Những định kiến sai lầm về tâm lý học màu sắc trong thiết kế

Tâm lý học màu sắc và những bài phân tích về ứng dụng của trường phái này trong thiết kế đã không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, chính điều này lại vô tình tạo nên những định kiến sai lầm khi lựa chọn và sử dụng màu sắc trong thiết kế.

Ứng dụng của tâm lý học màu sắc trong thiết kế

Trong một dự án thiết kế, màu sắc được sử dụng cũng quan trọng như việc lựa chọn font chữ hay hình ảnh. Màu sắc là yếu tố kích thích trực tiếp đến thị giác, thậm chí định hướng nhận thức khách hàng về sản phẩm hoặc thương hiệu nào đó, vì vậy màu sắc được đưa vào thiết kế cần mang đúng tinh thần và truyền tải được thông điệp mà thương hiệu hướng tới.

Để thiết kế mang lại hiệu quả người ta phải nghiên cứu và hiểu ý nghĩa của màu sắc để truyền tải thông điệp đến đối tượng mục tiêu. Mỗi màu sắc đều mang một ý nghĩa riêng, cùng Rubyk khám phá để hiểu sâu hơn nhé.

Màu nóng

Màu nóng bao gồm màu đỏ, cam, vàng và các biến thể của chúng. Những tone màu này thường đại diện cho nhiệt huyết và đam mê, hạnh phúc và năng lượng. Chẳng hạn như màu đỏ được sử dụng trong UI thường mang ý nghĩa cảnh báo, thông báo xảy ra lỗi; còn màu đỏ trong các thương hiệu như Honda, Coca Cola... có thể khơi gợi cảm giác khẩn trương, kích thích cảm xúc người dùng.

Những định kiến sai lầm về tâm lý học màu sắc trong thiết kế

Màu đỏ gợi lên sự phấn khích, mạnh mẽ, tự tin và năng lượng. Tuy nhiên, trong mỗi ngành hàng, mỗi lĩnh vực lại có những ý nghĩa khác nhau.

Màu lạnh

Màu lạnh là những màu thiên về xanh dương, xanh lá và tím thường mang lại cảm giác an toàn, điềm tĩnh, thư giãn. 

Một số thương hiệu sử dụng màu xanh dương trong logo như Facebook, Twitter, WHO tạo lòng tin, cảm giác an toàn cho người dùng.

Những định kiến sai lầm về tâm lý học màu sắc trong thiết kế

Màu xanh dương được các nền tảng mạng xã hội ưu ái lựa chọn như một cách để thể hiện sự thoải mái và tạo cảm giác an toàn cho người dùng

Màu trung tính

Bao gồm một số màu như đen, trắng, xám, ghi, nâu và kem. Những gam màu này thường được sử dụng để tạo nền, nhưng khi sử dụng một mình, chúng có thể tạo ra các bố cục khá tinh tế.

Chẳng hạn như màu đen mang tới cảm giác bí ẩn, trầm lắng, đồng thời cũng đại diện cho sự sang trọng, nghiêm túc, cùng một sự kiêu kỳ, thượng lưu nên thường được ứng dụng nhiều cho các sản phẩm cao cấp như sản phẩm công nghệ, thời trang, xe hơi...

Những định kiến sai lầm về tâm lý học màu sắc trong thiết kế

Màu đen luôn xuất hiện trong bộ sưu tập của các thương hiệu xe hơi hay đồ dùng công nghệ

Các sản phẩm của một số thương hiệu như Apple, Samsung, Sony thường sử dụng màu đen (thường kết hợp với màu trắng) trong thiết kế các sản phẩm để tránh sự lỗi thời so với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như hiện nay.

Những lầm tưởng về tâm lý học màu sắc trong thiết kế

Mặc dù tâm lý học màu sắc có nhiều ứng dụng trong thiết kế, tuy nhiên chính điều này cũng vô tình tạo nên những nhận định sai lầm về màu sắc trong quá trình thiết kế.

Nhiều người thường đánh đồng rằng màu sắc có thể gợi lên cùng một cảm xúc cho người xem. Tuy nhiên, nhận thức về màu sắc không chỉ phụ thuộc vào nền văn hóa mà một người lớn lên, mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân, quá trình giáo dục, sở thích, cá tính của mỗi cá nhân.

Vì mỗi người có cách nhìn nhận và cảm nhận màu sắc khác nhau nên rất khó để tìm kiếm màu sắc phù hợp để “mê hoặc” tất cả mọi người. Do đó, để tạo nên một thiết kế hiệu quả người ta phải đào sâu nghiên cứu và hiểu ý nghĩa của màu sắc để truyền tải thông điệp đến đối tượng mục tiêu. 

Chẳng hạn, màu hồng là biểu tượng của sự dịu dàng, lãng mạn nên thường được gán là màu dành riêng cho phái yếu. Tuy nhiên, không phải cô gái nào cũng thích màu hồng hay nam giới thì không phù hợp với màu đó. Thực tế, màu hồng đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các thiết kế dành cho nam giới.

Làm thế nào để lựa chọn màu sắc phù hợp trong thiết kế?

Hiểu khách hàng mục tiêu

Trước khi bắt tay thực hiện một thiết kế, bạn cần biết mình là ai và khách hàng của bạn muốn gì bằng cách trả lời các câu hỏi dưới đây:

  • Bạn là ai?

  • Khách hàng mục tiêu của bạn là ai?

  • Khách hàng cần gì?

  • Bạn muốn truyền đạt điều gì?

Chỉ khi trả lời được những câu hỏi này, bạn mới có thể kể câu chuyện của mình một cách chính xác thông qua việc sử dụng màu sắc, phông chữ và các yếu tố thiết kế khác.

Áp dụng quy tắc 60-30-10

60-30-10 được coi là nguyên tắc vàng trong thiết kế. Theo nguyên tắc này, các chuyên gia đề nghị chọn ba màu sau đó sử dụng chúng theo tỷ lệ 60%, 30% và 10%. Bằng cách này, bạn sẽ hạn chế khả năng tạo ra một thiết kế rối mắt, không chuyên nghiệp và giảm bớt những vấn đề không cần thiết.

Phân tích đối thủ cạnh tranh

Không có nguồn tham khảo nào uy tín và đáng tin cậy bằng chính đối thủ cạnh tranh của thương hiệu. Hãy phân tích đối thủ cạnh tranh trực tiếp của bạn để tìm ra những màu sắc giúp bạn nổi bật hơn và khác biệt hơn, nhưng đừng quên rằng chúng phải phù hợp với thương hiệu và thông điệp mà bạn muốn truyền tải.

Sử dụng màu sắc đúng cách trong xây dựng thương hiệu

Sau khi đã lựa chọn, hiệu chỉnh và hoàn thiện màu sắc, làm thế nào để màu sắc được sử dụng đúng và phát huy tác dụng như mong muốn?

Chuẩn hóa cách sử dụng màu sắc trong một Style guide

Xây dựng một style guide cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng từng màu. Màu được sử dụng ở đâu? Theo thứ tự nào? Mã hex, pantone, RGB… Điều này sẽ giúp các nhà thiết kế, bên in ấn xác định đúng và chính xác nhất màu sắc thương hiệu sử dụng.

Những định kiến sai lầm về tâm lý học màu sắc trong thiết kế

Xây dựng style guide quy định rõ mã màu, theo thứ tự nào sẽ giúp thương hiệu sử dụng màu sắc hiệu quả hơn

Theo dõi cách sử dụng màu sắc trong hoạt động của thương hiệu

Tính nhất quán trong hoạt động thương hiệu là chìa khóa để duy trì nhận diện trực quan hiệu quả. Do đó, cần thường xuyên theo dõi và đảm bảo rằng mọi người đang sử dụng màu sắc đúng cách và phù hợp với mục tiêu xây dựng thương hiệu.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà tâm lý học màu sắc mang lại trong hoạt động thiết kế, tuy nhiên, màu sắc là một chủ đề phức tạp, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong các yếu tố về sắc độ, độ hòa sắc, bão hòa đều có thể làm thay đổi cảm quan về màu. Do đó, thay vì cứng nhắc lựa chọn màu sắc theo những thông tin sẵn có, hãy kết hợp thêm một phần cảm xúc của bạn trong quá trình lựa chọn. Chỉ có như vậy, màu sắc mới có thể truyền tải được những cảm xúc đúng nhất của thương hiệu.

Rubyk Agency