Kinh doanh ngành FnB và những xu hướng công nghệ thay đổi tương lai
FnB là một thuật ngữ vô cùng phổ biến trong ngành dịch vụ ăn uống và thực phẩm, có tốc độ tăng trưởng ngày càng chóng mặt với số lượng quán ăn, nhà hàng, quán cà phê liên tục mở ra ở khắp mọi nơi.
Vậy FnB là gì? Những xu hướng công nghệ nào đang được ứng dụng rộng rãi trong kinh doanh ngành FnB? Cùng tìm hiểu ở nội dung sau đây.
F&B là gì?
FnB (hoặc F&B) là thuật ngữ viết tắt của Food and Beverage, một cụm từ trong tiếng Anh dùng để chỉ ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế, mô hình FnB không còn chỉ cung cấp các dịch vụ liên quan đến ẩm thực cho khách hàng mà còn bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn và du lịch.
F&B là một mô hình kinh doanh đồ ăn, thức uống
Doanh nghiệp kinh doanh FnB chính là các doanh nghiệp hoạt động tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, ăn uống, và ẩm thực.
Ngày nay, khi nhu cầu ăn uống và trải nghiệm ẩm thực của con người ngày càng tăng, các doanh nghiệp FnB luôn phải liên tục cập nhật thị hiếu của người tiêu dùng cũng như có chiến lược kinh doanh hợp lý để cạnh tranh với nhiều đối thủ tại thị trường béo bở này.
Một trong những chiến lược mà các chuỗi thương hiệu F&B lớn đã và đang tăng tốc thực hiện đó là tận dụng công nghệ với mục đích cải thiện trải nghiệm ăn uống và thu hút nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Tiếp theo, hãy cùng điểm qua một số công nghệ tiêu biểu đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong kinh doanh ngành F&B hiện nay.
Những công nghệ đang được áp dụng thành công trong F&B
#1. Thanh toán kỹ thuật số
Thanh toán kỹ thuật số hay còn được mọi người biết đến là thanh toán không tiền mặt đang trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc và phổ biến trên toàn cầu và nhiều quốc gia Đông Nam Á (67% người dùng tài chính ủng hộ thanh toán kỹ thuật số cho các giao dịch tài chính).
Không những vậy, nhu cầu về hệ thống thanh toán không tiếp xúc đang ở mức cao chưa từng có so với trước đây và được dự đoán chiếm 91% giao dịch vào năm 2025. Tại Việt Nam, thanh toán không tiền mặt có thể thực hiện qua nhiều hình thức như: thanh toán qua ví điện tử (Momo, Zalo Pay, Viettel Pay,...) ngân hàng số, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng.
Thanh toán kỹ thuật số
Không chỉ có các chuỗi nhà hàng hay cửa hàng cà phê lớn sử dụng hình thức thanh toán kỹ thuật số mà ngày càng nhiều địa điểm ăn uống có mô hình nhỏ cũng cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.
Ưu điểm của hình thức này thể hiện qua việc nhà quản lý có thể nắm được doanh thu của cửa hàng một cách rõ ràng và chi tiết, giúp kiểm soát tài sản tốt hơn, chống được quá trình gian lận và hao hụt tài chính.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng sẽ thuận tiện hơn khi thanh toán, giải quyết tốt tình trạng khách không mang đủ tiền mặt và sai sót trong quá trình trao đổi - thanh toán.
#2. Food delivery
Ứng dụng giao đồ ăn (Food Delivery) bắt nguồn từ nhu cầu của khách hàng, giúp họ dễ dàng đặt hàng thông qua trang web hoặc ứng dụng trực tuyến mà không cần phải đến tận nơi mua.
Trước đây, hình thức này chỉ phổ biến với các nhà hàng thức ăn nhanh như Pizza Hut, KFC, Jollibee,... Nhưng giờ đây với sự xuất hiện của các ứng dụng Food Delivery, khách hàng có thể đặt bất kỳ món ăn, đồ uống nào mà họ có nhu cầu, với nhiều lựa chọn quán ăn, cà phê đa dạng xuất hiện trên app.
Food Delivery App
Người mua hàng cũng dễ dàng tìm và đặt món (order) ngay tại nhà, sau đó thanh toán trực tiếp trên app hoặc lựa chọn thanh toán trả sau.
Đối với các doanh nghiệp FnB, việc sử dụng công nghệ giao đồ ăn còn giúp họ tăng số lượng đơn hàng và doanh thu đáng kể. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi các nhà quản lý phải tính toán và thỏa thuận chi phí với đơn vị giao hàng cho hợp lý để tránh khách hàng phải trả mức phí quá cao cho dịch vụ này.
#3. Order bằng thiết bị cầm tay
Một trong những công nghệ tiên phong trong ngành F&B chính là sử dụng thiết bị order cầm tay (điện thoại, máy tính bảng) để nhân viên phục vụ order món cho khách tại bàn.
Đã có nhiều nhà hàng với quy mô lớn lựa chọn thiết bị order cầm tay nhằm cải thiện quy trình gọi món và phục vụ khách hàng một trơn tru và hiệu quả. Đặc biệt, với công nghệ này, nhân viên có thể yêu cầu tính tiền trên thiết bị tại bất cứ đâu miễn là có kết nối Internet, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển không cần thiết và phục vụ khách nhanh chóng hơn.
Việc gọi món sẽ không còn là vấn đề với nhà hàng mỗi khi quán có lượng khách đông và cho phép phục vụ nhiều khách hàng hơn, điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng tỉ lệ quay lại của khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng của cửa hàng.
#4. Quản lý nhà hàng, quán ăn bằng phần mềm
Đây là giải pháp công nghệ được nhiều doanh nghiệp FnB quan tâm vì hiệu quả và tính ứng dụng cao trong mọi quy trình quản lý vận hành đối với các cửa hàng quán ăn.
Phần mềm bán hàng tại cửa hàng bánh
Phần mềm quản lý dành cho lĩnh vực F&B sẽ bao gồm một bộ thiết bị: máy bán hàng, máy tính tiền và order, máy in hóa đơn tự động, máy quét mã vạch, v.v.
Việc ứng dụng phần mềm quản lý chính là giải pháp đem đến trải nghiệm dịch vụ tốt nhất dành cho khách hàng, với việc kết nối các bộ phận với nhau từ khâu đưa khách vào bàn, gọi món và lên món nhanh, cho đến quá trình thanh toán cũng diễn ra gọn nhẹ và tiện lợi hơn.
Nhà quản lý cũng dễ dàng nắm được toàn bộ quy trình làm việc của nhân viên, theo dõi tình hình tài chính, hỗ trợ cho công việc báo cáo hằng ngày.
Những công nghệ hứa hẹn sẽ bùng nổ trong kinh doanh ngành F&B
Thế giới không ngừng vận động và thay đổi theo chiều hướng mới. Mọi ngành nghề cũng từ đó mà có sự ảnh hưởng và xoay chuyển theo, và ngành F&B cũng không ngoại lệ.
Nếu không nắm bắt được xu hướng thị trường, mọi hoạt động kinh doanh sẽ trở nên lạc hậu, bị đánh bật ngay lập tức. Để tồn tại không chỉ cả hiện tại mà cả tương lai, nhà quản lý phải không ngừng cập nhật, lĩnh hội và áp dụng xu hướng công nghệ mới để đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới.
Các công nghệ trong ngành kinh doanh FnB dự đoán sẽ bùng nổ trong tương lai là:
#1. Robot tự phục vụ
Tại các nhà hàng, quán ăn lớn ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, việc sử dụng robot để phục vụ khách hàng hoặc làm “nhân viên giao hàng” đang dần trở nên phổ biến. Ngoài các công việc trên, robot còn có thể hát chúc mừng sinh nhật khách hàng, phụ bếp và trình bày đồ ăn.
Công nghệ robot tự phục vụ này chính là một hướng giải quyết cho sự thiếu hụt nhân sự trong ngành, giúp đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng và tiết kiệm chi phí thuê nhân công.
Robot đưa đồ ăn cho khách
Robot sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người như lo sợ của nhiều người, khi cho rằng chúng sẽ lấy đi cơ hội việc làm. Thực tế, chúng chỉ là công cụ hỗ trợ con người trong suốt quá trình làm việc, tránh được những sai sót không đáng có.
#2. Thanh toán bằng giọng nói
Với công nghệ thanh toán bằng nhận diện giọng nói, khách hàng có thể hoàn tất thanh toán hóa đơn một cách nhanh chóng, tiện lợi. Thông qua công nghệ này, khách hàng gần như không phải thao tác thực hiện thanh toán hóa đơn.
Các ứng dụng/phần mềm có thể nhận diện giọng nói để tiến hành cho phép thanh toán nhanh chóng, tránh thủ tục rườm rà. Đây là viễn cảnh mơ ước và đang dần hiện thực hóa tại một số nhà hàng trên thế giới.
Thanh toán bằng giọng nói
Nhà cung cấp dịch vụ Mastercard đã thử nghiệm công nghệ này ở các quán ăn San Francisco. Theo đó, các giai điệu âm thanh được sử dụng lấy cảm hứng từ văn hóa từng địa phương, giúp dễ dàng nhận biết, dễ nhớ và tạo dấu ấn thương hiệu. Công nghệ này hiện đang được rất nhiều nhà hàng, khách sạn trên thế giới hưởng ứng; và họ sẵn sàng chi hầu bao để sở hữu được công nghệ hiện đại này.
Cách thức các chuỗi F&B lớn ứng dụng công nghệ để thành công
Mô hình nhà hàng phục vụ nhanh là một trong các loại hình kinh doanh FnB khá phổ biến được nhiều thương hiệu FnB phát triển, điển hình là ba cái tên: Starbucks, KFC, McDonald’s.
Các chuỗi FnB này thường không đầu tư quá nhiều về lực lượng nhân sự mà chủ yếu ứng dụng công nghệ và trang bị thiết bị phần mềm phục vụ cho chế biến đồ ăn, thức uống. Hãy cùng xem họ đã áp dụng công nghệ như thế nào nhé!
Các chuỗi F&B lớn
Starbucks
Starbucks lâu nay vẫn được biết đến là một thương hiệu chuỗi cà phê nổi tiếng trên thế giới, nhưng ít ai biết rằng đằng sau hương vị cà phê tuyệt vời đó là những công nghệ hiện đại, độc đáo.
Nhiều chuyên gia trong ngành còn xem Starbucks như một công ty công nghệ, bên cạnh những gã khổng lồ khác như Amazon, Apple, Microsoft và Google, với các sản phẩm: hệ thống trạm sạc không dây, công nghệ beacon, ứng dụng thanh toán di động, trải nghiệm thực tế ảo Roastery, v.v.
Khách hàng khi đến với Starbucks sẽ dùng Wifi của quán để truy cập vào Starbucks Digital Network - hệ thống nội dung số với hàng loạt những ấn phẩm trả phí như The Wall Street Journal, The New York Times, The Economist,...
Starbuck đã triển khai dịch vụ này như một ăn tinh thần để khách hàng có thể thưởng thức bên cạnh những ly cà phê của quán, với mục đích nâng cao trải nghiệm khách hàng tại cửa hàng.
Ứng dụng thanh toán di động của Starbucks
Ngoài ra, Starbucks đang sử dụng tủ lạnh thông minh giúp theo dõi hạn sử dụng của nguyên vật liệu đặt trong tủ và máy pha cà phê Clover có kết nối đám mây, cùng với những thiết bị hiện đại IoT khác (Internet of Things) cũng được Starbucks tận dụng triệt để ở khắp nơi trong cửa hàng.
KFC
Tại KFC, công nghệ được sử dụng chủ yếu là trí tuệ nhân tạo và IoT trong các hoạt động sản xuất và thương mại.
Điển hình là chuỗi cửa hàng KFC tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hiện đang sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh để nhận diện khách hàng, thay thế cho thẻ thành viên, thẻ khách hàng thân thiết. Với công nghệ này, nhân viên có thể biết độ tuổi, giới tính, và sở thích ăn uống của khách hàng để từ đó đưa ra đề xuất phù hợp.
Bên cạnh đó, khoảng 300 cửa hàng KFC tại Bắc Kinh cũng sẽ được trang bị máy chơi game thực tế ảo; cho phép khách hàng không chỉ thỏa mãn nhu cầu về ăn uống, mà còn cả vui chơi, giải trí.
KFC là chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh
KFC cũng đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ in 3D sinh học để có thể sản xuất thịt gà trong phòng thí nghiệm, tạo thành dây chuyền có khả năng làm ra món gà viên Nugget từ các tế bào của gà và nguyên liệu thực vật.
Ý tưởng này của KFC xuất phát từ nhu cầu ăn uống lành mạnh của người tiêu dùng, đáp ứng cho việc thay thế thịt và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn trong sản xuất thực phẩm.
McDonald's
Nếu đã từng mua đồ ăn tại McDonald's, chắc hẳn bạn sẽ khá ngạc nhiên khi phải tự tay order đồ ăn trên một màn hình lớn đặt bên ngoài hoặc ngay giữa cửa hàng - hay còn gọi là kiosk tự động.
Tại màn hình của quầy đặt hàng số này, người mua sẽ xem được toàn bộ món ăn có trong thực đơn, chọn cỡ phần ăn, đồ uống, và thanh toán bằng thẻ ngân hàng để lấy hóa đơn.
Với hình thức đặt hàng tự động, khách hàng không cần phải xếp hàng tại quầy và yêu cầu nhân viên chọn cho mình mà có thể tự mình phục vụ để tiết kiệm thời gian hơn.
McDonald's còn cho phép khách hàng đặt hàng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, đồ ăn sẽ được gửi đến tận nhà, hoặc đặt tại một địa chỉ bất kỳ mà khách hàng lựa chọn. Với các ứng dụng giao đồ ăn đang phát triển nhanh chóng như hiện nay, hãng phát triển song song nền tảng đặt hàng của riêng mình đồng thời hợp tác với các bên thứ ba để tiếp cận đông đảo khách hàng hơn.
Kiosk đặt hàng tự động của McDonald’s
Kết Luận
Thông qua các bài học thành công của các thương hiệu F&B nổi tiếng, có thể dễ dàng nhận thấy sự chuyển dịch sang các giải pháp số trong cách thức quản lý và vận hành doanh nghiệp. Mục đích chung mà các thương hiệu đều hướng đến đó là cải thiện trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm nguồn lực và thời gian vận hành.