[Sách mới] Thomas A. Harris: “Tôi ổn – Bạn ổn” – Khám phá cấu trúc nhân cách và phương pháp trị liệu tâm lý trong Thuyết phân tích Tương giao

[Sách mới] Thomas A. Harris: “Tôi ổn – Bạn ổn” – Khám phá cấu trúc nhân cách và phương pháp trị liệu tâm lý trong Thuyết phân tích Tương giao

Phần đông chúng ta đều bước vào đời với một phần nhân cách dễ tổn thương, chứa đầy cảm giác “Tôi không ổn” – kết luận táo bạo này của Thomas Harris trong cuốn sách “Tôi ổn – Bạn ổn” hẳn đã chạm đến tâm can của rất nhiều người.

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1969, nhờ chạm đến một nỗi niềm phổ quát của con người, “Tôi ổn – Bạn ổn” (I’m OK – You’re OK) trở thành một trong những tác phẩm tâm lý học kinh điển nhất từng được xuất bản. Đến nay, “Tôi ổn – Bạn ổn” đã được dịch ra 20 thứ tiếng với hơn 15 triệu bản in.

Thông qua cuốn sách, bác sĩ tâm thần Thomas Harris giúp mỗi người đọc thấu hiểu phần nhân cách dễ bị tổn thương của mình, thứ có nguồn gốc từ những trải nghiệm tiêu cực đầu đời. Ông chỉ ra cách vượt lên trên quá khứ để sống với thực tại mới với lòng tự tin, niềm vui trong trẻo, và khả năng kết nối thân mật với người khác lẫn hạnh phúc đích thực.

Những “cuộn băng quá khứ” áp đặt lên hiện tại 

“Tôi ổn – Bạn ổn” sử dụng các nguyên tắc của Phân tích Tương giao (Transactional Analytics) – một học thuyết và phương pháp trị liệu tâm lý được phát triển bởi tiến sĩ Eric Berne

Bằng chứng lâm sàng chỉ ra rằng, não bộ con người có khả năng ghi lại những ấn tượng quan trọng trong thời thơ ấu – trung thực và chính xác hệt như một chiếc máy ghi âm. Những ký ức tuổi thơ, vì thế được não bộ lưu trữ giống như trong những “cuộn băng”. Trong đó, những “cuộn băng” về cảm xúc nội tâm của đứa trẻ – từ sự tò mò ban sơ, niềm vui được vỗ về cho đến những sợ hãi, hoảng loạn mà mọi đứa trẻ đều từng trải qua, được lưu giữ trong phần Cái Tôi Trẻ Em (Child – C). 

Còn phần Cái Tôi Cha Mẹ (Parent – P) là tập hợp những cuộn băng về người lớn xung quanh đứa trẻ, cùng với những gì họ nói và làm. 

[Sách mới] Thomas A. Harris: “Tôi ổn – Bạn ổn” – Khám phá cấu trúc nhân cách và phương pháp trị liệu tâm lý trong Thuyết phân tích Tương giao

“Tôi ổn – Bạn ổn” sử dụng các nguyên tắc của Phân tích Tương giao (Transactional Analytics) 

Điều đáng nói, những dữ kiện trong Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em, dù được hình thành chủ yếu trong 5 năm đầu đời, vẫn có thể được “phát lại” bất cứ lúc nào trong cuộc sống về sau, mỗi khi bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài. Chính sự “phát lại” này khiến hành vi, cảm xúc và nhận thức của con người giống như đang bị một “trạng thái cái tôi” (ego state), một nhân cách riêng biệt giành quyền kiểm soát. 

Ở hiện tại, trong quá trình tương tác, giao tiếp với người, nếu một trong hai Cái Tôi trên bị “câu ra”, con người sẽ phải sống lại những cảm xúc từ những tình huống gốc cũ xưa; và thực tại, nhận thức lẫn cách giải quyết vấn đề của ta sẽ bị giới hạn như chúng từng bị trong thời thơ ấu. 

“Tôi không ổn – Bạn ổn” và cách sống tiêu cực của số đông

Ngoài các khuôn mẫu hành vi, cảm xúc rập khuôn và lỗi thời, theo Thomas Harris, những dữ kiện trong Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em còn tạo ra một “sản phẩm phụ” tiêu cực khác: vị thế sống “Tôi không ổn – Bạn ổn”.

Khái niệm “vị thế sống”, theo Harris, là cách con người cảm nhận về bản thân trong mối tương quan với người khác. Ngoài “Tôi không ổn – Bạn ổn” ra, còn có hai vị thế sống tiêu cực khác, gồm “Tôi không ổn – Bạn không ổn” và “Tôi ổn – Bạn không ổn”.

[Sách mới] Thomas A. Harris: “Tôi ổn – Bạn ổn” – Khám phá cấu trúc nhân cách và phương pháp trị liệu tâm lý trong Thuyết phân tích Tương giao

“Tôi ổn – Bạn ổn” đã được dịch ra 20 thứ tiếng với hơn 15 triệu bản in.

Theo Harris, những sợ hãi, hoảng loạn, thất vọng, tổn thương, bất lực lẫn cảm giác thấp kém của một đứa trẻ trước những người lớn trong môi trường xung quanh sẽ tạo cho chúng cảm giác không ổn về bản thân. 

Ba vị thế sống tiêu cực này sẽ được xác lập, rất khó bị phá vỡ, và được đứa trẻ mang theo suốt đời, trừ khi chúng quyết định một cách có ý thức về việc chuyển sang vị thế sống “Tôi ổn – Bạn ổn” – vị thế sống duy nhất đảm bảo sự hạnh phúc.

Còn nếu không được thay đổi, ba vị thế sống tiêu cực này trở thành căn cơ của những đau khổ trong cuộc sống: Ta sẽ sống mà liên tục tìm kiếm sự công nhận và phần thưởng từ bên ngoài – tất cả nhằm giảm nhẹ gánh nặng đau đớn của cảm giác không-ổn mình đang mang.

“Họ bị giam cầm trong một cuộc sống không ngừng leo thang, khi họ đạt tới một đỉnh núi thì họ lại đối mặt với một ngọn núi tiếp theo”, Harris mô tả. Cách sống đó, theo tác giả, không thể nào tạo ra hạnh phúc hay ý nghĩa có giá trị lâu dài.

Giải pháp: Giải phóng Cái Tôi Người Lớn

Ngoài 2 thành phần Cái Tôi đã nêu, còn có một Cái Tôi khác được phát triển muộn hơn và là niềm hy vọng cho mọi sự: Cái Tôi Người Lớn (Adult – A). 

Cái Tôi này được hình thành từ khi trẻ 10 tháng tuổi, bắt đầu trải nghiệm năng lực vận động, trẻ nhận ra nó có thể làm việc gì đó xuất phát từ suy nghĩ của riêng nó. Khả năng tự thực hiện này chính là sự khởi đầu của Cái Tôi A. 

Khác với 2 Cái Tôi trước – chỉ tập hợp các bản ghi thụ động và không biết chất vấn, Cái Tôi Người Lớn hoạt động như một “chiếc máy tính”, biết truy vấn, cập nhật, thay đổi dữ liệu từ Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Trẻ Em và nguồn dữ liệu khổng lồ từ thực tế bên ngoài, cùng những ước đoán về những điều chưa được trải nghiệm; từ đó đưa ra quyết định thoả đáng trước thực tại mới mẻ. 

“Chúng ta chỉ có thể tách biệt quá khứ ra khỏi hiện tại bằng cách sử dụng Cái Tôi Người Lớn”, Harris cho biết. Một Cái Tôi Người Lớn vững chãi sẽ nhận ra cảm giác, nhận định xưa cũ trong Cái Tôi Trẻ Em lẫn Cái Tôi Cha Mẹ đã lỗi thời; đủ tự chủ để “tắt” cảm xúc không ổn về bản thân mỗi khi bị kích thích từ môi trường bên ngoài; đủ niềm tin và sự kiên nhẫn để xây dựng một cuộc sống khác với quá khứ.

[Sách mới] Thomas A. Harris: “Tôi ổn – Bạn ổn” – Khám phá cấu trúc nhân cách và phương pháp trị liệu tâm lý trong Thuyết phân tích Tương giao

“Làm sao để ở lại trong Cái Tôi Người Lớn?” chính là câu hỏi cốt lõi mà Thomas Harris đã nỗ lực giải đáp trong cuốn sách.

Giải phóng Cái Tôi Người Lớn cũng là chìa khoá cho vị thế sống “Tôi ổn – Bạn ổn” của mỗi người. Vì vậy, “Làm sao để ở lại trong Cái Tôi Người Lớn?” chính là câu hỏi cốt lõi mà Thomas Harris đã nỗ lực giải đáp trong cuốn sách.

Phân tích Tương giao xoay quanh việc phân tích ba Cái Tôi của mỗi người (hay mô hình P-A-C) trong các tương giao, đã trở thành trợ thủ đắc lực cho các hình thức trị liệu và trị liệu nhóm trong ngành tâm lý học. Trong “Tôi ổn – Bạn ổn”, tác giả đã bàn một cách kỹ lưỡng về việc dùng mô hình P-A-C để tháo gỡ các rắc rối trong tình yêu, mối quan hệ cha mẹ – con cái, tâm lý tuổi vị thành niên cũng như các vấn đề xã hội. 

“Tôi ổn – Bạn ổn” cũng chứa đựng những thí nghiệm, nghiên cứu, quan điểm của các nhà phân tâm học, nhà trị liệu tâm lý và bác sĩ lỗi lạc, cùng nhiều câu chuyện thực tế từ những bệnh nhân mà Harris từng điều trị. Dù vậy, tác giả sử dụng những ngôn từ đơn giản nên tác phẩm rất dễ đọc và dễ hiểu với độc giả đại chúng. 

Riêng với từng cá nhân, việc đọc cuốn sách này như một quá trình tự soi chiếu. Chúng ta sẽ có cuộc tìm hiểu kỹ lưỡng về những gì có trong Cái Tôi Cha Mẹ, Cái Tôi Trẻ Em và Cái Tôi Người Lớn của chính mình, nhìn thấy những nỗi đau từ quá khứ lẫn vết tích của chúng trong hiện tại – và từ đó, cùng với những hướng dẫn cặn kẽ nhất của Harris, nhiều hành trình tự chữa lành có thể bắt đầu…

[Sách mới] Thomas A. Harris: “Tôi ổn – Bạn ổn” – Khám phá cấu trúc nhân cách và phương pháp trị liệu tâm lý trong Thuyết phân tích Tương giao

Lý thuyết về 4 vị thế sống của Thomas Harris:

  • “Tôi không ổn – Bạn ổn”: Vị thế sống tiêu cực đầu đời của số đông. Người sống ở vị thế này nhìn nhận bản thân kém cỏi, không có giá trị và phải liên tục tìm kiếm tương tác kích thích và sự công nhận từ người khác. 
  • “Tôi không ổn – Bạn không ổn”: Xuất hiện ở những đứa trẻ bị bỏ rơi, không được chăm sóc. Trong vị thế này, Cái Tôi Người Lớn ngừng phát triển và cá nhân rơi vào trạng thái thu rút và tuyệt vọng.
  • “Tôi ổn – Bạn không ổn”: Harris gọi đây là vị thế của kẻ phạm tội, thường xuất hiện ở những đứa trẻ bị bạo hành nghiêm trọng. Người chấp nhận vị thế này không thể khách quan về bản thân và luôn đổ lỗi cho người khác. Họ “mù luân lý” và dễ sa vào các hành vi phạm tội.
  • “Tôi ổn – Bạn ổn”: Đây là vị thế được chọn bởi Cái Tôi Người Lớn lành mạnh, được giải phóng, là vị thế duy nhất đảm bảo cho hạnh phúc con người.

Về tác giả

Thomas A. Harris (1910 - 1995) nhận bằng Cử nhân Khoa học tại Đại học Arkansas (1938) và bằng Bác sĩ Y khoa tại Đại học Temple (1940). Ông được đào tạo về tâm thần học tại bệnh viện Saint Elizabeth, từng là bác sĩ phụ trách về sức khoẻ tâm thần trong Hải quân (Thế chiến II), ông cũng từng tham vấn cho cựu tù binh Mỹ. Về sau, Harris mở một phòng khám tâm thần tư nhân ở Sacramento.

Bị cuốn hút bởi học thuyết của Eric Berne, Thomas A. Harris bắt đầu hợp tác chặt chẽ với Bern từ năm 1960 trong việc truyền bá lẫn áp dụng Phân tích Tương giao vào trị liệu lâm sàng. Với các tác phẩm của mình, Thomas A. Harris có công lớn trong việc làm cho phương pháp này trở nên đơn giản, dễ hiểu, đến được với đông đảo bạn đọc phổ thông.