Giọng vùng miền trong giao tiếp - 'Rào cản' hay 'dấu ấn'?
Ít trau chuốt, không khuôn định hình thức rạch ròi… nhưng giọng nói địa phương luôn giữ vị trí quan trọng trong ngôn ngữ nói riêng và văn hóa Việt nói chung. Tiếng nói địa phương cũng hệ thống từ vựng riêng biệt giúp cho tiếng Việt có được khả năng nội sinh và duy trì qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thái độ nhìn nhận đúng đắn về giá trị và vị trí của giọng nói địa phương.
Quá trình đô thị hóa kéo theo việc các trung tâm công nghiệp lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh... có xuất hiện hầu hết ngôn ngữ vùng miền. Điều đó, khiến những người con xa xứ không ít lần phải phân vân trong những trường hợp cần tạo lập cuộc hội thoại (kể cả trang trọng, không trang trọng): Giữ giọng nói quê hương hay tập giọng người Sài Gòn, người Hà Nội để dễ hòa nhập hơn? Sử dụng “giọng quê cha” liệu có bị cô lập trong môi trường đòi hỏi tính giao tiếp, kết nối cao? Có nên mang giọng gốc của quê hương trước các buổi diễn thuyết? Giọng quê hương có ảnh hưởng đến chất lượng các bài thuyết trình?
“Âm sắc” vùng miền
Trong cuốn sách “Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ,” nhà ngôn ngữ học Gaston Dorren đã từng nhận định rằng tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ lớn nhất thế giới. So với tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, ắt hẳn tính phổ biến của tiếng Việt sẽ lùi lại. Nhưng, xét đến tính hàm nghĩa và độ đa dạng “âm sắc”, tiếng Việt luôn giành được vị thế của mình. Tiếng Việt giàu có bởi chính những giá trị tự thân được kiến thiết từ ngàn đời, đúc kết từ đời sống cha ông. Tiếng Việt mang dấu ấn riêng khi khó tìm được loại ngôn ngữ nào chứa nhiều thanh điệu đến vậy. Tiếng Việt đồ sộ bởi đây là ngôn ngữ của hơn 97 triệu dân đến từ đa dân tộc, đa vùng miền. Nói cách khác, phương ngữ là một trong những yếu tố không nhỏ làm nên sự đa dạng cho ngôn ngữ Việt nói riêng và văn hóa Việt nói chung.
Giọng nói là tín hiệu đầu tiên để người đồng hương nhận ra nhau. “Âm sắc” trong chất giọng mỗi vùng mỗi khác. Đa thanh điệu là yếu tố chung của tiếng Việt, thế nhưng mỗi vùng lại có ngữ điệu riêng, đặc trưng và được duy trì qua nhiều thế hệ. Nếu lấy Huế là trung tâm, “âm sắc” tiếng Việt được phân thành 3 vùng là chủ yếu: giọng Bắc, giọng Trung, giọng Nam.
Giọng miền Bắc có sự phân biệt thanh hỏi và thanh ngã rõ rệt nhất, cách phát âm phụ âm cuối đầy đủ nhất ở ba khu vực. Khẩu hình phát âm của người miền Bắc tròn hơn, nên âm được phát ra dày dặn, thâm trầm, nội lực hơn. Các tiếng trong một câu được người miền Bắc lựa chọn nhấn nhá rõ hơn tùy theo nội dung họ muốn diễn đạt. Tuy nhiên, ngay trong phạm vi Miền Bắc, giọng nói cũng thay đổi từ vùng này sang vùng khác. Khởi đầu từ cực bắc với Sơn tây, Lạng sơn, Cao bằng,… giọng miền bắc có một chút “ngọng nghịu” và phát âm [L] và [N] đều thành [N], ví dụ “long lanh” thành “nong nanh”, “nung nấu” thành “lung lấu”. Theo một vài nghiên cứu khảo cố, cách phát âm ngọng như vậy là một trong những dấu tích của âm cổ xưa còn sót lại. Giọng Hải phòng và Hà nội vẫn có một chút khác biệt, vì nghe như giọng Hải phòng nặng hơn, giọng Hà nội nghe có phần cách điệu, trang nhã hơn.
Giọng miền Trung thể hiện âm sắc địa phương rõ nhất so với hai vùng còn lại, hơn nữa nội bộ các huyện, tỉnh ở miền Trung cũng có sự phân biệt giọng đa dạng, phong phú. Góp nhặt từ vùng đất đầy nắng và gió, Nghệ An vẫn thừa hưởng những đặc trưng của phương ngữ miền Trung nhưng đồng thời lại mang nét rất riêng. Âm điệu và từ vựng của tiếng Nghệ An rất đặc sắc. Âm điệu giọng Nghệ An nặng và dày nhất trong hầu hết các giọng địa phương.
Bên cạnh đó, người xứ Nghệ hay chuyển đổi thanh hỏi, thanh ngã sang thanh nặng chẳng hạn như “bình tĩnh”- “bình tịnh”, “có lẽ”- “cò lẹ”,... Ngoài ra, tiếng Nghệ đặc trưng đến mức có hẳn một hệ thống từ địa phương dồi dào, nên nếu bạn là người tỉnh khác đến đây sẽ rất khó để hiểu trọn vẹn một cuộc đối thoại của cư dân gốc. “Túi ra ri” phỏng nghĩa là “ tối thế này”, tương tự “gắt khi mô”- “gặt khi nào”, “ rọng su hung”- “ ruộng sâu không”,... Tiếng Nghệ đã trở thành đặc sản, tiếng Nghệ mang tính tự tôn cao, quý giá đến mức người dân nơi đây dù có đi đâu chăng nữa trở về mảnh đất này vẫn giữ được sự đặc trưng vốn có.
"Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em."
Trong khi đó, dù thuộc nội bộ khu vực miền Trung, nhưng Bình Định, Phú Yên lại mang chất giọng khác biệt hẳn. Người khu vực này khi phát âm ít có sự phân biệt rõ các âm sau: r/d/gi, ch/tr, s/x,..., đồng thời thường đọc chại âm, đổi vần như: ê thành ơ (cà phê→ cà phơ) hoặc âm ê thành vần ia ( lấy về→ lấy dìa); vần êm/ iêm→ im (thêm vào→ thim vào); vần oa thành âm a (toa tàu→ ta tàu); vần uê thành âm ê ( huề nhau→ hề nhau);... Tương tự như giọng xứ Nghệ, tiếng Bình Định, Phú Yên cũng mang nét riêng tuy cùng được phát triển dựa trên vốn ngôn ngữ Việt.
Giọng miền Nam thường được đánh giá rằng dễ nghe, dễ hiểu nhất nhưng nếu đi sâu khai thác, tìm hiểu về cấu âm, ngữ điệu... tiếng miền này cũng có khá nhiều điểm khác biệt đi cùng hệ thống từ vựng địa phương không kém phần phong phú, “độc lạ” tương tự như hai vùng miền vừa kể trên. Phương ngữ Nam Bộ có những nét khu biệt với phương ngữ Bắc Bộ hay Trung Bộ, mà những phương ngữ khác khó xâm nhập. Nếu ở miền Bắc tiếng Hà Nội khác tiếng Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… thì ở Nam Bộ tiếng Sài Gòn và tiếng 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung không khác nhau mấy. Nghĩa là chúng có sự thống nhất tương đối cao. Người Nam Bộ có phong thái nói nhanh, ít khi có sự phân biệt thanh hỏi và ngã.
Truy nguyên về nguồn gốc phương ngữ phía Nam, người ta nhận thấy quá trình sông bồi đắp phù sa tạo đồng bằng cũng ảnh hưởng rất lớn. Không ít những từ ngữ người dân phía Nam sử dụng có liên quan ít nhiều đến sông nước chẳng hạn: để chỉ việc đi nhờ người khác có từ “quá giang”; anh em cùng làm rể trong một gia đình được gọi là “anh em cột chèo”- cột chèo là một bộ phận trên ghe; nói về sự hết mình, đạt được kết quả tối ưu người dân nơi đây có từ “ tới bến”; nhường nhịn ai đó được thay bằng cách nói “xuống nước”...
Ngoài ra, một số thành ngữ cũng thể hiện được đặc trưng đó như : “ Vuốt đuôi lươn” ám chỉ những người nói và làm không có lập trường; “Ăn như xáng múc, làm như lục bình trôi” chỉ những ai chỉ biết lo ăn uống lười nhác công việc. Nhìn chung, giọng người miền Nam thể hiện sự mộc mạc, thường nhật, chân chất. Xét về tính hàm nghĩa, nghĩa các câu từ được người miền Nam sử dụng thẳng thắn, trực tiếp hơn theo lối “ có sao nói vậy, nghĩ gì nói ấy”, tuy nhiên vẫn có sự khác nhau ở từng cá nhân phát ngôn.
Khác biệt do đâu?
Ngôn ngữ là thứ tài sản quý báu, lâu đời của dân tộc. Để tạo sự thống nhất, tiếng Việt cần tính hệ thống dù được hợp thành từ đa dân tộc, đa văn hóa. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc loại bỏ hết yếu tố đặc trưng của từng vùng miền. Sự phân biệt giọng nói theo ba vùng nêu trên chỉ mang tính tương đối, hơn nữa nội bộ trong từng khu vực vẫn có điểm khác biệt giữa các tỉnh các huyện. Hội nhập, di dân từ vùng huyện tỉnh xa xôi đến các trung tâm công nghiệp lớn khiến vấn đề “ hòa nhập hay hòa tan” cũng được đặt ra với ngôn ngữ nói riêng và văn hóa vùng miền nói chung.
Sự khác biệt về giọng vùng miền được tạo thành bởi rất nhiều yếu tố. Trước hết, xét về yếu tố địa lý, lãnh thổ Việt Nam thống nhất tương đối thành một dải hình chữ S, tuy nhiên xen kẽ các vùng chuyển tiếp được ngăn cách bởi khá nhiều dãy núi, con sông lớn. Những dãy núi ngang ở miền Trung như Tam Điệp, Hoành Sơn, Bạch Mã... tạo thành rào cản tự nhiên mà trước thế kỉ XX khi khoa học công nghệ chưa phát triển, con người khó có thể vượt qua. Ngăn cách địa lý cũng khiến màu sắc giọng nói địa phương ít bị lai trộn. Sự cô lập tương đối về địa lý và khí hậu tạo nên sự khác biệt cho âm sắc ba vùng miền. Ngoài ra, với vị trí đặc biệt, các khu vực đồng bằng Trung Bộ không chỉ dừng lại giao tiếp nội khu mà còn mở rộng giao tiếp với nước ngoài thông qua cảng biển như: Hội An, Đà Nẵng... Bằng đường biển, khu vực này còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với vùng Đông Nam Bộ. Chính vì những lý do trên, dải đất Trung Bộ là nơi hình thành nhiều phương ngữ nhất, “âm sắc” giọng nói của người dân vì thế mà cũng đa dạng thêm.
Về yếu tố lịch sử, thông qua các cuộc di dân người ta có thể lý giải được phần nào sự khác biệt về âm sắc giọng. Trong suốt thời Bắc thuộc và giai đoạn đầu của thời tự chủ, cư dân Việt-Mường chủ yếu tiếp xúc với ngôn ngữ và văn hóa của người Tày, người Hán. Sự tiếp xúc này tạo ra sự biến đổi nhất định về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm như: rơi rụng âm tiết phụ, rơi rụng phụ tố, biến đổi phụ âm cuối, hình thành thanh điệu. Vào cuối thời kỳ Bắc thuộc, tiếng Việt ở Bắc Bộ và tiếng Việt ở Bắc Trung Bộ tách ra thành hai phương ngữ. Đến khoảng thế kỷ XII, tiếng Việt ở Bắc Bộ đã hình thành đến 6 thanh điệu; trong khi tiếng Việt ở Bắc và Trung Trung Bộ từ Thanh Hoá đến Bắc Quảng Trị chỉ có 5 thanh điệu, thậm chí một số thổ ngữ cổ ở vùng này chỉ có 4 thanh điệu.
Về yếu tố kinh tế, văn hóa Việt gắn liền với nền nông nghiệp gắn liền với tập tính sinh hoạt của người dân như: định cư thành làng xóm ven sông, tự cung tự cấp... Chính vì thế, như cầu trao đổi, thương mại hóa của người dân khi ấy rất ít. Người dân chủ yếu sinh sống trong nội bộ, làng xã, hạn chế di chuyển xa trừ khi có việc thật cần thiết. Vì vậy, sự phân hóa ngôn ngữ nói chung và “âm sắc” giọng vùng miền có sự phân hóa nhanh và rõ nét hơn so với những nền kinh tế gắn với du mục và thương nghiệp.
Hơn nữa, sự thích nghi với môi trường sống cũng ảnh hưởng lớn đến việc tạo ngữ điệu Ngoài ra, sự thích nghi với môi trường sống cũng chi phối âm sắc và vốn từ địa phương. Chẳng hạn như, nhóm cư dân vùng cao nguyên thường có cách nói ngắn gọn, đơn âm; hệ thống từ vựng gắn với việc săn bắt, khai phá... trong khi đó cư dân vùng đồng bằng lại có cách diễn đạt ý nhị, văn hoa hơn, ngữ điệu ngân dài hơn; hệ thống từ vựng có liên hệ trực tiếp với sông nước như vừa chỉ ra ở trên.
Bắc - Trung - Nam: đều là giọng Việt!
Như đã khẳng định, sự phân định khu vực giọng vùng miền chỉ mang tính tương đối nhằm chỉ ra sự khác biệt cơ bản trong cách phát âm và hệ thống từ vựng đặc trưng. Sự phân biệt trên không nhằm tạo sự ngăn cách giữa người dân các vùng. Quá trình đô thị hóa khiến dân cư tại mỗi khu vực đa dạng hơn, tuy có sự chênh lệch giữa dân bản địa và dân ngoại tỉnh. Lòng tự tôn quê hương luôn có dù con người có thay đổi chỗ ở hay nơi làm việc. Tuy nhiên, tính tồn tại của giọng nói khác miền nhiều trường hợp không được coi trọng đúng mức. Điều đó dẫn đến những việc như: Người Nghệ An sợ nói giọng Nghệ? Người Phú Yên, Bình Định chịu nhiều định kiến khi nói giọng xứ Nẫu? Người dân miền khác đa phần gặp khó khăn trong giao tiếp thường nhật và diễn thuyết trước đám đông lại càng gặp nhiều trở ngại hơn.
Giọng vùng miền gắn bó với người dân không chỉ đơn thuần là cách phát âm mà nó còn mang theo lòng tự trọng, niềm tự hào. Thế nhưng đứng trước sự đánh giá của số đông, trong trường hợp cần sự giao tiếp, kết nối cao, đa phần họ lựa chọn cố học theo giọng của người bản địa để tránh những phán xét không hay. Hiện trạng trên dẫn đến việc không ít người xa quê hương lâu mà quên dần tiếng quê cha.
Vậy thì, nếu ai cũng tập theo tiếng Hà Nội, tiếng Sài Gòn liệu hiệu quả giao tiếp sẽ được cải thiện? Bỏ đi giọng “quê cha” là bỏ đi một rào cản?
Trước hết có thể khẳng định rằng: yếu tố quyết định sự thành bại của một cuộc giao tiếp hay chất lượng của bài diễn thuyết nằm ở giá trị bên trong. Theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam - Founder & CEO Học viện Kĩ năng VTALK: “Giá trị nội tại của một diễn giả bao gồm ba cấu thành quan trọng là Kiến thức chuyên môn, Sự say mê, và Lòng thấu cảm.” Hay nói cách khác, âm sắc giọng vùng miền không phải là yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng của các cuộc đối thoại. Nhận định về những khó khăn của người miền khác khi làm việc và sinh sống và làm việc tại các trung tâm thành phố lớn, ông cho rằng: “ Việc cố tập nói theo giọng Sài Gòn, giọng Hà Nội phản ánh sự nỗ lực hòa nhập của những người con lập nghiệp xa xứ. Tuy nhiên, việc đánh giá về “âm sắc” giọng vùng miền có hay hay không, tiện hay không còn nằm ở suy nghĩ riêng của mỗi người. Chúng ta chỉ có thể đưa ra yêu cầu về giọng chuẩn dùng trong phổ thông và các chương trình mang tính toàn dân, còn giọng hay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khác. Vì thế, giải pháp hòa nhập cho người khác vùng là cần biết lựa chọn trường hợp giao tiếp phù hợp, lưu ý đến nội dung nói và đối tượng nghe…”
Một bài diễn thuyết vẫn có thể kết hợp đa sắc giọng để tạo dấu ấn riêng. Nếu sử dụng đúng cách, giọng quê hương có thể trở thành ưu điểm của bài thuyết trình.