Đừng biến bài thuyết trình thành nồi lẩu “hầm bà lằng”
Lẩu là món ăn chưa bao giờ thiếu trong các bữa tiệc, thậm chí nó còn là nhân vật chính của bàn ăn. Lẩu đa dạng và phong phú bởi sự dễ chịu khi kết hợp cùng với các nguyên liệu khác…
Nước cốt - linh hồn tinh túy của món lẩu
Thời tiết vào thu se lạnh, Sài Gòn dạo này ẩm ương với những cơn mưa dai dẳng, mưa đó rồi lại nắng đó, thay đổi thất thường làm lòng người cũng chênh vênh theo. Những ngày này, người Sài Gòn thay vì ngồi suy đoán nắng mưa, họ chọn thu mình vào một góc bình yên, nhẹ nhàng ngồi ngắm dòng người qua lại. Nhưng không phải là với một tách trà hay gói cốm xanh như người Hà Nội, Sài Gòn năng động và thoải mái hơn thế. Họ chọn một nồi lẩu bốc khói nghi ngút, chọn những buổi tiệc cùng với bạn bè, quẳng đi hết lắng lo chỉ để cùng nhau tận hưởng hương gió mát lành, sảng khoái.
Lẩu không phải là món ăn đặc trưng của bất kỳ vùng miền nào, nhưng nó là nhân vật chính không thể thiếu trong các buổi tiệc. Nồi lẩu sôi đặt trên bếp lửa tỏa ra hơi nóng, sưởi ấm chiếc bụng đói đang réo gọi mời chào. Thử tưởng tượng ngoài trời đang rả rích cơn mưa đầu mùa, khí trời không lạnh rét mà vừa đủ mát mẻ, ngồi vòng tròn quanh một nồi lẩu sôi ùng ục, cảm nhận hơi nóng sà vào mặt, hương thơm nồng nàn lan tỏa khắp căn phòng, bao bọc lấy cả người thưởng thức, khiến họ như đắm chìm vào trong ấy. Húp một chén nước lẩu còn đang bốc khói nghi ngút, cơ thể sẽ ấm lên ngay lập tức. Các giác quan lúc này sẽ được đánh thức bởi sự bùng nổ của hương vị, cay chua mặn ngọt, đậm đà và trọn vẹn.
Nước lẩu ngon quyết định toàn bộ món ăn, giống như phần nước lèo của các món khác như phở hay bún bò, phải bắt mắt ngay từ phần nhìn, phải khiến đầu lưỡi rung lên khi thưởng thức và phải để lại hậu vị khó thể nào quên được. Nhưng nước lẩu không khó chịu như phở, bởi nếu phở là bà cô nguyên tắc và quy củ vì mọi thứ cho vào phải đúng với từng chút một của công thức thì lẩu ví như một anh chàng sinh viên dễ dãi, gặp ai cũng có thể kết cùng, nguyên liệu nào cũng có thể phù hợp. Một nồi lẩu có thể ăn với vô vàn món kèm theo, từ thịt cá hay xiên que, từ cải mầm hay hoa chuối… đa dạng và phong phú tùy theo sở thích của người dùng. Ấy thế nhưng anh chàng lẩu vẫn không hề bị lép vế giữa đủ thứ đồ nhúng người ta cho vào, nước cốt lẩu vẫn tỏa sáng theo cách riêng của nó. Dù cho có là thứ hải sản tươi ngon nhất, hay mớ rau mới hái ngoài vườn vào, cũng sẽ chẳng có gì đặc sắc nếu nước cốt lẩu không đủ tinh tế để bắt miệng người dùng.
Phần “cốt lẩu” của một bài thuyết trình hay
Một bài thuyết trình cũng giống như một nồi lẩu, bởi bài thuyết trình chẳng khác gì một đại dương mênh mông để thỏa sức sáng tạo và thêm vào đó đủ thứ nguyên liệu mình muốn. Powerpoint, hình ảnh, video chính là đồ nhúng mà người nói có thể thả vào “nồi lẩu thuyết trình”, tùy theo khẩu vị của người tạo ra. Và dù cho có thêm vào bao nhiêu hình ảnh minh họa, bao nhiêu video truyền cảm hứng thì nội dung bài nói - phần cốt lẩu - vẫn phải được nêm nếm và đầu tư kỳ công nhất. Bởi như đã nhắc đến ở trên, nếu nước lẩu chẳng có gì đặc sắc thì các đồ ăn kèm dù cho có tươi ngon, đa dạng đến đâu cũng không thể giữ chân được người dùng. Bài thuyết trình dẫu có quá nhiều công cụ hỗ trợ, có hoành tráng đến cách mấy, mà câu chuyện diễn giả truyền tải không đủ đậm đà để lắng đọng, thì mọi thứ như chẳng hề thuộc về nhau.
Theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Founder & CEO Học viện Kỹ năng VTALK từng chia sẻ: “Kiến thức hiện tại trong xã hội ngày nay đã bị san phẳng, ai cũng dễ dàng tìm ra những triết lý giống hệt nhau. Vì vậy việc của một diễn giả tài năng là chuyển biến kiến thức đó thành ngôn ngữ của riêng mình, theo cách dễ hiểu và ấn tượng nhất, thôi thúc hành động và sự suy tư cho khán giả.”
Nước lẩu chinh phục mọi thực khách khó chiều bằng sự hòa quyện của chua, cay, mặn, ngọt… được tạo ra theo bí quyết riêng của từng đầu bếp. Chỉ cần thay đổi thứ tự nêm gia vị hay căn chỉnh thời gian nấu khác đi một chút thôi thì phần cốt lẩu sẽ mang hương vị khác hẳn mà chẳng người nấu nào có thể làm theo được. Mỗi vị đầu bếp sẽ có tay nghề và những kỹ năng riêng để biến nồi nước dùng mang hương vị đặc trưng không trộn lẫn với ai.
Người thuyết trình cũng như vậy. Với trữ lượng thông tin khổng lồ hiện nay, công việc của diễn giả là phải thu hút người nghe bằng sự chắt lọc kiến thức, hòa cùng chất riêng có sẵn của bản thân, nung nấu nó trở thành phần cốt lẩu tinh túy nhất để tạo ra những màn trình diễn mang đậm bản sắc khác biệt và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe.
Một đầu bếp cao tay là một người biết nếm nêm tròn vị. Một diễn giả giỏi là một người biết chắt lọc những nội dung tinh túy nhất để đưa vào luận điểm cho phần trình bày.
Nước lẩu không đủ sôi thì các đồ nhúng sẽ không thể chín, nội dung bài nói không đủ hấp dẫn thì không có ai nghe.