tưởng.

Mascot động vật có liên hệ trực tiếp đến sản phẩm: Nếu sản phẩm của thương hiệu có liên quan trực tiếp đến động vật, thì Mascot phong cách này là sự lựa chọn tương đối hợp lý. Phô mai Con Bò Cười là một sản phẩm có nguyên liệu chính là sữa bò. Do đó, việc thương hiệu lựa chọn hình ảnh một chú bò làm Mascot không khiến chúng ta cảm thấy khó hiểu.

Mascot động vật không có liên hệ đến sản phẩm: Một số thương hiệu, ngược lại, lựa chọn những con vật chẳng hề liên quan đến sản phẩm, dịch vụ để làm Mascot. Cách làm này khiến thương hiệu gặp nhiều khó khăn hơn khi truyền thông, vì khán giả sẽ không hiểu được ý nghĩa của Mascot ngay lập tức. Rào cản này khiến không nhiều người chọn thiết kế Mascot từ những con vật không liên quan. Nhưng cũng có những trường hợp thành công, nổi tiếng là chú chim Duo của ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo hay chú tinh tinh Freddie của Mailchimp.

3. Đồ vật

Hình thức Mascot cuối cùng mà Vũ muốn chia sẻ đến bạn đọc là kiểu Mascot xây dựng dựa trên những đồ vật, sự vật liên quan hoặc từ chính sản phẩm của thương hiệu. Cách làm phổ biến là nhân hóa đồ vật để tạo cho nó một ngoại hình, tính cách, cử chỉ như một con người.

Viên kẹo socola vốn là thứ vô tri vô giác, nhưng M&M đã biến chúng thành những nhân vật vui vẻ, ngộ nghĩnh và có câu chuyện riêng. Hoặc mascot Doughboy của công ty thực phẩm Pillsbury, cũng được lấy cảm hứng từ bột mì, sản phẩm chính của thương hiệu.

Những viên kẹo nổi tiếng từ thương hiệu M&M.
Nguồn: Washington Post

Mascot đồ vật thường được thiết kế từ những thứ liên quan đến thương hiệu nên chúng sẽ thể hiện được sản phẩm, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mà công ty đang hoạt động. Viên kẹo Socola khiến chúng ta ngay lập tức biết được sản phẩm của M&M là gì, điều đó giúp thương hiệu tiết kiệm được chi phí truyền thông và quảng bá.

Ngoài ra, Mascot đồ vật không nhất thiết phải thể hiện trực tiếp sản phẩm, dịch vụ. Đôi khi chúng chỉ cần liên quan đến một câu chuyện đằng sau thương hiệu.

Bạn có nhớ chiếc đèn thường xuất hiện ở phần đầu các bộ phim của Pixar không? Nó có tên là Luxo Jr., chiếc đèn là “ngôi sao” của một trong những dự án đầu tiên mà Pixar thực hiện – phim ngắn Luxo Jr. Nó đã được đề cử cho Giải thưởng Viện hàn lâm vào năm 1987 và là một cột mốc quan trọng trên chặng đường phát triển của Pixar. Vì thế, mặc dù chẳng có liên quan gì đến việc làm phim, Luxo Jr. vẫn được xem như Mascot chính của Pixar.

Linh vật của Pixar đến từ một cột mốc trên hành trình phát triển của thương hiệu.
Nguồn: Pixar

Mascot là gì: Khi nào cần và không cần Mascot?

Vậy khi nào thương hiệu cần đến Mascot? Đây là câu hỏi được nhiều người thắc mắc khi tìm hiểu về chủ đề Mascot.

Đầu tiên, như đã chia sẻ, Mascot giúp truyền tải lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu mà không cần sử dụng đến ngôn từ. Con người luôn tiếp thu và ghi nhớ thông tin nhanh hơn bằng hình ảnh, thay vì ngôn ngữ viết. Điều này đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu khoa học. Những hình ảnh sống động sẽ hấp dẫn chúng ta ngay lập tức, chứ không phải những tấm billboard “nhồi nhét” chữ.

Mickey là một trong những Mascot nổi tiếng nhất thế giới.
Nguồn: Skitterphoto

Thương hiệu sẽ tạo được sự nhận biết với khách hàng mà không cần phải sử dụng đến quá nhiều yếu tố nhận diện, vì logo không phải lúc nào cũng thu hút được người xem. Chẳng hạn, Disney luôn sử dụng chuột Mickey tại các sự kiện truyền thống hay các khu vui chơi. Thương hiệu này biết chắc rằng khán giả, đặc biệt là trẻ em sẽ thích giao lưu, tương tác với Mickey hơn là logo của họ.

Nếu linh vật được thiết kế tốt và tạo được sự yêu thích, thương hiệu sẽ có được lợi thế to lớn khi cạnh tranh với các đối thủ khác. Hãy xem xét thị trường Email Marketing.

Giữa những cái tên như GetResponse, Infusion, Mailpoet… Mailchimp lại là cái tên phổ biến hơn cả. Mailchimp không vượt trội về tính năng, thậm chí nhiều người còn đánh giá nó thiếu đi những chức năng cần thiết. Nhưng vì sao thương hiệu này vẫn được nhiều người biết đến?

Một trong những lý do chính là chú tinh tinh Freddie – logo và mascot của Mailchimp. Hình ảnh Freddie nổi bật hơn hẳn những doanh nghiệp khác – vốn chỉ sử dụng logotype hoặc abstract. Chúng ta sẽ ngay lập tức chú ý đến Freddie khi xem xét các dịch vụ Email Marketing. Nó tạo ra sự khác biệt cho Mailchimp và đủ thu hút để khiến khách hàng tò mò về thương hiệu.

Logo của các thương hiệu Email Marketing.
Nguồn: htmlemail

Tuy nhiên, không phải mọi thương hiệu đều có khả năng ứng dụng Mascot.

Dù Mascot rất linh hoạt và phù hợp với nhiều ngành kinh doanh, chúng ta vẫn cần cẩn thận khi lựa chọn Mascot làm yếu tố đại diện cho thương hiệu. Đặc biệt nếu sản phẩm của bạn có ảnh hưởng hoặc tác động đến ngoại hình của khách hàng, Mascot không phải là chiến lược phù hợp. Đó có thể là mỹ phẩm, thời trang, trang sức…

Đối với lĩnh vực thời trang và mỹ phẩm, khách hàng thường sẽ tìm kiếm những hình ảnh cụ thể về sản phẩm, tác dụng của nó, hay cách nó được dùng trong thực tế… Ví dụ, khách hàng sẽ muốn xem tóc của người mẫu nếu bạn kinh doanh sản phẩm dầu gội, hay xem người mẫu mang trang sức phong cách. Do đó, một bộ phim hoạt hình với linh vật đáng yêu sẽ không giúp khách hàng giải quyết được nhu cầu của mình.

Rủi ro khi sử dụng Mascot

Như đã chia sẻ, không phải tất cả mọi thương hiệu đều nên sử dụng Mascot một cách hiệu quả. Ngay cả khi thương hiệu sẵn sàng chi rất nhiều tiền để thuê các công ty sáng tạo, đó cũng không phải tiền đề đảm bảo cho sự thành công của Mascot.

Có những Mascot đại diện cho thương hiệu trong khoảng thời gian dài và chứng minh được khả năng như: KFC, Doughboy, Mickey… hay ở Việt Nam là MoMo, Tiki,… Nhưng ngược lại, cũng có nhiều trường hợp thất bại đầy đáng tiếc.

Một ví dụ nổi tiếng là Burger King. Có thể bạn chưa biết, Burger King cũng từng có Mascot đại diện cho hãng, nhằm cạnh tranh với KFC hay McDonald’s. The King – tên gọi chính thức của Mascot – được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quảng cáo, truyền thông của hãng.

The King – Linh vật của Burger King.
Nguồn: TopBrands

Rắc rối xuất hiện khi các đoạn phim quảng cáo mô tả The King giống như một kẻ thích ẩn nấp bên ngoài cửa sổ của người khác và quay lén họ. Đỉnh điểm là trong một TVC, The King đã trở nên nổi loạn, đập vỡ đồ đạc trước khi bị các nhân viên bệnh viện tóm gọn.

Tạp chí danh tiếng TIME đã mô tả linh vật của Burger King là “kẻ chuyên rình rập bên ngoài nhà và khiến phụ nữ sợ hãi”. Khách hàng không hề thích linh vật này và điều đó phản ảnh rõ ràng trên biểu đồ doanh thu của Burger King. Năm 2011, thương hiệu thức ăn nhanh đình đám này chứng kiến doanh thu sụt giảm 6% so với trước đó.

The King bị loại bỏ và agency đứng sau các chiến dịch quảng cáo của Burger King khi đó là Crispin Porter + Bogusky cũng bị chấm dứt hợp đồng. Triều đại của “nhà vua” chính thức kết thúc.

Pedobear của Kit Kat Australia, chú thỏ The Noid của Domino Pizza… cũng chịu chung số phận tương tự, bị loại bỏ vì những chiến lược kém hiệu quả.

Những trường hợp trên chứng tỏ rằng việc lựa chọn Mascot không phải một sự đảm bảo thành công cho thương hiệu. Thiết kế, câu chuyện, cách ứng dụng… ảnh hưởng đến Mascot cũng giống như cách nó tác động đến thương hiệu.

Nếu Mascot không đủ sức thu hút khách hàng, đó sẽ là một sự lãng phí to lớn. Nếu Mascot khiến khách hàng mất thiện cảm hay khó chịu, đó là dấu hiệu để thương hiệu điều chỉnh lại Mascot trước khi mọi thứ vượt quá kiểm soát.

Cần đầu tư kỹ lưỡng cho Mascot nếu muốn đạt được hiệu quả tối đa.
Nguồn: George Gillams

Sự hời hợt trong xây dựng thương hiệu sẽ dẫn đến những kết quả khó lường. Nhận thức của khách hàng là thứ khó thay đổi, một khi họ đã “gắn liền” thương hiệu với một cảm xúc, hình ảnh, đặc tính cụ thể, việc điều chỉnh lại niềm tin của họ sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và nguồn lực.

Nhiều người cho rằng Mascot chỉ là linh vật đại diện cho thương hiệu, nó chỉ xuất hiện trong một vài bộ phim hay poster quảng cáo, vậy việc gì phải chăm chút chi tiết cho nó. Đội ngũ Burger King có lẽ cũng đã nghĩ như thế khi xây dựng các chiến dịch quảng bá cho The King. Và bây giờ có mấy ai quan tâm “nhà vua” đang ở đâu?

Lưu ý gì khi sử dụng Mascot?

Vậy chúng ta cần lưu ý gì khi thiết kế Mascot? Dù bạn chỉ muốn sử dụng Mascot cho logo hay muốn phát triển nó thành một nhân vật đại diện cho thương hiệu, chúng ta đều cần tuân theo những yếu tố sau.

Thương hiệu

Câu hỏi đầu tiên nhà lãnh đạo cần tự trả lời chính là: Mục tiêu khi sử dụng Mascot của thương hiệu là gì?

Mascot là một phần thuộc bộ nhận diện thương hiệu. Nó đóng vai trò truyền tải câu chuyện của thương hiệu đến khách hàng và xây dựng sự kết nối giữa họ với thương hiệu. Vì thế, chúng ta cần cẩn thận khi sử dụng Mascot.

Cần xác định mục tiêu khi thiết kế Mascot.
Nguồn: Crowdspring

Vũ muốn nhấn mạnh một lần nữa, không phải thương hiệu nào cũng phù hợp với Mascot, và không phải thương hiệu nào cũng lựa chọn đúng nhân vật để làm Mascot. Nhà lãnh đạo cần đánh giá liệu thương hiệu, ngành nghề, mô hình kinh doanh, áp lực cạnh tranh có thật sự thích hợp để phát triển Mascot hay không, và kiểu Mascot nào sẽ làm nổi bật được thương hiệu.

Các thương hiệu thực phẩm rất thích Mascot. Điều này dẫn đến việc một vài thương hiệu có logo tương đối giống nhau. Ai bán thịt gà thì mặc định linh vật là gà, ai bán thịt bò thì mặc định linh vật là bò…

Khác biệt lớn nhất chỉ nằm ở hình dáng hay màu sắc của những Mascot đó. Nếu bạn cũng đang ở trong tình thế tương tự, hãy cố gắng tìm kiếm những ý tưởng khác, có thể là con người hoặc đồ vật. Chúng sẽ giúp thương hiệu nổi bật về mặt thiết kế và cả các ý tưởng truyền thông sau này.

Khách hàng

Tiếp theo, hãy tìm hiểu xem liệu khách hàng của thương hiệu có thích thú với Mascot hay không?

Với ngành thời trang, khách hàng quan tâm chủ yếu đến sản phẩm, người mẫu sử dụng sản phẩm. Chúng phải thể hiện được sự sang trọng, tinh tế. Mascot sẽ không giúp ích nhiều trong trường hợp này. Với ngành thực phẩm bổ sung, đặc biệt là các sản phẩm giúp giảm cân hay xây dựng cơ bắp, một người mẫu thật sự với thân hình hấp dẫn sẽ là điều mà khách hàng muốn nhìn thấy.

Tất nhiên, trường hợp nào cũng có ngoại lệ. Nếu mọi vấn đề đều có chung một đáp án thì đó đã chẳng phải là kinh doanh. Việc nhà lãnh đạo cần làm là hãy đào sâu vào nhu cầu, hành vi và cách khách hàng tương tác với thương hiệu. Khi đó, những câu trả lời sẽ xuất hiện.

Mascot là một phần thuộc bộ nhận diện thương hiệu, đóng vai trò truyền tải câu chuyện của thương hiệu và kết nối khách hàng với thương hiệu.

Thiết kế Mascot

Đây có lẽ là công đoạn quan trọng nhất khi xây dựng Mascot. Sau đây là những điểm bạn cần lưu ý khi làm việc với các Designer hoặc agency thiết kế:

  • Ngoại hình nhân vật: Cần thống nhất Mascot sẽ là một nhân vật đầy đủ các bộ phận hay chỉ có gương mặt. Bởi vì mỗi cách làm đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Nếu bạn không có ý định sử dụng Mascot trong những hoạt động truyền thông khác thì việc vẽ toàn bộ cơ thể đôi khi sẽ không cần thiết.
  • Màu sắc: Bộ màu cần phù hợp với thương hiệu để tạo ra sự thống nhất. Một điểm lưu ý là chỉ nên sử dụng ít màu cho Mascot, để đảm bảo việc hiển thị và in ấn sau này không gặp vấn đề
  • Tính cách: Mascot sẽ có tính cách như thế nào? Vui vẻ, đáng yêu hay nghiêm túc, trưởng thành? Cách đơn giản nhất là hãy sử dụng các đặc điểm, giá trị của thương hiệu để xây dựng tính cách Mascot.
  • Trạng thái cảm xúc: Yếu tố giúp Mascot trở nên sống động hơn. Mascot sẽ cười, nghiêm túc hay nháy mắt? Nên có một cảm xúc chính cho Mascot, đặc biệt là khi thiết kế logo, những biểu cảm khác sẽ phục vụ cho những mục đích khác.
  • Hành động: Nhân vật sẽ có hành động gì? Đi, chạy, nhảy hay vẫy tay… Chúng sẽ được thể hiện như thế nào?

Kế hoạch phát triển Mascot

Bạn sẽ cần tính toán xem mascot xuất hiện ở đâu, như thế nào, mục đích là gì để có những bước chuẩn bị phù hợp.

  • Website: Bạn có thể sử dụng Mascot trong các hình ảnh chủ đề trên trang web. Nhưng đừng biến Mascot trở thành người bán hàng suốt ngày gửi những tin nhắn “spam” đến khách hàng, vì không ai muốn mình bị quấy rầy cả.
  • Social Media: Tương tự như website, Mascot có thể được dùng để truyền thông trên các trang mạng xã hội. Cách làm này sẽ tạo ra sự thú vị và hấp dẫn, đồng thời thể hiện nội dung một cách trực quan.
  • Video: Cần cân nhắc hai yếu tố sau khi muốn sử dụng Mascot để làm phim. Trước hết, các Mascot đơn giản sẽ dễ thực hiện hơn. Nếu nhân vật của bạn phức tạp, chi phí cho một bộ phim hoạt hình sẽ cực kỳ tốn kém. Ngoài ra, Mascot nên được hoàn thiện với đầy đủ các bộ phận để diễn hoạt các hành động.
  • Sự kiện trực tiếp: Cũng tương tự như video, Mascot đơn giản sẽ dễ in ấn hơn là một Mascot quá nhiều chi tiết dư thừa. Bạn cần cân nhắc điều này khi muốn sử dụng Mascot trong các hoạt động trực tiếp.

Lời kết

Trên đây là toàn bộ những gì Vũ muốn chia sẻ với bạn về chủ đề “Mascot là gì?”. Qua bài viết này, đội ngũ Vũ Digital hy vọng bạn đọc đã hiểu được Mascot, các loại Mascot và đánh giá được liệu thương hiệu của mình có phù hợp với Mascot hay không.

Mascot nếu được phát triển hiệu quả sẽ đóng góp được rất nhiều cho thương hiệu. Đôi khi, nó sẽ là thứ tạo nên nhận thức tích cực, sự yêu thích của khách hàng, như cách nhiều thương hiệu lớn như Disney, Pillsbury đã làm.

Nhưng ngược lại, Mascot sẽ khiến thương hiệu chịu tổn thất nặng nề nếu được triển khai không đúng cách. McDonald’s đã phải cho chú hề của mình “tạm nghỉ hưu” vì nó không còn khiến người dùng cảm thấy vui vẻ nữa, mà ngược lại còn khiến họ hoảng sợ. Hay như trường hợp của Burger King mà Vũ đã chia sẻ ở trên, vốn ra đời với mục đích tốt đẹp, nhưng vì những chiến dịch quảng bá sai lầm đã khiến nó mang biệt danh “kẻ rình rập”.

Tóm lại, tìm hiểu Mascot là gì sẽ giúp bạn biết được lý do và cách mà những thương hiệu trên thế giới sử dụng linh vật, từ đó ứng dụng vào hành trình xây dựng thương hiệu của riêng mình. Vũ hy vọng sẽ ngày càng nhiều người hiểu được tầm quan trọng của thương hiệu và tạo ra được giá trị tích cực cho cộng đồng.

* Nguồn: Vũ Digital