Cố vấn tâm lý Võ Thị Mỹ Duyên: Áp đặt cảm xúc là cách giáo dục độc hại

Mọi sự áp đặt trong giáo dục đều phản tác dụng, bao gồm cả sự áp đặt về tâm lý, suy nghĩ và cảm xúc của mỗi đứa trẻ. Tại sao con trai phải luôn mạnh mẽ và con gái thì không được phép cứng rắn? 

Cố vấn tâm lý Võ Thị Mỹ Duyên: Áp đặt cảm xúc là cách giáo dục độc hại

Áp đặt cảm xúc - cách biến con thành kẻ khờ 

Khi xã hội phát triển mạnh mẽ, các nhu cầu cơ bản về việc ăn mặc không còn là mối lo của đại đa số các gia đình, thì người ta bắt đầu dành nhiều thời gian và tâm sức hơn để đầu tư cho việc giáo dục con cái. Giáo dục kiến thức, giáo dục kỹ năng, giáo dục kỷ luật... luôn được các ông bố, bà mẹ chủ động tìm hiểu nhằm hướng tới một tương tai hoàn thiện cho các con. Tuy nhiên, nếu chính bố mẹ không cởi bỏ những rào cản trong suy nghĩ, ngưng áp đặt tâm lý và lắng nghe con nhiều hơn, mọi nỗ lực giáo dục sẽ trở nên vô ích vì chính bản thân các con cần được sống là chính mình trước khi trở thành phiên bản của bất cứ ai. 

Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta vốn không xa lạ gì với những câu nói: “Con trai mà khóc nhè, sau lớn còn làm được gì nên hồn”; “Con trai mà lại mặc màu hồng, có vấn đề về giới tính không?”; rồi thì “Con gái con nứa ngồi cho hẳn hoi, tướng như thằng đàn ông”... 

Những lời nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt ấy sẽ tạo thành chuẩn mực tư duy và áp đặt thành khung tâm lý cứng nhắc lên những đứa trẻ. Các con nhận ra mình không được lắng nghe, không được chia sẻ và không được sống thật với những cảm xúc đang hiện hữu trong mình. 

Theo cô Võ Thị Mỹ Duyên - Thạc sĩ Quản lý giáo dục, Giám đốc đào tạo và Cố vấn tâm lý của Học viện Kỹ năng VTALK: “Đó cũng là lúc các con học cách nén chặt cảm xúc vào sâu bên trong, nó giống như một quả bom hẹn giờ đang tích tắc tích tắc. Và tới một lúc nào đó, quả bom cảm xúc này sẽ phát nổ, hậu quả để lại là vô cùng tồi tệ”. 

Tỷ lệ trầm cảm và lo lắng ở những đứa trẻ bị áp đặt và kìm nén cảm xúc luôn nằm ở mức rất cao. Việc giữ quá nhiều thứ lại ở bên trong thực sự không phù hợp với sức khỏe tinh thần của bất kỳ ai, đặc biệt là các bạn trẻ - những tâm hồn còn rất thơ ngây. 

Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Berkely phát hiện ra rằng những đứa trẻ được khuyến khích thể hiện cảm xúc thật của bản thân có sự đa dạng hơn về mặt tình cảm, cảm xúc và có tỉ lệ thành công cao hơn trong tương lai.

Cô Mỹ Duyên cũng cho biết thêm: “Thời điểm tốt nhất để nuôi dạy một đứa trẻ không nên kìm nén cảm xúc của mình là ngay từ khi chúng còn trong nôi. Hãy chắc chắn rằng chúng có thể tự do thể hiện cảm xúc của mình từ sớm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng sau này”. 

Cố vấn tâm lý Võ Thị Mỹ Duyên: Áp đặt cảm xúc là cách giáo dục độc hại

Cô Võ Thị Mỹ Duyên - Giám đốc Đào tạo, Cố vấn tâm lý tại Học viện Kỹ năng VTALK 

Với kinh nghiệm dày dặn và sự tâm huyết trong hành trình nuôi dưỡng và giáo dục cảm xúc cho các bạn trẻ, cô Mỹ Duyên đã chỉ ra ba lợi ích lớn nhất mà một đứa trẻ sẽ có được nếu các con được khuyến khích chia sẻ và sống thật với cảm xúc của mình. 

Tăng thêm sự tự tin và lòng can đảm 

“Chúng ta luôn dạy các con phải sống thật tự tin và can đảm. Nhưng sẽ chẳng ai có thể tự tin và can đảm nếu chính cảm xúc của bản thân đã không ổn định”, cô Mỹ Duyên trăn trở. “Chẳng hạn, khi phải đứng trước đám đông để thuyết trình hay chia sẻ về một chủ đề, việc liên tục phải che giấu nỗi lo lắng, hồi hộp hay bất an chẳng những không giúp các con tự tin hơn mà còn tạo áp lực về mặt tâm lý, gây xao nhãng nội dung và khiến bài nói trở nên kém hấp dẫn hơn”. 

Sự tự tin vốn xuất phát từ nội tại bên trong nhưng lại được khẳng định một phần qua cách chúng ta thể hiện và soi chiếu ra thế giới bên ngoài. Chính vì thế, nếu không được chia sẻ, tâm lý các bạn trẻ trở nên “co cụm”, tự ti về bản thân mình và không dám thể hiện những gì mình biết. 

Giao tiếp tốt hơn

Chúng ta đang có một “thế hệ cúi đầu”. “Cúi đầu” vì chăm chăm vào thế giới ảo. “Cúi đầu” vì e sợ những thử thách. “Cúi đầu” vì ngại những đổi thay. Và quan trọng nhất, “cúi đầu” vì yếu khả năng giao tiếp. 

Chúng ta rất dễ để gặp được một bạn học sinh, mà khi phải hỏi hàng trăm lần rằng đã có chuyện gì xảy ra, các bạn vẫn im lặng, không chia sẻ bất cứ điều gì. Cô Mỹ Duyên cho biết, “Đây là một trường hợp đặc trưng của những bạn nhỏ bị kìm nén cảm xúc. Các bạn biết các bạn đang cảm thấy rất kinh khủng, đang trải qua những điều tồi tệ nhưng chính các bạn lại không biết làm thế nào hoặc nói gì, với ai”. Đây là lý do mà kỹ năng giao tiếp của con trẻ đang là vấn đề đau đầu của nhiều phụ huynh và nhà trường. 

Chẳng ai nói hay ngay từ lần đầu tiên. Nghĩa là, điều quan trọng nhất là cho các bạn tâm lý thoải mái để được nói, được giãi bày, được thắc mắc và được sống đúng với những gì các bạn suy nghĩ. Khi đã thuần thục, các bạn sẽ tự có được kỹ năng giao tiếp tốt hơn. 

Sống có ước mơ và dám nỗ lực theo đuổi 

Với vai trò một Cố vấn tâm lý, một giáo viên kỳ cựu trực tiếp giảng dạy, cô Mỹ Duyên rất quan tâm đến việc học sinh của mình thực sự thích gì và muốn gì. Cô cho rằng, “Đó là điều dễ nhất nhưng cũng là khó nhất đối với mỗi đứa trẻ. Vì đôi khi, giấc mơ của các em không chỉ cho mình các em. Đây cũng là lý do mà tôi luôn khuyến khích các em nói nhiều hơn về cảm xúc và suy nghĩ của mình. Tôi muốn các em hiểu rằng các em có quyền sống với ước mơ và dám nỗ lực theo đuổi ước mơ ấy”. 

Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, việc trừng phạt một đứa trẻ vì sự tức giận hoặc một vấn đề khác dựa trên cảm xúc, đồng nghĩa với việc chúng ta đang gián tiếp giáo dục cho con thấy rằng việc bày tỏ cảm xúc sẽ khiến chúng phải gặp rắc rối. Chúng ta có thể nhắc nhở và cùng con sửa những hành vi xấu nhưng đừng bao giờ trừng phạt hay áp đặt chúng chỉ vì chúng thể hiện cảm xúc, suy nghĩ và quan điểm cá nhân.

Con cái, dù là nam hay nữ đều cần được tự do thể hiện bản thân và cởi mở về mọi thứ. Nó không chỉ giúp chúng trở thành người tốt hơn, mà còn giải phóng chúng khỏi chiếc bao cảm xúc mà chúng sẽ mang theo trong suốt cuộc đời.