Tâm lý học màu sắc trong quảng cáo, tiếp thị
Theo một nghiên cứu trên Canva, màu sắc ảnh hưởng đến 85% quyết định mua hàng của người mua; và màu sắc giúp tăng nhận thức về thương hiệu lên 80%.
Bạn đã biết đến vai trò tâm lý học màu sắc trong tiếp thị, quảng cáo?
Ở mỗi nền văn hoá, quốc gia hoặc tín ngưỡng, màu sắc có thể mang những ý nghĩa khác nhau. Và ở góc độ phổ quát, màu sắc thường có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý con người. Màu sắc có thể khiến chúng ta chọn bao bì này thay vì bao bì khác, nhấp vào hay bỏ qua một nút trên website... Cũng chính vì thế mà những nhà thiết kế luôn nghiên cứu và lựa chọn màu sắc cẩn thận cho thương hiệu.
Bản thân các doanh nghiệp sử dụng tâm lý học màu sắc trong tiếp thị và quảng cáo vì những lý do sau:
- Nhận diện thương hiệu: Công ty lựa chọn các bảng màu giúp truyền tải tính cách thương hiệu (Brand Personality). Một bảng màu phù hợp còn là yếu tố cần thiết để thể hiện quan điểm thương hiệu.
- Nhắm đến khách hàng mục tiêu: Bằng cách lựa chọn màu sắc theo sở thích của các nhóm đối tượng mục tiêu, doanh nghiệp có thể hướng nỗ lực tiếp thị đến từng nhóm nhân khẩu học nhất định.
- Tỷ lệ chuyển đổi: Đây là con số đo lường phần trăm số lượng khách hàng hoàn thành một nhiệm vụ do công ty đề ra. Nhiệm vụ có thể là nhấn nút kêu gọi hành động (CTA) hoặc đăng ký nhận bản tin Email. Nhiều nghiên cứu (bạn có thể tham khảo bài test từ Hubspot) chỉ ra rằng việc thay đổi màu sắc của các nút CTA có thể làm tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Mỗi màu sắc có thể nói lên điều gì về thương hiệu?
Vậy cụ thể mỗi màu sắc có ý nghĩa gì và ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của người tiêu dùng? Hãy cùng tôi điểm qua 8 màu sắc cơ bản thường gặp nhé.
Đầu tiên là màu trắng và đen. Có một điểm thú vị rằng theo góc độ khoa học, trắng và đen không hẳn là màu. Ta nhìn thấy một vật có màu trắng là do nó có khả năng phản chiếu tất cả các ánh sáng đơn sắc. Chúng trộn với nhau tạo thành “ánh sáng trắng”. Do đó, màu trắng là màu có độ sáng cao nhưng giá trị màu sắc bằng 0. Ngược lại với vật có màu đen, nó không phản chiếu hoặc phản chiếu không đáng kể ánh sáng lại mắt của chúng ta.
Màu trắng mang lại cảm giác sạch sẽ, trong sáng, ngây thơ, tối giản và sự hoàn hảo. Do đó, bạn thường thấy màu trắng được sử dụng cho các lĩnh vực sản phẩm cho trẻ em, trang sức, y tế, sức khoẻ, sản phẩm công nghệ cao. Một trong những thương hiệu sử dụng nhiều màu trắng chủ đạo để truyền tải cảm giác về sự hoàn hảo đó chính là Apple.
Còn màu đen mang lại cảm giác quyền lực, bí ẩn, sang trọng, quyến rũ. Trong nền văn hoá Á Đông nói riêng, đen thường mang ý nghĩa không may mắn. Tuy nhiên, đen vẫn là màu khiến người xem cảm nhận được sức mạnh, uy thế, sự nghiêm chỉnh và thẩm quyền. Màu đen kết hợp với màu nổi như cam, đỏ hay vàng sẽ đem lại những thông điệp rất mạnh mẽ. Còn khi kết hợp với trắng, cặp đôi này sẽ đem lại sự tinh tế và sang trọng. Do đó, màu đen thường được sử dụng trong logo của các nhãn hàng cao cấp như Chanel, Prada, Burberry.
Tiếp đến là màu đỏ. Đây là một màu rực rỡ, nhiệt huyết, lãng mạn, quyền lực, và đôi lúc màu đỏ còn đại diện cho sự nóng giận. Trong văn hoá Á Đông, đỏ thường được xem là màu sắc của may mắn và tài lộc.
Vì tính chất nổi bật, màu đỏ thường dùng để báo hiệu sự nguy hiểm như đèn giao thông, bảng hiệu dừng, xe cứu hoả, đèn cứu thương… Màu đỏ cũng sẽ thu hút ánh nhìn và tạo nên sự khao khát nên thường được dùng cho các thiết kế chủ đề tình yêu, lễ hội... Bên cạnh đó, các nhãn hàng đồ ăn, thức uống (như Coca-Cola, McDonald’s, KFC…) cũng thường chọn màu đỏ vì họ tin rằng sắc đỏ có thể giúp mọi người cảm thấy ngon miệng hơn.
Thứ tư là màu xanh dương. Vì được tìm thấy nhiều trong thiên nhiên như màu trời, biển cả…, nên xanh dương thường mang lại cảm giác yên bình, thư thái. Theo tâm lý màu sắc, xanh dương là màu được nhiều người yêu thích, đặc biệt là đàn ông. Do đó, phần lớn sản phẩm dành cho đàn ông đều ưa chuộng màu này. Ngoài ra, xanh dương còn được xem là một màu mang tính an toàn, ổn định, tin tưởng, chuyên nghiệp. Thế nên những công ty về Tài chính, Sức khoẻ, Công nghệ, Bảo hiểm thường ưu ái dùng màu xanh dương như PayPal, Meta, Twitter, Samsung... Một điều thú vị là hầu hết các công ty trong danh sách Fortune 500 sử dụng logo có màu xanh dương.
Kế đến là màu xanh lá. Chúng ta thường biết đến màu xanh lá là màu của mẹ thiên nhiên, cây cỏ, môi trường và có khả năng đem lại cảm giác thư giãn, chữa lành. Xanh lá cũng là màu sắc giúp thúc đẩy sự sáng tạo. Sử dụng màu xanh lá giúp đem lại cảm giác tăng trưởng, mới mẻ, sự lạc quan, hy vọng, cân bằng. Phần lớn những doanh nghiệp sử dụng xanh lá hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến môi trường, sức khoẻ, lối sống, thực phẩm sạch, y tế.
Còn khi nhắc đến màu vàng, chúng ta thường nghĩ đến ánh nắng mặt trời, sự ấm áp, năng lượng, cộng đồng. Màu vàng còn được xem như màu biểu tượng của những người hướng ngoại. Tuy nhiên, vàng cũng là màu khiến ta dễ mỏi mắt khi nhìn nhiều, thậm chí đôi khi đem lại cảm giác khó chịu. Các thương hiệu sử dụng màu vàng thường kinh doanh sản phẩm mang tính hưởng thụ, dễ tiếp cận, trẻ trung, vui tươi ví dụ như Snapchat, McDonald’s, Chupa Chups, Lays…
Tiếp theo, màu tím thường được xem là một sắc màu bí ẩn, tâm linh và giàu tính tưởng tượng. Màu tím thường ít được tìm thấy trong thiên nhiên nên sẽ gợi đến sự quý hiếm và tò mò. Tím còn là màu sắc của hoàng tộc, sự vương giả. Màu tím đậm tạo nên cảm giác quý phái, giàu có; trong khi đó, màu tím nhạt mang lại nét nữ tính, hoài cổ, giàu cảm xúc. Màu tím thường được dùng cho những sản phẩm, dịch vụ dành cho phái nữ, hay sản phẩm làm đẹp, chống lão hoá, tâm linh hoặc mang tính sáng tạo cao như Yahoo, Cadbury Dairy Milk, Twitch…
Sau cùng là màu nâu – một màu sắc gợi nhớ đến thiên nhiên, đất mẹ. Màu nâu đem lại cảm giác thô mộc, tốt lành, bền bỉ, thật thà và thoải mái. Màu nâu không phải là một màu nổi bật mà sẽ đem lại cảm giác vững chãi, khiêm tốn, tự tin. Trong thời đại khi nhiều thương hiệu bắt đầu sản xuất sản phẩm với thành phần từ nguồn gốc thiên nhiên, màu nâu được sử dụng khá rộng rãi trong thiết kế thương hiệu. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy màu nâu ở những thiết kế thương hiệu có liên quan đến thức ăn, sản phẩm organic, làm đẹp, thủ công mỹ nghệ, nội thất…
Như bạn có thể thấy, mỗi màu sắc đều mang một ý nghĩa riêng biệt. Cho nên, để lựa chọn chính xác màu sắc cho thiết kế thương hiệu, chúng ta cần nắm rõ ý nghĩa cơ bản và vận dụng chúng phù hợp. Như vậy, khách hàng và người tiêu dùng sẽ hiểu, cảm thấy hứng thú, và hấp dẫn bởi thiết kế thương hiệu của bạn.