Sketch là gì? 3 giai đoạn cần thiết khi sketch logo
Sketch là một trong những bước quan trọng khi thiết kế logo. Nếu bạn vẫn chưa biết sketch là gì và làm thế nào để sketch logo hiệu quả, bài viết của Vũ sẽ mang đến cho bạn câu trả lời chi tiết.
Logo, dù là một biểu tượng đồ họa đơn giản, nhưng lại chứa đựng ý nghĩa phức tạp bên trong. Những biểu tượng của Nike, Apple, Chanel, BMW,… đều có lịch sử, câu chuyện riêng của mình. Điều đó làm cho việc thiết kế logo trở nên vô cùng thú vị và cũng đầy thử thách.
Khi bàn về logo, chúng ta sẽ luôn muốn đặt ra câu hỏi cho những nhà thiết kế. Chẳng hạn như: làm thế nào mà Designer biết được ý tưởng nào là hiệu quả nhất? Làm cách nào mà họ nghĩ ra được những biểu tượng độc đáo? Các logo nổi tiếng từ đâu mà xuất hiện?
Nhưng cũng như mọi công việc khác, Designer cũng có quy trình riêng khi thiết kế logo. Mỗi công đoạn đóng vai trò như mắt xích thuộc về một hệ thống chung. Trong đó, sketch, hay phác thảo, là giai đoạn thử nghiệm ý tưởng, từ đó dẫn đến kết quả của toàn bộ dự án.
Không chỉ được ứng dụng trong thiết kế logo, sketch còn xuất hiện khi vẽ minh họa (Illustration), xây dựng kịch bản phim (Storyboard), bao bì (Packaging),… Với Designer, sketch là việc gần như bắt buộc phải làm trong mọi dự án thiết kế, bên cạnh các công đoạn nghiên cứu, brainstorm, lập moodboard,… Quá trình sketch cho phép nhà thiết kế được tự do sáng tạo, thỏa sức bay bổng với trí tưởng tượng của mình.
Tuy nhiên, sketch là không đơn giản suy nghĩ của nhiều người. Không phải là cứ vẽ nguệch ngoạc một vài đường nét lên giấy rồi ta được quyền gọi đó là “sketch”. Sketch như thế nào để có được kết quả chính xác cho bài toán thiết kế cần đến sự đầu tư, nghiên cứu và sáng tạo nghiêm túc từ Designer.
Vậy tóm lại sketch là gì? Các giai đoạn khi sketch là gì? Và sketch cái gì? Tất cả câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong bài chia sẻ lần này từ đội ngũ Vũ Digital.
Định nghĩa Sketch
Sketch là bản vẽ thô mà một nghệ sĩ sử dụng để phác thảo nhanh những ý tưởng của mình trước khi đi vào chi tiết. Sketch được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ hội họa, kiến trúc cho đến thiết kế thời trang và thiết kế đồ họa. Trong lĩnh vực đồ họa, Sketch hỗ trợ việc khám phá, thử nghiệm và cụ thể hóa các ý tưởng về logo, vẽ minh họa, dựng cảnh (story board), bao bì, layout website…
Sketch phổ biến vì nó giúp phát triển ý tưởng nhanh chóng. Designer có thể vẽ tự do trên một mảnh giấy, sổ, bảng trắng,… rồi sau đó lựa chọn và hoàn thiện những ý tưởng độc đáo, khác biệt nhất. Mặc dù bản sketch không thể hiện hoàn toàn sản phẩm cuối cùng, nó vẫn sẽ mang đến cho chúng ta hình dung về tổng thể chung và khả năng phát triển nhiều phiên bản khác nhau.
Về định nghĩa, sketch khá đơn giản. Nhưng sketch thế nào để đạt được hiệu quả trong các dự án thiết kế thì không phải ai cũng biết. Với những Designer mới bắt đầu hoặc chưa được va chạm nhiều với thực tế, quá trình phác thảo có thể kết thúc mà… không mang lại kết quả gì đáng kể.
Bài viết này không dừng lại ở việc giới thiệu Sketch là gì, đội ngũ Vũ Digital luôn hướng đến mục tiêu giúp bạn đọc hiểu được chi tiết quá trình thiết kế, từ đó áp dụng vào công việc hàng ngày. Vũ tin rằng ai cũng có thể sketch. Bởi vì sketch là một công việc sáng tạo và chúng ta đều có khả năng sáng tạo, điều ta cần là cách làm việc hiệu quả để có được kết quả tối ưu.
Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về các giai đoạn khi sketch, bắt đầu từ quá trình chuẩn bị.
Sketch là gì: Giai đoạn chuẩn bị
Chúng ta đã hiểu sketch là gì. Đó là một phần của quá trình sáng tạo khi thiết kế logo. Và như Vũ đã chia sẻ trong nhiều bài viết về chủ đề thiết kế thương hiệu, chúng ta không nên vội vã bước ngay vào công đoạn sáng tạo trước khi tổng hợp đủ dữ kiện cần thiết. Đối với sketch, việc cầm bút lên và vẽ khi chưa biết mục tiêu của dự án gần như sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều. Sau đây là những việc chúng ta cần chuẩn bị trước khi sketch logo.
Tìm hiểu các phong cách thiết kế logo
Mỗi thương hiệu, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh thường sẽ phù hợp với các kiểu thiết kế logo khác nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp thời trang sẽ chọn phong cách wordmarks, tức là chỉ sử dụng tên thương hiệu, để truyền tải sự tối giản, sang trọng (Gucci, Calvin Klein, Dior,…). Ngược lại, một thương hiệu thức ăn nhanh sẽ cần hình ảnh độc đáo, nhiều màu sắc để nhanh chóng thu hút sự chú ý của khách hàng (Burger King, KFC, Taco Bell,…).
Do đó, việc có được kiến thức về các phong cách thiết kế logo sẽ giúp ích nhiều cho quá trình sketch. Về cơ bản, có những phong cách sau:
- Wordmark: sử dụng các chữ cái viết tắt hoặc toàn bộ tên thương hiệu để làm nguyên liệu thiết kế.
- Letterform: sử dụng một chữ cái làm chất liệu thiết kế.
- Pictorial Mark: lấy cảm hứng từ biểu tượng gắn liền với tên tuổi và chiều dài lịch sử thương hiệu.
- Abstract Mark: sử dụng một biểu tượng trừu tượng để thể hiện thương hiệu một cách cô đọng, khác biệt.
- Emblem: sự kết hợp giữa wordmarks và pictorial.
- Mascot: sử dụng hình ảnh của một con người hay loài vật, sự vật cụ thể đại diện cho thương hiệu.
Khi đã tìm hiểu đủ về những loại logo trên, chúng ta sẽ lựa chọn được phong cách phù hợp nhất cho thương hiệu của mình. Những câu hỏi sau sẽ giúp ta xác định được đâu là thứ mình đang cần:
- Logo sẽ được sử dụng như thế nào?
- Logo sẽ xuất hiện chủ yếu ở đâu, Digital hay in ấn?
- Các thương hiệu khác đang sử dụng phong cách nào?
- Câu chuyện của thương hiệu sẽ truyền tải qua phong cách nào?
Nếu bạn đang làm việc với một khách hàng chuyên về trang sức cao cấp, logo Mascot hoặc Emblems có thể được loại đi để rút ngắn các lựa chọn. Hoặc trong trường hợp khách hàng yêu cầu thiết kế phải bắt mắt, thu hút và rõ ràng, Pictorial/Abstract Marks sẽ là giải pháp hợp lý hơn Wordmark.
Phân tích thương hiệu
Phân tích thương hiệu tác động hầu hết đến toàn bộ công đoạn sáng tạo sau đó. Vì kết quả của việc phân tích, trao đổi thông tin với khách hàng sẽ là định hướng để Designer phát triển, sketch và cuối cùng là hoàn thiện ý tưởng. Nói cách khác, “phân tích” nhằm tìm ra vấn đề của thương hiệu. Khi đã xác định đúng vấn đề, Designer mới đưa ra được giải pháp phù hợp và chính xác.
Mục tiêu của bước “Phân tích” là đặt ra mọi câu hỏi liên quan đến thương hiệu: câu chuyện, tầm nhìn, mục tiêu, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, yêu cầu thiết kế…. để có được cái nhìn tổng quan về thương hiệu và mong muốn, yêu cầu của họ.
Quá trình này có thể tốn khá nhiều thời gian vì một số người cũng không biết chính xác mình muốn gì. Nhưng việc tìm ra câu trả lời là vô cùng cần thiết. Vì nếu không, nhóm sáng tạo và khách hàng sẽ khó tránh khỏi các mâu thuẫn.
Sau đó hãy lập ra một danh sách bao gồm các từ khóa mô tả thương hiệu. Đừng nghĩ nhiều, hãy cứ liệt kê ra mọi thứ bạn nghĩ là phù hợp với những gì mà thương hiệu đại diện. Và cũng đừng bỏ qua bước này, vì chúng ta sẽ phát triển ý tưởng từ chính bộ từ khóa được chọn.
Moodboard
Dù chỉ là vẽ phác thảo, chúng ta vẫn nên đảm bảo trong số các logo sketch có những ý tưởng đủ độc đáo, khác biệt để lựa chọn và hoàn thiện. Lẽ dĩ nhiên, ý tưởng không thể đến mà thiếu đi cảm hứng. Chúng ta đều cần đến cảm hứng để sáng tạo. Đây là lúc ta tận dụng đến Moodboard.
Moodboard là một tập hợp hình ảnh có thể mang lại cảm hứng, định hướng sáng tạo cho Designer. Moodboard sẽ dựa trên danh sách từ khóa được lập ở bước phân tích, và tùy thuộc vào định hướng mà Designer và khách hàng đã thống nhất.
Hình ảnh trong Moodboard vô cùng đa dạng: con người, màu sắc, đồ vật, lịch sử, logo, hình minh họa, hoa văn, sách,… Miễn là chúng phù hợp với phong cách mà chúng ta lựa chọn và giúp các thành viên trong nhóm hiểu được định hướng chung, không bị lẫn lộn hoặc “lạc” sang những chủ đề không phù hợp.
Ví dụ, bạn quyết định Pictorial Marks và Mascot sẽ là hai phong cách chính cho dự án. Vậy Moodboard của bạn chỉ nên tập trung vào hình ảnh liên quan đến hai hình thức thiết kế trên. Còn trong trường hợp bạn muốn mượn hình ảnh của thời kỳ Phục Hưng làm chất liệu chính cho dự án, Moodboard sẽ cần bao gồm các hình ảnh, dự án có mang màu sắc của thế kỷ 14.
Có rất nhiều trang web hỗ trợ tìm kiếm những hình ảnh và tài liệu tham khảo: Google, Pinterest , Unsplash, Pexels, Behance,… Ý tưởng có ở khắp mọi nơi và nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra và tổng hợp chúng lại với nhau.
Xác định phong cách – Phân tích thương hiệu – Xây dựng Moodboard. Đó là ba bước cần thiết để chuẩn bị cho quá trình Sketch. Để hoàn thành tốt giai đoạn này, Designer sẽ phải đầu tư thời gian, kiến thức. Khi đã hoàn tất việc chuẩn bị, chúng ta sẽ bước sang giai đoạn tiếp theo: sáng tạo.
Giai đoạn sáng tạo
Ngồi vào bàn, cầm bút lên và bắt đầu vẽ. Nghe có vẻ không quá phức tạp, nhưng đó hóa ra lại là một thử thách với nhiều Designer. Có người mất cả giờ đồng hồ mà vẫn không vẽ được bất cứ một logo nào. Cũng có người lại luôn đầy ắp ý tưởng và ngay lập tức sketch được hàng loạt biểu tượng. Tại sao lại có sự khác biệt như thế?
Theo quan điểm của Vũ, bí quyết để có được tính hiệu quả khi sketch là sự thoải mái. Chỉ khi thoải mái, ta mới đủ tự tin để khám phá những ý tưởng độc đáo, mới lạ. Sau đây Vũ sẽ chia sẻ một số tips nhằm giúp bạn đạt được hiệu quả khi sketch logo.
1. Chọn công cụ phù hợp
Bản chất của Sketch vẫn là giai đoạn để chúng ta tự do sáng tạo, không bị gò bó với quy tắc. Do đó, chúng ta nên lựa chọn các công cụ, không gian làm việc quen thuộc, giúp đảm bảo sự thoải mái.
Cách làm phổ biến và được nhiều người sử dụng nhất khi sketch là sử dụng giấy và bút. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Một cây bút chì đủ tốt và một quyển sổ là đủ để chúng ta sketch được hàng trăm ý tưởng.
Bạn cũng có thể lựa chọn các ứng dụng kỹ thuật số để sketch, nếu không muốn phải mất công tẩy xóa liên tục. Một chiếc iPad, Wacom, hoặc máy tính với phần mềm Photoshop, Illustrator, Sketch,… Chỉ cần phương pháp đó giúp bạn thoải mái và tập trung sáng tạo. Hãy nhớ, điều quan trọng là ý tưởng của chúng ta, chứ không phải công cụ tạo ra chúng.
2. Không có đúng hay sai khi sketch
Designer chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc các bạn sinh viên mới ra trường thường mang tâm lý e ngại khi sketch logo. Nỗi sợ luôn đa dạng: sợ logo không đúng tỷ lệ, sợ người khác sẽ nhìn ra những lỗi sai cơ bản, sợ logo không đủ đặc sắc,…
Nhưng bạn cần hiểu rằng chúng ta không trình bày sổ sketch với khách hàng. Họ cũng không có nhu cầu đánh giá từng mẫu sketch của bạn. Cùng lắm thì họ chỉ xem qua để biết quá trình thực hiện logo diễn ra như thế nào, chứ không để ý tiểu tiết. Thứ họ cần là các logo hoàn chỉnh (bước cuối cùng). Vì vậy, lời khuyên của Vũ là đừng quan tâm chuyện đúng hay sai khi sketch. Hãy cứ tập trung vào ý tưởng và đưa chúng lên trang giấy.
Ngoài ra, mỗi người sẽ có một cách làm việc khác nhau, nên cũng đừng lo nếu quy trình làm việc của bạn khác với mọi người. Ví dụ, sổ sketch của bạn lộn xộn trong khi của đồng nghiệp lại sạch sẽ. Hoặc bạn thường sketch nhanh một logo sau đó chuyển sang một logo khác, nhưng người khác lại dành nhiều thời gian để chăm chút bản vẽ của họ hơn.
Điều này hoàn toàn bình thường. Cách làm việc không phản ánh chất lượng công việc. Chúng ta không thể so sánh được một người sketch 5 logo trong 1 tiếng với một người sketch 20 logo trong khoảng thời gian tương tự, trừ khi thật sự nhìn vào tác phẩm của họ.
Ý tưởng nổi bật bởi sự khác biệt của chính nó, chứ không đến từ cách nó được tạo ra. Giai đoạn sketch được nhiều người mong chờ vì chính sự “vô nguyên tắc” của nó. Nhưng không vì thế mà chúng ta quá “bay” để rồi quên mất yêu cầu của khách hàng.
3. Không nên chú trọng vào chi tiết khi sketch
Mục tiêu của sketch là thử nghiệm và khám phá các ý tưởng và phong cách khác nhau. Tại giai đoạn này, chúng ta chỉ cần tập trung vào tổng thể, hình dạng chung của logo, chứ không nên đi sâu vào từng chi tiết nhỏ lẻ.
Dành quá nhiều thời gian để tô vẽ một ý tưởng duy nhất sẽ biến thành một sự lãng phí to lớn, vì làm sao bạn đảm bảo ý tưởng đó sẽ được chọn để hoàn thiện? Chúng ta chỉ chú trọng vào việc hoàn thiện chi tiết khi ý tưởng đã được lựa chọn.
Một cách hiệu quả để không bị “lạc lối” vào chi tiết là phác thảo nhanh. Không quá nhanh để bạn lướt qua mọi phiên bản một cách vô ý thức hay sketch một cách hời hợt; nhưng là đủ nhanh để cho phép bộ não đưa ra tất cả các ý tưởng.
Ngoài ra, sketch không phải là một quá trình cứng ngắc. Bạn hoàn toàn có thể tạm để lại một mẫu logo chưa hoàn thành và quay lại với nó khi đã có đủ tự tin. Hãy thoải mái thực hiện các bước tiến và lùi, sang trái rồi sang phải hay quay vòng tùy thích chứ đừng đặt ra cho mình những giới hạn. Suy cho cùng, chúng ta đang sáng tạo cả mà.
4. Chưa làm việc với màu sắc
Màu sắc rất đẹp và hấp dẫn. Chúng cũng ảnh hưởng đến việc thiết kế logo, nhưng là ở giai đoạn hoàn thiện. Việc sketch và sử dụng màu sắc cùng lúc là cách làm thiếu hiệu quả.
Khi nghĩ đến các phương án màu, bạn đã tự động thêm việc và phân tán sự tập trung của bản thân. Trong khi mục tiêu của sketch là để có ý tưởng tổng thể, chứ không phải một logo đầy đủ lớp lang màu sắc. Mặt khác, việc chọn màu cũng khó đạt được hiệu quả nếu không được tính toán cẩn thận và thử nghiệm nhiều phương án. Chúng ta chắc chắn sẽ có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về màu khi đã thống nhất được ý tưởng, còn trước mắt hãy cứ tập trung vào sketch logo.
5. Đánh giá ý tưởng
Đánh giá các mẫu sketch là công đoạn cần thực hiện trước khi chọn ra những ý tưởng phù hợp. Thế nhưng chúng ta phải đánh giá thế nào khi trước mắt có hàng chục, thậm chí là hàng trăm ý tưởng?
Lời khuyên của Vũ là hãy cố gắng nhìn vào sổ sketch bằng một góc nhìn khách quan, hoặc nếu làm việc theo nhóm, bạn có thể nhờ mọi người phản hồi về những mẫu logo đã được phác thảo. Các câu hỏi sau sẽ giúp bạn phần nào trong việc đánh giá:
- Mẫu sketch nào phù hợp nhất với dự án hiện tại và tại sao?
- Mẫu nào không phù hợp và tại sao?
- Logo nào là dễ nhận diện nhất và biểu trưng nào khó nhận diệnnhất?
- Chúng có hoạt động ở kích thước nhỏ không?
- Chúng có ý nghĩa gì?
- Chúng có khác biệt với các logo đã có trên thị trường không?
Nếu đến được bước này thì xem như bạn đã hoàn thành giai đoạn “sáng tạo”. Hãy luôn nhớ sketch là quá trình để chúng ta khám phá và thử nghiệm nhiều ý tưởng khác nhau. Đừng đặt áp lực phải tạo ra những logo “hoàn hảo”, “đúng tỷ lệ” khi sketch. Một không gian làm việc thoải mái và các dụng cụ đơn giản như bút chì, cục tẩy và giấy là đủ để chúng ta bay bổng với trí tưởng tượng của mình.
Tuy nhiên, chúng ta cần theo sát những yêu cầu của khách hàng và các dữ kiện đã rút ra từ khâu chuẩn bị. Một vài Designer đôi khi quá mải mê sáng tạo để rồi “lạc đề”, dẫn đến những giải pháp không phù hợp. Vì thế, không nên bỏ qua bước chuẩn bị trước khi phác thảo logo.
Giai đoạn hoàn thiện
Sau khi đánh giá, việc cần làm tiếp theo là lựa chọn ra các mẫu sketch đủ khác biệt, nổi bật để hoàn thiện trên máy tính. Đối với các dự án thiết kế, số lượng logo được trình bày sẽ phụ thuộc vào những gì đã trao đổi giữa Designer và khách hàng, nhưng 3 thường là con số phổ biến.
Bạn có thể trình bày nhiều concept hơn, tuy nhiên nên đảm bảo nó được đề cập rõ ràng trong hợp đồng để tránh việc làm thêm “miễn phí”. Dựa trên những yêu cầu, từ khóa liên quan đến thương hiệu, hãy xem lại một lần nữa tất cả mẫu sketch mà bạn đã phác thảo và chọn ra các concept phù hợp nhất.
Bước cuối cùng của quá trình sketch là hoàn thiện bản phác thảo và biến nó thành một phiên bản đồ họa. Những việc cần làm bao gồm: làm cho các đường viền rõ hơn, căn chỉnh các pixel, ứng dụng màu sắc, typography,… Có nhiều cách để hoàn thiện một mẫu sketch trước khi trình bày với khách hàng. Các phần mềm đồ họa như Photoshop, Illustrator là phương án được nhiều người sử dụng và bạn cũng có thể thử để điều chỉnh mẫu sketch.
Lời kết
Trên đây là toàn bộ những gì Vũ muốn chia sẻ với bạn về chủ đề “Sketch”. Qua bài viết này, đội ngũ Vũ Digital hy vọng bạn đọc đã hiểu được sketch là gì, các giai đoạn khi sketch là gì và rút ra được những điểm có thể áp dụng được vào công việc.
Sketch là quá trình rất thú vị. Nó cho phép chúng ta tự do với ý tưởng và thỏa sức thử nghiệm, khám phá khả năng của bản thân. Nhưng để quá trình Sketch đạt được hiệu quả như mong đợi, việc chuẩn bị là vô cùng cần thiết. Thông tin về dự án, khách hàng, các nguồn cảm hứng, Moodboard,… sẽ tác động lớn đến định hướng sáng tạo và sẽ giúp chúng ta không “đi lạc” so với đề bài ban đầu.
Logo không tự nhiên xuất hiện một cách hoàn chỉnh. Những biểu tượng nổi tiếng mà chúng ta quen thuộc được tạo nên từ quá trình nghiên cứu chi tiết, thử nghiệm và đánh giá kỹ càng từ hàng trăm bản sketch. Vì vậy đừng vội nản lòng nếu làm mãi mà vẫn chưa có được ý tưởng ưng ý, đôi khi nó chỉ cách chúng ta một vài đường phác thảo mà thôi.
Xin chân thành cảm ơn,
*Nguồn: Vũ Digital