Tác động của các khía cạnh văn hoá đến quá trình thiết kế
Để “đánh trúng” khách hàng mục tiêu, người làm thiết kế cần hiểu và nắm được nét đặc trưng trong văn hoá bản địa nơi thương hiệu hướng đến. Trên mặt trận thiết kế truyền thông và quảng cáo, văn hoá chính là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của một sản phẩm thiết kế.
Tại sao cần xem xét các yếu tố văn hoá khi thiết kế?
Văn hoá và nghệ thuật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau và tồn tại trong nhau. Do vậy, hoạt động thiết kế cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố văn hoá. Trong thiết kế đồ hoạ, một trong những bước đầu tiên và quan trọng nhất chính là nghiên cứu sâu về thương hiệu, về nhóm khách hàng mục tiêu mà thương hiệu đó hướng đến. Và để có được những điều đó, bạn cần tìm hiểu về văn hoá bản địa nơi khách hàng mục tiêu sinh sống bởi mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, tôn giáo đều có đặc trưng văn hoá riêng.
Để dễ hình dung, cùng theo dõi ví dụ đơn giản về thói quen ăn uống sau nhé:
Bạn ăn tối ở đâu? Bạn ngồi như thế nào? Bạn có nói trong khi ăn không? Bạn ăn với ai? Bạn ăn cái gì? Bạn ăn như thế nào? Bạn có uống trong bữa tối không?
Cách ăn uống của một người Châu Á sẽ rất khác với một người Châu Âu, thói quen ăn uống của những người sống tại vùng quê cũng rất khác so với những người sống ở thành thị. Do đó, những thiết kế liên quan đến các chủ đề bữa tối cũng sẽ rất khác nhau đối với cả hai nền văn hoá. Bạn nên sử dụng dao và nĩa để thiết kế poster bán đồ ăn cho người Nhật Bản hay dùng đũa sẽ phù hợp hơn?
Ở góc độ nào đó, văn hoá có thể làm phức tạp và khó khăn hơn cho thiết kế. Nếu muốn mang sản phẩm, dịch vụ hoặc triển khai một chiến dịch Marketing tại các quốc gia khác, các địa phương khác, bạn nhất định phải tìm hiểu rõ văn hoá bản địa tại đó.
Nếu bạn thường xuyên làm việc với nhiều khách hàng quốc tế, khách hàng đến từ các vùng miền khác nhau, trước khi bắt tay vào làm bạn cần nắm rõ một vài điều sau:
- Hiểu về đất nước, khu vực và khách hàng nơi bạn đang làm việc
- Xu hướng thiết kế ở đất nước, khu vực ấy thay đổi như thế nào?
- Ngôn ngữ hình ảnh (Visual Language) thay đổi như thế nào giữa các quốc gia, khu vực?
- Tác động của văn hoá đến thiết kế tại đất nước đó như thế nào?
- Những màu sắc, phông chữ và cách phân tầng thông tin nào được sử dụng phổ biến trong thiết kế?
Trong phần tiếp theo, hãy cùng xem xét một số yếu tố văn hoá ảnh hưởng đến thiết kế, từ đó hiểu hơn về cách thiết kế phù hợp cho từng nền văn hoá và xu hướng thiết kế.
Các yếu tố văn hoá ảnh hưởng đến thiết kế
Ngôn ngữ
Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong thiết kế, là chìa khoá để tiếp cận và giao tiếp với người dùng. Nếu màu sắc, biểu tượng, ký tự… định hình cách thiết kế, thì ngôn ngữ là yếu tố giúp truyền đạt câu chuyện của thương hiệu.
Tầm quan trọng của ngôn ngữ trong thiết kế được thể hiện rõ nhất ở những quốc gia đa ngôn ngữ, chẳng hạn như Ấn Độ với gần 29 ngôn ngữ chính thức ở mỗi bang. Tại những quốc gia này, việc thiết kế bao bì cho một sản phẩm sẽ liên quan đến nhiều loại ngôn ngữ bản địa khác nhau để giúp người tiêu dùng dễ hiểu, dễ đọc và dễ đưa ra quyết định.
Màu sắc
Là một trong những yếu tố bắt mắt và hấp dẫn trực quan của thiết kế, các yếu tố màu sắc có khả năng tác động đến nhận thức của người dùng về thương hiệu. Ngoài ra, ý nghĩa đằng sau mỗi màu sắc cũng có sự khác nhau giữa quốc gia này với quốc gia khác, nền văn hoá này với nền văn hoá khác. Chẳng hạn trong văn hoá người Pháp màu vàng có ý nghĩa là sự lừa dối, kém cỏi, trong khi tại Nhật Bản, màu vàng đại diện cho lòng dũng cảm, sự giàu có và tinh tế. Do đó, việc lựa chọn màu sắc phù hợp với văn hoá tại nơi bạn đang hướng đến là rất quan trọng.
Các màu sắc trong biển báo thường được sử dụng phổ biến trên phạm vi toàn cầu như màu đèn giao thông, nút dừng khẩn cấp, biển báo thoát hiểm và biểu tượng cảnh báo.
Biểu tượng (Symbols)
Các ký hiệu, biểu tượng được hình thành bằng cách sử dụng các đường nét cơ bản, hình tròn, số, bảng chữ cái và hình dạng. Chúng là những dấu hiệu, từ ngữ, hình ảnh hoặc tập hợp của hai hay nhiều điều trên có ý nghĩa liên kết chặt chẽ với nhau.
Tại nhiều nơi trên thế giới, có rất nhiều biểu tượng mang bối cảnh văn hoá mạnh mẽ và một số thậm chí còn mang tính chất tôn giáo. Một số biểu tượng đã ăn sâu vào suy nghĩ và trải nghiệm sống của nhiều người đến mức chỉ cần nhìn qua, họ cũng có thể hiểu được thương hiệu, quảng cáo hoặc thiết kế đại diện cho điều gì.
Ví dụ, Swastika (chữ vạn) là một biểu tượng của thần linh và tâm linh trong các tôn giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, với hầu hết người Châu Âu, Swastika được biết đến nhiều hơn với ý nghĩa là biểu tượng gắn liền với chế độ Đức Quốc xã.
Các biểu tượng lấy cảm hứng từ thiên nhiên, động thực vật, các thiên thể cũng tương tự như vậy. Ở một số nền văn hoá, chuột được coi là linh thiêng và là một phần trong danh sách 12 con giáp, thì tại một số nền văn hoá khác, chúng lại được coi là một loài vật gây phiền hại và lây lan bệnh tật. Từ góc độ thiết kế, trong khi cộng đồng Trung Quốc có thể đánh giá cao và coi yếu tố hình ảnh của chuột là phù hợp trong các poster hoặc bộ nhận diện thương hiệu, thì tại nhiều quốc gia khác họ không đầu tư vào một sản phẩm như vậy.
Bản địa hoá
Hiểu và biết được các thuật ngữ địa phương là rất quan trọng trong quá trình thiết kế. Chẳng hạn, ứng dụng Healthifyme là một ứng dụng cung cấp các dịch vụ như theo dõi lượng calo cho các mặt hàng thực phẩm, tư vấn về dinh dưỡng và thể dục tại Ấn Độ. Họ quan sát thấy rằng hầu hết các ứng dụng tương tự khác trên thị trường đều sử dụng các thuật ngữ chung chung. Vì vậy, họ bắt đầu dùng các thuật ngữ địa phương như “Roti/chapati” thay cho “bánh mì” và “Idli” thay cho “Bánh gạo” trên ứng dụng của mình. Họ cung cấp đầy đủ thông tin lượng calo của tất cả các loại thực phẩm Ấn Độ từ ẩm thực Bắc Ấn đến Nam Ấn. Cách bản địa hoá này hỗ trợ người dùng truy cập nhanh chóng và đáp ứng nhu cầu của họ trên ứng dụng.
Phong tục tập quán
Nắm rõ phong tục, tập quán của đối tượng nơi thương hiệu đang hoạt động là điều cần thiết trong việc thiết kế sản phẩm.
Ví dụ: McDonald’s – một trong những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất thế giới, hiện có hơn 400 cửa hàng đang hoạt động tại Ấn Độ đều treo biển không phục vụ các sản phẩm liên quan đến thịt bò hoặc thịt lợn. Điều này là do tại Ấn Độ, những người theo đạo Hindu không ăn thịt bò và họ coi việc đó là một tội lỗi nghiêm trọng, tương tự, người Hồi giáo cũng không ăn thịt lợn. Vì vậy, khi thiết kế sản phẩm liên quan đến những yếu tố nhạy cảm này, bạn cần thực sự lưu ý.
Kết
Cho dù bạn là một nhà thiết kế tự do, hay đang làm việc tại một tập đoàn lớn, tất cả những chi tiết nhỏ trong thiết kế của bạn cần có sự liên hệ sâu sắc với văn hoá của đối tượng mà bạn đang nhắm mục tiêu. Khi thiết kế đáp ứng được văn hoá, nó có thể mang lại cho bạn nhiều cơ hội thành công hơn.
Nguồn: Rubyk Agency