Cách lãnh đạo dũng cảm theo đuổi mục tiêu
Trong cuộc sống, người dũng cảm là người sẵn sàng đối đầu với khó khăn và vượt qua mọi thử thách để theo đuổi mục tiêu. Thậm chí họ còn đi ngược lại với số đông để bảo vệ lý tưởng của mình.
Vậy trong tổ chức, một lãnh đạo dũng cảm khi theo đuổi mục tiêu sẽ khác với số đông như thế nào?
Đầu tiên là tư duy
Lý do bạn chần chừ chưa/không làm một việc, có phải vì chưa đủ điều kiện, chưa có ai làm cùng, chưa có thời gian,… Và tự nhủ rằng đến lúc nào đó sẽ làm, đúng không? Đó chính là sự khác biệt trong tư duy với những người dũng cảm. Nhà lãnh đạo dũng cảm không phải cứ góp nhặt đầy đủ công cụ, đủ điều kiện mới bắt đầu làm những thứ mình muốn. Khi đứng trước sự lựa chọn, họ nhanh chóng đưa ra quyết định.
Quyết định đó không phải là ngẫu hứng, cũng không phải để người khác trầm trồ, mà xuất phát từ lòng trắc ẩn và tâm mong muốn mang lại những điều tốt đẹp. Với nhà lãnh đạo dũng cảm, đó là cho bản thân, gia đình, tổ chức và xã hội.
Tiếp đến là cách làm đặc biệt
Trong tâm thế sẵn sàng bước chân vào một “cuộc chiến trường kỳ”, nên cách nhà lãnh đạo dũng cảm chinh phục mục tiêu cũng rất khác biệt.
Giỏi tập hợp nguồn lực: Khi trong đầu có một ý tưởng đột phá, nhà lãnh đạo dũng cảm ít khi lựa chọn làm một mình. Ngay lúc đó, họ sẽ rà soát lại những nguồn lực xung quanh và tập hợp lại. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, công việc ắt thành công.
Có một ví dụ thực tế, được nhắc đến trong cuốn Leader Mindset của tác giả Loan Văn Sơn như sau. Một chủ lò mổ gia súc đạt tiêu chuẩn an toàn quyết tâm chiến đấu với cả một thị trường lò mổ bẩn, với mong muốn mang lại cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất. Anh đã lên kế hoạch và tìm kiếm những lò mổ đạt chuẩn như mình để tập trung nguồn lực tài chính. Sau đó mỗi người một tay triển khai chiến dịch “bóc phốt” thịt bẩn.
Tốc độ và sự chính xác: Không bị cuốn vào hiện tượng mà đi tìm bản chất của sự việc giúp chúng ta tiếp cận vấn đề chính xác và xử lý nhanh nhất. Nhà lãnh đạo dũng cảm dường như quá hiểu rõ điều này, nên họ luôn tìm ra nguyên nhân gốc rễ và nhìn thấy rõ các tác nhân chính. Tuy nhiên họ thường sẽ là người tiên phong làm gương nhận trách nhiệm về mình.
Cùng tiếp nối ví dụ trên, sau đó, một đội ngũ “thám tử bất đắc dĩ” được thành lập và tỏa đi khắp nơi đã chụp ảnh, ghi hình và thậm chí còn lần theo dấu vết của đường dây buôn bán thịt gia súc chết vì bệnh dịch. Báo đài vào cuộc, nhiều lò mổ bẩn đóng cửa, đường dây thịt bệnh cũng bị triệt phá.
Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ nhỏ trong biển vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở đây chúng ta chia sẻ để có một cái nhìn trực quan nhất về chân dung của một nhà lãnh đạo dũng cảm, cách họ đấu tranh bảo vệ mục tiêu của mình.
Cuối cùng là đích đến
Đích đến không phải là vạch trần sự thật, lên án hay tìm người chịu trách nhiệm, mà là đấu tranh ảnh hưởng đến số đông. Với câu chuyện trên là đấu tranh trả lại thị trường thịt sạch cho người tiêu dùng và tạo ra những lò mổ gia súc an toàn. Cũng như khi nhà lãnh đạo dũng cảm đối đầu với một đám đông sai phạm trong tổ chức và tìm cách đưa họ trở lại với quỹ đạo vốn có.
Tuy nhiên dũng cảm cũng có những điều kiện cần, là việc làm đó mang lại giá trị, có sự phù hợp và có tiềm năng nhất định. Đừng ngộ nhận dũng cảm với sự liều lĩnh/liều mạng, được thể hiện qua sự hiếu thắng, bất chấp mọi giá lao vào thử thách mà không hề nghĩ đến hậu quả.
* Nguồn: Toppion