Bài học thành công từ mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam
Sở hữu cơ cấu dân số trẻ và sự tăng nhanh về mức thu nhập cũng như tỷ lệ đô thị hoá, Việt Nam được dự đoán là sẽ có mức tăng trưởng vượt trội về số lượng cửa hàng tiện lợi tại khu vực Châu Á vào năm 2021.
Đến nay, hệ thống các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini mọc lên ngày càng nhiều tại hầu hết các địa phương trên khắp cả nước. Thậm chí, ở các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội, cứ cách vài trăm mét lại xuất hiện tới 3-4 cửa hàng của WinMart+, Circle K, Ministop, hay FamilyMart...
Điển hình là góc đường Bùi Viện – Đề Thám ở khu phố Tây quận 1, hay nhiều đoạn đường thuộc các quận trung tâm như Nguyễn Trãi, Pasteur (quận 1), Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) và Nguyễn Biểu (quận 5).
Theo danh sách của Sở Công Thương TP.HCM, tính đến tháng 7/2021, trên địa bàn TP.HCM có hơn 2.600 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Có thể thấy mô hình cửa hàng tiện lợi đang trở thành xu thế tiêu dùng mới và làm thay đổi đáng kể thói quen mua sắm hàng hoá của người dân hiện nay.
TS Lê Huy Khôi (Trưởng phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường của Bộ Công Thương) nhận định rằng sự gia tăng mạnh mẽ của các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cho thấy sự bắt nhịp của các doanh nghiệp trong nước trước xu thế mới của hội nhập.
“Chúng ta thấy sự xuất hiện len lỏi của các siêu thị nhỏ vào từng ngõ ngách, khu dân cư. Đây cũng là một thế mạnh của ngành bán lẻ nước nhà trước sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ ngoại” – TS Lê Huy Khôi.
Một số hệ thống cửa hàng, siêu thị nhỏ “thuần Việt” có thể kể đến như WinMart+ (gần 2.900 cửa hàng), Bách hoá Xanh (hơn 1.800 cửa hàng), Co.op Smile và Cheers (391 cửa hàng), Satrafoods (221 cửa hàng).
Không chỉ là miếng bánh hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp ngoại cũng muốn giành lấy thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua việc mở hàng loạt cửa hàng. Để có thể trụ được trong cuộc chiến cạnh tranh này, bên cạnh một chiến lược kinh doanh hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi rất nhiều từ những chuỗi cửa hàng tiện lợi của những doanh nghiệp nước ngoài đã thành công trên thị trường.
Hãy cùng điểm qua những kinh nghiệm kinh doanh từ 3 cửa hàng tiện lợi được yêu thích tại Việt Nam sau đây:
Circle K (Mỹ)
Là chuỗi cửa hàng tiện lợi nhượng quyền nổi tiếng đến từ Mỹ, Circle K hiện đang là một trong những mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi dẫn dầu tại Việt Nam với gần 400 cửa hàng và hơn 16.000 cửa hàng trên khắp thế giới.
Hệ thống cửa hàng tiện lợi 24h – Circle K được thành lập vào năm 1951 tại Texas và xuất hiện lần đầu ở Việt Nam từ năm 2009. Tuy nhiên, đến đầu năm 2012, hình ảnh chuỗi cửa hàng Circle K mới được nhiều người biết đến hơn dưới sự lãnh đạo của Tony Yan – một doanh nhân có 35 năm gắn bó với ngành bán lẻ.
Trước khi đến Việt Nam, ông đã quản lý nhiều chuỗi cửa hàng trong đó có thương hiệu cửa hàng tiện lợi nổi tiếng 7-Eleven, và nhiều nhà hàng thức ăn nhanh, cửa hàng cà phê khác nhau.
Ông Yan cho biết trong nhiều năm tới, Circle K vẫn tập trung phát triển những cửa hàng có quy mô 100-200 m2, đủ lớn để tạo chỗ ngồi với không gian thoáng mát nhằm phục vụ cho thói quen phổ biến của nhiều người Việt.
Nhà quản trị này còn chia sẻ rằng một trong những yếu tố quyết định thành công của Circle K chính là vị trí mặt bằng đẹp và phương châm làm việc 3P (Patience) – Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn.
Circle K đang dần trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người trẻ bởi phong cách hiện đại, năng động, đồ ăn nhanh đa dạng kết hợp với mô hình lai quán cà phê. Với chất lượng và uy tín trong từng sản phẩm lẫn dịch vụ, khách hàng mua sắm tại các cửa hàng của Circle K luôn nhận được sự hài lòng.
FamilyMart (Nhật Bản)
Hệ thống cửa hàng FamilyMart được biết đến là một trong những cửa hàng tiện lợi được nhiều người dân ở khu vực phía Nam ưa chuộng. Là thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật Bản, hiện tại FamilyMart đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới (chủ yếu ở khu vực Châu Á) với tổng cộng 24.597 cửa hàng (cập nhật mới nhất vào ngày 31/7/2022).
FamilyMart ra mắt tại Nhật Bản vào năm 1973 và mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2009. Tính đến nay đã là 150 cửa hàng ở 3 tỉnh TP.HCM, Bình Dương và Vũng Tàu. Cái tên FamilyMart thể hiện mong muốn phát triển của hệ thống cửa hàng này với khách hàng, cũng như cách các cửa hàng cùng nhau phát triển như một gia đình.
Các cửa hàng của FamilyMart luôn nỗ lực để đem đến cảm giác thân thiện, thoải mái cho khách hàng, với hy vọng sẽ trở thành nơi mua hàng đáng tin cậy của mọi người.
Ngoài đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến nóng và thực phẩm khô, ở FamilyMart còn có đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng tổng hợp và dụng cụ chăm sóc cá nhân, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho những người bận rộn. Bên cạnh đó, một số cửa hàng FamilyMart còn cung cấp chỗ ngồi rộng rãi có nhiều bàn ghế để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Ông Yamanouchi Hirohisa – Trưởng bộ phận Sản phẩm và Tiếp thị, đại diện FamilyMart tại Việt Nam, chia sẻ rằng mỗi tuần, nhân viên của cửa hàng đều kiểm tra xưởng sản xuất Fresh Food để đảm bảo sản phẩm mà FamilyMart bán ra luôn được sản xuất và kiểm soát theo tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản.
Mục tiêu của FamilyMart là làm sao để khách hàng không chỉ hài lòng với chất lượng dịch vụ, sản phẩm mà còn cảm thấy an toàn và an tâm khi mua hàng tại cửa hàng. FamilyMart còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày, nhằm thúc đẩy nhu cầu mua sắm qua thói quen mua hàng khuyến mãi của đa số người dân Việt Nam.
Ngoài ra, thế mạnh của chuỗi cửa hàng này còn là sự phối hợp với các công ty đối tác để tạo ra những sản phẩm riêng biệt và mang đặc trưng riêng.
Ministop (Nhật Bản)
Một thương hiệu cửa hàng tiện lợi khác cũng đến từ Nhật Bản: Ministop – niềm tự hào của ông lớn trong ngành bán lẻ AEON.
Dù ra đời sau rất nhiều cửa hàng (thành lập vào năm 1980), nhưng chuỗi cửa hàng Ministop hiện đang vươn lên như một thế lực mạnh mẽ bên cạnh các ông lớn khác như 7-Eleven, Circle K, với hơn 5.000 cửa hàng trên toàn thế giới và 144 cửa hàng tại Việt Nam tính đến năm 2021.
Ministop được phát triển với sứ mệnh mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng, với mô hình tươi mát, độc đáo, và tiện lợi. Thế mạnh của chuỗi cửa hàng Ministop là mô hình kết hợp giữa cửa hàng thức ăn nhanh và cửa hàng tiện lợi với khu vực tiếp khách để khách hàng có thể ngồi ăn uống, nhằm đáp ứng nhu cầu nhanh chóng và an toàn, cùng với nhà vệ sinh bên trong mỗi cửa hàng.
Tại Ministop, việc chế biến thức ăn nhanh được thực hiện ngay tại chỗ trong các khu bếp, giúp tiết kiệm thời gian thưởng thức các món ăn mà vẫn đảm bảo được không gian thoáng mát, thoải mái cho khách hàng thư giãn.
Theo tạp chí kinh doanh Yomiuri Shimbun, chiến lược giúp Ministop xây dựng thành công hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ chính là xác lập khu vực hoạt động chủ yếu và mở nhiều cửa hàng, sử dụng các đại lý bán sỉ, bảo quản tốt độ tươi và mùi vị của thực phẩm, và cuối cùng là một hệ thống thông tin tổng hợp hỗ trợ giao hàng.