Marketer Tạ Ngọc Thu Trang
Tạ Ngọc Thu Trang

Content Writer Intern @ BrandsVietnam

Bookaholic #18: Gã nghiện giày - Hành trình từ xưởng giày 50 USD đến đế chế trị giá hơn 30 triệu USD của Nike 

Bookaholic #18: Gã nghiện giày - Hành trình từ xưởng giày 50 USD đến đế chế trị giá hơn 30 triệu USD của Nike 

Hồi ký "Gã nghiện giày" của cha đẻ đế chế Nike đã trở thành sách gối đầu giường cho nhiều nhà kinh doanh trẻ. Đi qua những trải nghiệm thăng trầm từ dòng hồi ức trong cuốn sách, người đọc sẽ có cơ hội hiểu thêm về tinh thần "Just do it" - chìa khoá giúp Nike đạt được thành công vạn người hâm mộ. 

500 trang sách cất giữ cả một hành trình xây dựng đế chế Nike. Tự truyện của ông Phil Knight được bình chọn là một trong những cẩm nang phát triển thương hiệu được các doanh nhân trẻ “săn đón”. Tuy nhiên, không chỉ bàn về chuyện kinh doanh, “Gã nghiện giày” còn chia sẻ những bài học thú vị về tính trung thực, sự kiên trì, nhẫn nại và niềm đam mê “bất tận”. Vậy nên quyển sách cũng sẽ phù hợp với những độc giả yêu thích thương hiệu thời trang Nike, mong muốn tìm hiểu bí mật đằng sau đế chế thời trang thể thao này.

Hành trang khởi nghiệp từ 50 USD 

Phil Knight bên cạnh những đôi giàu đầu tiên của mình
Nguồn: Pinterest

Năm 1962, Phil Knight “chân ướt chân ráo" bước vào ngành sales, mãi sau đó tân cử nhân nhút nhát vẫn chỉ dậm chân tại chỗ vì không thể bán được hàng. Dù vậy, điều này cũng không thể cản bước cậu thanh niên với những ý tưởng điên rồ của mình. Phil Knight có ý định đưa những đôi giày chạy hiệu Tiger của Nhật Bản du nhập đất Hoa Kỳ. 

Với một ý tưởng sơ khai, cậu thanh niên vượt Thái Bình Dương để thuyết phục những doanh nhân Nhật Bản, bao gồm ban lãnh đạo của công ty Onitsuka – công ty sở hữu thương hiệu Tiger. Bất ngờ thay, ý tưởng điên rồ của ông đã được thông qua. Trong khoảnh khắc đại diện công ty Onitsuka hỏi về tên công ty của Phil, ông đã bật ra một cái tên lạ lùng: Blue Ribbon. Sau thương vụ thành công đầu đời, Phil không vội trở về Hoa Kỳ mà quyết định du lịch vòng quanh thế giới. Chuyến đi đã giúp Phil mở mang tầm mắt, góp nhặt những ý tưởng, kinh nghiệm hữu ích cho hành trình xây dựng đế chế Nike sau này.

Quay trở về quê hương, ông quyết định vay bố 50 USD, để đặt những viên gạch đầu tiên cho đế chế Nike bằng việc phân phối độc quyền giày Tiger tại Mỹ. Tiền thân của thương hiệu mang tên Blue Ribbon. Đồng thời, cốp xe hơi và tầng hầm tại nhà được Phil chọn làm địa điểm bán 300 đôi giày đầu tiên do công ty Onitsuka cung cấp.

Sau hành trình dài tìm kiếm, Phil Knight đã bắt đầu chặng đường chinh phục ước mơ với hành trang khởi nghiệp “như có như không” trị giá 50 USD cùng đam mê ấp ủ và thật nhiều nhiệt huyết.

Chiến lược tuyển chọn “những kẻ điên mộng mơ"

Dọc theo hành trình phát triển của Blue Ribbon, Phil đã tập hợp được một đội ngũ nhân sự đáng tin cậy. Những người ông có thể đặt trọn niềm tin và cũng tin tưởng tầm nhìn, sứ mệnh của Blue Ribbon.

Đội ngũ thế hệ F1 của Nike không phải là những nhân vật “bình thường". Họ là một tập hợp những “kẻ dị” trái ngược nhau. Nhưng chính sự trái ngược đó đã tạo nên một đội kết hợp ăn ý. Sự trái tính trái nết giúp từng thành viên có thể nhìn thấy được tài năng và cả khuyết điểm của đồng đội để kịp thời góp ý.

Tinh thần “Just do it" hoang dại đã được thể hiện rõ thông qua những hoạt động bonding đời đầu. Một vài lần trong năm Phil sẽ tổ chức những buổi nhậu bonding, nơi mọi người được tự do hét vào mặt nhau những điều bản thân “lấn cấn" trong quá trình làm việc. Những hoạt động này giúp nhân sự của Blue Ribbon hiểu rằng không điều gì có thể ngăn họ bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình.

Phil Knight (Trái) và Jeff Johnson (Phải)
Nguồn: Marketingai

Trong công việc hàng ngày, Phil đã áp dụng lời khuyên của tướng Patton nổi tiếng: “Đừng cầm tay chỉ việc mà hãy cho họ biết những điều cần làm, phần còn lại hãy để cấp dưới làm bạn ngạc nhiên với kết quả sau cùng".

Ví dụ, Phil chưa từng bảo cộng sự thân tín của mình – Jeff Johnson – phải làm như thế này hoặc thế kia. Ông cũng không phàn nàn trước núi email của Jeff trình bày vô vàn ý tưởng và quan điểm của mình, kể cả những trò đùa làm dịu không khí.

Không chỉ vậy, sự kết nối còn được thể hiện qua việc Phil luôn lắng nghe ý kiến của các nhân viên trước khi ra những quyết định quan trọng. Vào năm 1971, Blue Ribbon đã quyết định ngừng phân phối sản phẩm của Onitsuka và bắt đầu sản xuất, phân phối sản phẩm của riêng mình.

Tuy nhiên, cái tên Blue Ribbon sẽ không còn phù hợp với lần chuyển mình trọng đại này. Thay vì tự mình quyết định, Phil đã cùng thảo luận với đội ngũ nhân viên của mình. Cuối cùng, Nike – cái tên được Jeff Johnson nằm mộng thấy – đã được chọn. Nike khiến Phil nhớ đến sự trầm trồ, ngưỡng mộ của bản thân khi đứng trước Điện thờ Nike (the Temple of Nike) nhiều năm trước đây trong chuyến đi đến Athens.

 Điện thờ Nike – nguồn cảm hứng cho tên thương hiệu 
Nguồn: acropolis-tickets

Tinh thần Just do it – Chìa khoá thoát hiểm khó khăn của Nike

“Just do it” là kết tinh những giá trị cốt lõi và là kim chỉ nam giúp Phil Knight và cộng sự vượt qua khó khăn từ những ngày đầu thành lập thương hiệu giày Blue Ribbon. 

Cũng như những startup khác, công ty phân phối giày Tiger tại Mỹ cũng đối mặt với nhiều thử thách tưởng chừng không thể “trở mình”, từ việc thiếu vốn, thiếu nhân lực, đến sự mâu thuẫn nội bộ... Tiêu biểu là vụ kiện lớn với đối tác Onitsuka vào năm 1973. 

Sau nhiều nỗ lực, mối quan hệ hợp tác giữa Blue Ribbon và Onitsuka đã phát triển thuận lợi đem lại lợi nhuận cho các bên thông qua việc liên tục mở rộng thị trường. Song, cuộc vui nào cũng có điểm dừng. Mâu thuẫn về giá trị lợi ích là điều khó có thể tránh khỏi trong kinh doanh. Nhà sản xuất Onitsuka đã khởi kiện Phil Knight tại Nhật Bản với lý do vi phạm hợp đồng và buộc công ty này phải chi trả khoản bồi thường. Theo Onitsuka, việc Blue Ribbon bắt đầu sản xuất và phân phối các dòng giày thể thao thuộc thương hiệu Nike đã ảnh hưởng đến lợi ích của họ và vi phạm hợp đồng phân phối giày Tiger đã ký trước đây.

Trước những khó khăn và thử thách dồn dập, tinh thần “máu điên" chiến đấu hết mình của Phil Knight đã góp phần giúp Nike thoát khỏi những thử thách mang tính quyết định.

“Kẻ tám lạng người nửa cân”, nhà sáng lập Nike phát hiện đối tác có động thái “lén lút” tìm nhà phân phối mới tại Hoa Kỳ. Đứng trước nguy cơ phá sản bởi vụ kiện, Blue Ribbon đã tự vệ bằng cách khởi kiện lại Onitsuka tại Hoa Kỳ với lý do vi phạm hợp đồng phân phối độc quyền. Do đó, việc Blue Ribbon thành lập thêm Nike được xem là động thái “move on" của Phil trước hành động “vắt chanh bỏ vỏ" của Onitsuka. Dựa trên những bằng chứng của nguyên đơn và bị đơn, may mắn đã mỉm cười khi thẩm phán tuyên bố chiến thắng thuộc về doanh nhân trẻ và công ty từ Nhật Bản buộc phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra. 

Trước những khó khăn và thử thách dồn dập, tinh thần “máu điên" chiến đấu hết mình của Phil Knight đã góp phần giúp Nike thoát khỏi những thử thách mang tính quyết định. Những sự kiện này một lần nữa khẳng định mức độ quan trọng của tinh thần Just do it (tạm dịch: Cứ làm đi) xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của Nike, chứng minh rằng ba chữ “Just do it" không chỉ là một câu nói suông. 

 

Dám thay đổi để đổi lấy thành công

Trong suốt 40 năm đồng hành cùng Nike, ông Knight đã nhiều lần lột xác Nike với những chính sách mới của mình. Cụ thể vào những năm 1980, tư duy đổi mới đã giúp Nike vượt qua những thách thức tài chính. 

Nhà sáng lập Nike luôn điều hành hoạt động kinh doanh theo phương châm “grow or die” (tạm dịch: phát triển hoặc chết). Nghĩa là ngoại trừ các chi phí cố định như lương nhân viên, ông sẽ dành toàn bộ lợi nhuận cho việc tái đầu tư vào thương hiệu. Vậy nên khi nhãn hàng đối mặt với lời từ chối vay vốn từ các ngân hàng và “món nợ” 25 triệu từ Chính phủ, Phil Knight buộc phải quyết định IPO cho thương hiệu. Mặc dù trước đây mối quan ngại về việc lên sàn có thể dẫn đến tình trạng mất quyền kiểm soát, hoặc phai mờ văn hoá và sự tự do khi điều hành công ty luôn là rào cản khiến Nike ngần ngại phát hành cổ phiếu trên thị trường. Tuy nhiên, bằng tư duy mới, tập trung nghiên cứu tái cấu trúc công ty, đội ngũ lãnh đạo Nike đã thiết kế mô hình cổ phần riêng giúp thương hiệu đảm bảo quyền chủ động trong kinh doanh. 

Bìa Shoe Dog
Nguồn: Nhã Nam Facebook Fanpage

Ngoài ra, không thể không kể đến khoảng thời gian những năm 90 – thời điểm đen tối khi thương hiệu bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường và bóc lột sức lao động tại các xưởng sản xuất ở Châu Á. Thậm chí có nhiều nguồn tin chứng minh rằng kho cao su - nơi thương hiệu dự trữ thân trên và đế giày - phát ra mùi gây khó thở, độc hại và dễ gây ung thư. Với quy mô thương hiệu lúc bấy giờ và những tác hại đến môi trường, nhãn hàng trở thành trung tâm “hứng chịu” sự phẫn nộ từ cộng đồng.

Trong bối cảnh “đứng đầu ngọn sóng”, ông Phil và các cộng sự đã thẳng thắn thừa nhận những sai lầm của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường và người lao động. Và sau hơn 10 năm kiên trì nghiên cứu và cải tiến, Nike đã ra mắt kho chứa đế và thân giày cao su đặt dưới nước đầu tiên trên thị trường. Cải tiến này được chứng minh giảm thải chất gây ung thư trong không khí đến 97%. Ngoài ra, để lan toả những giá trị tích cực đến cộng đồng và hướng đến xây dựng ngành công nghiệp bền vững, thương hiệu thời trang thể thao đã chia sẻ phát minh của mình đến các đối thủ. Nghiên cứu mới của nhãn hàng đã được phổ biến rộng rãi và thay đổi ngành công nghiệp thể thao.

Từ đây, Phil Knight đã giúp các doanh nghiệp trẻ nhận ra được sự biến động không ngừng của thị trường và hoạt động kinh doanh. Vậy nên, để có thể bắt kịp nhịp điệu đó, các thương hiệu cần phải có tư duy đổi mới và không ngừng cải tiến dịch vụ, công nghệ của mình nhằm hướng đến xây dựng những giá trị bền vững trong kinh doanh. 

Tự truyện về hành trình khởi nghiệp của “gã nghiện giày” – nhà sáng lập thương hiệu thể thao Nike đã khẳng định giá trị của niềm đam mê, sự nhiệt huyết và những ý tưởng “điên rồ” trong quá trình quản lý thương hiệu. Chính niềm tin vào bản thân cùng với giá trị của thương hiệu đã giúp Nike phá bỏ những giới hạn vốn có. 

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcast cùng chuyên mục tại đây.

Thu Trang / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam