Thuyết trình đỉnh cao cho người không biết gì
Mới học thuyết trình cũng giống như một đứa trẻ bắt đầu học chữ, phải gom nhặt từng nét, tập từng đường khủy tay cho uyển chuyển rồi chắp bút ghép chúng thành những câu chữ có nghĩa. Nghe đơn giản nhưng lại chưa từng dễ dàng với bất kỳ đứa trẻ nào. Học thuyết trình với những người không biết gì cũng chẳng khác là bao. Phải học từng cử chỉ, nhấn nhá âm giọng mỗi quãng mỗi khác rồi lại miệt mài chắt lọc nội dung sao cho thu hút nhất.
Do không có kinh nghiệm thuyết trình, chúng ta thường nhờ cậy đến những công cụ tìm kiếm rồi đặt cả hy vọng vào đấy với niềm tin rằng các nền tảng internet sẽ dạy cho chúng ta những bài học đắt giá nhất trên đời. Không thể phủ nhận rằng Google mang lại nguồn tri thức vô tận, nhưng riêng về lĩnh vực thuyết trình, đây thực chất lại đa phần chỉ là những kỹ thuật khó có khả năng áp dụng thực tế.
Dưới đây là những sự thật về cách thuyết trình ấn tượng cho người không biết gì.
Tập hít thở sâu/kiểm soát nỗi sợ không làm ta hết lo lắng khi thuyết trình trước đám đông
Các nhà khoa học đã ước tính rằng, hơn 75% dân số thế giới đều đã từng trải qua các mức độ lo lắng, căng thẳng khi phải nói trước đám đông. Trên thực tế, các cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng hầu hết mọi người đều đánh giá nỗi sợ hãi khi nói trước đám đông còn khủng khiếp hơn là sợ cái chết. Nghĩa là nỗi sợ hãi luôn thường trực mỗi khi chúng ta phải đứng trước nhiều người.
Điều này xuất phát từ lịch sử và tập tính xa xưa của loài người. Do đó, chỉ bằng việc hít thở sâu hay cố che giấu nỗi sợ không giúp chúng ta cảm thấy tự tin hơn. Chúng ta cần hiểu về bản chất và nguồn cội của nỗi sợ để bình thường hóa sự xuất hiện của chúng mỗi khi bắt đầu bài thuyết trình thay vì tìm cách trốn chạy.
Chính vì lẽ đó, các phương pháp bề nổi như hít thở sâu hay cố gắng kiểm soát giọng nói vốn không hữu dụng trong thực tế, không đủ sức mạnh để giúp một người không biết gì có thể thuyết trình một cách trơn tru.
Học thuộc lòng là kỹ thuật phá hỏng bài thuyết trình
Độ chuyên nghiệp khi thuyết trình được đánh giá một phần qua cách thức người nói thể hiện. Phần trình bày của họ có phụ thuộc quá nhiều vào tài liệu chuẩn bị sẵn hay dựa trên sự thấu hiểu của bản thân về chủ đề? Một người chuyên nghiệp là khi trình bày, họ có thể nói trôi chảy, rành mạch mà không cần phụ thuộc vào bất cứ phương tiện hỗ trợ nào. Họ có sự chuẩn bị và có sự thấu hiểu với những gì mình nói.
Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa việc thấu hiểu vấn đề và học thuộc lòng nội dung.
Thấu hiểu xuất phát từ sự cảm nhận và trải nghiệm bên trong thông qua quá trình suy nghĩ và vận dụng về vấn đề đó. Còn học thuộc lòng đơn giản là đọc lưu loát lại mặt câu chữ, không có chiều sâu về kiến thức. Nếu cố gắng học thuộc để thuyết trình, bài nói rất nhanh sẽ gặp phải tình trạng “bị khớp”, quên chữ đầu, quên luận điểm tiếp theo…
Carol Roth - một diễn giả nổi tiếng, tác giả cuốn sách bán chạy The Entrepreneur Equation của The New York Times cho rằng “Học thuộc lòng là một cách thuyết trình dở tệ. Việc thuộc lòng khiến bạn bị phụ thuộc vào trí nhớ, vào những điều được ghi sẵn khiến giọng của bạn không còn tự nhiên, thậm chí tạo cảm giác bối rối, hoảng loạn và một không khí im lặng bao trùm nếu bạn đột ngột “quên bài””.
Học thuộc lòng là kỹ thuật dễ dàng nhất để phá hỏng phong thái của diễn giả khi thuyết trình. Vì thế, đừng chú trọng học thuộc mặt câu chữ nếu bạn muốn có một bài thuyết trình hoàn hảo. Vì thuyết trình đòi hỏi sự thấu hiểu và tư duy không ngừng từ người nói.
Đầu tư Powerpoint là không đủ để che lấp khuyết điểm về mặt kỹ năng thuyết trình
Powerpoint được biết xem phương tiện hỗ trợ cho bài nói nhưng không nên ưu tiên chú trọng nhiều ở giai đoạn đầu vì chỉ Powerpoint là không đủ để bù đắp những thiếu sót về mặt kỹ năng.
Với bản trình chiếu hấp dẫn, khán giả sẽ bị thu hút. Tiếc rằng đó chỉ là sự thu hút ban đầu. Powerpoint chỉ là một kênh, một công cụ phụ trợ và không mang tính quyết định đến sự thành công của bài nói. Cách để duy trì thiện cảm và kết nối với người nghe lại phụ thuộc chính vào khả năng và kỹ năng của diễn giả.
Trong buổi chia sẻ về diễn thuyết, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc điều hành Học viện Kỹ năng VTALK từng khẳng định rằng: “Powerpoint là kỹ năng sân khấu chứ không phải là giá trị của một bài thuyết trình”. Kỹ năng thuyết trình vốn phải được xây dựng một cách bài bản và dựa trên việc rèn luyện thực tế chứ không thể hình thành trong ngày một, ngày hai.
Lạm dụng ngôn ngữ cơ thể sẽ đánh mất đi tính chuyên nghiệp của diễn giả
Chúng ta đã nghe quá nhiều về lợi ích và sức ảnh hưởng to lớn của ngôn ngữ cơ thể đối với bài diễn thuyết của mình. Tuy nhiên, khoảng cách giữa việc vận dụng kỹ năng và lạm dụng ngôn ngữ hình thể là rất mong manh.
Ngôn ngữ cơ thể nếu được vận dụng đúng lúc, đúng tình huống sẽ cho ra hiệu quả rất mạnh. Nhưng nếu bị sử dụng sai mục đích hay lạm dụng một cách quá đà, chúng sẽ mang phản ứng ngược rất tiêu cực cho bài thuyết trình.
Đơn giản như việc di chuyển khi thuyết trình. Chúng ta phải xác định rõ mục đích của việc di chuyển là gì, là để tăng tính kết nối với khán giả hay mang tính chuyển đổi cho các luận điểm trong bài nói. Và cả nhịp điệu di chuyển cũng cần thống nhất với thông điệp và tiết tấu của bài, tránh gây cảm giác gượng gạo khi trình bày. Cũng là ngôn ngữ cơ thể, nhưng nếu lạm dụng, người nói sẽ gặp phải hành vi cực kỳ tồi tệ là di chuyển liên tục đến chóng mặt suốt cả bài thuyết trình, vừa tạo cảm giác thiếu chuyên nghiệp vừa làm giảm độ tập trung và tin cậy của bài nói.
Chính vì vậy, để bắt đầu thuyết trình, thật sự phải có môi trường và nơi rèn luyện. Hiện nay có rất nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng như Kỹ năng nói MVP, Học viện kỹ năng VTALK… Chúng ta không thể đòi hỏi một đứa trẻ chỉ học thuộc các quy tắc máy móc, mà phải biết diễn giải hay suy luận sâu sắc về bài học của mình.
Để nắm bắt được kỹ năng thuyết trình thì dù là người không biết gì hay đã từng biết về thuyết trình cũng phải học và luyện tập một cách hệ thống, có sự trải nghiệm và đúc kết từ thực tế. Vì thuyết trình cần kỹ năng và vốn sống của mỗi người.