Fashion Identity – Khái niệm mang tính cá nhân hay yếu tố quyết định bản sắc
Thời trang luôn là mảnh đất màu mỡ đã và đang được khai phá, đầu tư để phát triển không ngừng. Trong những năm gần đây, sức tăng trưởng của ngành công nghiệp này tại Việt Nam đã khiến công chúng dần thay đổi tư duy về mua sắm, ăn mặc. Theo đó, thời trang không chỉ dừng lại ở việc tuỳ ý khoác lên mình những bộ quần áo mà nó còn là công cụ thể hiện cái tôi, tính cách và bản sắc riêng của mỗi cá nhân.
“You are what you wear” – (Tạm dịch: “Bạn là những gì bạn mặc trên người”), hiện đang là câu châm ngôn được yêu thích bởi nhiều người trẻ đam mê thời trang. Ngày nay, thông qua quần áo, người ta có thể khắc hoạ rõ nét những đặc điểm về: hình thể, xu hướng giới tính, độ tuổi, địa vị xã hội, công việc, sở thích… Có lẽ thuật ngữ thông dụng nhất mà chúng ta thường dùng để tóm gọn tất cả đặc điểm trên, chính là Fashion Style (phong cách thời trang). Nhưng dường như ít ai dành thời gian bàn luận về một thuật ngữ quan trọng không kém: Fashion Identity (bản sắc thời trang). Vậy liệu khái niệm Fashion Identity có ảnh hưởng thế nào đến cá nhân và cộng đồng người yêu thời trang tại Việt Nam?
Fashion and Identity (Thời trang và Bản sắc)
Bản sắc là một trong những khái niệm hấp dẫn và gây tranh cãi nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Với bề dày lịch sử và sự đổi mới liên tục ở bối cảnh thời đại mới, thời trang trở nên gắn bó chặt chẽ trong công trình xây dựng và tái thiết bản sắc con người: cách chúng ta biểu đạt những mâu thuẫn và cái tôi trong cuộc sống hàng ngày. Nói một cách hào phóng, thời trang có thể giúp chúng ta trả lời các câu hỏi tu từ: “Tôi là ai?” và “Tôi muốn trở thành người như thế nào?”.
Phong cách xuất hiện như một phép ẩn dụ cho bản sắc. Đó là một phép ẩn dụ bao gồm các đặc điểm vật lý (ví dụ: làn da, hình dáng cơ thể, kết cấu tóc…) cũng như quần áo và cách chúng ta trau chuốt vẻ ngoài. Các đặc điểm này có xu hướng dễ bị thay đổi theo thời gian hoặc bị chi phối bởi cảm xúc, sở thích, trào lưu ngắn hạn… Cụ thể, chúng ta có thể chọn cho mình một phong cách thời trang nào đó và thay đổi nó hoàn toàn trong 1 – 2 năm tiếp theo. Lý do là mọi người đều có nhu cầu được trải nghiệm nhiều dạng phong cách, sở thích hay góc nhìn về cái đẹp, thời trang cũng dần đổi khác theo từng mốc thời gian, ngoài ra còn có sự ảnh hưởng đến từ các xu thế mới.
Mặt khác, Identity (bản sắc) lại là khái niệm mang tính đặc quyền, chân thật và đôi khi phức tạp hơn hẳn. Nó đại diện cho những yếu tố chồng chéo và tác động trực tiếp lên nhau như: tính cách, bản ngã, giới tính, tuổi tác, bản sắc dân tộc, học thức, địa vị và quan hệ xã hội, gu thẩm mỹ, quan điểm sống… Chính vì bản sắc cần sự quy tụ của nhiều yếu tố cảm tính và lý tính, nên nó cho phép chúng ta phác hoạ chân dung con người mà ta đã – đang – sẽ trở thành.
Fashion Identity qua lăng kính thời trang của giới trẻ Việt Nam
Rất dễ để nhận ra sự thay đổi và nâng cấp của thời trang Việt Nam, đây là một tín hiệu vô cùng tích cực khi ngày càng nhiều người bày tỏ sự quan tâm đến quần áo và mua sắm. Đặc biệt là phong cách mới mẻ, hiện đại của Gen Z và Millennials – hai cộng đồng chủ chốt đang khuynh đảo ngành công nghiệp thời trang trên khắp thế giới. Giới trẻ Việt ngày nay được tạo điều kiện để tiếp cận nhanh chóng những xu hướng thời trang mới từ trong và ngoài nước, họ có nhiều sự lựa chọn về sản phẩm, thương hiệu, hình mẫu thời trang lý tưởng. Do đó, chỉ cần rảo một vòng quanh những khu vực trung tâm thành phố vào cuối tuần, bạn có thể dễ dàng thấy các bạn trẻ trong những bộ outfit chất lừ với đa dạng kiểu dáng, chất liệu và màu sắc.
Tuy nhiên khi quay trở lại với chủ đề Fashion Identity, ta buộc phải nhìn thẳng vào một sự thật rằng bản sắc là thứ không dễ gì khẳng định được và nó vẫn còn mờ nhạt giữa vô vàn người trẻ ngoài kia. Nếu không khó để bắt gặp một bộ outfit thời thượng trên phố, song lại khá khó để “tia” trúng một bạn trẻ với gu ăn mặc nổi bật hay có gì đó khác biệt so với đám đông còn lại. Nhìn chung, phần đông giới trẻ có khuynh hướng lựa chọn cho mình phong cách phù hợp thông qua việc tham khảo hình ảnh, phong cách cá nhân của những người nổi tiếng (Celebrity, KOL, Fashionista, KOC, TikToker…), theo dõi trào lưu mới từ các thương hiệu thời trang nhanh cũng như Local Brands đang thịnh hành, học hỏi cách phối đồ từ content trên mạng xã hội hoặc thông qua phim ảnh, nhất là xu hướng thời trang đến từ một số quốc gia Châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Như vậy, đa phần phong cách của giới trẻ Việt được lấy cảm hứng từ rất nhiều nguồn khác nhau, chính vì lẽ đó mà Fashion Identity ở phạm vi cá nhân vẫn còn khá chung chung và chưa thực sự rõ nét.
Lấy ví dụ đơn giản, khi bước vào một quán cafe được giới trẻ yêu thích, ngồi quan sát một lát, bạn có thể nhìn thấy 3 – 4 bạn cùng diện một set đồ gồm những items khá giống nhau, với cách mix&match cũng na ná. Sẽ có lúc bạn ngờ ngợ người vừa lướt qua có nét hao hao vài người trong nhóm đi trước, sau đó nhận ra họ chẳng liên quan gì tới nhau cả, chỉ là cách ăn mặc tựa tựa nhau mà thôi. Vấn đề chính không nằm ở chỗ những items đó không đẹp, chúng đẹp và hợp mốt, nhưng chúng phổ biến và được áp dụng đều đều tới mức không ít người dần xem đó là một công thức chưng diện chung. Tức rất nhiều người trẻ quên mất liệu công thức đó có phù hợp với mình hay không, họ quên cân nhắc tới các yếu tố cơ bản tạo nên bản sắc riêng như: dáng người, sắc tố da, tính cách, thẩm mỹ mà chỉ áp dụng nó một cách rập khuôn. Dẫn đến việc khi nhìn vào một nhóm người chọn lối ăn vận gần như nhau, bạn sẽ khó nhận biết ai là ai và càng khó để đoán được nét tính cách riêng, cũng như tìm ra sự khác biệt trong phong cách thời trang của họ.
Vì sao Fashion Identity cá nhân lại có tác động trực tiếp đến bản sắc cộng đồng?
Đến nay, khi bản sắc thời trang Việt Nam được nhắc đến bởi bạn bè quốc tế, những gì họ thường đề cập là vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống và giá trị văn hoá lâu đời của áo dài. Điều đó phần nào thể hiện quy mô và sức ảnh hưởng của thời trang trẻ nước ta hiện vẫn chưa tạo ra nhiều đột phá và độ nhận diện còn hạn chế. Chúng ta cần thêm thời gian và nỗ lực hơn để viết tiếp câu chuyện bản sắc, thông qua ngôn ngữ tinh tế của thời trang hiện đại.
Để thực hiện được giấc mơ chung ấy, cá nhân những bạn trẻ yêu thời trang cần học cách bộc lộ bản sắc riêng của mình trước. Hãy thử đi sâu vào bên trong chính mình để tìm hiểu mọi ngóc ngách giúp hình thành nên cái tôi, nét đặc trưng, phong cách sống, lối hành xử, thói quen và vẻ đẹp riêng mà bạn đang sở hữu. Thay vì chỉ mặc đúng những bộ áo quần như thường lệ, khoanh vùng bản thân trong một phong cách cố định. Tại sao ta không làm khác đi một chút? Cho phép bản thân được chơi đùa với thời trang nhiều hơn, khám phá những khía cạnh thú vị của chính bạn khi diện một phong cách hoàn toàn lạ so với thường ngày, thêm ở đây một chút, bớt ở kia một chút, đừng ngại thử và trải nghiệm. Đôi khi trong hành trình đi tìm bản sắc, bạn sẽ bắt gặp mình trong hình dáng một cô/ cậu bé ngây ngô nhưng lại tận hưởng cuộc sống đến lạ kỳ. Đó mới chính là đích đến mà khái niệm Fashion Identity đang cố gắng thuyết phục các tín đồ thời trang đi theo.
Một cộng đồng khắc hoạ được bản sắc, khi từng cá thể trong đó tìm thấy bản sắc riêng của họ và hướng đến cùng một sứ mệnh chung. Mỗi cá nhân có thể mang bản sắc thời trang khác nhau, vì cách chúng ta thể hiện và phản ứng với mọi thứ xung quanh đều không giống nhau, việc ăn mặc cũng nên như vậy. Fashion Identity không hề là khái niệm áp đặt chúng ta phải tạo dựng duy nhất một bản sắc cho cả một cộng đồng. Thay vào đó, khái niệm này tôn vinh vẻ đẹp của từng bản sắc riêng và từ đó “hiệu ứng đám đông” dần được hình thành. Hãy đặt trường hợp khi một người ngoại quốc nêu cảm nhận đầu tiên của họ về thời trang Việt, họ sẽ đánh giá dựa trên các nhân tố đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực này nhất: thế hệ trẻ (tiêu biểu là Gen Z và Millennials), sau đó mới đúc kết cái nhìn về bản sắc chung của cộng đồng.
Việt Nam hiện đang tích cực cổ vũ và nuôi dưỡng ước mơ vươn ra thế giới của rất nhiều tài năng trẻ (nhà thiết kế, stylist, fashionista, model…). Với sự dẫn dắt của những người tiền nhiệm, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào thế hệ trẻ – người sẽ đem bản sắc thời trang nước nhà lan toả rộng rãi đến bạn bè quốc tế. Để rồi ngày nào đó, khi nhắc đến khái niệm Fashion Identity, chúng ta đều có thể tự hào mô tả về một nền thời trang hiện đại, vẫn mang đậm bản sắc dân tộc nhưng được tô thêm bằng những gam màu tươi mới. Nhờ sự đồng lòng của cộng đồng những người sở hữu bản sắc cùng cá tính độc đáo, đã chung tay hoạ nên một phong cách thời trang rất riêng và rất Việt.
Thực hiện: Chi Hảo