Marketer Nguyễn Thành Long
Nguyễn Thành Long

Chief Strategy Officer and Deputy Managing Director @ WOAY and Xanh Marketing

Học gì từ vụ “thất tình” của Highlands?

Học gì từ vụ “thất tình” của Highlands?

Bài đăng thể hiện sự hợp tác giữa hai thương hiệu MoMo & Starbucks với cách truyền tải úp úp mở mở đã khiến cộng đồng mạng tò mò và tạo được sự tương tác lớn. Và làn sóng thảo luận của cộng đồng mạng chỉ thực sự bùng nổ khi có sự góp mặt của Highlands.

Tóm tắt cho những ai còn chậm nhịp với vụ việc “thất tình” này.

Đêm 7/9/2022, Fanpage MoMo & Starbucks cùng đăng tải bài đăng tuy đơn giản nhưng khá tò mò: MoMo với hình ảnh icon trái tim màu xanh lá cây, trên nền màu hồng; Starbucks với hình ảnh icon trái tim màu hồng trên nền màu xanh lá cây. Bài đăng thể hiện sự hợp tác giữa hai thương hiệu với cách truyền tải úp úp mở mở, khiến cộng đồng mạng tò mò tạo được sự tương tác lớn.

Học gì từ vụ “thất tình” của Highlands?

Sau đó, fanpage Highlands đăng bài với icon trái tim tan vỡ. Điều đáng nói, sau đó hàng loạt fanpage của các thương hiệu khác như McDonald’s, Thành Bưởi, Gojek… cũng tham gia bình luận dưới vai trò là một thương hiệu, từ đó tạo nên làn sóng thảo luận thích thú của cộng đồng mạng.

5 bài học mà bạn có thể học từ vụ việc này.

1. MoMo là ví điện tử, điều cơ bản để MoMo tồn tại là người dùng phải xài ví. Có 2 thành phần cơ bản của “xài ví”: Một là thanh toán bằng ví, hai là có bỏ tiền trong ví. Mà muốn người ta chịu xài, và nhiều người chịu xài thì phải càng có nhiều điểm chấp nhận thanh toán bằng MoMo càng tốt. Tất nhiên, trợ lực khuyến mãi đi kèm như thanh toán bằng MoMo sẽ được ưu đãi hơn cũng là điểm không thể thiếu. Thế thì, thương hiệu nào nếu có lỡ “si tình” quá thì đừng nên si MoMo. MoMo sẽ còn tiếp tục làm việc với các thương hiệu khác, còn làm trái tim “người ta” tan nát dài dài.

2. Partnership Marketing – Hợp tác tiếp thị không phải là một khái niệm mới. Tuy nhiên, với sự “đắt đỏ” để mở rộng thị phần của doanh nghiệp – có thêm khách hàng mới, Partnership Marketing tuy truyền thống nhưng lại mang lợi ích lớn cho doanh nghiệp: tiếp cận được nguồn khách hàng của nhau, tận dụng kênh truyền thông – mạng lưới của mỗi bên, thậm chí san sẻ cả được về mặt ngân sách.

“Product is currency”.

3. Ai “cầm” page để đi comment dạo? Là Admin, hay Marketing/Brand Manager hay một bạn làm Social cho thương hiệu? Quy trình – quy định nội bộ để thực hiện các “phản ứng” trước các trend như vậy ra sao? Trong số các thương hiệu tương tác lẫn nhau trên mạng xã hội, thương hiệu toàn cầu chiếm số ít – chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hay các thương hiệu cần độ tin cậy cao trong các lĩnh vực như Tài chính, Dược – Sức khoẻ… gần như vắng bóng. Có thể họ cũng muốn “đu” lắm, nhưng sẽ có những rủi ro về lòng tin – cảm tình thương hiệu mà chính nhãn hàng đó chưa đủ thời gian để đánh giá, dự đoán được. Nếu tương lai nhiều thương hiệu vẫn muốn làm nhưng chưa có “gan” đu thì phải trả lời được các câu hỏi trên.

4. “Product is currency”. Cuối cùng mọi thứ cũng là sản phẩm. Sản phẩm đủ tốt sẽ tạo nên tính lan toả – phổ biến cho thương hiệu của bạn. Highlands trước “cú sốc” tình cảm đã nhanh tay làm ngay khuyến mãi từ ngày 8/9 với sản phẩm nước uống là Trà Xanh, và không quên kèm với giảm giá sâu. Hơi vô lý, nhưng thử hỏi không có sản phẩm trà xanh, hoặc không làm được nhanh thì e là đã mỏng manh mà còn “thiệt thân”.

5. Người dùng vẫn hay dùng từ “chơi” khi sử dụng mạng xã hội: chơi Facebook, chơi TikTok… Mà đúng là chơi thật. Người dùng hay khách hàng thích trải nghiệm giải trí, gì cũng được nhưng phải “dui”. Còn như thế nào mới “dui” thì tuỳ cái duyên trời cho của mỗi nhãn hàng vậy.

Nguồn: Thành Long Nguyễn