Người hùng bên trong Nhà lãnh đạo
Người hùng lãnh đạo không được tạo nên bởi “chiếc áo choàng” hào nhoáng. Họ rất giản dị và chân thật, nhưng khi đương đầu với khó khăn, họ là bậc thầy xử lý với “cái đầu lạnh” và “trái tim ấm”.
Dấn thân đi trước
Thực tế có rất nhiều lãnh đạo luôn là người tiên phong nhận lãnh trách nhiệm cho những việc khó khăn mà không ai dám nhận. Lúc đó họ không hề tính toán thiệt hơn, chỉ đơn giản là vì công ty đang cần mình và mình sẵn sàng cống hiến. Đó chính là thời khắc người hùng vốn đã có trong họ hiện diện.
Trong cuộc sống gia đình cũng vậy, họ luôn ý thức được vai trò dẫn dắt của mình. Họ không ngừng quan sát học hỏi và làm tốt nhất mỗi khi hiện diện. Họ luôn chủ động tạo dựng một tổ ấm hạnh phúc, nơi đó cha mẹ, vợ con của họ luôn cảm thấy an toàn và bình yên.
Khi chúng ta chưa nhìn thấy mình là gốc rễ của mọi vấn đề và thay đổi mình trước thì sẽ chẳng thể thay đổi được ai.
Nhận trách nhiệm về mình
Trong công ty luôn có một số tình huống, nhìn có vẻ như nhà lãnh đạo đang nhận trách nhiệm về mình nhưng thực chất là đang đổ lỗi tinh vi, kiểu “Tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình, nhưng…”
Có bao giờ sau một ngày bộn bề công việc, trở về nhà, bạn thấy vợ chẳng quan tâm, con cái thì mè nheo khiến mình thật khó chịu? Và theo bản năng, bạn phản ứng vài hành động như ném đồ, đóng cửa mạnh khiến người thân buồn phiền. Mặc dù không dùng lời nói nhưng hành vi đó thể hiện “sự đổ lỗi tinh vi”. Rằng sự mệt mỏi hôm nay là tới từ việc đi làm để nuôi gia đình. Nhưng việc lập gia đình và sinh con là lựa chọn của chính bạn, đúng không!?
Mỉm cười với sự lựa chọn, trở thành một người có trách nhiệm với bản thân mình, vậy là bạn đã khơi dậy người hùng bên trong mình rồi đó.
Thành quả có được không do một mình ta gầy dựng
Nếu như trong điện ảnh, những người hùng thường hy sinh thầm lặng và luôn ghi nhận chiến công thuộc về đội nhóm. Nhưng cuối cùng, mọi người vẫn thấy được sự cống hiến của họ, biết ơn và trân trọng. Thực tế cũng vậy!
Nhưng đâu đó, cũng có những “người hùng ảo”. Vì một lý do nào đó, họ thường hăng hái nhận trách nhiệm lúc ban đầu, nhưng sau đó hoàn toàn bị động hoặc đùn đẩy cho người khác thực thi những giải pháp mà họ đưa ra. Và sẽ chẳng ngạc nhiên khi những “người hùng ảo” này mãi cô đơn, bởi chẳng ai còn dám làm việc với một người sếp như vậy.
Nguồn: Toppion Group