Lãnh đạo xây tổ ấm, ai là người cần thay đổi đầu tiên
Gặt hái nhiều thành tựu lớn mà gia đình không hạnh phúc, đó chưa phải là thành công của một nhà lãnh đạo. Đã là lãnh đạo tiên phong, bạn chính là người đầu tiên nhận ra trách nhiệm của mình trong việc xây tổ ấm.
Cũng như trong 8 lời dạy sâu sắc của Khổng Tử, có 4 điều mà hầu như ai cũng thuộc lòng, đó là “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tức là mỗi người cần phải luôn hoàn thiện bản thân và làm tốt phần việc của mình trước khi muốn xây dựng được tổ ấm hay làm những việc lớn lao khác bên ngoài.
💠Đặt nền móng xây dựng văn hóa gia đình
Xây văn hóa gia đình cũng giống như xây một ngôi nhà. Bạn mong muốn một ngôi nhà có kiến trúc, màu sắc, phong cách nội thất,... ra sao? Và hãy thử nghĩ xem, bạn muốn có một gia đình như thế nào? Tại đó khắc họa rõ nét mối quan hệ giữa các thành viên, cách nuôi dạy con cái, cách ứng xử giao tiếp hàng ngày,... Cứ liệt kê ra mọi thứ mà bạn nghĩ trong đầu và lên kế hoạch hành động.
Nếu xây nhà quan trọng nhất là bước đào móng thì trong xây văn hóa gia đình, các niềm tin và những giá trị cùng được đồng thuận thông qua một thời gian dài thử nghiệm và được khẳng định “luôn đúng” sẽ dần trở thành những giả định căn bản làm nền móng.
Ví dụ, các thành viên trong gia đình đều đồng thuận việc không dùng điện thoại trong giờ ăn, dành trọn vẹn khoảng thời gian đó để lắng nghe chia sẻ, gắn kết thông qua những câu chuyện hàng ngày. Dù là trong tình huống nào, chiếc điện thoại cũng không có cơ hội “phá đám”. Khi giá trị này trở thành “giả định căn bản”, các thành viên gia đình sẽ ngầm hiểu rằng sẽ không vì bất cứ lý do gì phải mang theo chiếc điện thoại vào bàn ăn.
💠Xây niềm tin và sự đồng thuận
Làm gương chính là chìa khóa để xây niềm tin và hình thành các giá trị đồng thuận một cách tự nhiên, thay vì phải nhắc nhở và đốc thúc mọi người. Bạn cũng đừng cố sửa đổi hành vi của người thân vì điều này chỉ tạo ra sự căng thẳng mà môi. Chỉ cần bạn luôn làm tốt nhất mỗi khi hiện diện, là người tiên phong thực hiện những thay đổi mới, một ngày nào đó sẽ lan tỏa được giá trị tới người thân.
Cũng ở ví dụ trên, nếu cha mẹ là người làm gương không mang theo điện thoại vào bàn ăn, không vội vã bỏ bát cơm để nghe cuộc điện thoại đang đổ chuông thì những đứa trẻ sẽ nhìn vào và học tập. Vì chúng hiểu được cha mẹ trân quý gia đình và dành trọn tình yêu thương cho khoảng thời gian sum vầy.
💠Biểu hiện yêu thương bằng hành động
Yêu thương đâu nhất thiết phải nói ra nhưng nếu không nói ra, liệu mọi người có hiểu? Vì thế trong xây dựng văn hóa gia đình, bạn đừng quên “hâm nóng” tình yêu thương thông qua những hành động thực tế như: khen ngợi, tặng quà,…
Nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta đang học cách chia sẻ yêu thương chứ không “sống thay”. Tức là dùng tình yêu để giúp người thân tự thay đổi chứ không phải làm thay họ trên danh nghĩa tình yêu thương. Ví dụ khi thấy con đang có vẻ bận học, bạn liền dọn phòng giúp chúng. Điều này chỉ làm chúng ỷ lại và hình thành lối sống không ngăn nắp. Đây có lẽ là điểm mù lớn nhất của nhiều cha mẹ khi xây dựng văn hóa gia đình, chúng ta cần tỉnh táo nhận ra để đạt tới thành công.
Khi làm tốt với tổ ấm của mình, bạn sẽ nhận ra rằng xây dựng văn hoá doanh nghiệp cũng như vậy. Đều bắt đầu từ nền móng, nơi có những niềm tin và giá trị cơ bản được hình thành, từ đó xây dựng những giá trị văn hóa và lan tỏa tới các thành viên trong tổ chức.
Để làm được như vậy, một lần nữa, những nhà lãnh đạo chính là người tiên phong thay đổi đầu tiên. Nếu thấy hữu ích, chia sẻ bài viết nhé!
Nguồn: TOPPION