Bookaholic #17: Nghiền ngẫm những đúc kết của Seth Godin về thực hành sáng tạo
Với những chiêm nghiệm tươi mới về sáng tạo, “The Practice – Ta giấu sáng tạo ở đâu?” của Seth Godin có thể được xem là một cuốn cẩm nang thực hành dành cho cả cư dân lâu năm và những người mới chập chững vào ngành.
Cuốn sách này có gì? Cách lập chiến lược để rèn giũa kỹ năng sáng tạo theo cách của bạn. Thay vì nhìn nhận sáng tạo là một năng khiếu hay một phép màu bật sáng vào những lúc không tưởng, Seth Godin cho rằng đó là thứ mà bất kỳ ai cũng đang sở hữu. Bài viết sẽ tóm tắt một vài nội dung chính của cuốn sách, phần nào có thể giúp bạn “chuyên nghiệp hoá” kỹ năng sáng tạo của mình.
Tin tưởng bản thân khi tìm kiếm “con đường thực hành sáng tạo”
Seth Godin tin rằng mỗi người đều có khả năng sáng tạo. Tuy nhiên lộ trình trở thành một người làm nghề sáng tạo chuyên nghiệp không dễ dàng, do đó, hãy tìm kiếm con đường thực hành sáng tạo của riêng mình.
Nguồn: RIO Book
Vậy làm thế nào để tìm thấy con đường đó? Câu trả lời nằm ở hành trình của bạn. Nhưng tin tưởng vào hành trình của mình là một điều không hề dễ dàng. Trong một thế giới chú trọng kết quả hơn quá trình, đa số đánh giá một người thợ sửa ống nước dựa trên kết quả như liệu bồn cầu có còn rỉ nước không. Và tương tự với ngành sáng tạo. Sự thành công của một cuốn sách được tính bằng số lượng sách được bán ra, hay sự nổi tiếng của một ca sĩ được đo đếm bằng số sân vận động mà họ đã biểu diễn.
Việc chăm chăm vào kết quả có thể dẫn đến những lựa chọn thiển cận và dựa trên xu hướng thị trường. Có thể hình dung như thế này, không có cái gọi là kết quả nếu không có quá trình dẫn đến kết quả đó. Vậy nên, để tìm được con đường thực hành sáng tạo đích thực, hãy tập trung vào quá trình của chính mình. Đương nhiên, quá trình của bạn có thể sẽ không giống với bất kỳ ai.
Đôi khi rất khó để có niềm tin trong quá trình ấy. Bạn có thể cảm thấy những nốt rời rạc sẽ không hoà quyện thành một bản nhạc hoàn chỉnh hoặc những câu từ bạn ghi chép trong sổ sẽ không bao giờ trở thành một cuốn sách. Ngay cả những người làm công việc sáng tạo lâu năm cũng thú nhận rằng nhiều lúc họ cũng cảm thấy nghi ngờ bản thân. Nhưng thực sự thì cảm xúc không mấy quan trọng, thứ quan trọng chính là hành động. Hành động là thứ nằm trong tầm kiểm soát của ta. Vì vậy, hãy làm theo quy trình của bạn, ngay cả khi bạn cảm thấy không thể, không muốn làm.
Đôi khi quá trình đó sẽ dẫn đến một thành tựu, đôi khi không. Nhưng mỗi khi làm theo quy trình, bạn có thêm một cơ hội khai mở tiềm năng sáng tạo của mình.
Sáng tạo hào phóng
Một số người sẽ có “tư duy khan hiếm”. Họ tích trữ và lo lắng một ngày nào đó họ sẽ cạn kiệt ý tưởng. Điều đó khiến họ giấu đi tiếng nói của mình chỉ vì sợ người khác “cướp” ý tưởng của mình. Tác giả cho rằng ý tưởng là vô tận. Chia sẻ “đứa con” sáng tạo với những người khác chính là cách để nó được tiếp tục phát triển và hoàn thiện hơn nữa. Thực tế, trao đi càng nhiều, bạn sẽ càng nhận được nhiều cảm hứng.
Ta rất dễ biện hộ cho sự im lặng của bản thân. Bởi ta sợ hãi khi chia sẻ tác phẩm của mình tới nhiều người. Nhưng giấu mình đi chỉ là cách lẩn trốn khỏi nỗi sợ bản thân kém cỏi, giấu mình đi chỉ khiến bạn xa rời những người có thể đang tin tưởng và cần bạn nhất. Sự sáng tạo cần được nuôi dưỡng cùng với những phản hồi và điều chỉnh để cải thiện.
Hài độc thoại là hình thức giải trí trần trụi nhất khi chỉ có một diễn viên đứng đó với chiếc micro. Họ chia sẻ một vài câu chuyện. Nó có thể nhạt nhẽo và họ xấu hổ đến nỗi chẳng biết trốn đi đâu cả. Nhưng họ đã mang tác phẩm của mình đến công chúng, và dù tốt hay tệ, họ vẫn có có cơ hội cải thiện nó.
Sáng tạo có chủ đích
Bạn có bao giờ cố lên kế hoạch cho một sản phẩm sáng tạo chưa? Nếu đã từng, chắc hẳn bạn sẽ rõ hơn ai hết việc thành phẩm cuối cùng luôn có sự sai lệch ít nhiều. Điều đó khó lường đến mức có một số người chọn không cần kế hoạch nào cả. Nhưng dù bạn đang ứng biến hay đang làm theo một outline, có một thứ luôn cần xác định rõ: chủ đích.
Ý định định hình sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, việc đặt kỳ vọng cao có thể khiến chúng ta “đứt gánh giữa đường”. Nhưng làm gì đó mà không có chủ đích thì bạn cũng khó mà thành công.
Vậy xác định chủ đích như thế nào?
Trước tiên, hãy tự hỏi bản thân “Sản phẩm của tôi sẽ tiếp cận những ai?”. Bởi hiếm có sản phẩm nào là dành cho tất cả mọi người. Vì vậy hãy xác định rõ: người đọc, người xem, người dùng lý tưởng của bạn là ai? Họ muốn gì, cần gì, tin gì và sợ gì? Nhắm mục tiêu tốt sẽ giúp sản phẩm có khả năng tiếp cận xa hơn. Ví dụ đơn giản, làm thế nào để ba chàng cao bồi chăn được một nghìn con bò? Họ không chăn từng con bò riêng lẻ. Họ tác động vào 10 con bò ở rìa, chúng sẽ tác động đến những con bò khác để cả đàn cùng di chuyển.
Thứ hai hãy tự hỏi bản thân: “Công việc này để làm gì?”. Nếu là một kỹ sư xây dựng, câu trả lời sẽ rất đơn giản: cây cầu để nối liền hai vùng đất. Tuy nhiên, một mẩu quảng cáo, một bức tranh, một buổi biểu diễn thì câu trả lời không đơn giản như vậy. Đừng phức tạp hóa vấn đề, đôi khi câu trả lời chỉ là để giải trí, để "educate" một hành vi nào đó, hay kích thích một phản ứng cảm xúc.
Hãy tìm kiếm những nhà phê bình hào hiệp
Khi ra mắt công chúng, chắn chắn bạn sẽ nhận được phản hồi của khán giả về sản phẩm sáng tạo của mình. Cái kết mỹ mãn là "đứa con" đó sẽ được nhiều người yêu thích. Nhưng mọi chuyện thường không dễ dàng vậy. Thậm chí Shakespeare, Kahlo và Mozart đều từng nhận lấy những lời gièm pha về những tác phẩm của mình.
Người làm sáng tạo không nên né tránh sự phê bình và càng không nên coi chúng là dấu hiệu của sự thất bại.
Seth Godin cho rằng người làm sáng tạo không nên né tránh sự phê bình và càng không nên coi chúng là dấu hiệu của sự thất bại. Thay vào đó, hãy tiếp thu có chọn lọc. Bạn không cần lắng nghe những kẻ chọc phá nặc danh, và cũng không cần lo nghĩ về tất cả những lời phê bình từ những người không muốn thưởng thức tác phẩm của bạn. Trái lại, bạn hãy tìm đến những nhà phê bình hào hiệp đã dành thời gian ngắm nghía tác phẩm và tìm hiểu ý định của bạn. Thường họ chính là người phê bình thực tâm chứ không phải là những chỉ trích vô nghĩa.
Nhờ đó bạn mới có thể tìm được khán giả phù hợp cho "đứa con sáng tạo" của mình. Chỉ khi hiểu rõ về tác phẩm của mình dành cho ai và để làm gì, bạn mới có thể tự tin dõng dạc: “Tác phẩm này không dành cho quý vị”.
Sáng tạo trong giới hạn
Nhiều người không thích những ràng buộc. Nhưng nếu không có giới hạn, ta sẽ chẳng có áp lực nào và không có cơ hội để đổi mới. Khi làm việc với Apple, bà Susan Kake được giao nhiệm vụ thiết kế giao diện cho Mac. Người ta đã giao cho bà một lưới thiết kế 32x32. Từ đây, bà đã tạo ra những phông chữ bitmap phổ biến đầu tiên, những biểu tượng thư mục, mũi tên chuột và hình mặt cười khiến ta liên tưởng ngay tới một thiết bị thông minh. Có thể ngay từ đầu nhiều người chỉ thấy sự thiếu thốn. Còn Susan, bà hiểu rằng những giới hạn đó sẽ là nền tảng cho những thành quả quan trọng sau này.
Từ đây, Seth Godin cho rằng: “Những giới hạn, cùng với sự xoay vòng giữa ta và chúng, chính là một phần của sáng tạo”. Có thể nói rằng giới hạn chính là chất xúc tác giúp cho ý tưởng sáng tạo hình thành. Bởi năng lực sáng tạo kỳ thật chính là kỹ năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và khác biệt. Mà vấn đề thì luôn có những giới hạn. Vậy nên, đừng nhượng bộ trước những cám dỗ về nguồn ngân sách dồi dào hay quỹ thời gian phong phú. Hãy làm quen với những ràng buộc, vì nhờ đó bạn có thể gia tăng khả năng sáng tạo của mình.
Kết
Với “The Practice – Ta giấu sáng tạo ở đâu?”, Seth Godin muốn chỉ ra rằng ai trong chúng ta cũng có thể khơi nguồn sáng tạo. Bằng cách thay đổi góc nhìn về bản chất của lao động sáng tạo, mỗi người có thể vững vàng tâm lý trước những sóng gió xảy ra trong tâm trí của mình. Bên cạnh các ý trên, cuốn sách còn chứa đựng nhiều chiêm nghiệm thú vị khác của tác giả. Có thể đâu đó sẽ giúp bạn lóe lên khoảnh khắc “Eureka!” của riêng mình. Tất cả sẽ là những nhiên liệu mà bạn có thể tích góp để giữ lửa đam mê và đi xa trên hành trình sáng tạo của mình.
Bạn đọc có thể mua sách tại đây.
Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcast cùng chuyên mục tại đây.
Tường Vi / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam