Recap hội thảo: Dấu ấn Việt & Câu chuyện thành công SEA Games 31 – Giới thiệu bản sắc văn hoá Việt Nam đến bạn bè quốc tế
Với mong muốn giúp các bạn trẻ hiểu thêm về nghề sự kiện và yêu nghề hơn, ngày 25/8/2022, Apex Multimedia đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức buổi hội thảo Dấu ấn Việt và Câu chuyện thành công SEA Games 31, gặp gỡ đạo diễn Hoàng Công Cường. Hội thảo được dẫn dắt bởi chị Lê Quỳnh Thư, CEO của Apex Multimedia.
Thông qua các câu chuyện thực tế của đạo diễn, người tham dự đã được lắng nghe chia sẻ về chuyện nghề từ một chuyên gia với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành đạo diễn sân khấu.
Đạo diễn Hoàng Công Cường là đạo diễn cho nhiều cuộc thi, sự kiện uy tín như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Biển, show thực cảnh “Chuyện tình Bản Giốc”, “Ngày mới”, show âm nhạc “Bừng sáng Việt Nam” cùng nhiều sự kiện ấn tượng cho các đối tác lớn và nhiều nghệ sĩ tại Việt Nam.
Hội thảo đã xoay quanh hai chủ đề chính, đó là (1) cách truyền thông SEA Games 31 đến với bạn bè quốc tế; (2) cách khắc phục những khó khăn trong quá trình tạo ra một sân khấu SEA Games 31 rực rỡ.
Cách truyền thông SEA Games 31 đến với bạn bè quốc tế
Tại buổi hội thảo, đạo diễn Hoàng Công Cường đã mở đầu bằng việc giới thiệu qua các kỳ Olympic diễn ra trên thế giới và cho rằng quốc gia nào được đăng cai đều mang niềm tự hào dân tộc to lớn và tương tự SEA Games cũng vậy. Mỗi kỳ Olympic hay SEA Games đều có một chủ đề, thông điệp cần truyền tải. Nước nào có cơ hội được đăng cai thì đó là một cơ hội tuyệt vời của lịch sử đất nước đó. Bởi vì không chỉ mang thông điệp thể thao, mà lễ khai mạc là phần quan trọng nhất vì quảng bá được sức mạnh về văn hoá, lịch sử, con người và sự phát triển của một đất nước.
Anh đã đưa ví dụ về Olympic Bắc Kinh năm 2008 được thực hiện bởi đạo diễn Trương Nghệ Mưu, một lễ khai mạc Olympic lớn nhất từ trước đến nay để kể câu chuyện 5.000 năm lịch sử Trung Quốc với những phát minh vĩ đại của người Trung Quốc. Thông qua đó, thế giới đã biết về văn hoá, con người, lịch sử và kinh tế Trung Quốc.
Trở lại với SEA Games 31, đạo diễn Hoàng Công Cường đã một lần nữa cho khán giả xem lại những phân cảnh nổi bật nhất tại Lễ khai mạc SEA Games 31 diễn ra tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vào tháng 5 vừa qua. Anh đã biến những ý tưởng của mình thành hiện thực với một buổi trình diễn mang đậm bản sắc văn hoá Việt nhằm truyền tải một thông điệp chung “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”. Thông qua công nghệ hiện đại AR Realtime, XR và 3D Mapping cùng với sự phối hợp âm thanh, ánh sáng, mỗi hình ảnh, các tiết mục được trình bày và biểu diễn tại lễ khai mạc đều mang thông điệp riêng của nước chủ nhà Việt Nam đưa ra thế giới, như:
- Hình tượng trống đồng được xuất hiện đầu tiên, một di sản của Việt Nam đại diện cho văn hoá Đông Sơn, phản ánh một thời kỳ phát triển rực rỡ của dân tộc, mang ý nghĩa tượng trưng cho văn hoá, lễ hội, tín ngưỡng nhằm mục đích chào đón bạn bè quốc tế đến với Việt Nam.
- Sau hình ảnh trống đồng là hình tượng rồng thời Lý bay lên được thực hiện bằng công nghệ 3D, thể hiện giai đoạn dời đô ra thành Thăng Long của nhà Lý, mở đầu kỷ nguyên dựng nghiệp lớn của đất nước. Và SEA Games 31 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội nên việc lấy hình tượng rồng thời Lý bay lên tạo nên sự thăng hoa, dấu ấn lịch sử, sức mạnh dân tộc Việt Nam, cho sự hưng thịnh của thời kỳ mới, sự tự hào của người dân Thủ Đô. Hình ảnh con rồng đã được đạo diễn phối hợp cùng các chuyên gia, nhà sử học nghiên cứu và phân tích từ những chi tiết nhỏ nhất để đưa đến cho khán giả hình ảnh sống động và chân thực về biểu tượng của một giai đoạn lịch sử.
- Hoa sen tượng trưng cho tấm lòng thanh cao, là sự vươn lên mạnh mẽ từ bùn lầy. Hoa sen đại diện cho hình ảnh của Việt Nam nhưng đồng thời cũng nói về tinh thần thể thao quốc tế, đại diện cho sự vươn lên và nghị lực phi thường, đại diện cho tinh thần thể thao cao thượng và trong sáng, không có các yếu tố tiêu cực, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
- Tre thể hiện sức mạnh và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, sự vươn lên khỏi nghịch cảnh từ đó biểu trưng cho tinh thần thể thao, tinh thần đồng đội và sức mạnh đoàn kết. Hình tượng 11 con cò trong tiết mục đại diện cho 11 quốc gia Đông Nam Á tề tựu tại Việt Nam, một đất nước yêu chuộng hoà bình. Đàn cò còn ngụ ý cho sự chịu thương chịu khó, chăm chỉ mang một thông điệp ý nghĩa đến các vận động viên – phải tôi luyện thì mới có thành tích cao. Đàn cò bay qua cánh đồng lúa – đại diện cho nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
- Bên cạnh đó, tiết mục mái chèo được thể hiện bởi 11 đoàn chèo, đại diện cho 11 quốc gia Đông Nam Á đến với Việt Nam, tạo ra ánh mặt trời rực rỡ và cùng toả sáng. Tiết mục với chủ đề “Chung một dòng chảy” – những mái chèo chèo từ khắp nơi về, hoà quyện với nhau tạo nên một ý chí, một sức mạnh chung, một mục tiêu chung “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.
- Hình ảnh tranh Đông Hồ, một loại hình tranh dân gian phản ánh nếp sống sinh hoạt đời thường của người dân Việt Nam thường xuất hiện trong các ngày vui, lễ hội. Những nét văn hoá đặc sắc của các nước Đông Nam Á cùng 40 bộ môn thể thao được thể hiện thông qua hình tượng Sao La với công nghệ Mapping 4D xuất hiện trên nền tranh Đông Hồ đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Việc sử dụng chất liệu tranh Đông Hồ thể hiện thông điệp của SEA Games 31 – “Thể thao mang đến sự đoàn kết”.
Giây phút cuối cùng bắn pháo hoa trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình là giây phút lịch sử, là giây phút hạnh phúc của những người thực hiện chương trình, đại diện cho một quốc gia, một dân tộc mang hình ảnh quốc gia đến với thế giới, cụ thể hơn là 10 nước Đông Nam Á tham dự SEA Games 31.
Cách khắc phục những khó khăn trong quá trình tạo ra một sân khấu SEA Games 31 rực rỡ
Đây được coi là một trong những lễ khai mạc SEA Games ấn tượng nhất từ trước đến nay khi hình ảnh Việt Nam được quảng bá với thế giới bằng việc tận dụng sức mạnh của công nghệ hiện đại nhất hiện nay, công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ hoạ (Mapping), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR) và công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality – EX) với ekip 100% người Việt.
Đạo diễn Hoàng Công Cường cho rằng trong một vài năm trở lại đây, Việt Nam đã tiệm cận được với thế giới trong việc tổ chức các sự kiện lớn bằng sự nỗ lực, đam mê, ham học hỏi và bồi đắp kiến thức từ cái nhỏ cho đến cái lớn. Một sự kiện, một chiến dịch truyền thông thành công đều có thể góp phần thay đổi nhận diện của một đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.
Để giải thích rõ hơn quá trình thực hiện SEA Games 31, đạo diễn Hoàng Công Cường đã giải đáp câu hỏi của khán giả xoay quanh việc lên ý tưởng và khắc phục những khó khăn trong quá trình tổ chức SEA Games 31.
* Những khó khăn mà ekip đã gặp phải trong quá trình thực hiện?
Đối với câu hỏi này, đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ ekip gặp khó khăn về thời gian, thời tiết và công nghệ khi chỉ có 2 tháng viết kịch bản, 40 ngày dàn dựng, lên phương án tập luyện và thực hiện.
Khi chương trình diễn ra, việc truyền đạt tín hiệu trong sân vận động với nhiều tín hiệu của 2.000 khán giả, của bộ đàm, sóng truyền hình, tín hiệu phá sóng của quân đội dẫn đến trục trặc của việc truyền thông tin. Ekip phải xin Cục Tần số Việt Nam cấp riêng một kênh truyền dẫn riêng cho ekip để đảm bảo truyền dẫn tín hiệu và phát sóng. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam sử dụng 50 máy chiếu với khối lượng khổng lồ phục vụ cho chương trình, thường phải mất 10 ngày để ráp nối với nhau nhưng nay chỉ có khoảng 2 đêm.
Bên cạnh đó, công nghệ ánh sáng chỉ có thể kiểm tra lắp đặt trong đêm nên ekip phải thực hiện thâu đêm. Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ AR, EX cho một sân khấu đại cảnh cực lớn trong 2 tiếng đồng hồ nên sẽ có thể gặp nhiều rủi ro với việc hỏng hóc thiết bị công nghệ ảnh hưởng đến việc đồng bộ với hệ thống, đấu nối các thiết bị trong quá trình diễn ra sự kiện. Ban ngày diễn viên múa phải chạy sân khấu, đội mưa đội nắng trong điều kiện vừa tập vừa phải bảo vệ sân cỏ.
Dù bộn bề khó khăn từ thời tiết không thuận lợi, tiến độ gấp gáp, ekip không có thời gian để ngủ, nhưng khi cận kề phút giây thiêng liêng của lễ khai mạc, cả ekip đã cố gắng hết sức để đảm bảo chất lượng tốt nhất nhằm lan toả hình ảnh con người, văn hoá Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
* Quá trình tư duy để lựa chọn các hình ảnh nhằm tạo ra một bức tranh toàn cảnh lại lễ khai mạc?
Đối với câu hỏi này, đạo diễn đã chia sẻ rằng phác thảo là bước đầu tiên. Giai đoạn này phải nghiên cứu về văn hoá Việt Nam và biết được đâu là tinh hoa, văn hoá đặc trưng của dân tộc và ý nghĩa của nó, sau đó tự bản thân mình phản biện tại sao lại lựa chọn những hình ảnh này và kết nối với phác thảo sơ bộ. Khi bắt tay vào viết kịch bản phải hiểu được mình sẽ kể câu chuyện gì, thông điệp truyền tải của nó là gì, đưa chất liệu gì cho phù hợp để văn hoá Việt Nam và văn hoá Đông Nam Á được kết hợp một cách hài hoà, mạch lạc và có liên kết chặt chẽ.
Để làm được điều này, đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ cần phải học hỏi thêm những chương trình, sự kiện trong và ngoài nước để lấy đó làm tư liệu, có thêm góc nhìn mới rồi sau đó mới vận dụng, chuyển hoá những kiến thức, hiểu biết của mình sang quá trình sáng tạo.
Muốn trở thành một đạo diễn sân khấu phải học hỏi nhiều lĩnh vực trong cuộc sống để có thể chuyển hoá thành ngôn ngữ sự kiện và đưa dấu ấn riêng của mình vào đó. Bên cạnh đó cũng phải am hiểu về công nghệ, nhất là công nghệ mới vì đó là yếu tố bổ trợ quan trọng để tạo nên một bức tranh nghệ thuật hài hoà giữa âm thanh và ánh sáng, làm cho chương trình trở nên sinh động, hoành tráng và chuyên nghiệp hơn.
Buổi hội thảo đã kết thúc thành công và đọng lại được nhiều cảm xúc đối với người tham dự khi được trực tiếp lắng nghe những kiến thức bổ ích và thực tế về lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện, dàn dựng sân khấu từ đạo diễn Hoàng Công Cường.
Phương Thảo / Brands Vietnam