Nữ giáo viên VTALK cháy bỏng giấc mơ thay đổi cách giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh Việt
Kỹ năng mềm rất yếu khiến các bạn học sinh khó có thể tự lập và phát triển một cách toàn diện nhất. Đây cũng là căn nguyên đã hình thành nên một thế hệ sinh viên học vị cao, thực chiến lại rụt rè không hiệu quả.
Cứ mười bạn học sinh thì có tới chín bạn không thể tự tin đứng trước đám đông để thuyết trình về đề tài đã chuẩn bị trước.
8/10 bạn học sinh thường không thể xác định chính xác mình muốn gì và nên làm gì cho kế hoạch của 1-2 tháng tới.
Và trong mười bạn học sinh thì luôn có một nửa không thể quản lý thời gian của bản thân khiến thời gian học và giải trí nhập nhằng, hiệu suất học tập cực kỳ thấp.
Đó là thực trạng, là vấn đề vô cùng nan giải của cả hệ thống giáo dục Việt Nam khi đẩy mạnh việc cung cấp kiến thức nhưng lại đầu hàng trước bài toán ươm mầm kỹ năng mềm cho học sinh. Kỹ năng mềm rất yếu khiến các bạn học sinh khó có thể tự lập và phát triển một cách toàn diện nhất. Đây cũng là căn nguyên đã hình thành nên một thế hệ sinh viên học vị cao, thực chiến lại rụt rè không hiệu quả. Một khung giáo dục cứng nhắc khiến nhà trường đau đáu nỗi đau giáo dục nhưng không thể đổi thay. Dư luận xã hội đã nhiều lần lên tiếng nhưng hầu như không thể đủ sức để cải thiện thực tế xã hội.
Đứng trước những vấn đề nan giải ấy, cô Võ Thị Mỹ Duyên lại càng thôi thúc giấc mơ thay đổi hệ thống đào tạo kỹ năng cho các thế hệ học sinh Việt.
Võ Thị Mỹ Duyên - hành trình nỗ lực bứt phá của cô gái tài sắc vẹn toàn
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên xa xôi, hơn ai hết, cô Mỹ Duyên hiểu được những thiệt thòi mà một học sinh vùng tỉnh nhỏ luôn gặp phải. Với học sinh ở đây, điều kiện học tập khó khăn, việc chăm lo sách vở cơ bản cho các em vốn đã khó, huống hồ là bàn tới câu chuyện rèn luyện và nâng cao kỹ năng mềm cho từng cá nhân. Trong các giờ học, để có thể tự mình trả lời câu hỏi của thầy cô trước bao nhiêu ánh nhìn trong lớp đã là điều các bạn học sinh phải đấu tranh và cố gắng thì làm sao có thể tự tin thuyết trình, chia sẻ trước đám đông một cách thuần thục.
Đây cũng là lý do mà ngay từ những ngày đầu đặt chân lên Sài Gòn, cô Mỹ Duyên đã không ngừng săn tìm các cơ hội để gia tăng trải nghiệm và thử thách bản thân. Cô hiểu giá trị của nền tảng kỹ năng đối với việc học và tương lai nghề nghiệp của chính mình. Cô hiểu được yếu điểm về trải nghiệm thực tế mà những sinh viên tỉnh nhỏ luôn phải đối mặt khi lên các thành phố lớn. Và cô cũng hiểu rằng, muốn thay đổi, muốn giúp đỡ được các bạn nhỏ trong hành trình này thì buộc chính bản thân cô phải là người năng nổ và thấu hiểu hơn bất cứ ai. Bằng tinh thần nhiệt huyết và tài năng vốn có, suốt nhiều năm liền, cô tham gia và là “thủ lĩnh” trong các câu lạc bộ, các phong trào đoàn hội và giành được nhiều giải thưởng xuất sắc.
Khao khát thay đổi hệ thống giáo dục kỹ năng cho thế hệ trẻ Việt Nam
Kết thúc những tháng ngày sinh viên đầy năng động, cô Duyên quyết định lựa chọn đến với nghề “gõ đầu trẻ”, một nơi vừa giúp cô bộc lộ hết tài năng vừa thực hiện được những khát khao đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam hiện tại.
Bắt đầu với vai trò là giáo viên dạy giáo dục cảm xúc và kỹ năng sống, sau đó cô tiếp tục nghiên cứu và xây dựng chương trình phát triển kỹ năng mềm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 dựa trên nền tảng bộ khung năng lực Thế kỷ XXI giúp các bạn học sinh Việt Nam sẵn sàng trên hành trình hội nhập và trở thành một công dân toàn cầu. Hiện cô vẫn tiếp tục cống hiến trong vai trò Quản lý hệ thống câu lạc bộ Kỹ năng tại trường phổ thông liên cấp song ngữ quốc tế WellSpring SaiGon.
Với tâm tư của một người yêu nghề, cô luôn dành rất nhiều thời gian để chia sẻ và hỗ trợ các bạn trẻ trong việc trải nghiệm và rèn luyện các kỹ năng mềm từ những điều cơ bản nhất. Ngoài các hoạt động ngoại khóa tại trường, cô còn tổ chức cho các em tham gia những chuyến thiện nguyện về các vùng, địa phương còn nhiều khó khăn nhằm kết nối và chia sẻ được nhiều hơn về vốn sống và trải nghiệm kỹ năng.
Giảng dạy và hoạt động trong môi trường Quốc tế nhiều cởi mở đã giúp cô có được nhiều cơ hội để phát huy tài năng và từng bước hiện thực hóa giấc mơ của mình. Tuy nhiên, giáo dục trong nhà trường vẫn tồn tại những khuôn mẫu nhất định, không thể thay đổi chỉ trong ngày một ngày hai. Đó là lý do mà cô luôn nỗ lực kiếm tìm thêm những cơ hội mới. Hiện tại, cô đang đồng thời là giám đốc Đào tạo của Học viện Kỹ năng VTALK, một cơ sở giáo dục kỹ năng hàng đầu tại Bình Phước và thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi mà cô Mỹ Duyên đang dồn mọi tâm huyết nhằm tạo ra một làn sóng giáo dục mới nhằm thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh về giáo dục kỹ năng và đầu tư cho tương lai con em mình.
“Thời đại mới đang tạo ra những thay đổi chóng mặt mà nếu không được chuẩn bị kỹ càng, các em học sinh rất nhanh sẽ “hụt hơi” trong cuộc chiến không biên giới trên phạm vi toàn cầu này. Bản thân mình luôn nhìn vào bài học tiếp nhận tiếng Anh của người Việt để có động lực cố gắng cho quá trình “bình thường hóa” việc học kỹ năng. Mất gần 20 năm để người Việt chấp nhận tiếng Anh nên mình tin rằng những nỗ lực của bản thân hôm nay nhất định sẽ có kết quả tốt đẹp trong tương lai ” - cô Mỹ Duyên chia sẻ.
Giáo dục là một chặng đường dài, nơi luôn đòi hỏi sự đồng hành và hỗ trợ liên tục từ nhiều phía, từ phụ huynh, nhà trường, các ban ngành của Nhà nước… Nhưng với những gì mà cô Mỹ Duyên đang thể hiện, chúng ta có quyền tin và hy vọng vào một hệ thống giáo dục mới, cởi mở và thực tế hơn. Hy vọng vào sự đổi thay của những giáo viên tâm huyết và khao khát cống hiến như cô Mỹ Duyên. Chúng ta có quyền hy vọng vào một thế hệ trẻ trưởng thành và giỏi giang hơn.