Marketer Tường Vi
Tường Vi

Content Writer Intern @ Brands Vietnam

Re-live “Mega Sales to the Max”: Meta chỉ ra 5 insight mua sắm nổi bật của NTD Việt mùa Mega Sales

Re-live “Mega Sales to the Max”: Meta chỉ ra 5 insight mua sắm nổi bật của NTD Việt mùa Mega Sales

Tại sự kiện “Mega Sales to the Max” do Meta tổ chức vào tháng 7/2022, các diễn giả đã mang đến những insight thú vị, gợi ý giúp doanh nghiệp Việt xây dựng chiến lược bán hàng và thu hút khách hàng hiệu quả dịp mua sắm cuối năm.

Từ lâu, những ngày hội Mega Sales đã trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh số của doanh nghiệp. Buổi chia sẻ xoay quanh 3 nội dung chính: (1) Insight mua sắm nổi bật của người tiêu dùng trong mùa Mega Sales; (2) Hành trình của người tiêu dùng số trong mùa Mega Sales và vai trò của Facebook ở từng giai đoạn mua hàng; (3) Các giải pháp giúp doanh nghiệp tối đa hoá doanh thu trong dịp Mega Sales.

Phiên trình bày số 1: 5 insight mua sắm nổi bật của người tiêu dùng trong mùa Mega Sales

Một yếu tố then chốt mà các doanh nghiệp cần nắm chắc để chiến thắng trong những ngày hội Mega Sales chính là hành vi của người tiêu dùng. Do đó, ở đầu sự kiện, chị Chi Trương – Client Solution Manager, và anh Khang Huỳnh – Business Strategy từ Meta Việt Nam, đã chia sẻ 5 insight mua sắm nổi bật của người tiêu dùng (NTD) trong mùa Mega Sales.

Thứ nhất, người tiêu dùng thoải mái tìm hiểu và sẵn sàng đầu tư thời gian để khám phá các lựa chọn khác nhau trước mùa Mega Sales. Theo Meta, trong hai người thì sẽ có một người bắt đầu lên kế hoạch mua sắm và tiêu dùng từ tháng 10 hoặc tháng 11. So với thời gian còn lại trong năm, sự cởi mở của người tiêu dùng đối với thương hiệu trong dịp Mega Sales cũng lớn hơn. Cụ thể, có 69% NTD sẵn sàng khám phá những sản phẩm xuất hiện ngẫu nhiên, và có tới 95% người mua hàng muốn thử một thương hiệu mới trong mảng thời trang, đồ ăn, và đồ điện tử.

Thứ hai, thương mại xã hội (Social Commerce) giúp NTD dễ dàng trong việc khám phá sản phẩm, còn thương hiệu gắn kết với khách hàng tốt hơn. Theo khảo sát của Meta, 6/10 NTD sẽ sẵn sàng khám phá và mua hàng qua các nền tảng mạng xã hội. Những người mua hàng này đa số sẽ là Gen Z hoặc Millennials – những người thường có thói quen mua sắm ngẫu hứng và luôn dành sự yêu thích cá nhân hoá trong trải nghiệm mua hàng. Một điểm đặc biệt khác ở những Social Shopper (người mua hàng trên mạng xã hội) là họ rất thích sự thú vị khi khám phá ra một món hàng mới. Cụ thể, 76% đáp viên trả lời rằng họ thích khám phá những món hàng xuất hiện ngẫu nhiên và 47% trong số đó chia sẻ họ luôn tìm kiếm những món hàng mới. 

Thứ ba, công nghệ tương tác một trong những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng trong mùa Mega Sales. Từ khảo sát của Meta, 79% đáp viên cho biết họ đã sử dụng hoặc sẵn sàng dùng công nghệ AR vào dịp mua sắm cuối năm. Có 90% khách hàng trực tuyến sử dụng công cụ nhắn tin để tương tác với doanh nghiệp, và họ cảm thấy đây là phương thức giao tiếp tiện lợi, đáng tin cậy. Ngoài ra, sự tương tác mạnh mẽ trong buổi livestream sẽ giúp đẩy nhanh hành trình mua sắm, từ đó, chuyển người mua từ giai đoạn nhận biết sang mua hàng. Theo đó, động lực để NTD xem livestream trước khi đưa ra quyết định mua hàng là để nắm được những thông tin cần thiết của sản phẩm hoặc nhận khuyến mãi. 

Thứ tư, hành vi mua hàng của NTD không cố định trong các dịp Mega Sales khác nhau. Dù mỗi đợt Mega Sales đều là những dịp để mua sắm, và các yếu tố quan trọng để thúc đẩy sức mua của NTD gồm có giá cả, sự thuận tiện, tình trạng sản phẩm, và những đề xuất trải nghiệm tương tác hấp dẫn. Nhưng theo chị Chi Trương, có một sự thật thú vị là ở mỗi đợt Mega Sales khác nhau, NTD Việt sẽ có kế hoạch và mức độ tham gia mua sắm khác nhau. Cụ thể, trong đợt sale vào ngày 10/10, đa số NTD thích mua sản phẩm theo kế hoạch nhưng lại sẵn sàng mua sắm tự phát. Trong khi, ngày sale 12/12, việc mua sắm của họ sẽ có phần ngẫu hứng hơn vì cận mùa Noel. Thêm vào đó, khi phân tích sâu về những ngành hàng trong mùa Mega Sales, ngành thời trang và quần áo vẫn đứng đầu, tiếp đến là ngành làm đẹp và thức ăn.

Cuối cùng là chiến lược kinh doanh xuyên biên giới (Cross-border Bussiness). Theo Meta, 96% NTD được khảo sát cho biết họ đã thử một thương hiệu mới trong dịp sale cuối năm, và có 48% đã mua hàng từ một doanh nghiệp xuyên biên giới. Thế nên, chiến lược xuyên biên giới có thể được tận dụng bởi nhiều ngành khác nhau như thời trang, đồ điện tử, làm đẹp, đồ gia dụng… Ngoài ra, dù ở khu vực hay ngành hàng nào thì NTD toàn cầu đều rất quan tâm đến các yếu tố như giá cả, tình trạng hàng, chất lượng vận chuyển và khả năng đổi trả. Thêm vào đó, người mua hàng xuyên biên giới cũng đang mong muốn có những trải nghiệm mua sắm thú vị. Đồng thời, họ quan tâm đến những giá trị hiện tại của thương hiệu như trách nhiệm xã hội, thân thiện với môi trường, bình đẳng và hoà nhập. 

Phiên trình bày số 2: Hành trình của người tiêu dùng số trong mùa Mega Sales và vai trò của Facebook ở từng giai đoạn mua hàng

Trong khuôn khổ sự kiện, ông Aske Østergård, Co-Founder & CEO tại Decision Lab đã đào sâu phân tích 4 giai đoạn mua hàng gồm Discovery, Consideration, Purchase, Post-purchase của NTD trên môi trường số. Theo đó, Decision Lab đã thực hiện nghiên cứu theo 2 bước để làm rõ hành trình mua hàng của người tiêu dùng số và vai trò của Facebook trong quá trình này:

  • Nghiên cứu bán định tính được thực hiện trên 11 ngành hàng khác nhau, dưới hình thức khảo sát trực tuyến với những câu hỏi mở.
  • Nghiên cứu định lượng để tìm hiểu tất cả những kênh và thông tin mà NTD cần để thực hiện việc mua hàng.

Ông Aske bắt đầu với giai đoạn Discovery (khám phá). Ông trình chiếu biểu đồ đối chiếu vai trò của Facebook với những kênh khác. Biểu đồ cho thấy Facebook đóng một vai trò khá quan trọng trong giai đoạn khám phá và xây dựng nhận biết cho sản phẩm. Theo nghiên cứu của Decision Lab, Facebook là một trong những nền tảng giúp xây dựng Brands Awareness cho phần lớn thương hiệu trong 7/11 ngành hàng. Ví dụ, trong ngành hàng chăm sóc da mặt, chăm sóc cá nhân, chăm sóc nhà cửa… nội dung thương hiệu đăng tải lên Facebook ảnh hưởng đến Brand Awareness của trung bình 51% NTD. Con số này trong ngành hàng sữa, F&B, đồ uống có cồn là 38%. 

Ở giai đoạn Consideration (cân nhắc), ông Aske chỉ ra Facebook là một trong những nguồn tham khảo phổ biến. Cụ thể, những nội dung thông tin mà NTD muốn tìm kiếm và nghiên cứu trong giai đoạn này sẽ phụ thuộc vào từng ngành hàng. Cụ thể, với những mặt hàng tiêu dùng như (sữa, đồ uống có cồn, F&B), họ sẽ tìm kiếm sự an tâm và đảm bảo về chất lượng. Còn đối với những mặt hàng công nghệ, NTD mong muốn sẽ nhận thêm thông tin về sửa chữa và thay thế…

Tiếp theo, tại giai đoạn thứ ba là Purchase (mua hàng). Ông Aske cho biết phần lớn NTD hiện nay có xu hướng mua hàng gián tiếp – nghĩa là xem quảng cáo trên mạng xã hội, bấm vào quảng cáo, và mua hàng trên e-Commerce. Và khi xem xét từ góc độ mua hàng gián tiếp, Decision Lab nhận thấy hành trình mua hàng có nhiều điểm khác biệt mà marketer cần lưu ý. Tỷ lệ mua sắm gián tiếp có sự khác biệt đáng kể giữa các ngành hàng. Ví dụ đối với mặt hàng chăm sóc da, tỷ lệ mua gián tiếp đạt gần 60%, trong khi con số này chỉ là 23% đối với các sản phẩm điện tử. Bên cạnh đó, Decision Lab cũng phân loại những mặt hàng nào được mua một cách ngẫu hứng và mặt hàng được mua theo kế hoạch. Theo đó, những mặt hàng như đồ gia dụng, thiết bị điện tử, sữa bột… gần 70% NTD sẽ lên kế hoạch kỹ lưỡng trước khi mua. Còn những mặt hàng được mua ngẫu hứng là thực phẩm, thức uống… 

Theo ông Aske, những thông tin trên có ý nghĩa rất lớn đối với việc lên kế hoạch tiếp thị phân bổ ngân sách truyền thông trong mùa Mega Sales. Chẳng hạn, với những mặt hàng ngẫu hứng, thương hiệu có thể sử dụng khuyến mại để tăng doanh số. Còn với những mặt hàng được mua theo kế hoạch, thương hiệu cần đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm để NTD có thể nghiên cứu và lên kế hoạch mua sắm.

Giai đoạn cuối cùng là Post-purchase (sau khi mua hàng), ông Aske đưa ra một lưu ý là NTD thường có xu hướng mua lại hoặc bổ sung cùng một mặt hàng mà họ đã mua trước đó. Theo Decision Lab, tuỳ vào ngành hàng, khoảng 40% - 80% người mua sẽ mua hàng hoặc bổ sung cùng một mặt hàng trong tương lai. Điều này có nghĩa là NTD vẫn có thể ghé thăm trang Facebook của thương hiệu để tìm kiếm khuyến mãi. Và nếu có một khuyến mãi tốt, họ sẽ có thêm động lực để mua hàng. Ngoài ra, NTD cũng tìm kiếm nhiều thông tin như tính hiệu quả, những đánh giá về sản phẩm. 

Phiên trình bày số 3: Các giải pháp giúp doanh nghiệp tối đa hoá doanh thu trong dịp Mega Sales

Và ở phần trình bày cuối, các đại diện từ Meta Việt Nam là chị Nhung Trương – Client Partner, chị Mia Nguyễn – Business Strategy Manager, và chị Chirstine Trần – Business Strategy Manager, trình bày những giải pháp giúp thương hiệu tối ưu hiệu quả hoạt động tiếp thị, truyền thông trong mùa Mega Sales.

Đầu tiên, chị Mia Nguyễn đề xuất giải pháp Discovery Commerce giúp tiếp cận và dự đoán hành vi của khách hàng, từ đó giúp doanh nghiệp đa dạng hoá và nâng cao hiệu quả marketing. Bốn trụ cột then chốt của giải pháp này gồm: (1) bộ máy cá nhân hoá giúp nhắm mục tiêu phù hợp; (2) lựa chọn điểm tương tác thu hút để nâng cao trải nghiệm khám phá của người dùng; (3) bộ công cụ quảng cáo và chuyển đổi quảng cáo tạo sự liền mạch cho NTD ở từng giai đoạn mua hàng; (4) công cụ đo lường hiệu quả chiến dịch.

Kế tiếp, chị Chirstine Trần đã gợi ý công thức tiếp thị 3A: Activation – Allocation – Acceleration để không ngừng tăng trưởng về doanh số trực tuyến.

  • Activation: Kích hoạt kênh bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử
  • Allocation: Cân bằng ngân sách giữa việc chạy quảng cáo thương hiệu (branding) và hiệu suất (performace)
  • Acceleration: Tăng tốc kế hoạch tiếp thị với những cách làm tốt nhất

Và ở cuối phần trình bày của mình, chị Chirstine Trần đã đưa tới giải pháp Collaborative e-Commerce nhằm giúp doanh nghiệp hợp tác với những sàn thương mại điện tử phù hợp để có thể tiếp cận NTD từ giai đoạn khám phá tới mua hàng. Đồng thời, đây còn là công cụ kiểm soát và tối ưu hoá chỉ số quảng cáo.

Cuối cùng, chị Nhung Trương khai thác khái niệm Metaverse và đề xuất doanh nghiệp nên tận dụng nó để kể câu chuyện thương hiệu một cách thật sáng tạo. Một ví dụ điển hình là thương hiệu mỹ phẩm Sephora đã sử dụng công nghệ AR để miêu tả mùi hương cho dòng sản phẩm nước hoa mới. Kết quả, chiến dịch đã mang về 17 điểm ghi nhớ quảng cáo và 1,3 điểm về ý định mua hàng cho thương hiệu này.

Tường Vi / Brands Vietnam