5 bài học VTALK đúc kết giúp bài thuyết trình hiệu quả
Dưới đây là 5 bài học VTALK đúc kết giúp bài thuyết trình hiệu quả từ những vĩ nhân:
Nắm bắt chính xác tâm lý khán giả của mình
Những diễn giả chuyên nghiệp thường rất chú trọng việc nắm bắt tâm lý khán giả của mình. Chính vì thế, họ luôn cố gắng đến sớm hơn vào mỗi sự kiện khi phải thuyết trình. Điều này sẽ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quát cũng như kiểm soát được cả không gian và thời gian tại địa điểm mà mình muốn thuyết phục.
Với vai trò là người trình bày, chúng ta cần phải nắm bắt tâm trạng chung của khán giả để có thể lựa chọn cho mình không khí mở màn hợp lý cũng như để phát triển bài nói một cách phù hợp nhất.
Tổng thống Obama khi phát biểu trước các nhà lãnh đạo thì phong thái chuyên nghiệp, nhưng khi trình bày trước YSEALI – Tổ chức Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á – thì phong thái lại trở nên gần gũi. Ông bỏ áo khoác vest ra và ngẫu hứng 1 đoạn beatbox trong phần trả lời câu hỏi của một bạn trẻ. Nhờ hành động khéo léo này mà ông đã chiếm được cảm tình cực lớn từ các bạn trẻ.
Nói những điều mà khán giả thực sự muốn nghe
Chúng ta chỉ thích nghe những điều mà chúng ta biết, vì thế, để tạo một sợi dây kết nối vô hình, điều không thể tuyệt vời hơn là nói về những điều mà người nghe quan tâm. Yếu tố này sẽ giúp bài thuyết trình gần gũi và được đón nhận nhiệt thành hơn.
Mọi khán giả đều mong muốn được quan tâm và yêu mến. Nếu diễn giả cho họ cảm giác được chia sẻ, họ sẽ lắng nghe bài nói bằng cả trái tim. Sự hợp tác trong mọi cuộc diễn thuyết sẽ đến khi chúng ta bắt đầu bằng những gì mọi người biết thay vì nói những gì chỉ chúng ta biết.
Khơi gợi sự đồng cảm và yêu mến từ người nghe
Con đường ngắn nhất để chinh phục một người là đặt cảm xúc của họ vào câu chuyện của chúng ta. Và câu chuyện thuyết phục nhất là câu chuyện mà chính người nói từng trải qua. Rất nhiều người không đủ can đảm để chia sẻ những câu chuyện đời tư, ngay cả với người bạn thân thiết của mình. Nhưng nếu chúng ta nghiêm túc về việc muốn giúp đỡ mọi người, đừng e ngại làm điều đó.
Ai cũng có những câu chuyện, những bài học vượt qua nghịch cảnh để có được thành công, hãy chia sẻ cuộc hành trình đó. Vì đây là cách chúng ta cho người nghe cảm giác thuộc về, cảm giác chúng ta đang lắng nghe và chia sẻ với chính câu chuyện của riêng họ.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết khi nào cần hoặc không sử dụng điều này. Câu chuyện có thể khởi đầu buồn, nhưng khi kết thúc chúng ta nên khiến khán giả của mình có được tinh thần lạc quan. Đây cũng chính là bài học vỡ lòng mà Học viện Kỹ năng VTALK - cơ sở dạy thuyết trình hàng đầu tại thành phố Hồ Chí Minh luôn muốn các học viên của mình hiểu rõ và áp dụng liên tục vào thực tế cuộc sống. Dù là bài thuyết trình hay một cuộc giao tiếp đời thường, phải luôn cho người khác cảm giác được đồng cảm và sẻ chia. Vì chỉ khi được nhận, con người mới sẵn sàng cho đi.
Thôi thúc và dẫn dắt trí tò mò của người nghe vào bài thuyết trình
Một món ăn được trình bày sinh động sẽ làm thực khách cảm nhận rõ cái tài của người đầu bếp. Một truyện ngắn được viết sinh động làm độc giả nhận ra khả năng sử dụng ngôn ngữ của nhà văn. Một ý kiến, quan điểm được mô tả sinh động làm người nghe cảm nhận trí tuệ tinh tế của người nói, từ đó nhen nhóm sự tò mò, kích thích khán giả suy nghĩ.
Đó là lý do mà những bậc thầy diễn thuyết như Steve Jobs, Obama… luôn dùng những câu chuyện để khơi gợi và dẫn dắt người nghe vào với thông điệp của họ. Câu chuyện mang màu sắc sinh động cho bài nói, làm mềm hóa không khí khi trình bày và giúp khán giả không thể ngừng tò mò, suy tư về câu chuyện ấy.
Những câu chuyện nhỏ nhưng lại tạo ra hiệu ứng tiếp nhận vô cùng tích cực. “Chúng ta không thể đòi hỏi khán giả phải tập trung nghe những gì chúng ta nói, cũng chẳng cần thiết gây sự chú ý bằng hành động thái quá, vì những câu chuyện sẽ giúp chúng ta làm điều đó. Là một người kể chuyện giỏi, chắc chắn khán giả sẽ để tâm về điều các bạn chia sẻ” - Mai Nguyễn Hoàng Nam (Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK) khẳng định.
Luôn thể hiện lòng say mê nhiệt thành với những gì mình nói
Lòng say mê là một tình cảm mãnh liệt, chiếm ưu thế so với các thôi thúc khác của con người, dẫn đến sự tập trung mọi ham muốn và sức lực của họ vào đối tượng mà mình muốn trình bày. Chúng ta chỉ mất vài chục phút để nghe bài thuyết trình huyền thoại của Steve Jobs khi ra mắt iPhone, nhưng Steve Jobs đã mất nhiều năm trời để nói về sản phẩm của mình với tất cả nhân viên và người thân bằng sự say mê vô hạn.
Những diễn giả hàng đầu luôn nghĩ về vấn đề mà họ muốn truyền tải trong đầu, ở mọi nơi, mọi lúc, trên ô tô hay kể cả khi đi tắm. Martin Luther King đã dành cả đời mình để đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc. Vì vậy bài thuyết trình mà người Mỹ nào cũng biết “I have a dream” (Tạm dịch: Tôi có một giấc mơ) gần như là giấc mơ thường trực đã xuất hiện cả đời trong đầu của Martin.
Tuy nhiên, một ngọn lửa càng cháy mạnh, nó sẽ càng dễ tắt. Khi bạn cháy hết mình, khán giả lập tức sẽ hướng sự chú ý tới bạn. Nhưng để buổi thuyết trình đi đúng hướng, sự điềm tĩnh trong lời nói, cử chỉ mềm mại nhẹ nhàng cùng với một tinh thần say mê cháy bỏng được duy trì từ đầu đến cuối sẽ để lại dư âm lâu hơn, thành công hơn cho phần trình bày.
Hiếm có một ai sinh ra là đã bẩm sinh giỏi thuyết trình. Phần lớn mọi người rèn giũa kỹ năng nói chuyện qua quá trình phấn đấu, nỗ lực và tích lũy kinh nghiệm qua sách vở và quá trình giao tiếp. Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 Hoa Kỳ cũng nhờ chịu khó nghiên cứu, ứng dụng những cuốn sách về đề tài nói trước đám đông mà đã từ một chàng trai trẻ nói năng bất cẩn thành một nhà hùng biện tài ba được công nhận, học tập. Sự thành công luôn luôn bắt đầu từ những bài học và kinh nghiệm quý giá như thế.