4 lý do khiến bài Thuyết trình thất bại - kinh nghiệm Thuyết trình thực tế

"Nhiều nỗ lực giao tiếp bị vô hiệu vì nói quá nhiều" (Robert Greenleaf). Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực tế là chúng ta đang bị ám ảnh bởi việc cố gắng nói thật nhiều, rằng chia sẻ càng lâu, truyền tải được càng nhiều kiến thức thì bài thuyết trình càng thành công. Tuy nhiên, thuyết trình không đơn thuần chỉ là một bài nói, mà đó còn là phương tiện cho học tập, là chìa khóa cho thành công nghề nghiệp. Chính vì thế, thuyết trình yêu cầu một kỹ năng thực thụ, phải đúng và phải đủ. 

Không khó để bắt gặp một bài thuyết trình dài lê thê gần cả tiếng đồng hồ. Trong nhiều cuộc thi, khi thời gian giới hạn khoảng 15-20 phút, vẫn có rất nhiều bạn thí sinh bị ban giám khảo ngắt ngang vì vượt mốc quy định. Hay đơn giản là một lời phát biểu, nhiều bạn học sinh vẫn loay hoay đến cả 5 phút mà vẫn không thể diễn đạt trọn ý, nêu đúng được vấn đề mà người nghe đang cần. 

Lý do tình trạng này là do đâu? 

Các bạn học sinh đang bị quá tải kiến thức

Thời đại internet cung cấp một kho tàng kiến thức khổng lồ. Quá dễ dàng để tiếp cận, tìm hiểu và cóp nhặt những kiến thức ấy về cho riêng mình. Cũng từ đây, chúng ta bị ám ảnh bởi việc bản thân sẽ bỏ lỡ những điều quan trọng, rằng luận điểm này hấp dẫn, lý thuyết này cũng hợp lý hoặc bài viết kia đưa vào sẽ thu hút hơn. Cứ như vậy, kiến thức chúng ta đưa vào bài nói trở nên dàn trải và bất tận. 

Việc quá nhiều nguồn kiến thức cộng với việc quá dễ dàng để tiếp cận cũng làm các bạn trẻ đánh mất đi khả năng tư duy và phản biện với vấn đề. Đây cũng là lý do khiến nội dung nhiều bài nói thiếu độ chuyên sâu, nhạt nhòa và dễ trùng lặp ý tưởng do tham khảo từ các nguồn giống nhau. 

Kỹ năng viết chưa tốt

Khi nhắc tới thuyết trình, nhiều bạn dễ bị nhầm lẫn với kỹ năng sân khấu chẳng hạn như Powerpoint, ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu… Việc nhầm lẫn này khiến mọi người cho rằng, giỏi thuyết trình là phải làm được Powerpoint đẹp, là có ngôn ngữ cơ thể khéo léo hay một giọng nói truyền cảm mà quên đi việc chuẩn bị một nền tảng kiến thức vững chắc cho chủ đề mình trình bày. Muốn nói tốt, chúng ta buộc phải viết tốt. Quá trình viết nội dung giúp bố cục bài nói được mạch lạc và rõ ràng hơn. Để có thể lập luận thành công một vấn đề, chúng ta cần có một quan điểm vững vàng, một hệ thống luận điểm logic và các luận cứ chứng minh xác đáng. Do đó, kỹ năng viết phải là yếu tố đầu tiên, là kỹ năng cơ bản mà mọi người buộc phải trau dồi nếu muốn có cho mình một bài thuyết trình hoàn hảo. 

Để nắm rõ hơn về tầm quan trọng của kỹ năng viết đối với bài thuyết trình, các bạn có thể tham khảo bài viết “Viết hay ắt nói giỏi”. 

Kỹ năng kiểm soát suy nghĩ và lời nói chưa tốt

Theo Phòng thí nghiệm Hình ảnh Thần kinh tại Đại học Nam California, trung bình một người có khoảng 48,6 suy nghĩ mỗi phút. Con số đó lên tới 70.000 suy nghĩ mỗi ngày. Đây là một con số khủng khiếp so với những gì chúng ta biết về não bộ của mình. Và với lượng suy nghĩ cực lớn như vậy, nếu chúng ta không học được kỹ năng kiểm soát và phân bổ hợp lý, những gì chúng ta nghĩ và nói ra sẽ rất dễ lạc hướng. 

Khi thiếu kỹ năng kiểm soát suy nghĩ và lời nói, người trình bày dễ bị cảm xúc cá nhân “thao túng” tâm trí hơn. Chẳng hạn, cảm giác lo lắng hay sợ hãi khi đứng trước đám đông khiến bạn quên mất những gì mình cần nói, các luận điểm bắt đầu bị mâu thuẫn và giọng nói bị vấp, biểu cảm thiếu tự tin cũng sẽ lộ rõ ra bên ngoài. Khi ấy, nhiều người sẽ nói hoàn toàn theo bản năng, nghĩa là nghĩ được gì thì nói nấy, không có trọng tâm, không logic và bài nói sẽ trở nên mất kiểm soát. 

Thiếu cơ hội luyện tập, trau dồi khả năng thuyết trình thực tế. 

Đối với các bạn sinh viên, môi trường học tập cho các bạn nhiều cơ hội để rèn giũa thông qua các bài thuyết trình cá nhân, thuyết trình nhóm hoặc các cuộc thi từ câu lạc bộ ở trường. Tuy nhiên, các bạn học sinh lại rất ít khi có được những cơ hội này. Đặc biệt là các bạn học sinh ở nông thôn, nơi mà các kỹ năng mềm như thuyết trình vẫn chưa được chú trọng đào tạo khiến các bạn gặp nhiều khó khăn khi bước vào quãng đường đại học và cả công việc về sau này. Đây cũng chính là lý do mà đội ngũ lãnh đạo của Học viện Kỹ năng VTALK - cơ sở đào tạo thuyết trình hàng đầu tại thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực lên kế hoạch nhằm xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục kỹ năng tại khắp các tỉnh thành. Hy vọng trong tương lai, với sự đồng hành và phát triển của các cơ sở đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp, các bạn trẻ sẽ có nhiều hơn những cơ hội và môi trường phù hợp để phát triển toàn diện bản thân. 

Kỹ năng thuyết trình có thể là bước đệm giúp bạn chinh phục những thử thách nhưng cũng sẽ là rào cản lớn nếu bạn không biết sử dụng chúng hiệu quả. Khán giả chỉ có thể tập trung lắng nghe bài thuyết trình trong vòng 18 phút. Đôi khi đó là những giây phút quyết định cuộc đời một con người. Chính vì thế, thay vì để nó trôi qua trong lãng phí và hối tiếc, hãy tạo cơ hội cho bản thân được rèn luyện và chuẩn bị cho tương lai của chính mình.