Ai cũng muốn nói, vậy ai sẽ là người nghe?
- Anh nói đúng, nhưng chưa đủ….
- Theo quan điểm của tôi thì…
- Khoan, để tôi nói hết…
Chúng ta vốn không còn xa lạ với những cuộc hội thoại “náo nhiệt” như thế nữa, nơi mà ai cũng muốn mình được thể hiện nhiều hơn. Trong cuộc họp, khi thuyết trình hoặc thậm chí là trên bàn nhậu, người nói vẫn cứ nhiều hơn người nghe.
Theo tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu cao nhất, lớn nhất của con người chính là được thể hiện bản thân dưới ánh mắt trầm trồ, ngưỡng mộ của người khác. Chính vì thế, con người dễ bị dẫn dắt bởi ham muốn phô bày bản thân mà quên đi mục đích cuối cùng trong các cuộc giao tiếp, quên đi kỹ năng đơn giản nhất của một cuộc hội thoại, đó là kỹ năng lắng nghe.
Kỹ năng lắng nghe là gì?
Lắng nghe là một quá trình chủ động, tập trung và mong muốn thấu hiểu nội dung của người khác nói. Nghĩa là chúng ta phải chú ý đến lời nói của người khác để vừa có được thông tin vừa có thể hiểu và cảm nhận một cách sâu sắc hơn.
Kỹ năng lắng nghe khác hoàn toàn với nghe. Hành động nghe chỉ là một bản năng của con người, mang tính chất thụ động. Trong khi đó, lắng nghe trong giao tiếp là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự tập trung cao độ, có thể tương tác lại với người nói.
Kỹ năng lắng nghe quan trọng như thế nào?
Lắng nghe tốt đồng nghĩa với kỹ năng đàm phán, thương thuyết tốt. Vì lắng nghe tạo ra khoảng thời gian đủ để chúng ta thâu tóm và đánh giá chính xác về vấn đề, từ đó, dễ dàng đề ra được cách giải quyết phù hợp nhất. Bên cạnh đó, một người biết lắng nghe luôn dễ dàng nhận được thiện cảm từ người đối diện, dù là cuộc họp căng thẳng nhất, một người biết lắng nghe vẫn cho người nói cảm giác được tôn trọng và tạo ra một bầu không khí thẳng thắn, không vòng vo, đáng tin cậy.
Tiêu biểu như nghệ thuật lắng nghe và đàm phán đỉnh cao của bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người được biết đến là một trong những nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris. Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) được coi là một trong những cuộc thương thuyết kéo dài nhất trong lịch sử thế giới và cũng căng thẳng nhất với tất cả các bên liên quan. Để tạo được ưu thế cho mình (vốn là một nước nhỏ, đang chịu cảnh nô lệ đế quốc), bà Nguyễn Thị Bình luôn giữ một thái độ bình tĩnh, lắng nghe một cách thận trọng những ý kiến, quan điểm của các bên. Khi cảm thấy thời điểm đã đủ chín muồi, bà thể hiện quan điểm một cách quyết liệt. Bà dùng chính luận điệu của Mỹ về việc rút quân để buộc Mỹ phải rút quân khỏi nước ta khiến đối phương đuối lý đành chấp nhận ký vào Hiệp định. Sự thành công ấy một phần rất lớn là nhờ vào kỹ năng lắng nghe và phân tích thông tin một cách tỉ mẩn của bà.
Bí quyết lắng nghe một cách thông minh
Tuy nhiên, “Giống như mọi kỹ năng khác, lắng nghe là bản năng mà kể cả người có sẵn tố chất cũng cần rèn luyện thêm nhiều hơn thế nữa” - ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK khẳng định.
Để có được kỹ năng đàm phán tuyệt đỉnh, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải dành cả cuộc đời để học hỏi và lắng nghe mọi vấn đề của các dân tộc trên khắp thế giới. Để có được một bài thuyết trình truyền cảm hứng cháy bỏng về Apple, Steve Jobs đã dành hàng chục năm trời để lắng nghe những câu chuyện, kể cả những vấn đề từ khách hàng và nhân viên. Để có thể chinh phục hàng triệu người dân Mỹ trong cả hai lần đắc cử, Obama đã dốc toàn tâm sức để nghiên cứu và thấu hiểu với những khó khăn, những trăn trở còn tồn tại trong cuộc sống của nhân dân. Để có được kỹ năng lắng nghe, chúng ta phải nỗ lực học hỏi và rèn luyện một cách quyết liệt như thế.
Dưới đây là năm bí quyết giúp chinh phục kỹ năng lắng nghe hiệu quả hơn.
Tập trung và chủ động
Tập trung trong cuộc trò chuyện nhằm hiểu nhanh và rõ ràng nhất đối phương đang nói gì. Tuy nhiên, tập trung không có nghĩa là im lặng, sẽ thật tệ nếu cuộc giao tiếp chỉ được hưởng ứng từ một phía. Thỉnh thoảng chủ động đặt câu hỏi như một cách gợi ý để đối phương tiếp tục câu chuyện, khiến họ tin rằng, chúng ta đang rất thích thú về điều họ đang nói là một cách hay để quá trình lắng nghe được hiệu quả hơn.
Tuyệt đối không ngắt lời
Chủ động hỏi chuyện hay tiếp lời sẽ khác hoàn toàn với việc ngắt lời. Đây là hành động cấm kỵ trong giao tiếp nên cần phân biệt rõ ràng và ứng dụng thực tế một cách khéo léo, tránh những hiểu lầm không đáng có.
Không thể hiện cái tôi quá mức
Ai cũng có nhu cầu thể hiện cái tôi của mình với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, một người giỏi lắng nghe sẽ không bao giờ thể hiện cái tôi quá mức trong giao tiếp. Người thể hiện cái tôi quá mức dễ áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, chỉ biết nói chứ không quan tâm đối phương đang nghĩ gì hoặc có nghe mình hay không.
Đặt câu hỏi đúng lúc và đúng cách
Người thông minh trong giao tiếp là người biết cách đặt câu hỏi và đặt câu hỏi đúng lúc. Đây là yếu tố quan trọng trong kỹ năng lắng nghe giúp cuộc giao tiếp thành công vì giao tiếp luôn cần sự tương tác từ các bên.
Đưa quan điểm cá nhân một cách rõ ràng, hợp lý
Quan điểm hợp lý là quan điểm đúng trọng tâm vấn đề mà người khác đang trình bày. Nó thể hiện được việc chúng ta thực sự quan tâm và lắng nghe về điều họ đang trăn trở. Cuộc hội thoại nhờ thế mà đạt được hiệu quả tốt hơn.
Giao tiếp luôn là một chủ đề không có giới hạn. Đặc biệt là khi chúng ta phải đặt mình vào thời đại mới, thời đại của hội nhập và đổi thay, nơi mà giao tiếp trở thành công cụ cho mọi quá trình học hỏi, làm việc và phát triển bản thân. Chính vì thế, đầu tư một cách bài bản cho các kỹ năng như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng chia sẻ, thuyết phục… đang trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.