Cá đi xuôi dòng là cá chết, ngược dòng là sống
Cuộc sống, đa phần là những việc bất như ý, nhưng muốn thành công thì chúng ta phải dũng cảm ngược dòng vượt qua tất cả. Trong doanh nghiệp cũng sẽ có những lúc khó khăn, người lãnh đạo phải luôn “cân đo đong đếm” cho mọi quyết định và lãnh trách nhiệm toàn phần.
Nhưng khi lòng dũng cảm không xuất hiện, nhân viên sẽ nhìn thấy hình ảnh gì ở người sếp của mình?
Ích kỷ cướp đi cả lòng dũng cảm của người khác
Người lãnh đạo thiếu lòng dũng cảm thường đánh giá thấp bản thân, họ truyền đi thứ năng lượng tiêu cực làm nhụt chí những người khác. Giống như cơn lốc xoáy, nó sẽ nuốt chửng và phá huỷ mọi thứ trên đường đi của mình. Họ không dám hoặc không tin tưởng trao cơ hội cho người khác, nhất là khi người đó chưa có kinh nghiệm hoặc từng thất bại trước đó. Thậm chí họ còn củng cố thêm định kiến, sẵn sàng chê bai và dè bỉu khi thấy ai đó thất bại.
Đay nghiến bản thân trong quá khứ
Người ta thường nói những nhà lãnh đạo mất đi sự dũng cảm chỉ vì một vài thất bại là “nạn nhân của quá khứ”. Tức là họ không thể ngừng ám ảnh về chuyện đã qua, chối bỏ những thành công đã từng, chỉ lấp đầy suy nghĩ bằng những thất bại và đồng nhất mình với chúng.
“Lâu lâu mới nghe, luôn luôn muốn nói”
Thật khó để một người lãnh đạo thiếu dũng cảm ngồi yên và lắng nghe người khác. Bởi trong đầu họ đầy rẫy định kiến và sự phủ định, làm gì còn chỗ cho điều tích cực ngồi cùng. Nhưng ngược lại họ lại rất muốn nói vì hàng ngàn điều tồi tệ trong đầu đang cần được “sổ lồng”. Ví dụ như ngay cả khi phát biểu, họ chỉ quan tâm tới những vấn đề và xoáy sâu vào mức độ nghiêm trọng còn giải pháp thì “Tôi e là rất khó”.
Ngược lại, một nhà lãnh đạo dũng cảm sẽ rất kiên định khi đưa ra quyết định, họ cũng chọn cách đối diện và nhận trách nhiệm.
Năng lực lựa chọn và ra quyết định trong mọi tình huống gần như là tố chất của họ. Không hiếm nhà lãnh đạo dũng cảm đưa ra những quyết định táo bạo, đi ngược lại với số đông và mang lại đột phá cho tổ chức.
▪️Lạc quan sẵn có trong ý chí, họ luôn tìm ra điểm tích cực và sẵn lòng khoan dung đối với bản thân. Vì thế những thất bại chẳng thể khiến lãnh đạo dũng cảm nhụt chí, bởi vì “Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó”.
▪️Nhận thức rõ về sứ mệnh và tinh thần cống hiến. Họ cho rằng dù có sự việc gì xảy ra đi chăng nữa thì điều cần thiết là giương cao mục tiêu chung. Bởi thế những người đi cùng họ luôn được trao cơ hội để phát triển, với một tinh thần nhiệt huyết.
▪️Không tồn tại lối tư duy chìm đắm trong nguyên nhân hay nặng nề vào quá khứ. Người lãnh đạo dũng cảm sẽ luôn chủ động tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết.
Suy cho cùng, lý do gì đã “bóp nát” lòng dũng cảm hiện tại của một nhà lãnh đạo? Điều này có lẽ cần sự trợ giúp, đến từ bên ngoài chẳng hạn, để bản thân họ tự nhìn nhận và nuôi dưỡng. Còn đối với những nhà lãnh đạo sở hữu tố chất tuyệt vời này, thật hạnh phúc cho những ai được đồng hành cùng họ trên mọi con đường.
Đừng để sự dũng cảm bị đè nén vì bất kỳ lý do gì, dũng cảm gửi chia sẻ này tới những người bạn yêu quý, cũng là một hành động giúp xây dựng đức tính này.
Nguồn: Toppion Group